Bà cụ 91 tuổi suy ngẫm về "Nhân gian đáng giá": Cuộc sống thực ra không khó khăn như bạn tưởng!

Đời người, giống như một bàn ăn vậy, thanh đạm hay phong phú đều nằm ở bạn. Có người thích nhịp sống hối hả, náo nhiệt, đầy thử thách và vinh quang, có người lại cho rằng “mọi nỗ lực của tôi, chẳng qua cũng chỉ vì muốn sống một cuộc sống bình thường, êm ả”. Thực ra, mỗi một cách sống đều có những giá trị và sức hút riêng, còn sống ra sao, đều nằm ở lựa chọn của bạn.

07:00 20/09/2020

Mở tin tức ra xem, hôm nay là ai vừa ngồi ăn cơm vừa rơi lệ, hôm khác lại là ai ngồi suy sụp ở bến xe, nói mình quả thực không biết uống rượu nhưng lại cứ phải đi tiếp khách hàng, hôm sau lại có ai đó qua đời vì tăng ca trong thời gian dài, có người lại lựa chọn ra đi vì quá nhiều áp lực đè nén…

Đọc được những tin tức như vậy, chúng ta càng buồn bã, càng lo âu hơn. 

Những bài viết kiểu như "Những đứa trẻ không ô dù, phải nỗ lực chạy hết mình về phía trước", "Cắn răng nuốt nước mắt cũng phải kiên trì tới cùng", "Đừng để những người bạn bằng tuổi bỏ rơi" … đọc xong rồi có lẽ sẽ thấy được cổ vũ khích lệ rất nhiều, nhưng sau đó, lại là một biển mơ hồ.

Cuộc sống quả thực khó khăn như vậy ư? Chúng ta quả thực phải sống kiểu "ga hết mình" như vậy ư? Lò xo bị kéo căng quá lâu, nó sẽ mất đi tính đàn hồi, thậm chí có thể bị đứt, huống chi là một con người?

Vì vậy, lúc mệt quá, hãy nghỉ ngơi một chút, điều chỉnh lại trạng thái của mình, và cuốn "Nhân gian đáng giá" sẽ nói với bạn cách làm sao để giải tỏa áp lực, giúp bạn sống nhẹ nhõm hơn, đơn giản hơn.

Một trong hai tác giả của cuốn "Nhân gian đáng giá" là một bà lão người Nhật Bản chỉ cao 1,48m, nặng 40kg. Năm nay bà đã 91 tuổi, nhưng vẫn làm việc 4 ngày một tuần, kiên trì "cả đời không nghỉ hưu".

Tên của bà là Nakamura Tsuneko, bà sinh năm 1929, đã làm trong ngành y được 71 năm, là bác sỹ tâm lý cao tuổi nhất tại Nhật Bản. 

Cả đời bà, lớn thì là đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn vì nghèo đói và chiến tranh, tái thiết sau chiến tranh, khủng hoảng kinh tế… nhỏ thì là phải sống với người chồng nghiện rượu, khuyên mãi không thay đổi, con cái thì bệnh tật yếu ớt, một mình bà âm thầm nhẫn nhục nuôi gia đình.

Một người đã phải trải qua không biết bao nhiêu chông gai, khó khăn tận cùng của cuộc sống, trải qua gần 100 năm mưa gió bão bùng của cuộc đời lại nói với chúng ta rằng: nhân gian đáng giá! 

Bà có bí quyết gì để sống một cuộc đời thật an yên và đáng giá ấy?

Bà cụ 91 tuổi suy ngẫm về Nhân gian đáng giá: Cuộc sống thực ra không khó khăn như bạn tưởng! - Ảnh 1.

Bà Nakamura Tsuneko (phải) và tác giả còn lại của cuốn "Nhân gian đáng giá"

Về công việc: Về bản chất, con người là vì sinh tồn nên mới làm việc, đạo lý này từ cổ chí kim chưa bao giờ thay đổi

Công việc trước tiên là vì tiền, vì mưu sinh, đây là một điều rất vĩ đại, chúng ta không cần phải cảm thấy xấu hổ.

Nếu bạn không thích công việc này, tạm thời không tìm thấy ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, vậy thì cứ cố gắng hết sức đi, trước là nuôi mình, sau là nuôi cả nhà, dẫu sao thì cũng tốt hơn là không làm gì, chỉ biết ngồi đó mơ tưởng. 

Giá trị cuộc đời hay phát triển bản thân… mấy cái đó sau này từ từ rồi bàn cũng được.

Bà Tsuneko lựa chọn nghề y, thực ra ban đầu cũng không phải vì lý tưởng vĩ đại là cứu chữa loài người, chỉ là vì hồi nhỏ gia đình của bà quá nghèo, mẹ lại quá trọng nam khinh nữ, chú của bà khi đó nói rằng mình sẵn sàng lo học phí cho đứa nào muốn đi học y, vậy là bà nắm bắt cơ hội có thể nuôi sống mình này.

Bà làm việc trong ngành y 71 năm, cũng không có "dã tâm" gì, khi còn trẻ, mục tiêu làm việc chỉ là kiếm tiền nuôi con cái.

Lúc nên nghỉ hưu, vì bệnh viện cứ trì hoãn, rồi lâu dần, con cái cũng đã trở nên độc lập, công việc với bà lúc này không còn là gánh nặng cơm áo gạo tiền nữa, bà dần tìm được niềm vui trong đó, trở thành một bác sỹ tâm lý vô cùng được yêu thích, cho tới hiện tại bà vẫn đang làm việc.

Bệnh nhân của bà, dù là già hay trẻ, dù là người vô gia cư hay doanh nhân giàu có đều có được sự trị liệu về tâm hồn sau những lần nói chuyện tư vấn với bà. 

Thậm chí có nhiều người, suốt 20 năm trời đều có thói quen tìm tới bà tư vấn, xem bà như một người bạn tâm giao.

Bạn xem, từ một công việc cơm áo gạo tiền bình thường, lâu dần, nó trở thành ý nghĩa và giá trị cuộc đời của bà.

Bà Tsuneko không ủng hộ việc làm việc quá sức, bà cho rằng, làm việc với tư tưởng "góp ít sức mọn cho những người xung quanh" có lẽ sẽ tốt hơn. 

Nếu một công việc nào đó cần bạn phải hi sinh rất nhiều, hi sinh phần lớn thời gian, hi sinh cả giấc ngủ và cả sức khỏe, vậy thì thà là lựa chọn rời xa.

Đừng bao giờ đợi tới lúc cơ thể mệt mỏi rồi mới nghĩ tới chuyện đi hành động, hãy đưa ra mọi lựa chọn sáng suốt và đúng đắn khi mà cả thể lực và sức lực hoạt động tốt.

Bà cụ 91 tuổi suy ngẫm về Nhân gian đáng giá: Cuộc sống thực ra không khó khăn như bạn tưởng! - Ảnh 2.

Về gia đình: Nếu bạn ý thức được rằng mình cuối cùng cũng vẫn sẽ chỉ có một mình, vậy thì đừng quá kì vọng nhiều vào người khác

Dù là với người nhà, cũng nên giữ cho nhau những khoảng cách nhất định. 

Đừng xem sự quan tâm của người khác là lẽ đương nhiên, hãy nói lời "cảm ơn" một cách chân thành nhất. Người khác dù không giúp được bạn thì cũng hãy bình thản mà chấp nhận.

Thay đổi một người quả thực rất khó, suy cho cùng cũng sẽ chỉ khiến bản thân lao lực, rơi vào những phiền phức không đâu. 

Vì vậy, đừng nghĩ rằng thay đổi người khác thì mình mới vui vẻ, mà hãy đặt nhiều sự chú ý hơn tới việc "làm sao để tự mình sống vui vẻ hơn".

Bà Tsuneko năm 27 tuổi, qua mai mối đã kết hôn với một bác sỹ ngoại khoa, không ngờ rằng người chồng lại là một người nát rượu, suốt ngày chỉ tiêu tiền cho rượu chè, hoàn toàn không nghĩ tới việc nuôi gia đình.

Hi vọng có một gia đình hạnh phúc sau khi kết hôn của bà cũng dập tắt, bà từng mong muốn sẽ thay đổi chồng, từng nghĩ tới chuyện ly hôn, nhưng mọi sự đều không thành. Mỗi một lần chồng xin lỗi là một lần bà mềm lòng.

Sau đó, bà thay đổi thái độ, thuận theo tự nhiên, từ bỏ việc thay đổi người chồng của mình, không ôm quá nhiều hi vọng vào ông ta, tự bà nỗ lực nuôi các con, cố gắng sống cho qua ngày sao cho thanh bình nhất để đảm bảo gia đình hòa thuận cho các con.

Bà cho rằng, quá trình nuôi dạy con cái, cũng đồng thời là quá trình biến mình trở nên giỏi giang và cứng cáp hơn. 

Con cái không ngừng trưởng thành, lúc nên quản hãy quản nghiêm, nhưng lúc nên buông tay thì hãy để con độc lập.

Thay vì đặt ra cho con những mục tiêu xa vời rồi khổ não vì không đạt được, chi bằng cứ nhẹ nhàng, ở bên con, vui vẻ với con mỗi ngày. 

Thay vì bí quyết này nọ, quan trọng hơn chính là hành động, hãy để các con biết là bạn quan tâm và yêu thương chúng.

Khi các con bước vào đoạn thanh xuân, hãy dần dần tách ra khỏi cuộc sống và công việc học tập của chúng, đợi khi con cái trưởng thành, thành gia lập nghiệp, có cuộc sống mới của mình, lại càng đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng.

Bà Tsuneko và con trai sống sát vách nhau, nếu con trai mời bà qua ăn cơm hoặc làm món gì đó mang sang, bà sẽ chân thành cảm ơn con, nếu không, bà cũng sẽ không bao giờ trách móc hay can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân của con.

Bà cụ 91 tuổi suy ngẫm về Nhân gian đáng giá: Cuộc sống thực ra không khó khăn như bạn tưởng! - Ảnh 3.

Về quan hệ xã giao: sự thấu hiểu về tâm hồn, thực ra chính là đặt bản thân vào vị trí của đối phương, lắng nghe tiếng nói nội tâm của đối phương

Không thể nào tồn tại những mối quan hệ 100%, chỉ cần có thể chia sẻ, tâm sự những lời thật lòng với người mà mình tin tưởng, vậy là đã đủ rồi.

Giữa người với người, là quan hệ giúp đỡ, nếu bạn là một người dễ bị nhờ vả, vậy thì bạn sẽ rất ít khi gặp phải xung đột trong các mối quan hệ.

Nếu như có một mối quan hệ nào đó khiến bạn không ngần ngại thể hiện điểm yếu của mình ra, vậy thì bạn nhất định sẽ rất thoải mái và may mắn.

Từ bỏ cái suy nghĩ "tôi là nhất" đi, khi xảy ra mâu thuẫn, kẻ xin lỗi trước là kẻ thắng. Nếu cứ gặp chuyện gì là nổi nóng, vậy ai muốn qua lại với bạn!

Nếu có bất đồng với người khác, bà Tsuneko trước tiên sẽ đánh tiếng, lùi một bước rồi sau khi cả hai bình tĩnh, bà sẽ đi sâu vào trao đổi nhiều hơn với đối phương.

Quá nhiều đòi hỏi lợi ích, tính toán thiệt hơn, nịnh nọt đối phương, tổn thương người khác… những mối quan hệ qua lại như vậy sẽ chỉ khiến con người ta thêm phiền não hơn mà thôi. 

Hãy ở cạnh những người lương thiện, những người có chung tiếng nói với mình nhiều hơn một chút, người không hợp, "xã giao" với nhau thôi là được.

Luôn duy trì một khoảng cách nhất định với người khác, đó mới là trạng thái tốt nhất cho một mối quan hệ. Cô đơn mới là thường thái, tiếp nhận sự kì diệu của cô đơn mới là gốc rễ và là điều quan trọng nhất.

Không cần thiết phải vì không muốn phải cô đơn mà nỗ lực đi kiến tạo quan hệ với người khác dù bản thân không thực sự thoải mái lắm, kiểu qua lại không xuất phát từ trái tim như vậy ngược lại sẽ càng gây ra nhiều áp lực hơn.

Khi bạn đã thiết lập được cho mình một lập trường tâm lý cá nhân mạnh mẽ, bạn sẽ không còn đặt quá nhiều hi vọng vào người khác, sống nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Không có ai có thể giúp bạn 100%, cũng chẳng ai có thể theo bạn cả ngày. Bạn chỉ cần chủ động suy nghĩ về cuộc sống của mình và có trách nhiệm với cuộc sống của mình, vậy là đủ rồi.

Bà cụ 91 tuổi suy ngẫm về Nhân gian đáng giá: Cuộc sống thực ra không khó khăn như bạn tưởng! - Ảnh 4.

Đời người, giống như một bàn ăn vậy, thanh đạm hay phong phú đều nằm ở bạn.

Có người thích nhịp sống hối hả, náo nhiệt, đầy thử thách và vinh quang, có người lại cho rằng "mọi nỗ lực của tôi, chẳng qua cũng chỉ vì muốn sống một cuộc sống bình thường, êm ả".

Thực ra, mỗi một cách sống đều có những giá trị và sức hút riêng, còn sống ra sao, đều nằm ở lựa chọn của bạn.

Một tác gia từng nói: "Đi tắm, ngắm hoa, ăn cơm, nếu bạn cảm thấy hạnh phúc, nó không phải vì bạn tắm rất sạch, hoa nở rất đẹp hay cơm rất hợp khẩu vị của bạn, mà chủ yếu là bởi trong lòng bạn không có phiền muộn."

Bất kể là sống ở đâu, nơi phố thị ồn ào, hay nơi vùng quê an tĩnh, muốn tâm được "an", chủ yếu là trong lòng phải thoải mái, không muộn phiền, vướng mắc.

Chỉ cần bạn gạt bỏ mọi quy tắc và luật lệ, trút bỏ gánh nặng suy nghĩ, làm theo trái tim mình, tìm kiếm hạnh phúc xuất phát từ trái tim mình, sống thật tự do tự tại, bạn sẽ thấy: nhân gian thật đáng giá!

Link nguồn: http://baodansinh.vn/ba-cu-91-tuoi-suy-ngam-ve-nhan-gian-dang-gia-cuoc-song-thuc-ra-khong-kho-khan-nhu-ban-tuong-520201898836284.htm

Tags:
Từ sau tuổi 40, mỗi người nên chuẩn bị sẵn 4 'đường lui' để cuộc sống về sau được yên ổn

Từ sau tuổi 40, mỗi người nên chuẩn bị sẵn 4 "đường lui" để cuộc sống về sau được yên ổn

Hãy cùng tìm hiểu xem 4 "đường lui" được nhắc đến ở đây cụ thể là gì.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất