Ca nCoV mới ở Mỹ tăng chưa từng thấy

Mỹ ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm nCoV mới, mức tăng hàng ngày cao nhất trong đại dịch, gây lo ngại về đợt bùng phát mới.

21:30 27/06/2020

Mỹ ngày 26/6 ghi nhận thêm 45.242 ca nhiễm nCoV, theo thống kê của Reuters, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này vượt 2,5 triệu, trong đó hơn 127.000 người tử vong, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất và chết chóc nhất thế giới.

Đây là mức tăng ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Con số kỷ lục này được ghi nhận khi nhiều bang phải trì hoãn kế hoạch nới lỏng phong toả và tái mở cửa do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở một điểm xét nghiệm tại quận Queens, thành phố New York, hôm 25/6. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở một điểm xét nghiệm tại quận Queens, thành phố New York, hôm 25/6. Ảnh: Reuters

Texas là một trong những bang đầu tiên nới lỏng các hạn chế để kiềm chế Covid-19, cho phép các quan bar tái mở cửa hồi tháng 5. Bang này sau đó chứng kiến một trong những mức tăng ca nhiễm nCoV cao nhất, với 5.996 ca hôm 25/6, số ca nhập viện hai tuần qua cũng cao chưa từng có.

Thống đốc Greg Abbott hôm 26/6 đã ra lệnh toàn bộ các quán bar ở bang Texas đóng cửa từ giữa ngày và yêu cầu các nhà hàng giảm 50% số chỗ ngồi. Tuyên bố của ông Abbott, một thành viên đảng Cộng hoà, khiến các chủ quán bar ở Texas choáng váng vì không được thông báo trước. 

Mark Martinez, chủ quán bia ở thành phố Lubbock, chỉ biết chỉ nhận được thông tin trên qua tin nhắn của bạn bè lúc 8h sáng.

"Tôi đã chi hàng nghìn đôla chuẩn bị hàng hoá cho cuối tuần này. Tôi lẽ ra có thể dùng số tiền đó để trả tiền thuê nhà dự kiến vào tuần tới", Martinez, 44 tuổi, nói.

"Làm sao chúng tôi thanh toán các hoá đơn đây", Tish Keller, chủ của quán Triple J Chophouse và Brew Co. ở Lubbock, than thở. "Bắt chúng tôi giảm 50% chỗ ngồi có nghĩa là chúng tôi sẽ không đủ tiền để trả lương cho nhân viên, chứ đừng nói đến các hoá đơn".

Keller cho hay cô không biết mình có thể mở cửa đến khi nào và đang nỗ lực cứu doanh nghiệp nhỏ khỏi sụp đổ lần thứ hai trong một năm.

Tish Keller, chủ nhà hàng Triple J, thành phố Lubbock, , lo lắng trước quy định phòng dịch mới của chính quyền hôm 26/6. Ảnh: Reuters
Tish Keller, chủ nhà hàng Triple J, thành phố Lubbock, , lo lắng trước quy định phòng dịch mới của chính quyền hôm 26/6. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, bang Florida yêu cầu các quán bar ngay lập tức ngừng phục vụ đồ uống có cồn, sau khi ghi nhận 8.942 ca nhiễm nCoV mới, vượt qua kỷ lục 5.511 ca nhiễm mới hôm 24/6.

Thống đốc California Gavin Newsom hôm 26/6 cho hay dịch bệnh ở hạt Imperial, đông nam Los Angeles, đang trở nên nghiêm trọng đến mức ông phải khuyến cáo giới chức địa phương yêu cầu người dân ở nhà. Ông cũng đã ngừng cho phép các hạt tái mở cửa kinh tế trong bối cảnh số ca nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh. 

Giới chức y tế Imperial sau đó thông báo lệnh ở nhà được áp đặt từ tháng 3 hiện vẫn còn hiệu lực. Ban giám sát của hạt dự kiến nhóm họp để tăng cường hoạt động phòng dịch.

Tại Alaska, thị trưởng thành phố Anchorage, Ethan Berkowitz, phát lệnh khẩn cấp yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, trong các không gian kín, sau khi bang này báo cáo 836 ca nhiễm mới, với 387 ca ở Anchorage.

Bất chấp những tin tức xấu từ Texas, Florida và các nơi khác, Tổng thống Donald Trump hôm 26/6 cho rằng Mỹ đang hồi sinh từ khủng hoảng.

"Chúng tôi còn một chút việc phải làm và sẽ hoàn thành. Chúng ta đang có những con số rất tốt của quá trình tái mở cửa, tái sinh đất nước và tôi nghĩ mọi thứ đang diễn ra rất nhanh chóng và sẽ rất thuận lợi", ông nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng.

Trong khi đó, Phó tổng thống Mike Pence phát biểu tại Texas và Florida rằng đang ngày càng có nhiều người trẻ, dưới 35 tuổi, nhiễm nCoV, nhiều người không có triệu chứng.

Các bang khác cũng báo cáo mức tăng ca nhiễm mới kỷ lục trong tuần này là Alabama, Arizona, California, Georgia, Idaho, Mississippi, Missouri, Nevada, Oklahoma, Nam Carolina, Tennessee và Wyoming.

Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Nhà Trắng, ngày 26/6 thừa nhận chiến lược xét nghiệm hiện nay của Mỹ vẫn còn bỏ sót các ca nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng. Ông cho biết giới chức đang xem xét thay đổi chiến lược xét nghiệm, có thể áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp, tương tự những gì thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã tiến hành.

Anh Ngọc (Theo Reuters)

Tags:
Cuộc sống 'không nghề, không tiền' của người Việt bị Mỹ trục xuất

Cuộc sống 'không nghề, không tiền' của người Việt bị Mỹ trục xuất

Chỉ cho đến khi Pham Chi Cuong nhìn thấy chiếc máy bay chờ trục xuất ông khỏi nước Mỹ, người đàn ông 47 tuổi này mới thực sự ý thức được mình sắp bị đưa về Việt Nam, quê hương mà ông rời bỏ vào năm 1990, theo Reuters.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất