Black Friday ở Việt Nam - nhộn nhịp offline, mờ nhạt online

Không nhiều sản phẩm giảm giá "chấn động" trên chợ mạng, Black Friday ở Việt Nam năm nay cũng vẫn chỉ đông đúc ở các cửa hàng đồ hiệu offline.

07:00 24/11/2018

Từ sáng sớm hôm nay, nhiều cửa hàng đồ hiệu tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và TP HCM đã bắt đầu đông nghẹt người xếp hàng. Hầu hết các nơi treo bảng giảm giá lên đến 50%. Một cửa hàng thời trang trong trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu (Hà Nội) giảm giá toàn bộ mặt hàng chỉ trong 5 tiếng nên hút một lượng khách lớn đổ vào đây.

Tại nhiều nơi, người mua phải xếp hàng chờ đến lượt mới được vào bên trong. Có người mất 2 tiếng để chờ tới lượt thanh toán mua hai đôi giày. Một số nhân viên văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa để mua sắm vẫn 'muộn màng' vì một vài nơi chỉ cho khách ra, không nhận khách mới vào từ lúc 11h trưa.

Không khí mua sắm Black Friday này đã có vài năm trở lại đây ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, khác với "quê hương" của ngày hội là Mỹ, Black Friday Việt Nam đến nay cũng chỉ tập trung chủ yếu ở các cửa hàng thời trang thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, các hệ thống bán lẻ lớn hay kênh thương mại điện tử cũng chỉ ăn theo một cách khá mờ nhạt, dù có nơi quảng cáo giảm đếm 99%.

Một cửa hàng thời trang tại trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu (Hà Nội) hôm 23/11. Ảnh: Anh Tú

Một cửa hàng thời trang tại trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu (Hà Nội) hôm 23/11.Ảnh: Anh Tú

Hai "anh lớn" thương mại điện tử là Lazada và Shopee tổ chức Black Friday ở mức tương đối sau khi đã dồn tài lực cho đợt khuyến mại đậm vào Lễ độc thân 11/11 vừa qua. Không truyền thông, không lễ hội ánh sáng hay trò chơi quy mô lớn như vừa rồi, Lazada gộp chung Black Friday và Cyber Monday thành một đợt khuyến mại kéo dài từ 23/11 đến 26/11, mức giảm đến 70%. Hàng của các thương hiệu lớn được giảm không nhiều, chủ yếu xoay quanh mỹ phẩm và thời trang. Nhóm hàng mới chỉ giảm 15% trong khi các sản phẩm giảm mạnh nhất là hàng giá trị thấp và không có thương hiệu.

Tuyên bố giảm ấn tượng hơn có Tiki với mức quảng cáo là 91%, Shopee là 99%. Black Friday của hai đơn vị này tương đối giống nhau ở hình thức mở bán "chớp nhoáng" (flash sale) theo khung giờ. Vấn đề ở chỗ, flash sale đã trở thành "món ăn nhàm chán" với những người thường xuyên mua hàng qua mạng. Thực tế, ngày nào trong năm thì Lazada, Shopee, Tiki, Sen Đỏ... cũng tổ chức flash sale theo khung giờ.

"Có Black Friday hay không thì ngày nào tôi cũng lên mấy trang thương mại điện tử xem hàng flash sale. Vì vậy, hôm nay cũng không mấy đặc biệt và các trang cũng kéo dài từ 3-7 ngày nên chẳng vội làm gì", Minh Tiến, nhân viên văn phòng ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM nói.

Adayroi "chế biến" Black Friday thành một "Tuần lễ đen tối", kéo dài suốt 20-26/11, tập trung vào hàng công nghệ. Thay vì dùng con số phần trăm, đơn vị này thu hút người xem nhấp chuột bằng thông báo tặng từ 150.000 đến 1.200.000 đồng mỗi đơn hàng. Tuy nhiên, điều kiện món hàng phải từ 3,5 đến 29 triệu đồng. Trong khi đó, Robins thông báo giảm đến 50% và giảm thêm 20% nếu nhập thêm mã khuyến mại. Song, nhiều khách hàng thân thiết đều biết ngày nào trang này cũng có sản phẩm giảm quanh mức phổ biến 20-30%.

Khách hàng săn hàng Black Friday trên một ứng dụng thương mại điện. 

Khách hàng săn hàng Black Friday trên một ứng dụng thương mại điện. 

"Chơi lớn" trong dịp Black Friday là Sen Đỏ, đơn vị hoàn toàn im ắng trong hôm 11/11 để dồn lực cho sự kiện này với chiến lược thuê Mỹ Tâm quảng cáo và tuyên bố giảm giá 20.000 sản phẩm còn 1.000 đồng; 200.000 sản phẩm giảm 70%; miễn phí chi phí vận chuyển trên toàn quốc. Ứng dụng mua sắm Lotte thì tổ chức chiến dịch với khẩu hiệu "Bao cả thị trường". Thực tế, vài sản phẩm điện tử tại trang này có giá tương đối tốt so với các đối thủ nhưng không nhiều.

Theo quy định mới tại Nghị định 81 về hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thương mại điện tử giờ có thể đưa ra mức khuyến mãi hàng hoá, dịch vụ tới 100%, chứ không đơn thuần nấc giảm giá 50% như trước. Tuy nhiên, một số người dùng phản ánh chiêu nâng giá gốc ảo để có được con số giảm giá lớn vẫn xuất hiện.

Đơn cửa một trang bán nâng giá chiếc Iphone Xs Max 512GB lên 50 triệu đồng để có giá giảm sâu dù thực tế các đơn vị khác chỉ bán dao động 42-44 triệu đồng. Hay như một chiếc máy giặt bị nâng giá lên 15 triệu đồng để rao bán giảm 50% trong đợt này còn tầm 7 triệu trong khi giá thị trường chỉ hơn 9 triệu.

"Nhóm Facebook cộng đồng cư dân chung cư tôi chia sẻ với nhau link giảm giá cái máy giặt đến 50%. Tôi tìm hiểu giá tại các trang khác thì ngồi nhẩm ra mức giảm chưa đến 30%. Tuy nhiên, giá vậy cũng khá tốt, dùng chỗ bán hơi nổ", chị Thu Cúc (Thủ Đức, TP HCM) nói.

Ngoài lý do giảm giá quá thường xuyên, tổ chức khuyến mại dài và khuyến mại đôi khi còn "ảo" thì Black Friday của thương mại điện tử Việt Nam còn mờ nhạt vì sau khi dồn lực cho 11/11, các hãng đang chuẩn bị ém bài cho ngày 7/12, tức Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) 2018 do Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.

Hồi giữa tháng, Ban tổ chức Online Friday công bố mục tiêu doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, 2 triệu đơn hàng thành công với 5 triệu lượt truy cập cho sự kiện này. Đã có 3.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 5.000 sản phẩm giảm giá.

Mức tăng doanh thu thương mại điện tử ngày 11/11 và ngày 12/12  tại  năm 2017 so với ngày thường trong kỳ khảo sát (24-30/09/2017). Nguồn: Criteo

Mức tăng doanh thu thương mại điện tử ngày 11/11 và ngày 12/12  tại Việt Nam năm 2017 so với ngày thường trong kỳ khảo sát (24-30/09/2017). Nguồn: Criteo

Với vệt giảm giá từ Single Day, Black Friday cho đến Online Friday, các chiến dịch khuyến mại mua sắm du nhập hoặc lấy ý tưởng từ nước ngoài thật sự ít nhiều giúp các đơn vị thương mại điện tử tại Việt Nam tăng thu đáng kể. Bà Silvia Siow - Giám đốc chiến lược khách hàng, khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo xác nhận điều này với báo giới gần đây.

Theo chuyên gia này, không cần phải thắc mắc "tiền đâu mà người tiêu dùng có thể tranh nhau mua hàng liên tục mùa cuối năm". Việc duy trì các chiến dịch giảm giá đều đặn trong quý IV là một cách làm hợp lý và khôn ngoan.

"Sau ngày 11/11 thì khách hàng ở nói riêng và Đông Nam Á nói chung vẫn tiếp tục mua sắm và sẵn sàng chi tiêu. Do đó, lời khuyên của tôi là hãy tiếp tục đà này mà đẩy mạnh kinh doanh", bà Silvia Siow nói.

Vị chuyên gia này còn bật mí rằng, năm 2017, sau 11/11, ngày đạt đỉnh tăng doanh thu cao nhất năm của thương mại điện tử Việt Nam chính là 12/12. Rất có thể, nếu năm nay các doanh nghiệp dồn sức thêm cho đợt 12/12 ngay sau Online Friday thì cơ hội thu hút người dùng sẽ diễn ra tương tự.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Sợ ‘đổ máu’, người dân Mỹ chọn mua sắm trực tuyến dịp Black Friday

Sợ ‘đổ máu’, người dân Mỹ chọn mua sắm trực tuyến dịp Black Friday

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, 38% người dân Mỹ có dự định mua sắm trong ngày Black Friday (Thứ 6 đen tối) năm nay và 37% trong số đó chọn mua hàng trực tuyến thay vì mua trực tiếp tại cửa hàng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất