Bên trong phòng xử án tập thể người nhập cư trái phép ở Mỹ

Những người bị cáo buộc vượt biên trái phép lặng lẽ nhận tội, nói rằng họ chỉ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

01:30 28/06/2018

62 người nhập cư vào Mỹ bị xét xử tại tòa án liên bang ở thành phố McAllen, bang Texas, hôm 22/6 với tội danh vượt biên trái phép, bị còng tay chân và trói ở thắt lưng, Business Insider đưa tin.

Những vụ xét xử hàng loạt như vậy đã trở thành thường ngày dưới chính sách "không khoan nhượng" của Tổng thống Donald Trump, yêu cầu buộc tội tất cả người vượt biên trái phép. Chính sách này làm dấy lên phẫn nộ khi khiến hơn 2.300 trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ hôm 20/6 phải ký sắc lệnh cho phép các gia đình nhập cư bất hợp pháp giam giữ cùng nhau.

Trong tiếng lạch cạch của dây xích, những người nhập cư mang trang phục tồi tàn tỏ ra bồn chồn khi đợi thẩm phán bước vào và quyết định số phận của họ. Sau khi xuất hiện, thẩm phán điều hành các bị cáo tuyên thệ thông qua một phiên dịch viên. Những người nhập cư giơ tay phải lên, khiến dây xích va vào các băng ghế gỗ.

"Các bạn có mặt tại đây do vượt biên trái phép. Luật sư của các bạn thông báo rằng tất cả đều muốn được biện hộ và xét xử", thẩm phán nói với các bị cáo. Ông hỏi lại rằng đây có thực sự là điều họ muốn hay không, đồng thời cảnh báo tội khai man còn nghiêm trọng hơn tội danh mà họ bị cáo buộc.

Thẩm phán nhanh chóng bước xuống, yêu cầu từng bị cáo trả lời "có" hoặc "không" với các câu hỏi, sau đó xác nhận tên, tuổi và quê hương của họ. Có tổng cộng 49 bị cáo là đàn ông, 13 người là phụ nữ. Trong số đó có 29 người Mexico, 9 người Honduras, 14 người Guatemala và 10 người El Salvador, độ tuổi dao động từ 18 tới 63, nhưng hầu hết đều dưới 35 tuổi. Những người lớn tuổi phần lớn là người Mexico, trong khi giới trẻ tới từ các nước còn lại, nơi bị tàn phá bởi bạo lực băng đảng trong những năm gần đây. 

"Các bạn đều là người nước ngoài, đã cố tình nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ", thẩm phán tuyên bố, nói thêm rằng mức phạt cao nhất là 6 tháng tù, phạt 5.000 USD và 10 USD án phí.

Thẩm phán từ tốn giải thích tiếp về các lựa chọn cho bị cáo, chẳng hạn như có thể không nhận tội và đi xét xử. Ông đã hỏi xem có ai bị ép buộc, đe dọa phải nhận tội, hoặc nhận lợi ích từ việc nhận tội hay không. Với mỗi câu hỏi, ông lại nhanh chóng xuống các hàng ghế để nhận câu trả lời. Thẩm phán nhấn mạnh lại rằng một khi bị kết án, họ có thể bị trục xuất, từ chối nhập cảnh hoặc nhập quốc tịch trong tương lai.

Phán quyết của tòa án

Thẩm phán đi vòng quanh hỏi các bị cáo có phạm tội hay không thêm lần nữa, rồi từng người nhận "có tội". Ramirez, một cô gái 20 tuổi tới từ Guatemala, không ngừng chớp mắt và nuốt khan khi đợi tới lượt mình. Cô bình tĩnh hơn sau khi trả lời "có tội" với thẩm phán, thừa nhận đã lên một chiếc bè để vượt biên.

"Tôi sẽ chấp nhận lời thú tội của các bạn", thẩm phán tuyên bố sau một loạt câu hỏi. Ông nói thêm về quyền lợi của các bị cáo, chẳng hạn như họ có thể liên lạc với lãnh sự quán nếu muốn.

"Bây giờ tôi sẽ bắt đầu kết án mọi người vì tội nhập cư bất hợp pháp. Nếu ai trong số các bạn bị tách khỏi gia đình, hy vọng mọi người sẽ được đoàn tụ", thẩm phán nói, sau đó yêu cầu mọi người đứng dậy khi đọc đến tên.

Thẩm phán đề nghị một nhóm 17 người đứng dậy và hỏi họ có muốn biện hộ không, nhưng tất cả từ chối. Theo phán quyết, họ đã hoàn thành thời gian giam giữ và chỉ phải nộp 10 USD án phí do không có tiền án hoặc từng bị trục xuất trước đó. Thẩm phán lần lượt tuyên án cho các bị cáo còn lại. Những người có tiền án chịu mức phạt nặng hơn.

Khi được yêu cầu đưa ra lời biện hộ, nhiều người nói rằng họ chỉ muốn tìm việc, có cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc tìm kiếm gia đình. Một người đàn ông kể lại với giọng run rẩy rằng ông vượt biên để tìm vợ con do họ đã mất liên lạc 5 tháng. Ông bị kết án giam giữ 20 ngày.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Trump muốn trục xuất người nhập cư trái phép mà không cần xét xử

Trump muốn trục xuất người nhập cư trái phép mà không cần xét xử

Tổng thống Mỹ tuyên bố những người nhập cư trái phép nên bị gửi trả về quê hương ngay lập tức, không cần qua xét hỏi tại tòa án.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất