13 lần thay đổi nhân sự gây ồn ào trong chính quyền Trump

Một số quan chức phải ra đi do bất đồng quan điểm với Trump, số khác từ chức vì những rắc rối cá nhân.

02:00 23/12/2018

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, "bạn bị sa thải" đã là câu nói thương hiệu gắn với Trump, khi ông loại các thí sinh trong chương trình truyền hình Người tập sự.

Mới đi được một nửa nhiệm kỳ, chính quyền của ông đã có 13 lần thay đổi nhân sự nổi bật. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là người xin từ chức gần đây nhất.

Tướng về hưu Michael Flynn là người đầu tiên ra đi trong chính quyền Trump, khi chỉ đảm nhận vị trí cố vấn an ninh quốc gia 24 ngày, từ 23/1 đến 13/2/2017. Flynn từ chức sau khi có thông tin rằng ông đã lừa dối FBI và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về bản chất và nội dung liên lạc của ông với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.

Đầu tháng 12/2017, Flynn nhận tội khai man với FBI. Ông đang hợp tác với cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Người kế nhiệm Flynn là tướng H.R. McMaster, từng được Trump ca ngợi là "người rất tài năng và giàu kinh nghiệm". Tuy nhiên, McMaster sau đó có nhiều bất đồng với Trump. Sau khi hai người thống nhất rằng Trump cần một đội ngũ mới, Tổng thống hồi tháng 4 bổ nhiệm John Bolton, người nổi tiếng là cứng rắn trong chính sách đối ngoại, để thay thế ông.

Cựu giám đốc FBI . Ảnh: AFP.

Cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AFP.

Một trong những cuộc ra đi ồn ào nhất là Giám đốc FBI , người giữ chức từ thời Obama. Ngày 9/5/2017, ông đang trò chuyện với các nhân viên thì biết tin mình bị sa thải qua TV. Nhà Trắng khẳng định Comey đã mất đi sự ủng hộ từ nhiều thành viên FBI, khiến họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là sa thải ông.

Comey đã có hành động gây tranh cãi là mở lại cuộc điều tra bê bối sử dụng email cá nhân của Hillary Clinton chỉ hai tuần trước ngày bầu cử năm 2016. Comey cũng bị đảng Cộng hòa chỉ trích nặng nề sau khi họ phát hiện ông đã bắt đầu soạn thảo lá thư miễn truy cứu trách nhiệm bà Clinton trước khi cuộc điều tra hoàn tất.

Sau khi bị sa thải, Comey nhờ một người bạn nói với báo chí về bản ghi nhớ mà ông đã viết sau cuộc gặp riêng với Tổng thống ngày 14/2, tại đó, Trump yêu cầu ông chấm dứt cuộc điều tra của FBI về Michael Flynn. Vụ bãi nhiệm và bản ghi nhớ đã được một số nhà bình luận coi là bằng chứng Trump cản trở công lý và được xem xét trong cuộc điều tra của Robert Mueller.

Sean Spicer, quan chức đảng Cộng hòa giàu kinh nghiệm, từ chức vào ngày 21/7/2017 sau 7 tháng giữ vị trí phát ngôn viên Nhà Trắng, sau khi Trump bổ nhiệm Anthony Scaramucci làm giám đốc truyền thông Nhà Trắng. Spicer cho rằng Scaramucci, một thương nhân ở Phố Wall, không có kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ truyền thông. Mặc dù được Trump thuyết phục ở lại, Spicer vẫn nhất quyết ra đi.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus, đồng minh trung thành của Trump trong chiến dịch tranh cử, đã được Tổng thống chọn vào làm chánh văn phòng Nhà Trắng ngay sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài 7 tháng. Ông từ chức vào ngày 27/7/2017, sau khi Anthony Scaramucci ám chỉ Priebus làm rò rỉ thông tin nội bộ trong Nhà Trắng. Người thay thế ông là Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John F. Kelly.

Ngay vào ngày nhậm chức, Kelly đã sa thải Anthony Scaramucci, khiến ông chỉ giữ chức giám đốc truyền thông vỏn vẹn 10 ngày. Kelly nói rằng ông muốn được "thanh lọc" và "xây dựng đội ngũ của riêng mình". Người thay thế Scaramucci là Giám đốc Truyền thông Chiến lược Hope Hicks.

Với ngoại hình xinh đẹp, Hope Hicks đã được chú ý từ khi cô làm phụ tá cho Trump trong chiến dịch tranh cử. Ngày 27/2, cô thừa nhận trước quốc hội rằng đã nhiều lần "nói dối vô hại" để tốt cho Trump. Một tháng sau, cô từ chức và được thay thế bằng cựu chủ tịch Fox News Bill Shine.

Cựu giám đốc truyền thông  Hope Hicks. Ảnh: AFP.

Cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Hope Hicks. Ảnh: AFP.

Sau khi John Kelly trở thành chánh văn phòng, Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon, người theo chủ nghĩa dân túy và ủng hộ quan điểm bảo thủ, ngày càng bị cô lập trong Nhà Trắng. Bannon cũng có quan điểm trái ngược với Trump về vấn đề Triều Tiên. Ông rời ghế vào ngày 18/8/2017.

Trump dành những lời khen ngợi cho Bannon và cảm ơn ông vì những đóng góp cho chiến dịch. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai người rạn nứt trầm trọng vào đầu năm nay, khi một cuốn sách dẫn lại lời cáo buộc của Bannon rằng Donald Trump Jr., con trai Tổng thống Mỹ, có hành động phản quốc vì gặp mặt nữ luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya hồi tháng 6/2016. Bannon cho rằng trước đề nghị gặp mặt từ phía Nga, Trump Jr. nên gọi ngay cho FBI thay vì dự cuộc gặp.

Trump sau đó tức giận và chỉ trích nặng nề cựu chiến lược gia trưởng. "Ông ta không chỉ mất việc mà còn mất trí", Trump nói ngày 4/1. Ba ngày sau, Bannon xin lỗi Trump, tuyên bố luôn ủng hộ Tổng thống và chương trình nghị sự của ông.

Chánh văn phòng John Kelly cũng không trụ lại lâu. Ông được cho là có bất hòa với các trợ lý thân cận khác của Trump. Mick Mulvaney, người đang đứng đầu văn phòng quản lý ngân sách Nhà Trắng, tháng này được chọn làm quyền chánh văn phòng.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP.

Khi Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, nhậm chức ngoại trưởng vào tháng 2/2017, nhiều người đã nghi ngờ vì Tillerson không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ và lĩnh vực ngoại giao. Quan hệ kinh doanh của ông với Nga cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, Trump bác bỏ những nghi ngờ này và hết lòng ca ngợi Tillerson: "Rex biết cách vận hành một doanh nghiệp toàn cầu, vốn là điều cốt yếu để quản lý thành công Bộ Ngoại giao. Quan hệ của ông với các lãnh đạo toàn thế giới cũng không đứng sau bất kỳ ai".

Tuy nhiên, hồi tháng ba, Trump sa thải Tillerson và thay thế ông bằng giám đốc CIA Mike Pompeo, chỉ ra rằng sự bất đồng ý kiến giữa hai người là nguyên nhân dẫn đến quyết định. "Khi xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi thấy nó thật tồi tệ nhưng ông ấy lại thấy ổn. Tôi muốn xóa bỏ hoặc làm gì đó, ông ấy lại nghĩ khác. Chúng tôi không có chung suy nghĩ", Tổng thống nói.

Khác với những quan chức kể trên, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, người giữ chức từ ngày 27/1/2017, nhìn chung rất được lòng Trump. Ông nhiều lần khen ngợi công việc của bà và gọi bà là "một người rất đặc biệt" khi Haley hồi tháng 10 thông báo sẽ rời ghế vào cuối năm.

Đại sứ không nói rõ lý do nghỉ việc mà chỉ cho biết bà muốn dành thời gian nghỉ ngơi. Giới chuyên gia suy đoán bà có thể cảm thấy mình bị lép vế sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được bổ nhiệm hoặc bà có thể muốn tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn để trang trải chi phí học hành cho hai con.

Một số người còn cho rằng sự ra đi của Haley liên quan đến yêu cầu của nhóm giám sát Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức Làm việc (CREW) ở Washington là điều tra các chuyến bay riêng của bà được tài trợ bởi các lãnh đạo doanh nghiệp ở Nam Carolina, trị giá khoảng 24.000 USD.

Tháng 11, Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người từng là cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử năm 2016. Việc Sessions tháng 3/2017 rút khỏi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã mở đầu cho bước trượt dài trong quan hệ của ông với Tổng thống. Ông làm vậy theo khuyến nghị của các trợ lý vì tình báo Mỹ phát hiện ông từng hai lần gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak năm 2016.

Động thái này khiến Trump bực bội vì ông muốn có một người trung thành với mình giám sát cuộc điều tra. Trump vài lần yêu cầu Sessions đảo ngược quyết định nhưng ông từ chối. Sessions cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein thẩm quyền giám sát cuộc điều tra được thực hiện bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Trump nhiều lần chỉ trích Sessions trên mạng xã hội và các bình luận công khai. Trong cuộc phỏng vấn với NYTimes, Trump nói rằng nếu biết trước Sessions sẽ rút khỏi cuộc điều tra thì Trump đã không chọn ông làm bộ trưởng tư pháp.

James Mattis (phải) và Trump tại New Jersey ngày 19/11/2016. Ảnh: AFP.

James Mattis (phải) và Trump tại New Jersey ngày 19/11/2016. Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đầu tiên được chọn vào nội các sau khi Trump đắc cử, ngày 20/12 thông báo ông sẽ rời nhiệm sở vào tháng 2/2019. Mattis có bất đồng quan điểm với Trump về một loạt vấn đề như việc Mỹ rút quân khỏi Syria, quan hệ với đồng minh, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Vì ngài có quyền có một Bộ trưởng Quốc phòng đồng quan điểm với mình, tôi tin rằng việc tôi từ chức là đúng đắn", Mattis viết trong bức thư gửi Trump.

Ngoài những gương mặt kể trên còn có một số quan chức ra đi lặng lẽ hơn như Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Tom Price, Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke và Giám đốc Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ Mick Mulvaney.

Thay đổi nhân sự trong các đời chính quyền Mỹ. Đồ họa: Brookings.

Thay đổi nhân sự trong các đời chính quyền Mỹ. Đồ họa: Brookings.

Theo thống kê của Viện Brookings, số lượng thành viên nội các thay đổi của Trump trong năm thứ nhất và thứ hai cao hơn cả ba người tiền nhiệm. Tổng số thay đổi trong nửa nhiệm kỳ của Trump đã vượt qua tổng số thay đổi trong cả nhiệm kỳ của George W. Bush và Obama.

Trump thể hiện rõ ràng rằng người duy nhất không thể thay thế trong chính quyền Trump không là ai khác ngoài Trump.

"Để tôi nói cho bạn rõ, người quan trọng nhất là tôi", Trump nói với Fox News trong cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2017. "Tôi là người duy nhất quan trọng, tôi là người quyết định chính sách".

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
CNN kiện Trump và một loạt quan chức Mỹ vì cấm cửa phóng viên

CNN kiện Trump và một loạt quan chức Mỹ vì cấm cửa phóng viên

Hãng tin Mỹ cáo buộc Nhà Trắng vi phạm những quyền được quy định trong hiến pháp khi cấm cửa một phóng viên của họ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất