100 ngày đầu của ông Biden

Karl Marx viết “lịch sử bao giờ cũng diễn lại hai lần.”

07:00 16/04/2021

Nếu như vậy thì 100 ngày đầu của ông Joseph R. Biden có thể nói là lặp lại 100 ngày của Franklin Delano Roosevelt. Với một chút kỷ luật trong đảng Dân Chủ tại Quốc Hội, và một số cơ hội may mắn, Tổng Thống Biden có hy vọng có thể lặp lại thành tích 100 ngày nổi bật của Tổng Thống Roosevelt.

Tổng Thống Joe Biden dành $2,000 tỷ cho chương trình đầu tư Hạ Tầng Cơ Sở (American Jobs Plan), không chỉ vào đường sá và cầu cống mà còn cả hệ thống nước, mạng lưới điện… Trong hình, một cây cầu đang xây dựng hôm 14 Tháng Tư trên đường Chestnut Street ở Philadelphia. (Hình minh họa: AP Photo/Matt Rourke)

Với một chương trình chích ngừa lớn nhất, mau nhất trên thế giới và việc ký ban hành đạo luật kích thích kinh tế $1,900 tỷ, Tổng Thống Biden đã bước được một bước đầu khả quan trong việc này. Nhưng mục tiêu lớn hơn của ông là thay đổi hẳn nước Mỹ, đưa nước Mỹ đi vào một chiều hướng mới.

Giống như ông Roosevelt hiểu rằng ý thức hệ “laissez-faire” của thập niên 1920 không còn có công hiệu gì trong việc xây dựng nước Mỹ nữa thì nay ông Biden cũng thấy ý thức hệ tư bản thị trường của thời Tổng Thống Reagan không còn có thể tái xây dựng nước Mỹ.

Cái “New Deal” của ông Roosevelt là một khế ước xã hội mới giữa nhà nước và dân chúng với một định nghĩa mới về trách nhiệm của nhà nước với người dân trong trường hợp xã hội có vấn đề mà người ta không giải quyết được.

Trước ông Roosevelt, giải quyết thất nghiệp và cứu trợ cho những người đói khổ là trách nhiệm của các cộng đồng địa phương. Ông Roosevelt chuyển trách nhiệm đó cho chính phủ liên bang bất chấp những chỉ trích rằng ông đã mở rộng quá lố. Giống như ông Biden hiện nay, ông biện luận rằng nguy cơ ở chỗ làm quá ít chứ không phải làm quá nhiều: “Thà rằng bị cái lỗi lầm đôi khi xảy ra của một chính phủ có tinh thần nhân ái còn hơn là cái bỏ sót thường xuyên của một chính phủ băng giá trong cái thờ ơ của mình.”

Đó là lời của ông Roosevelt khi trả lời những người chỉ trích.

Trọng tâm của chính sách nội bộ của ông Biden giống hệt như là ông Roosevelt: công ăn việc làm và hạ tầng cơ sở. Chương trình “New Deal” của ông Roosevelt tạo ra 20 triệu công ăn việc làm, xây dựng 39,000 trường học mới, 2,500 bệnh viện, 325 phi cảng cùng với trên một chục ngàn các dự án nhỏ hơn nữa. Tuy rằng nó không kéo được nước Mỹ ra khỏi thời Đại Khủng Hoảng, nhưng nó là cơ sở cho cuộc phát triển vượt bực của nước Mỹ trong giai đoạn sau đó.

Chương trình “New Deal” của ông Biden – Build Back Better – nhằm phục hồi và cải thiện hệ tầng cơ sở vật chất mà ông Roosevelt đã làm bước khởi đầu. Nhưng nó cũng thêm một điều khoản nữa trong khế ước xã hội của ông Roosevelt. Nó bao gồm một “hạ tầng cơ sở dịch vụ,” phần mà kinh tế Mỹ không thể tự động hóa hoặc mang ra nước ngoài: việc chăm sóc cho người già, trẻ em và người tật nguyền.

Là một vị tổng thống có tài chính trị, ông Roosevelt biết phải làm sao để các đề nghị của mình có thể tạo ra một động thái kéo theo các đề nghị tiếp theo. Ông chia chương trình “New Seal” thành ba mục tiêu: “Cứu trợ” (Relief), “Phục hồi” (Recovery) và “Cải tổ” (Reform). Và ông Biden về căn bản cũng đi theo tiến trình này.

“Cứu trợ” qua đạo luật khổng lồ American Rescue Plan đã vừa được thông qua.

“Phục hồi” thì được chia làm hai chương trình. Chương trình đầu tư Hạ Tầng Cơ Sở (American Jobs Plan) trị giá hơn $2,000 tỷ tuy rằng chính phủ không trực tiếp thuê người như thời 1930 nhưng qua các nhà thầu, chính phủ sẽ đầu tư không phải chỉ vào đường sá và cầu cống mà còn cả hệ thống nước, mạng lưới điện và “broadband” cho các vùng quê (tương đương với chương trình điện hóa nông thôn của ông Roosevelt năm 1936).

Phần thứ hai của mục tiêu phục hồi tập trung vào tài nguyên nhân sự có tên là “American Families Plan” sẽ đầu tư khổng lồ vào giáo dục, y tế và chăm sóc trẻ em. Đây là một chương trình chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi, ta xem có thể nào chính quyền Biden thuyết phục được ít nhất là 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu cho chương trình này hay không.

Cả hai chương trình này được dự trù sẽ được tài trợ từ thuế ít nhất là một phần. Phần thứ nhất sẽ do các công ty tài trợ qua việc tăng thuế lợi tức công ty cũng như loại bỏ những lỗ hỏng giúp công ty tránh không đóng thuế tại Mỹ. Phần thứ hai do việc tăng thuế lợi tức đánh vào những nhà giàu, những người có thu nhập trên $400,000 một năm.

Phần thứ ba “Cải tổ” thì khó khăn hơn nhiều. Ngay bây giờ, muốn cải tổ luật bầu cử, di dân và sử dụng súng đều đòi hỏi phải có ít nhất là 10 người Cộng Hòa ủng hộ, một điều khó có thể xảy ra trừ khi hủy bỏ thủ tục “filibuster” cho phép những người chống đối kéo dài thời giờ tranh cãi cho đến khi có đủ 60 phiếu kết thúc thảo luận để bỏ phiếu.

Dù số phận của các chương trình của ông Biden ra sao, vấn đề quan trọng ở đây là liệu ông có tạo ra một bước ngoặt chính trị và tâm lý so với quá khứ như ông Roosevelt đã làm hay không? Để thực hiện đuợc một thay đổi vĩnh cữu như ông Roosevelt đã làm, ông Biden cần không những phải thực hiện được những chương trình này mà còn phải làm sao kết nối được chúng với việc phục sinh của tinh thần công dân Mỹ. Ông Roosevelt tuyên bố: “Ngôi vị tổng thống là nơi dành cho sự lãnh đạo đạo đức.” Và đó là một điều mà ông Biden cần phải làm cho người ta thấy rõ sau sự suy thoái đạo đức của triều đại Donald Trump.

Bất kể tương lai như thế nào, ông Biden nay là người thừa kế đầu tiên của ông Roosevelt trong nghị trình cấp tiến của nước Mỹ kể từ thời Tổng Thống Lyndon Johnson. Các tổng thống Dân Chủ khác, ông Jimmy Carter lên nắm quyền vào lúc ý thức hệ cấp tiến đã mỏi mệt; ông Bill Clinton thì theo thời; còn ông Barack Obama thì bị buộc phải chiều theo đám diều hâu Cộng Hòa chống thiếu hụt ngân sách.

Ông Biden có may mắn được bầu lên vào lúc mà theo sử gia Arthur Schlesinger Jr. gọi là “Lịch sử Mỹ bước sang một chu kỳ mới quay sang tả.” Chúng ta hãy chờ xem ông có phung phí di sản của ông Roosevelt hay là xây dựng một nước Mỹ mới trên nền tảng đó.

Marx nhận xét lịch sử diễn lại hai lần, nhưng nếu lần đầu là bi kịch thì lần sau là một trò hề. Chúng ta hy vọng rằng kết quả lần này sẽ khác hẳn với lời nói của Marx. [qd]

Tags:
Nữ du học sinh xinh đẹp từng nhận học bổng toàn phần 4 tỷ của ĐH Mỹ: “Không phải cứ có học bổng là sẽ du học thuận lợi“

Nữ du học sinh xinh đẹp từng nhận học bổng toàn phần 4 tỷ của ĐH Mỹ: “Không phải cứ có học bổng là sẽ du học thuận lợi“

Nhiều bạn bè của Ngọc Mai sau khi nhận học bổng và đi Mỹ du học mới nhận ra mình không phù hợp. Còn Ngọc Mai, cô bạn cảm thấy thế nào? Hãy theo dõi những chia sẻ của cô bạn trong bài viết dưới đây nhé!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất