38 phút nghẹt thở ở Hawaii sau báo động tên lửa giả

Báo động tên lửa giả khiến Hawaii rơi vào hoảng loạn trong 38 phút, nhiều người thậm chí đã nhắn tin nói lời từ biệt với gia đình, bạn bè.

21:00 15/01/2018

Tin nhắn cảnh báo tên lửa mà người dân Hawaii nhận được. Ảnh: Twitter.

Tin nhắn cảnh báo tên lửa mà người dân Hawaii nhận được. Ảnh: Twitter.

8h09 sáng 13/1, Jocelyn Azbell vừa tỉnh dậy trong phòng tại khách sạn Maui trên đảo Hawaii, Mỹ, thì nghe thấy tiếng thúc giục ngoài hành lang, yêu cầu cô nhanh chóng tìm nơi trú ẩn vì sắp có tên lửa đạn đạo tấn công.

"Bạn nghĩ, 'Chúa ơi, chúng ta sẽ chết hết ư? Liệu có phải một tên lửa thật sự đang nhắm tới không hay đây chỉ là một cuộc thử nghiệm", CNN dẫn lời cô gái 24 tuổi nói. "Chúng tôi quả thật không hiểu chuyện gì nữa".

Vài phút trước, Azbell nhận được một tin nhắn báo động trên điện thoại. "Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang hướng về Hawaii. Hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải một cuộc diễn tập", tin nhắn viết.

Azbell cùng bạn trai và hàng trăm người khác bị nhân viên khách sạn "lùa như đàn bò" tới sảnh chính. "Nhiều người khóc lóc và họ rõ ràng đang vô cùng hoảng sợ", Azbell miêu tả.

Cả hòn đảo rơi vào hoảng loạn. Nhưng sau 38 phút, một thông báo khác hiện lên: "Không có mối đe doạ hay nguy hiểm nào với bang Hawaii. Nhắc lại. Báo động giả". Cả hòn đảo thở phào. Tất cả sự việc bắt nguồn từ sai sót của một nhân viên chính quyền. Anh ta "bấm sai nút", Thống đốc bang Hawaii David Ige cho hay.

Azbell kể trong khoảng 20 phút, họ chỉ biết chờ đợi. Cuối cùng, họ được thông báo rằng báo động là giả. Mọi người có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Azbell chia sẻ lúc bấy giờ, cô cảm thấy "siêu nhẹ nhõm". "Hawaii rất đẹp nhưng đây không phải nơi tôi muốn chết", cô nói.

Nếu một tên lửa phóng từ Triều Tiên nhắm vào Hawaii, 1,4 triệu dân trên hòn đảo sẽ chỉ có khoảng 20 phút để phản ứng. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp bang đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống còi cảnh báo hạt nhân mới. Theo nhà chức trách, khi một cuộc tấn công như vậy xảy ra, người dân tốt nhất là nên ở yên trong nhà hoặc các hầm trú ẩn đến bao giờ nhận được thông báo an toàn.

Nhưng nhiều người trên đảo không phải cư dân địa phương mà là du khách. Họ đang nghỉ dưỡng và không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc phản ứng với tình huống bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Chỉ có trong trí tưởng tượng

Lúc nhận được cảnh báo, bà Ruth Goldbaum và gia đình đang ở trên đảo Oahu. Bà vừa tới thăm cậu con trai phục vụ trong hải quân Mỹ. Họ chuẩn bị đi chèo thuyền trên vịnh Kaneohe, phía bắc hòn đảo.

"Bạn chỉ có thể tưởng tượng về điều này", bà Goldbaum nói. "Đó là ngày tất cả mọi thứ thay đổi, từ vui vẻ và thư giãn sang hoảng loạn và cảnh giác".

Goldbaum, 69 tuổi, và những người xung quanh nhanh chóng chạy tới một nhà chứa máy bay gần đó, "không biết rằng chúng tôi sẽ phải ở đây trong bao nhiều ngày, giờ hay phút nữa", bà chia sẻ. "Một số người nói 'Chúng ta có chiến tranh rồi'. Người khác thêm vào 'Cứ chờ xem chuyện gì tiếp theo'".

Sau khoảng 15 phút "nghẹt thở và thấp thỏm", họ bắt đầu truyền tay nhau dòng tweet từ hạ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard nói rằng báo động vừa rồi là giả. "Trong 15 phút đó, suy nghĩ của bạn thay đổi chóng mặt, từ việc cân nhắc có nên gọi cho mọi người thông báo chúng tôi vẫn an toàn không hay nên kể cho họ chuyện đang diễn ra đến nói lời từ biệt", bà Goldbaum cho hay.

Theo Goldbaum, những tranh cãi nảy lửa giữa Washington và Bình Nhưỡng đã đặt Mỹ vào "tình thế rất bấp bênh, bất ổn. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", bà nhấn mạnh.

Người bò dưới gầm bàn

Chồng Amy Pottinger là phi công không quân Mỹ đóng tại Hawaii. Họ cùng hai con sống trong một căn cứ quân sự trên đảo hơn một năm nay. Pottinger vẫn chưa nhìn thấy dòng thông báo tên lửa khi chồng cô gọi và báo rằng anh đang trên đường trở về nhà từ nơi làm việc.

Lúc điện thoại reo báo hiệu, chồng Pottinger đang ở trong quán cà phê thuộc căn cứ. Anh quyết định về nhà trong khi những người khác tìm nơi trú ẩn. "Họ bò dưới gầm bàn để trốn và chạy tới những tòa nhà trông có vẻ kiên cố", Pottinger kể lại lời chồng. Sau khoảng 5 phút, mọi người bắt đầu "nghi ngờ" có thể đây là một cảnh báo giả.

Khi được hỏi cô có tin căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ khiến mối đe dọa tên lửa đạn đạo càng trở nên nguy hiểm hơn không, Pottinger trả lời dứt khoát: "Chắc chắn là như vậy".

'Không biết phải đi đâu'

Kenyatta Hines là lính hải quân Mỹ và vừa chuyển tới Hawaii cách đây ba tuần để học trở thành giáo sĩ nhà thờ. Hines kể cô đang gội đầu trong bồn tắm thì nhận được cảnh báo. "Tôi nhảy khỏi bồn, đọc tin nhắn và cố gọi cho bạn trai đang đóng quân tại Trân châu Cảng".

Bấy giờ, điện thoại của cô không thể thực hiện cuộc gọi, "khiến tình hình càng trở nên căng thẳng", Hines cho biết. Cô không biết tiếp theo nên hành động ra sao. Hines đành tìm đến những người hàng xóm đã ở đây lâu hơn.

"Tôi và hàng xóm cố gắng quyết định xem nên đi tới nơi trú ẩn gần nhất bằng ôtô hay chạy bộ", Hines nói và thêm rằng cô cảm thấy mình "may mắn" khi hàng xóm của cô là người địa phương và họ biết chính xác cần làm gì.

Du khách hoảng hốt

Adnan Mesiwala đang du lịch Waikiki cùng gia đình để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 của cha anh.

"Sáng hôm đó, chúng tôi chuẩn bị ra bãi biển", Mesiwala kể. "Tôi có một em bé hai tháng tuổi. Gia đình tôi đang ở cùng nhau lúc nhận được cảnh báo. Chúng tôi hoàn toàn hoảng hốt".

Cả gia đình ở trên tầng 36 khách sạn Hyatt Regency. Khách sạn khuyến cáo mọi người nên ở yên trong phòng. "Đấy là một buổi sáng kinh hoàng", Mesiwala nói với kênh KHNL. "Vợ tôi òa khóc nức nở và không biết nên làm gì". Cha anh, ông Kutub Mesiwala, vừa đến tối hôm trước.

"Với môi trường chính trị mới như hiện nay, bạn biết đấy, chúng tôi thực sự nghĩ mọi chuyện là thật", ông Kutub cho biết.

Bấm nhầm nút

Bảng điện tử chạy dòng chữ Không có mối đe dọa nào ở Hawaii hôm 13/1 sau khi người dân nhận được báo động tên lửa giả. Ảnh: CBC.

Bảng điện tử chạy dòng chữ "Không có mối đe dọa nào" ở Hawaii hôm 13/1 sau khi người dân nhận được báo động tên lửa giả. Ảnh: CBC.

Khoảng 8h sáng ngày 13/1, một nhân viên thuộc Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Hawaii (HEMA) bắt đầu ca làm việc. Một trong những nhiệm vụ của anh ngày hôm đó là khởi động cuộc kiểm tra nội bộ hệ thống cảnh báo tên lửa khẩn cấp. Về cơ bản, anh sẽ kiểm tra việc gửi cảnh báo tên lửa tới người dân nhưng không thực sự gửi chúng đi.

HEMA đề ra quy trình này hồi tháng 11 năm ngoái, giữa lúc cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dâng cao.

Đến 8h05, nhân viên trên bắt đầu cuộc kiểm tra nội bộ, theo thời gian biểu do bang Hawaii cung cấp. Từ màn hình chương trình máy tính hiện ra hai lựa chọn: "Thử hệ thống cảnh báo tên lửa" và "Cảnh báo tên lửa". Anh đáng lẽ phải ấn vào nút bấm đầu tiên nhưng lại chọn nhầm nút thứ hai. Tin nhắn cảnh báo tên lửa vì thế lập tức được gửi đi trên toàn hệ thống.

Vũ Hoàng

Tags:
Xe bay lên không, cắm đầu vào tầng hai tòa nhà ở Mỹ

Xe bay lên không, cắm đầu vào tầng hai tòa nhà ở Mỹ

Một chiếc xe lao vào tầng hai tòa nhà văn phòng ở quận Cam, California, khiến hai người bị thương.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất