Bốn tháng sau cơn bão Maria, Puerto Rico vẫn phải đối mặt với việc thiếu điện, nước và thực phẩm

Đã hơn bốn tháng kể từ khi cơn bão Maria tàn phá Puerto Rico, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, giết chết nhiều người và làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của hòn đảo này.

02:53 02/02/2018

Nelson Rosado, 69 tuổi và Rebeca, 60 tuổi, tại nhà riêng của họ ở Maricao, Puerto Rico.

Mặc dù bị chỉ trích, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang vẫn đang tiếp tục phân phối khối lượng thực phẩm, nước và các cung cấp cơ bản khác góp phần giúp nhiều cư dân cố gắng phục hồi cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, những mối quan tâm gần đây đã xuất hiện về việc FEMA sẽ sớm kết thúc hoặc thu hẹp nguồn viện trợ cho Puerto Rico lúc mà nhiều người dân vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống mà không có điện và phải vật lộn để có được lương thực và nước.

Các quan chức Liên bang cho biết cơ quan này không có ý định ngừng cung cấp cho Puerto Rico, thực phẩm và nước vẫn sẽ tiếp tục được phân phối, nhưng chỉ cho các cộng đồng có "nhu cầu đã được xác định".

William Booher, Giám đốc điều hành của FEMA, nói: "Khi chúng tôi tiến vào sự phục hồi, nhu cầu giảm đi trên toàn đảo."

Booher nói rằng điều quan trọng là chính phủ phải tìm ra sự cân bằng giữa cung cấp hàng hóa với số lượng lớn trên khắp hòn đảo và hỗ trợ khôi phục nền kinh tế địa phương mà không cạnh tranh với nó.

"Chúng tôi không cắt viện trợ cho Puerto Rico”, ông nói. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Puerto Rico và các thành phố địa phương để hỗ trợ những nhu cầu đó ".

Booher nói rằng các nguồn cung cấp FEMA sẽ được cung cấp thông qua các cơ quan thiện nguyện và các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận khác, như Hội Chữ thập đỏ, Đội cứu hộ và các nhà thờ cộng đồng.

"Việc giảm sự phụ thuộc vào FEMA đối với thực phẩm và nước là một dấu hiệu quan trọng cho tiến trình phục hồi", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

FEMA đã làm những gì?

Sau cơn bão Maria, FEMA đã hợp tác với chính quyền của hòn đảo để thành lập 9 khu vực phân phối các nguồn cung như thực phẩm và nước cho 78 thị trưởng của Puerto Rico.

Kể từ cơn bão đổ bộ vào Puerto Rico vào ngày 20 tháng 9, FEMA đã phân phối hơn 65 triệu lít nước đóng chai có giá trị hơn 361 triệu đô la và ít nhất 58 triệu bữa ăn và đồ ăn nhẹ trị giá 1,6 tỉ đô la.

Cơ quan này cũng chỉ ra những cải tiến về cơ sở hạ tầng chính như một dấu hiệu cho thấy Puerto Rico đã trở lại đúng hướng. Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ, điện đã được khôi phục lại 65,4% trên đảo, 86% cư dân có nước uống được, 96% đảo có dịch vụ điện thoại di động, 84,3% trạm xăng đang hoạt động, và ít nhất 23.455 “mái nhà xanh”, mà FEMA miêu tả là "tấm phủ bằng nhựa màu xanh tạm thời để giúp giảm bớt thiệt hại cho tài sản cho đến khi tu sửa vĩnh viễn có thể được thực hiện", đã được cài đặt.

Theo FEMA, hơn 259 triệu đô la đã được cung cấp trong hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí cho việc sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa và thuê nhà ở.

Hector M. Pesquera, một quan chức chính phủ Puerto Rica, nói trong một tuyên bố rằng "trong vài tháng qua, điều kiện ở hầu hết các khu vực đã được cải thiện và nhiều chỉ số kinh tế cho thấy sự phục hồi đang được tiến hành."

Điều kiện hàng ngày

Số người chết chính thức do hậu quả của cơn bão Maria là 64, nhưng một phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học cho thấy con số này có thể lên tới hơn 1.000. Vào tháng 12, thống đốc Puerto Rico yêu cầu các nhà chức trách xem xét lại tất cả các ca tử vong.

Nhiều người dân vẫn còn phải vật lộn tìm nước sạch. Chăm sóc y tế vẫn còn khan hiếm khi nhiều bệnh viện trở nên quá tải.

Nelson Rosado Jr. đang ở nhà bố mẹ trong thị trấn Maricao, phía Tây Puerto Rico, hôm thứ Ba, cố gắng đảm bảo bố và mẹ của anh có nhiều thức ăn, nước uống và thuốc men tốt nhất có thể.

Cha của Rosado, Nelson Rosado, 69 tuổi, mất thính giác và thị lực, phải phụ thuộc vào vợ ông, Rebeca Valle, 60 tuổi, vì nhiều nhu cầu của ông. Cả hai đều không thể lái xe.

Rebeca và Nelson phải nhờ cậy vào con cái để đến các siêu thị gần nhất ở Lares, Mayaguez hoặc Sabana Grande. Nhiệm vụ trở nên nguy hiểm hơn kể từ khi cơn bão Maria tàn phá đường xá và đường dây điện.

Sau cơn bão, hai vợ chồng đã cố gắng sống cùng với Nelson Rosado Jr., 42 tuổi và gia đình ở Milwaukee, nhưng họ không thể thích ứng với cái lạnh và nỗi xa nhà, nên họ quay trở lại hòn trong tháng này. Họ đã dựa vào các nguồn tin bao gồm cả FEMA về thực phẩm và nước và hy vọng rằng cơ quan này sẽ giúp họ một lần nữa.

Hải Vân/ Theo LA Times
Puerto Rico vui mừng vì sự trở lại của điện sau 112 ngày

Puerto Rico vui mừng vì sự trở lại của điện sau 112 ngày

Niềm vui có điện được thể hiện bằng tiếng reo hò phấn khích của một trường học ở Puerto Rico.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất