Ba cách Trung Quốc có thể đối phó với đòn áp thuế của Trump

Bắc Kinh có thể nhượng bộ và mua nông sản Mỹ, nhưng hoàn toàn có khả năng từ bỏ đàm phán trước lời đe dọa áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa của Trump.

21:00 03/08/2019

Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một quyết định mang tính sống còn trong 4 tuần nữa, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 đe dọa sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước này bắt đầu từ 1/9. Trước đó, chính quyền Trump đã áp thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Zhang Jun, phái viên Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ngày 2/8 mô tả động thái đánh thuế của Trump là "hành động phi lý, vô trách nhiệm" và tuyên bố "nếu Mỹ muốn chiến đấu thì chúng tôi sẽ chiến đấu". Ông cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp đối phó cần thiết nào để bảo vệ quyền cơ bản của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Thời điểm Trump tung ra lời đe dọa, chưa đầy 48 tiếng sau khi các cuộc đàm phán thương mại "mang tính xây dựng" ở Thượng Hải khép lại, có thể đang khiến Bắc Kinh choáng váng nên chưa công bố bất kỳ kế hoạch trả đũa cụ thể nào.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể áp dụng ba biện pháp đối phó với đe dọa áp thuế từ Mỹ. Thứ nhất, họ có thể nhân nhượng với Trump thông qua việc mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, đồng thời đồng ý với phần nào của phiên bản thỏa thuận từng bị hủy hồi tháng 5 để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán và khiến lời đe dọa đánh thuế từ Tổng thống Mỹ không trở thành hiện thực.

Lựa chọn khác cho Bắc Kinh là từ bỏ đàm phán trước lời đe dọa của Trump, đi ngược lại thỏa thuận đình chiến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ hồi tháng 6 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Đây giống như một cách để "gây áp lực tối đa", phá vỡ thiện chí và lòng tin.

Trung Quốc cũng có thể phản ứng bằng cách hủy các đơn hàng nông sản Mỹ đã đặt, tăng thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và đưa ra danh sách những "thực thể không đang tin cậy" nhằm trừng phạt các công ty Mỹ. Phương án này nhiều khả năng sẽ được áp dụng, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả và cảnh báo Washington "sẽ phải chịu mọi hậu quả".

Li-Gang Liu, nhà kinh tế Trung Quốc tại công ty tài chính Citigroup Global Markets Asia ở Hong Kong, đánh giá quyết định của đã biến ông thành một "đối tác đàm phán" không đáng tin cậy trong mắt Bắc Kinh.

"Khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi tháng 5, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn tới Washington tham gia các cuộc thảo luận... Thật khó để tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ làm điều này một lần nữa nếu Trump quyết tâm áp đòn thuế mới", Liu nói.

Zhou Xiaoming, cựu phó đại diện thường trực của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, nhận định kế hoạch thuế mới của Trump có nguy cơ làm "trật bánh" các cuộc đàm phán thương mại song phương vừa được nối lại. "Thật khó để nói liệu giới chức Trung Quốc có nên tới Washington vào tháng 9 như kế hoạch đã thống nhất hay không", ông cho hay.

Theo thông báo của cả Mỹ và Trung Quốc, các cuộc đàm phán ở Thượng Hải hôm 29 và 30/7 không đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào. Washington nói Bắc Kinh đã tái khẳng định cam kết mua nông sản Mỹ, nhưng Bắc Kinh lưu ý rằng những thương vụ như vậy cần có tiền đề và đòi hỏi những "điều kiện thuận lợi" từ phía Washington.

John Gong, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng động thái vừa qua của là một "chiến thuật thương thuyết" nhằm thúc ép Trung Quốc mua nông sản Mỹ.

"Nó sẽ không diễn ra cho tới 1/9, vẫn còn một tháng nữa", Gong nói. "Vẫn còn không gian để thảo luận và liệu hàng rào thuế quan có được thực thi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng".

Theo Larry Hu, người đứng đầu ban phân tích kinh tế Trung Quốc thuộc tập đoàn đầu tư Macquarie Group, Australia, các lựa chọn của Bắc Kinh đã bị thu hẹp bởi lời đe dọa từ Tổng thống Trump và giới lãnh đạo Trung Quốc buộc phải thích nghi với tình thế mới.

Tuy nhiên, Jiang Shan, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc "đủ mạnh mẽ để đối phó với bất cứ điều gì". "Mọi thứ rồi sẽ ổn. Kinh tế Trung Quốc không chững lại mà đang tái cấu trúc", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Tags:
Định cư ở nước ngoài – Ước mơ màu hồng và hiện thực tàn khốc

Định cư ở nước ngoài – Ước mơ màu hồng và hiện thực tàn khốc

Số người di cư trên thế giới liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2000 có 173 triệu người di cư tới nước khác, con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2017.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất