Bác sĩ nhiễm nCoV: Cảm giác thực sự khủng khiếp

Laura Mulvey, 33 tuổi, làm việc tại khoa cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế Maimonides ở Brooklyn, New York chia sẻ câu chuyện về công tác chống dịch của nước Mỹ.

07:00 09/04/2020

Bác sĩ này từng được xác định là đã nhiễm nCoV. Sau sáu ngày điều trị tại bệnh viện nơi mình làm việc, cô đang dần hồi phục tại nhà. Laura đã chia sẻ câu chuyện trên tờ Time.

Chú thích 1
Bác sĩ Laura Mulvey trong phòng cách ly để điều trị Covid-19 hôm 26/3. Ảnh: TIME.

Ngay những ngày đầu tháng 2, những người làm y tế đều rất quan tâm tới Covid-19, chỉ có điều không lo lắng như bây giờ. Tại bệnh viện, chúng tôi nhận ra những mối đe dọa tiềm tàng từ rất sớm. Nơi chúng tôi làm việc là giao lộ của nhiều khu phố khác nhau, một trong số đó là khu phố Tàu Brooklyn Chinatown. Từ đầu tháng, đã bắt đầu xuất hiện những bệnh nhân tìm đến với nỗi băn khoăn rằng họ có thể đã nhiễm nCoV.

Tất cả chúng ta đã nhìn thấy thực tế ở Trung Quốc, nhưng bản thân tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể mường tượng nổi về mức độ nghiêm trọng của nó. Tôi cũng không nghĩ rằng những vấn đề của loại virus này trở nên rõ ràng ngay lập tức: giai đoạn ủ bệnh dài khiến người ta không dễ dàng phát hiện ngay, nhưng đó cũng đồng thời là tiến trình của bệnh. Nếu ai đó đang sử dụng máy thở, trừ khi họ chết, nếu không họ sẽ vẫn phải gắn với chiếc máy thở đó trong suốt vài tuần. Thế nên, khi tính toán đến những nguồn thiết bị cốt yếu, bạn sẽ cần nhiều hơn những gì mình dự đoán ban đầu.

Chúng tôi nhận ra rằng các tiêu chí để xét nghiệm virus của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã sai hướng. Trước đó, chúng tôi có một số bệnh nhân tìm đến với nỗi lo rằng họ đã nhiễm nCoV, họ bị sốt, ho và đi từ Vũ Hán về. Nếu bạn kiểm tra từ lúc đó, khả năng bệnh nhân có virus là gần 100%. Nhưng theo những hướng dẫn, chúng tôi không có khả năng kiểm tra. Không ai được test. Chúng tôi thậm chí phải gọi đến Sở Y tế để xin phép được gửi tăm bông đến.

Đầu tháng 3, chúng tôi đã đeo khẩu trang mỗi ngày khi làm việc. Trước đó, các bệnh nhân được cho là mắc nCov được chăm sóc trong các phòng cá nhân, thường là các phòng cách ly áp lực âm. Tuy nhiên, mọi thứ cũng đã trở nên vô cùng căng thẳng những ngày sau đó.

Sau khi tôi trở về sau một kỳ nghỉ vào đầu tháng 3, tôi đã làm việc với một vài ca trong phòng chăm sóc đặc biệt thuộc khoa cấp cứu, trong đó tôi đã phải đặt nội khí quản cho 8 bệnh nhân, trong vòng 2 ngày 14-15/3. Một trong số họ bị ngưng tim. Đặt nội khí quản có lẽ là một trong những công việc nguy hiểm nhất, thời điểm này bệnh nhân rối loạn nhịp tim. Ba ngày sau đó, tôi ở nhà nghỉ ngơi trong ngày cuối tuần, rồi tôi bắt đầu ốm. Tôi sốt, đau họng một chút. Hai ngày sau đó, tôi cảm thấy ổn, và rồi rơi vào tình trạng khó thở như chưa từng có trước đây.

Những bạn bè là bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho tôi. Ngày thứ tư, tôi không thể nào nói chuyện điện thoại mà không ho và khó thở, vì thế, bạn bè thuyết phục tôi đến viện. Bạn tôi, một bác sĩ đã đón tôi với đầy đủ cá thiết bị bảo hộ cá nhân trong xe của cô ấy, và chúng tôi lái xe đến viện.

Tôi đã được điều trị bằng liệu pháp oxy lưu lượng cao, và vài phút sau khi được điều trị, tôi đi từ cảm giác thực sự khủng khiếp đến cảm nhận "tạm ổn". Liệu pháp này đã thực sự giúp ích.

Không dễ khi trở thành bệnh nhân lúc này, đặc biệt là trong bệnh viện của bạn. Bạn hoàn toàn đơn độc. Không ai đến thăm hỏi, trừ phi bạn gần chết, hoặc bạn là một đứa trẻ con. Không khí kỳ lạ trong bệnh viện lúc này, tất cả những người già đều đang thở máy, và hoàn toàn đơn độc.

Chú thích 2.
"Phần khó khăn nhất không phải là không thở được. Đó còn là sự cô độc trong phòng bệnh", bác sĩ Laura nói. Ảnh: TIME.

Dù sao thì tôi cũng còn cảm thấy khá hơn các bệnh nhân khác. Có nhiều những bệnh nhân đứng sau lớp cửa kính phòng, các nhân viên y tế đi lại trong bộ đồ bảo hộ, tâm trạng đầy sợ hãi. Nếu bạn cần thứ gì đó, cũng sẽ thật khó để được đáp ứng, bởi vì nhân viên phải trang bị đầy đủ các bảo hộ mới có thể tiếp xúc với bạn. Bản thân bạn cũng không muốn đòi hỏi bất cứ thứ gì, bởi vì về mặt cá nhân, chẳng ai muốn đặt người khác vào vòng nguy hiểm một cách không cần thiết.

Phần khó khăn nhất không phải là không thở được dễ dàng. Đó còn là việc không biết làm gì. Tám ngày trước, tôi còn khuyên bệnh nhân: "Nhập phòng ICU trong 6 ngày, sau đó sẽ cảm thấy tốt hơn, rồi bạn sẽ về nhà, dễ đối phó thôi". Tôi làm công việc chữa bệnh, tôi đã chứng kiến nhiều người bị bệnh, chứng kiến nhiều người trẻ bị bệnh. Và tôi đã đặt nội khí quản cho rất nhiều người trong số họ. Việc hiểu rằng phải lãnh một nguy cơ rủi ro cao khi đặt nội khí quản cho nhiều người, thực tế này thực sự đáng sợ. Và giờ tôi ngồi đây, không thể làm gì.

Quan trọng hơn, tôi không có bất cứ sự hỗ trợ xã hội nào. Gia đình tôi được cách ly ở vùng ngoại ô, họ sống ở đó suốt từ đầu năm. Tôi có thể FaceTime, điều mà nhiều người lớn tuổi không thể. Nhưng hai đứa trẻ nhà tôi, một đứa 2, một đứa 4 tuổi, không biết tôi bị bệnh. Chúng nghĩ tôi đi làm. Tôi đeo khẩu trang, thế nên chúng không thể nào thấy bố đang được điều trị.

Tôi tự quản lý việc điều trị bằng liệu pháp oxy lưu lượng cao của mình. Sau 6 ngày ở viện, tôi đã có thể bỏ máy thở cao trong một thời gian dài. Bệnh viện đã đầy, và tôi, chỉ đủ sức tạm ổn để tự chăm sóc tại nhà. Bệnh viện toàn người ốm, môi trường bệnh tật, tôi không muốn ở thêm bất cứ phút nào nhiều hơn mức cần thiết. Tôi chắc chắn phổi mình đã tổn thương và cần một giai đoạn dài để hồi phục. Sẽ cần thời gian, trước khi tôi có thể chắc chắn rằng mình không có nguy cơ nhiễm trùng.

Virus đang tác động đến một tập hợp con của những người đang bị nhiễm bệnh, nhưng dư chấn của nó được cảm nhận ở rất nhiều khu vực khác nhau. Tác động tiêu cực tới tâm lý, cảm xúc của các nhân viên y tế chắc chắn dẫn đến việc nhiều người rời khỏi ngành y.

Chính phủ nghĩ rằng chúng tôi có thể đi làm mà không có PPE thích hợp và đẩy cuộc sống của chúng tôi vào vòng rủi ro. Đó là điều mà bạn không thể vượt qua, nó là sự nhẫn tâm với mạng sống con người.

Tôi nghĩ rằng nhẽ ra họ đã phải cố gắng từ nhiều tháng trước. Có những người có thể sẽ bỏ lỡ chụp X quang tuyến vú và bị ung thư vú. Họ đau ngực, họ không muốn đến viện, vì họ không muốn bị nhiễm nCoV. Nhẽ ra, chính phủ nên xác định rằng điều này sớm là mối đe dọa với sức khỏe, an toàn công cộng và chuyển hướng các nguồn lực sang. Nếu điều đó đã được thực hiện, thì vấn đề này đã không bị đẩy xa đến vậy.

Đó là việc các bệnh viện phải tự bảo vệ mình, bởi các tổ chức y tế cộng đồng không cung cấp đầy đủ đầu vào và sự hỗ trợ. Đó thực sự là vai trò của tổ chức sức khỏe cộng đồng, thay vì các bệnh viện, để xác định và dập tắt các mối đe dọa. Các bệnh viện đã làm rất tốt công tác điều trị bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không phải là tổ chức y tế công cộng, và chúng tôi cần họ đẩy mạnh hành động.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Bốn mẹ con nhiễm nCoV mất trong 10 ngày

Bốn mẹ con nhiễm nCoV mất trong 10 ngày

Cụ bà ở thành phố New Orleans, bang Louisiana cùng ba con trai tử vong chưa đầy hai tuần sau khi nhiễm nCoV.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất