Bài phát biểu thúc đẩy Mỹ chinh phục Mặt Trăng

Với diễn văn 46 phút trước quốc hội cách đây hơn 60 năm, cựu tổng thống John F. Kennedy đã mở ra con đường đưa Mỹ tới Mặt Trăng.

01:00 17/06/2021

Chỉ trong vòng 5 tháng sau khi nhậm chức tổng thống, Kennedy đã phải hứng hai "cú đánh chính trị", khi ngày 12/4, Liên Xô đưa người đầu tiên vào vũ trụ trước Mỹ với chuyến du hành của nhà du hành Yuri Gagarin, và chưa đầy một tuần sau, kế hoạch đổ bộ vào Vịnh Con Lợn để xâm lược Cuba bất thành.

Trong tình thế này, chính quyền Kennedy cần một chiến thắng. Ngày 25/5/1961, ông có một bài phát biểu dài 81 trang với gần 6.000 từ, được trình bày trong 46 phút trước quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, bài phát biểu gồm một số chủ đề, trong đó có an ninh quốc gia. Nhưng thông báo có tác động lớn nhất nằm ở cuối diễn văn. Kennedy hướng về phía các thành viên quốc hội và tuyên bố ý định đưa người lên Mặt Trăng của Mỹ.

"Tôi tin rằng quốc gia nên cam kết đạt được mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng sau đó đưa anh ta trở về Trái Đất an toàn trước khi thập kỷ này kết thúc", ông nói.

Một tháng trước đó, trong một bản ghi nhớ của Kennedy gửi cho phó tổng thống Lyndon Johnson ngày 20/4, tổng thống đã hỏi Johnson rằng liệu họ có "cơ hội đánh bại Liên Xô" bằng cách đưa một phòng thí nghiệm vào không gian, quay quanh Mặt Trăng hoặc thậm chí hạ cánh trên bề mặt đó hay không.

"Liệu có chương trình không gian nào khác hứa hẹn mang lại kết quả ấn tượng để chúng ta có thể thắng?", Kennedy viết.

Tổng thống John F. Kennedy phát biểu trước  ngày 25/5/1961. Ảnh: NASA.
Tổng thống John F. Kennedy phát biểu trước ngày 25/5/1961. Ảnh: NASA.

"Ông ấy cần làm điều gì đó ấn tượng", Fredrik Logevall, giáo sư sử học tại Đại học Harvard, nói, thêm rằng tổng thống Kennedy và nhóm của ông đã quyết định điều ấn tượng đó chính là một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng. "Đây là một ý tưởng rất có sức nặng và họ đã dành rất nhiều thời gian cho bài diễn văn. Ted Sorensen là người đã đảm trách hầu hết việc soạn bài phát biểu".

Sorensen là cố vấn kiêm người viết diễn văn rất thân cận của tổng thống Kennedy, khiến họ trở thành "một trong những đối tác chính trị vĩ đại nhất thế kỷ 20", Logevall cho biết. "Hai người rất đồng điệu. Họ cùng quan tâm tới rất nhiều bài phát biểu của những người khác, cũng như chú ý đến các nhân vật lịch sử diễn thuyết trước công chúng. Tôi nghĩ bài phát biểu của Kennedy đã được hưởng lợi rất nhiều từ điều đó".

Nhưng không chỉ riêng Sorensen và các nhà viết diễn văn khác, Logevall nói chính tổng thống Kennedy cũng đóng góp nhiều công sức cho các bài diễn văn hơn mọi người tưởng.

"Bạn có thể thấy chữ viết tay của ông ấy ở bên lề văn bản", Logevall nói. "Ông ấy có thể không cần tới văn bản và ứng biến một số câu văn ban đầu thành một đoạn phát biểu hoàn hảo".

Tuy nhiên, diễn văn ngày 25/5/1961 không được đánh giá là bài phát biểu hay nhất của John F. Kennedy. Ông đã có nhiều bài phát biểu đáng nhớ, như diễn văn nhậm chức với câu nói "đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho ta, hãy hỏi ta có thể làm gì cho đất nước", hay bài phát biểu thứ hai liên quan tới chủ đề Mặt Trăng năm 1962 tại Đại học Rice ở Houston, bang Texas. Tại đây, ông đã nói với những người Mỹ rằng "chúng ta chọn lên Mặt Trăng trong thập kỷ này và làm những điều khác nữa, không phải bởi nó dễ mà vì nó rất khó khăn".

"Bài phát biểu tại Đại học Rice phong phú và truyền cảm hứng hơn", Logevall nói. Nhưng ông cho rằng điều quan trọng nhất trong bài phát biểu ngày 25/5 có thể nằm ở cụm từ "trước khi thập kỷ này kết thúc".

"Dù thiếu những lời phát biểu hào hùng như ở Đại học Rice sau này, nó đã mang lại giá trị trước quốc hội, vào thời điểm ông ấy vấp phải những thất bại và cần cố gắng để lấy lại động lực", Logevall cho hay.

Tuyên bố của Kennedy khi đó được đánh giá là "canh bạc lớn" đối với ngành hàng không vũ trụ Mỹ, khi NASA mới chỉ được thành lập trước đó ba năm. Tuy nhiên, bài phát biểu cũng tạo ra một tiền lệ cho NASA, cơ quan phụ thuộc vào ngân sách chính phủ.

"Đối với cơ quan hàng không vũ trụ này, nó đã trở nên rất quan trọng. Họ tin rằng nếu có thể khiến tổng thống công bố một mục tiêu lớn, tất cả những điều tốt đẹp sẽ xảy ra", Roger Launius, cựu sử gia của NASA, nói.

Chính phủ Mỹ khi đó cam kết tài trợ gần 25 tỷ USD cho chương trình, tương đương gần 100 tỷ USD ngày nay. Năm 1966, ngân sách của NASA chiếm tới 4,4% ngân sách quốc gia. Khoản hỗ trợ của chính phủ liên bang cho thấy rõ hơn quyết tâm của Mỹ trong tham vọng dẫn đầu trong cuộc đua vào vũ trụ.

"Chỉ có công trình xây dựng kênh đào Panama trong thời bình và Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử trong thời chiến là có thể so sánh về quy mô với Apollo", Phòng Lịch sử NASA cho hay.

Tám năm sau bài phát biểu của Kenedy trước quốc hội, những nỗ lực và ngân sách Mỹ bỏ ra đã được đền đáp. Tháng 7/1969, sứ mệnh Apollo 11 đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin đổ bộ lên Mặt Trăng, sau đó đưa họ trở về Trái Đất an toàn.

NASA sau đó tiếp tục thực hiện 5 sứ mệnh trên Mặt Trăng và lần cuối cùng là tàu Apollo 17, hạ cánh tháng 12/1972. Cuộc đua lên Mặt Trăng của Mỹ đã giành chiến thắng thuyết phục khi tổng thống Richard Nixon nỗ lực phát triển chương trình đưa con người bay vào vào vũ trụ với dự án phóng tàu con thoi vào không gian.

Với những thành tựu về vũ trụ sau đó, bài diễn văn 46 phút của tổng thống Kennedy đã được chọn làm mốc đánh dấu bắt đầu cuộc chinh phục Mặt Trăng của Mỹ.

"Dự án Apollo, được tổng thống Kennedy công bố vào ngày 25/5/1961, đã trở thành một điều lớn lao trong lịch sử không chỉ của quốc gia này, mà là cả thế giới thế kỷ 20", Logevall nói.

Tags:
Đằng sau món quà 'một trời một vực' Biden - Johnson tặng nhau

Đằng sau món quà 'một trời một vực' Biden - Johnson tặng nhau

Chiếc xe đạp Biden tặng Johnson có giá trị lớn hơn rất nhiều bức tranh đáp lễ của Thủ tướng Anh, nhưng câu chuyện đằng sau không đơn giản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất