Biden nỗ lực xây niềm tin vào gói cứu trợ Covid-19

Gần ba tuần sau khi nhậm chức, Biden gọi điện cho Michele, người mất việc vì Covid-19 ở Roseville, bang California, để trình bày về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD.

11:30 09/02/2021

"Như tôi đã nói từ lâu, việc chúng ta nghĩ rằng mình có thể duy trì doanh nghiệp mở cửa mà vẫn làm ăn phát đạt, không cần đối phó với đại dịch, là điều không sáng suốt", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Michele, bà mẹ mất việc tại một công ty khởi nghiệp vì khủng hoảng kinh tế, sau đó viết thư cho ông chủ Nhà Trắng để kể về những khó khăn của mình.

"Bố tôi hay dạy rằng công việc mang nhiều ý nghĩa hơn tiền lương. Nó còn thể hiện phẩm giá, sự tôn trọng và vị thế của chúng ta trong cộng đồng", Tổng thống 78 tuổi cho biết, nói thêm rằng chính quyền "đang vạch ra kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho những người hiện vô cùng cần tới chúng".

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại  hôm 5/2. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hôm 5/2. Ảnh: AFP.

Video cuộc trò chuyện giữa Biden và Michele được công bố hôm 6/2, nằm trong phần đầu tiên của loạt đối thoại hàng tuần giữa Tổng thống Mỹ với người dân, nhằm quảng bá gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD được quốc hội thông qua tuần trước.

Gói kích cầu được thông qua mà không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Sau khoảng 15 tiếng tranh luận và bỏ phiếu về hàng chục sửa đổi, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc về gói cứu trợ Covid-19 với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Phó tổng thống Kamala Harris phải bỏ phiếu thuận để phá thế bế tắc, thông qua kế hoạch ngân sách mà không cần bất kỳ lá phiếu nào của phe Cộng hòa.

Theo bình luận viên Maeve Reston của CNN, việc không đạt được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với gói cứu trợ đã khiến Biden phải trực tiếp đi thuyết phục các cử tri, sử dụng câu chuyện của họ để thúc đẩy chính sách. "Tổng thống đang cố gắng thực hiện điều mà ông ấy nắm rõ nhất. Đó là kết nối với những người dân bình thường, an ủi họ, để họ biết rằng ông ấy thấu hiểu nỗi khổ của họ", Reston nhận xét.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, cũng như thời kỳ làm "phó tướng" cho cựu tổng thống Barack Obama, Biden luôn hướng đến kết nối với cảm xúc của cử tri, bằng cách kể lại nhiều lần những điều ông học được từ quá trình vất vả kiếm việc làm ổn định của bố mình. Tổng thống Mỹ thường đề cập về cảm giác cô độc và thiếu tự tin khi mất việc làm, hay bài học rằng thành công của con người nằm ở sự kiên trì và vươn lên sau khi gục ngã.

Trong cuộc trò chuyện với Michele, Biden dường như cũng cố gắng truyền đạt sự đồng cảm trước những khó khăn kinh tế mà nhiều người Mỹ đang đối mặt, đồng thời thuyết phục họ rằng gói kích cầu không chỉ là nỗ lực thúc đẩy các chỉ số tăng trưởng, mà còn giúp khôi phục cảm giác tự hào và mục đích sống cho hàng triệu lao động Mỹ đã mất việc làm kể từ tháng 2/2020.

Biden còn tìm cơ hội kết nối với một lượng lớn người dân bằng cuộc phỏng vấn trên kênh CBS hôm 7/2, phát sóng ngay trước trận Super Bowl. Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Jill Biden cũng quay một video gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên y tế để phát ngay trước trận đấu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà nhận thức được những chỉ trích đối với gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD, cũng như cảnh báo từ Larry Summers, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, rằng nó có thể dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, Yellen đánh giá những mục tiêu tổng thể về khôi phục sự phát triển kinh tế quan trọng hơn.

"Tôi hy vọng việc thông qua gói cứu trợ sẽ giúp chúng ta có lại việc làm đầy đủ vào năm sau. Chúng ta phải giải quyết thách thức kinh tế và những nỗi đau khổ to lớn đang tồn tại trong nước. Đó là rủi ro lớn nhất", Bộ trưởng cho hay.

Yellen còn lưu ý rằng phân tích gần đây của Văn phòng Ngân sách cho thấy nếu có thêm sự hỗ trợ, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không trở lại mức 4% một lần nữa cho tới năm 2025. "Sự phục hồi có thể diễn ra chậm và kéo dài như giai đoạn sau khủng hoảng tài chính, nhưng gói cứu trợ này thực sự sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ", bà nói.

Trong khi đó, phe Cộng hòa phản đối quy mô gói kích cầu. Thượng nghị sĩ Pat Toomey cho hay quốc hội vốn đã thông qua hơn 4 nghìn tỷ USD cứu trợ, mà ông cho rằng phần lớn "quá rộng và không nhắm đến đầy đủ các mục tiêu".

"Nền kinh tế đang trên đà phát triển trở lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn một nửa so với trước đây, thu nhập khả dụng đang ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ tiết kiệm cũng vậy. Đây không phải nền kinh tế suy sụp như hồi tháng 3 năm ngoái", Toomey nêu ý kiến.

Dù từng cam kết thuyết phục phe Cộng hòa hợp tác, Biden tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước tình hình việc làm ảm đạm hồi tháng 1, khi cả nền kinh tế chỉ có thêm 49.000 việc làm. Biden còn chỉ ra rằng đây cũng là tháng chết chóc nhất của đại dịch, với gần 100.000 người chết vì Covid-19.

"Tôi biết một số nghị sĩ cho rằng chúng ta đã làm đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng. Vài người khác thì nghĩ tình hình đang trở nên tốt hơn, cho phép chúng ta tạm nghỉ, làm ít đi hoặc không làm gì nữa. Nhưng tôi không nghĩ như vậy", Biden phát biểu hôm 5/2, lập luận rằng nhiều người đang sắp chạm đến ngưỡng chịu đựng.

Tổng thống cho biết ông đã gặp gỡ các thành viên của đảng Cộng hòa và từng hy vọng tiến về phía trước với sự ủng hộ của họ, nhưng họ "không sẵn sàng đi xa" đến mức mà ông mong đợi.

"Giữa việc ngay lập tức giúp đỡ những người dân đang bị tổn hại nặng nề và sa lầy vào một cuộc đàm phán kéo dài, thì đây là một lựa chọn dễ dàng. Tôi sẽ giúp người dân", Biden nói.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

Tags:
Ông Biden tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Ông Biden tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Trung Quốc là "đối thủ nặng ký nhất" của Mỹ và tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất