Bài toán khó cho ông Biden

Không phải Trung Quốc hay Nga mà chính Trung Đông, cụ thể là xung đột ở Dải Gaza hiện nay, mới là thách thức đối ngoại lớn đầu tiên với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

22:00 14/05/2021

Tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Gaza đã làm lộ ra sự chia rẽ ngày càng tăng giữa hai phe trong đảng Dân chủ ở Mỹ, đồng thời tạo cơ hội để đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Biden.

Bên cạnh đó, căng thẳng trên nổ ra ngay lúc ông Biden muốn chuyển trọng tâm đối ngoại sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và giảm tập trung vào Trung Đông và châu Âu, theo nhận định của báo Washington Post.

Sự chia rẽ trong đảng Dân chủ

Hôm 12/5, Tổng thống Biden điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Biden lạc quan rằng giao tranh sẽ sớm kết thúc.

"Tôi hy vọng điều này sớm chấm dứt. Israel có quyền tự vệ khi hàng nghìn quả tên lửa bay vào lãnh thổ của họ", ông Biden nói.

Ông Biden không chỉ trích các hành động của phía Israel. Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến tình hình bất ổn và bạo lực ở Jerusalem.

"Tổng thống Biden chia sẻ niềm tin rằng Jerusalem, một thành phố quan trọng với những người có đức tin, phải là một nơi hòa bình", tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh.

bao luc o Gaza anh 2

Hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đánh chặn tên lửa do Hamas bắn hôm 11/5. Ảnh: Reuters.

Cùng lúc đó, hàng loạt đảng viên Dân chủ thể hiện quan điểm của họ về tình hình hiện tại ở Trung Đông. Sự chia rẽ giữa những người cấp tiến và những người ôn hòa trong đảng này càng được tô đậm sau các phát ngôn.

Các lãnh đạo kỳ cựu của đảng Dân chủ, như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny H. Hoyer, đều nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel.

"Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas là hành động khủng bố, và không quốc gia nào phải chịu sự đe dọa như vậy. Các hành động trên đe dọa an toàn và an ninh của cả người Israel và người Palestine", nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, viết trên Twitter cá nhân hôm 11/5.

Ở phía ngược lại, các nhà lập pháp cấp tiến của đảng Dân chủ lại thách thức thái độ thân Israel, đồng thời gây áp lực lên Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội Mỹ về hành động của Israel.

"Chúng ta không thể lên án việc Hamas bắn tên lửa mà bỏ qua việc cảnh sát Israel dùng bạo lực với người Palestine. Họ trục xuất trái luật, tấn công người biểu tình và giết hại trẻ em Palestine. Mỹ không nên hỗ trợ cho bạo lực kiểu này", Hạ nghị sĩ cấp tiến Mark Pocan nhấn mạnh.

Thông điệp của ông Pocan được các hạ nghị sĩ cấp tiến khác như bà Alexandria Ocasio-Cortez, bà Rashida Tlaib và bà Ilhan Omar ủng hộ. Những nghị sĩ trên muốn nhấn mạnh sự hung hăng của Israel, thay vì chỉ đưa ra các thông điệp cho rằng cả hai bên đều có lỗi.

Nhà Trắng cảm thấy dư chấn

"Trong hơn 40 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy mức độ ủng hộ người Palestine và sự thách thức hiện trạng cao đến vậy. Chính quyền Biden muốn tránh đụng phải vấn đề này. Giờ họ không thể trốn tránh nữa", James Zogby, giám đốc Viện Arab - Mỹ bình luận.

Các chuyên gia tin rằng sự thay đổi trong thái độ về vấn đề Israel - Palestine phản ánh sự thay đổi lớn về cử tri của đảng Dân chủ.

Khảo sát của Gallup hồi tháng 3 cho thấy đến 53% người được hỏi, tự nhận là đảng viên Dân chủ, muốn gây thêm áp lực lên Israel, so với mức 38-43% trong nhiều cuộc khảo sát trước đó.

Theo ông Zogby, thay đổi trên xuất phát từ sự đa dạng về nhân khẩu học của các cử tri đảng này, dẫn đến sự đa dạng về quan điểm; và điều đó sẽ làm khó ông Biden vì không thể làm hài lòng một nhóm cử tri có quan điểm quá khác biệt.

bao luc o Gaza anh 3

Những người ủng hộ Palestine và ủng hộ Israel đụng độ nhau trong một cuộc biểu tình tại New York. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, trong lúc đảng Dân chủ chia rẽ và chưa thể đưa ra một thông điệp nhất quán, đảng Cộng hòa đã nhanh chóng ủng hộ Israel và chỉ trích đối thủ.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cho biết trong một tuyên bố: “Đảng Cộng hòa sát cánh với Israel. Quốc gia này có mọi quyền để tự bảo vệ mình trước bạo lực và các loạt tên lửa từ Hamas”.

"Các cuộc tấn công (của Hamas) cho thấy sự lãnh đạo yếu ớt của chính quyền Biden. Điều đó đang đảo ngược các bước tiến lịch sử về hòa bình của chính quyền Trump, đồng thời báo hiệu cho các tổ chức khủng bố như Hamas rằng họ có thể tấn công đồng minh mạnh nhất của chúng ta tại Trung Đông mà không bị sao cả", bà McDaniel nhấn mạnh.

Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thời chính quyền Trump, cũng là ứng viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa cho cuộc đua năm 2024, chỉ trích mạnh mẽ hơn.

"Hamas đứng xem ông Biden hạ cấp quan hệ của chúng ta với Israel và nối lại tài trợ cho Palestine và cơ quan tham nhũng nhất Liên Hợp Quốc mà không yêu cầu cải tổ", bà Haley nói, ám chỉ việc ông Biden khôi phục hàng trăm triệu USD viện trợ cho Quỹ Hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNWRA).

"Trong lúc tên lửa của khủng bố rơi xuống đầu người dân Israel, ông Biden lại biến mất", bà Haley viết trên Twitter cá nhân.

Chính quyền Biden thận trọng

Chính quyền Biden cho thấy họ đang cố gắng để thận trọng nhất có thể.

Biên bản họp giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Netanyahu mang đầy từ ngữ cẩn trọng, trong đó cho thấy Mỹ đề nghị tiếp tục hỗ trợ Israel, trong khi đưa ra biện pháp ủng hộ Palestine.

"Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng người Israel và Palestine cần sống được sống trong an toàn và an ninh, cũng như được hưởng quyền bình đẳng về tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ", tuyên bố trên nêu rõ.

bao luc o Gaza anh 4

Mẹ của Rasheed Abu Arra thương khóc con, sau khi thanh niên Palestine này thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng Israel ngày 12/5. Ảnh: Reuters.

Khi bị các phóng viên hỏi liên tục về động thái tiếp theo nếu hai bên không đồng ý hạ nhiệt, ông Blinken nói Mỹ sẽ tiếp tục "tham gia một cách toàn diện".

Hôm 10/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói ông lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Hamas. Khi được hỏi liệu Mỹ có lên án việc Israel không kích chết 9 người Palestine hay không, ông Price từ chối trả lời.

Hôm sau, ông Price nói rằng Mỹ "không thể xác minh độc lập điều gì đã xảy ra", và cho biết "vô cùng tiếc nuối" trước cái chết của người dân vô tội.

Sự thận trọng của chính quyền Biden hoàn toàn có cơ sở, một phần là do sự chia rẽ giữa nội bộ đảng Dân chủ, phần còn lại là do Mỹ đang không hề muốn tốn quá nhiều nguồn lực cho Trung Đông, khi Trung Quốc mới là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Khi được hỏi rằng liệu Nhà Trắng có đứng vững trước hàng loạt thách thức trong thời gian qua hay không, Thư ký Báo chí Jen Psaki không hề tỏ ra nao núng.

"Chúng tôi cần chuẩn bị để đối phó với nhiều thách thức, nhiều khủng hoảng cùng một lúc. Đó là điều chúng tôi đang làm", bà Psaki nói.

Tags:
Danh hài Bảo Chung: Qua Mỹ tôi ăn bình dân lắm, con tôi ăn đồ Tây nhưng tôi chỉ canh chua, cá kho

Danh hài Bảo Chung: Qua Mỹ tôi ăn bình dân lắm, con tôi ăn đồ Tây nhưng tôi chỉ canh chua, cá kho

"Tôi đi làm chỉ có cơm hộp thôi nhưng quen mấy chục năm nay rồi. Nhiều khi quay ngoài nắng, làm mệt quá ăn không nổi" – danh hài Bảo Chung nói.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất