Bài học từ ba mẹ tôi – những di dân người Việt

“Nhìn mày ốm nhách ốm nheo. Da thì xanh lét như tàu lá chuối. Sao mày đi cái đôi giày gì nhìn gớm vậy?”, “Chầu này tui bao nha!”, nếu nghe những lời này mà thấy quen, đích thị bạn là người Việt. Tác giả Camha Pham đã chia sẻ câu chuyện thú vị về những bài học mà cô rút ra từ gia đình gốc Việt của mình.

09:01 22/08/2023

Tôi là thế hệ thứ hai được sinh ra trong một gia đình di dân người Việt tại Úc. Tôi và những bạn bè đồng trang lứa đã lớn lên cùng với vô vàn những khó khăn trong việc dung hòa cả hai nền văn hóa.

Ngày trước, tôi chắc chắn sẽ nhận ngay mình là một người Úc, với tất cả thói quen, cách suy nghĩ, hành động đặc trưng văn hóa Úc. Nhưng đến tận bây giờ, tôi mới dần nhận ra những giá trị tinh thần mà tôi thừa hưởng từ chính dòng máu di dân của mình, mới thực sự có nhiều tác động sâu sắc đến suy nghĩ, thói quen, hành động, và cả cách mà tôi nhìn nhận về thế giới này.

Tôi hiểu ra mình học được từ ba mẹ nhiều hơn mình đã nghĩ.

Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng

Ngay khi tôi vừa đặt chân về nhà ba mẹ, đảm bảo tôi sẽ bị ‘tấn công’ bởi hàng tá những câu nhận xét như: “Nhìn mày ốm nhách ốm nheo. Da thì xanh lét như tàu lá chuối. Sao mày đi cái đôi giày gì nhìn gớm vậy?”

Những câu nhận xét của mẹ tôi được liệt vào hàng cực kỳ tàn nhẫn chứ không phải chỉ là nói không tốt về con mình, nhưng tất cả những điều đó đều xuất phát từ lòng thương con. Phải hiểu đó là những góp ý thẳng thắn chứ không phải là những lời chỉ trích, và chúng vốn được ba mẹ tôi dùng để giúp tôi thay vì để xúc phạm.

Đó là loại tình yêu kỳ quặc, một kiểu tình cảm không mấy ai hiểu được, nhưng dù có thế nào, thì tôi vẫn luôn có thể tin vào tất cả những sự thật và không có gì khác ngoài sự thật từ chính mẹ mình. Vẫn hơn là tin vào những lời đường ngọt mà không thật lòng của người ngoài. Chí ít là da mặt tôi trở nên ‘dầy’ hơn nhờ những lời ‘tàn nhẫn’ như vầy từ gia đình.

Không phung phí, bớt chi tiêu

Có một lần gần đây, khi chai nước rửa chén gần sắp cạn, thay vì chạy ra siêu thị mua đại một cái chai mới, thì mẹ tôi bỏ thêm nước vào để pha loãng dung dịch nước rửa chén còn sót lại và dùng tiếp. Bà dùng nó suốt mấy ngày liền trước khi tôi thực sự giơ tay đầu hàng và bảo bà để tôi chạy ra siêu thị mua cho bà chai mới (mua kèm thêm mấy miếng rửa chén mới luôn). Mẹ tôi liền bảo tôi khỏi có đi mua làm chi, rồi bà mở tủ bếp ở dưới bồn rửa chén ra, có tới tận 10 chai nước rửa chén bà giấu trong đó và vài miếng rửa chén mới toanh.

Bài học rút ra? Có tiền để tiêu xài không đồng nghĩa với việc phung phí vào những thứ không cần thiết.

Luôn mua hàng bán sỉ

Việc có tới tận 10 chai nước rửa chén giấu trong tủ không phải là chuyện hiếm thấy trong nhà ba mẹ tôi, hay cả mớ hộp kem đánh răng chất trong phòng tắm, một đống cuộn giấy vệ sinh trong phòng giặt đồ. Tất cả những thứ này đã dạy cho tôi một bài học tiết kiệm: luôn luôn, luôn luôn và luôn luôn mua hàng sỉ khi một vật dụng cần thiết nào đó trong nhà đang được giảm giá ở siêu thị. Tiết kiệm nhỏ hôm nay mà lời cả mớ cho ngày mai đó.

‘Thể hiện cảm xúc’ của bản thân

Đối với nhà tôi, bất cứ chuyện gì cũng có thể trở nên vô cùng kịch tính, lúc nào cũng rần rần, lúc nào cũng nói chuyện cực kỳ to tiếng với nhau trên bàn ăn, chỉ để người khác nghe thấy lời mình. Nên mỗi lần mà tôi dắt người bạn trai da trắng khá bảo thủ của tôi về nhà ba mẹ là y như rằng có chuyện hài để xem.

“Bộ nó buồn hả?” họ cứ hỏi đi hỏi lại tôi câu đó. “Hông có buồn,” tôi khẳng định, “ảnh chỉ đang kềm chế cảm xúc của mình thôi.”

Lớn lên trong một gia đình lúc nào cũng phải bày tỏ ra mọi cảm xúc như vầy đã hình thành cho tôi cách giao tiếp của riêng mình, cách lắng nghe những cảm xúc và hòa nhịp với chúng, hơn là che đậy đúng.

“Chầu này tui bao!”

Lần đầu tiên tôi cố gắng giải thích cho ba mẹ tôi về cái việc chia tiền bill, mỗi người góp vô trả khi đi chơi hay đi ăn chung, tôi đã nhận lại cái nhìn cực kỳ khó hiểu của ông bà. Mãi một lúc sau, ba mẹ tôi mới cười phá lên rồi lại thì thầm với nhau “Chia tiền vậy kỳ chết.”

Quả thật việc cả một bàn chụm lại ngồi chia tiền bill giống như phim hài đối với chúng tôi. Những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình di dân như tôi, vốn đã quá quen với cái cảnh mọi người tranh nhau một cái bill, giành nhau trả, giành tới giành lui mà vẫn không phân định được ai trả. Người ta hay nói là làm vậy để ‘giữ thể diện’, tại vì…hào phóng cũng là một trong những tính đáng được ngưỡng mộ mà.

Gia đình là trên hết

Đây là câu ‘thần chú’, là giá trị cốt lõi cho mọi điều mà tôi làm. Giá trị chung của gia đình đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Tôi đã được dạy rằng việc giữ gìn mối quan hệ gắn bó với gia đình là quan trọng nhất. Trong khi những mối quan hệ giữa bạn bè, hay bạn trai bạn gái có khi đến rồi đi, chỉ có giá trị gia đình như một viên gạch nền tảng để chúng ta xây dựng nên mọi thứ khác trong cuộc sống của mình.

Theo SBS

Tags:
Tội bất hiếu với cha mẹ: Ác nghiệp phải chịu quả báo lớn nhất và cách sám hối

Tội bất hiếu với cha mẹ: Ác nghiệp phải chịu quả báo lớn nhất và cách sám hối

Chiếu theo luật nhân quả, bất hiếu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hơn thế nữa bất hiếu là một trọng tội và chắc chắn sẽ phải chịu quả báo.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất