Cách người nghèo ở Mỹ sống sót

Họ sống trong những chiếc xe nhỏ, với thực phẩm được trợ cấp từ chính quyền bang hay xin đồ ăn thừa từ các nhà hàng địa phương.

10:00 09/07/2020

Ở nam California, mặt trời mọc trên vịnh San Diego, soi rọi một bãi đỗ xe nằm bên một con đường lớn. Maria, 54 tuổi, bắt đầu ngày mới bằng việc thu dọn “chiếc giường” tối qua cô đã trải ra trên chiếc xe tải nhỏ của mình.

Trong xe có đầy đủ tất cả những gì cần có cho cuộc sống của Maria. Cô không có lấy một ngôi nhà để nương thân và buộc phải qua ngày trên chiếc xe tải nhỏ này đã gần một năm nay.

Maria sống trong chiếc xe tải chật hẹp. Ảnh: DW

“Trông rất gọn gàng. Nhưng với nhiều người quanh đây thì nó là một mớ hỗn độn. Đồ đạc khắp nơi. Tôi từng nghĩ làm sao mình có thể tới nơi làm (với chiếc xe) và sống như vậy? Nhưng mà mọi thứ phải thế thôi, để có thể tiếp tục sống. Nó chẳng hoàn hảo, nhưng tôi chấp nhận nó”, Maria chia sẻ khi hãng truyền hình Đức, DW phỏng vấn cô.

Mỗi sáng, Maria và những người như cô tỉnh giấc, lấy đồ vệ sinh cá nhân và tới xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh công cộng ở bãi đỗ xe để rửa mặt, chuẩn bị cho việc đi làm.

Có khoảng 30 người như Maria sống qua đêm tại bãi đỗ xe này. Họ làm rất nhiều nghề: Bảo vệ cửa hàng, tài xế công nghệ, thư ký, thậm chí là cả những kỹ thuật viên máy tính…

Để đủ cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho những người như Maria, chính quyền khu vực này đã lắp thêm các bồn nước, nhà vệ sinh tạm thời và cả một khu bếp nhỏ ngoài trời – nơi Maria cùng mọi người pha cà phê mỗi sáng hay chuẩn bị một thứ đồ ăn nhẹ cho ngày làm việc của mình.

Trước khi rơi vào cảnh vô gia cư, Maria từng là người có tất cả. Cô kết hôn, sống trong một căn hộ đẹp mộng mơ. Nhưng sau khi sống cùng chồng 5 năm trời, cô và chồng đột ngột chia tay, và cô bỗng dưng mất tất cả. Không nhà cửa, không con cái, không có bất cứ thứ gì. Cô ra đi cùng với chiếc xe tải nhỏ của mình, sống cuộc đời trong bãi đỗ xe công cộng và không biết tương lai sẽ ra sao.

Maria hiện đang có công việc với mức lương 1.600 USD/tháng. Nhưng nó không đủ cho cô mua sắm bất cứ cái gì. Tiền thuê nhà tại Mỹ rất cao, trong khi mức lương đó cũng không cho phép cô vay tiền mua lấy căn hộ vừa phải.

Maria là một cá nhân điển hình trong tầng lớp cận nghèo của Mỹ.

Maria dọn chiếc “giường” ngủ trước khi đi làm. Ảnh: DW.

Trên thực tế, nước Mỹ dù cố gắng “vĩ đại trở lại” kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, vẫn có những sự thật gây sốc về cảnh nghèo khó tại quốc gia từng thịnh vượng nhất thế giới này.

Có 40 triệu người ở Mỹ sống dưới chuẩn nghèo kể từ năm 2008. Hàng triệu người lao động phải sống cuộc sống “vật vờ” như Maria đang sống.

Eric, một “người hàng xóm” của Maria, vốn từng là kỹ sư công nghệ thông tin và nhận mức lương lên đến 5.500 USD mỗi tháng trong quá khứ. Giờ đây, ở tuổi 53, anh sống trong chiếc xe hơi của mình. Để có được những bữa ăn miễn phí, anh đã tới nói chuyện với các cửa hàng pizza trong vùng và “nhờ” họ gom những miếng pizza khách để thừa lại, đưa về bãi xe và cùng láng giềng của mình sử dụng chúng như bữa chính mỗi ngày.

Bốn năm trước, Eric lên một cơn đau tim, anh không thể tiếp tục công việc và bị sa thải. Sau 6 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh chẳng còn lại gì.

Bãi đỗ xe nơi Eric hay Maria ở sẽ đóng cửa lúc 9 giờ tối. Sau đó sẽ không có bất cứ ai được vào. Họ không có bảo vệ.

Một người hàng xóm của Eric trong bãi đỗ xe. Ảnh: Washington Post.

Trước đây, định kiến cho rằng những người vô gia cư Mỹ chỉ toàn là những người lười biếng, nhập cư bất hợp pháp, hay những người nghiện ngập không thể lao động. Ngày nay, vô gia cư Mỹ đã mở rộng, với rất nhiều nhóm người: Những người có vấn đề về tài chính, phá sản, những người ốm yếu không thể tiếp tục làm việc. Cũng có người nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh nghèo đói, nhưng đa số họ phải gắn bó với đời sống tạm bợ như vậy.

Tại một nơi khác, ở phía bên kia nước Mỹ, ngay cạnh thủ đô Washington DC. Nơi đây có tới 1/4 dân số sống dưới chuẩn nghèo. Cứ mỗi năm, có khoảng 3.000 người mất nhà cửa vì tình cảnh tài chính trở nên khốn khổ.

Một căn hộ cho thuê tại Virginia chỉ với một phòng – trong đó sắp xếp cho cả giường ngủ, bếp, khu vệ sinh và tủ quần áo – có giá thuê lên tới 1.500 USD. Mức giá này bằng nguyên cả tháng lương của một người bình thường như Maria hay Erik ở California.

Chính quyền Virginia có luật cho phép chỉ sau 5 ngày, nếu người thuê nhà không trả tiền, họ được phép gọi nhân viên công vụ tới và tống cổ người thuê ra khỏi nơi ở. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có sự đồng cảm nào từ những người thực thi công vụ cả.

Bạn sẽ không lạ lùng gì cảnh những cảnh sát một sáng nào đó bỗng dưng cầm trên tay khẩu súng ngắn, đi tới một căn hộ trong khu vực, đưa khẩu súng lên phòng bị trước khi gõ cửa và đuổi chủ nhân ngôi nhà ra đường.

Khi một người Mỹ không còn đủ khả năng tài chính để thanh toán các khoản lãi ngân hàng, ngay lập tức điểm tín dụng của họ bị hạ thấp. Không sớm thì muộn, họ sẽ bị tịch thu ngôi nhà đang ở để ngăn ngừa việc không thể thanh toán.

Bạn cũng sẽ khó tin rằng, một quốc gia cường thịnh như Mỹ lại có hàng ngàn người xếp hàng trước một trại y tế để được khám chữa bệnh miễn phí như trong thời chiến. Thậm chí, với nhiều người, việc được khám bệnh và chữa răng miễn phí mỗi năm một lần chính là ân huệ quốc gia ban cho.

Chính quyền các bang ở nước Mỹ nỗ lực đưa ra các chính sách an sinh hỗ trợ người vô gia cư. Tiêu biểu như việc cung cấp thức ăn miễn phí cho các khu vực tập trung đông người nghèo.

Vào mỗi buổi trưa hàng tuần, sẽ có những chiếc xe tải chở thức ăn tới các khu tương tự như vùng nông thôn Applachia, cách thủ đô Washington không quá xa. Nơi đây từng là thủ phủ khai thác than lớn của nước Mỹ, giờ đây nó chỉ còn là nơi tập trung những người nghèo nhất đất nước sinh sống. Bữa ăn miễn phí tương đối đầy đủ với sữa, hoa quả, bánh mỳ kẹp… Với nhiều người, nó khá tươm tất trong cảnh trợ cấp thất nghiệp không thể đủ nuôi sống gia đình.

Trong năm 2018, có 38,1 triệu người Mỹ sống trong nghèo khó, tương đương 11,8% dân số. Một gia đình có bốn người, nếu thu nhập dưới 25.700 USD mỗi năm được coi là người nghèo.

Số trẻ em sống dưới chuẩn nghèo của Mỹ lên tới 11,9 triệu trẻ, tương đương 16,2% tổng số trẻ em trên toàn nước Mỹ.

PV

Tags:
Lý do Trump gây sức ép với du học sinh tại Mỹ

Lý do Trump gây sức ép với du học sinh tại Mỹ

Quy định về visa mới của Trump được cho là nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chống nhập cư lâu nay và buộc các trường học Mỹ phải mở cửa trở lại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất