Biden - Tập Cận Bình sắp gặp thượng đỉnh 'giải quyết cạnh tranh'

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào 15/11 để trao đổi về cạnh tranh giữa hai nước, theo Nhà Trắng.

11:00 13/11/2021

"Hai lãnh đạo sẽ thảo luận về những biện pháp giải quyết sự cạnh tranh giữa hai nước một cách trách nhiệm, cũng như biện pháp hợp tác vì lợi ích chung", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 12/11.

"Tổng thống Joe Biden sẽ làm rõ những ý định và ưu tiên của Mỹ, cũng như rõ ràng và thẳng thắn về các mối lo ngại của chúng tôi với Trung Quốc", bà cho hay, nói thêm rằng cuộc hội đàm trực tuyến sẽ diễn ra vào tối 15/11 theo giờ Washington, tức là sáng 16/11 giờ Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Joe Biden, khi đó đang là phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Joe Biden, khi đó đang là phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm hai lần kể từ khi ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ. Hai người từng nhiều lần gặp nhau khi ông Biden làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama, còn ông Tập giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào.

Ông Biden từng hy vọng gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italy cuối tháng trước, nhưng lãnh đạo Trung Quốc tới nay chưa có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Đề cập đến cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa hai lãnh đạo, bà Psaki cho biết Tổng thống Mỹ "chắc chắn sẽ không ngần ngại nhắc đến những vấn đề ông ấy quan tâm", nói thêm rằng "sự cạnh tranh dữ dội" trong quan hệ song phương đòi hỏi "phương pháp ngoại giao cũng dữ dội".

Tuy nhiên, thư ký báo chí cho rằng cuộc họp khó có thể dẫn tới những kết quả cụ thể. Thay vào đó, Washington coi đây là dịp để "thiết lập các điều kiện theo quan điểm của mình về một cuộc cạnh tranh hiệu quả".

Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần đây căng thẳng hơn, đặc biệt về vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Mỹ tái ủng hộ "cam kết vững chắc" trong hỗ trợ Đài Loan phòng thủ, đồng thời ủng hộ hòn đảo gia nhập các tổ chức quốc tế, khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt.

Tổng thống Biden cũng giữ cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, tương tự người tiền nhiệm Donald Trump, khi cả hai chính quyền đều coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức hàng đầu trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới, vẫn nhất trí hợp tác để thúc đẩy hành động vì khí hậu trong thập kỷ này.

Ánh Ngọc (Theo AFP)

Tags:
Ở Việt Nam 7 năm, chàng trai Tây không dám về quê hương

Ở Việt Nam 7 năm, chàng trai Tây không dám về quê hương

Jesse Peterson – một chàng trai Canada đã sống ở Việt Nam 7 năm. Jesse thường đùa rằng giờ anh chẳng còn dám về Canada nữa. Để lý giải về nỗi “sợ hãi” này, mời các bạn cùng đọc bức thư mà Jesse gửi cho bố mình ở Canada.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất