Cái giá của sự thật

Mưa chiều nay làm ướt con phố nhỏ. Buổi sáng thì có một chút nắng. Đúng là Nắng của Tháng Tư.

08:00 06/02/2021

Mọi thứ nhẹ nhàng. Trong veo quá đỗi. Cảm xúc tròn trịa khiến người ta cảm nhận rõ ràng sự bình yên vẫn đang hiện hữu. Tuần sau sẽ là Lễ Phục Sinh vậy mà mọi thứ sao yên ắng quá. Phố nhỏ êm đềm. Linh hồn Bắc Mỹ chìm đắm trong lời nguyện cầu an yên và tĩnh lặng.

Tôi quyết định đến thăm cô vào một ngày Tháng Tư, giữa lúc nước Mỹ đang oằn mình gánh chịu cơn sốt của đại dịch. Từ khi lớn lên tôi ít khi nghe người nhà nhắc về cô nữa. Có lần nghe một người quen nói cô đã sang Mỹ cùng người chị ruột. Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ đó.

Có một điều bất ngờ là chúng tôi ở cùng một thành phố với nhau, vậy mà đã bao nhiêu năm không hề hay biết. Cuộc sống luôn có những hạnh ngộ hết sức tình cờ. Tôi sốt ruột muốn biết hiện tại cô đang sống thế nào. Ngần ấy năm mất liên lạc với nhau là rất dài đủ để chúng tôi có quá nhiều điều muốn biết, mà không nôn nóng sao được khi tôi cảm nhận cô có rất nhiều điều muốn chia sẻ cùng tôi:

“Đời cô buồn nhiều, vui ít! Những gì cô đã trải qua chắc chưa bao giờ có ai trải qua. Nó đoạn trường. Bi thương và Cùng cực lắm. Cô không nghĩ cô còn có thể sống đến ngày hôm nay. Chút nữa cô đã bị Sở di trú Hoa Kỳ cho ở tù & chờ ngày trục xuất".

Cô đón tôi trong niềm vui và cảm giác bùi ngùi pha lẫn của thứ máu thịt tình thâm lâu ngày gặp lại. Nhà của cô đẹp và khang trang nằm giữa khu phố không nhiều người Việt. Người đàn ông bên cạnh cô lúc nào cũng nở nụ cười dịu dàng và tử tế. Tôi cảm nhận được hạnh phúc đang ngập tràn tổ ấm.

Câu chuyện của hơn 13 năm về trước. Cô khi ấy độ khoảng chừng 30. Chuyến du lịch sang Mỹ thăm người chị ruột đã trở thành nỗi ám ảnh trong đời cô mãi cho tới bây giờ. Cô không biết tại sao bản thân vẫn còn sống sót để nhận ra rằng cuộc đời chưa bao giờ là chấm hết với bất kỳ ai kiên định.

Người chị ruột muốn giúp em gái của mình có thể được định cư ở Hoa Kỳ nên đã gắng vun đắp cho cô một người đàn ông. Qua bao nhiêu năm dài tháng rộng, cuộc tình của cô đến hồi đơm hoa kết trái. Kết quả là cô cũng có được một hồ sơ đang chờ bảo lãnh định cư ở Sở di trú Hoa Kỳ.

Nhưng không ngờ rằng trong quá trình chờ Sở di trú chấp thuận chuyển diện định cư thì hai người xảy ra mâu thuẫn. (Người viết Xin được phép không bàn luận lý do vì sao lại có sự mẫu thuẩn này vì không phải là người trong cuộc). Chỉ biết rằng sau đó người đàn ông tố cáo cô đã gian lận để được vào Mỹ và xin rút đơn bảo lãnh.

Không biết khi đó ông ta đã đưa ra những bằng chứng hay lý do gì để thuyết phục được Sở di trú tin vào những gì ông ta nói là đúng (Thực sự cũng không dễ - nhưng người viết không có phép để bàn luận). Chỉ biết là cuối cùng ông ta đã thành công và có một ngày cô phải đối diện trước Bộ An Ninh & Nội Địa Hoa Kỳ với nghi án “kết hôn giả" .

Bàng hoàng sau khi hay tin người đàn ông phản bội thì cũng đúng là lúc cảnh sát và nhân viên của Cơ quan thực thi di trú Hoa Kỳ xuất hiện trước nhà. Cô thậm chí không kịp làm gì khác hơn và phải đi theo họ. Lúc đó cô sợ lắm và nghĩ mình sẽ ở tù, vì không biết tiềng, không biết nói, không biết nghe. Họ chẳng cho cô nói mà họ nói gì với nhau cô cũng không thể hiểu. Cuối cùng họ quyết định rằng sẽ cho cô ở tù treo (tức là cho tại ngoại), nhưng gắn con chip vào chân cô cho tới ngày cô bị trục xuất.

Đang trong hoàn cảnh đó thi cô nhận được tin chị ruột của cô qua đời trong một cơn bạo bệnh. Không gia đình, không chỗ dựa, không có việc làm, thời gian cho đến ngày về Việt nam cô còn phải qua nhiều lần trình diện khi Sở di trú có lệnh. Nghiệt ngã. Bế tắt. Hoài nghi. Tất cả mọi cảm xúc gom góp trong nỗi sợ hãi lẫn lo âu vào một ngày mai... liệu có hay không....?! Một lần cô đã có ý định tự tử, nhưng có lẽ số phận buộc cô phải đi cho hết những chặng đường.

Nhiều tháng ròng rã với con chip một bên chân, cô oằn mình trong nỗi cô đơn. Chán chường. Tuyệt vọng. Bây giờ muốn về Việt Nam cũng không về được. Căn phòng cô thuê cần có tiền để trả. Cô lần tìm kết bạn với vài người, họ cho cô vài thông tin và rủ cô sang tiểu bang khác để tìm việc.

Thế là cô đi. Mỗi bước chân cô đều được báo về mật vụ di trú Hoa Kỳ. Đó là những chuỗi ngày thê thảm nhất của cuộc đời. Cô vừa như kẻ trốn chạy vừa phải lăn lộn trước cuộc mưu sinh. Để tồn tại. Để sống. Và để chờ đợi ngày về. Cô được biết sẽ cần thêm một lần trình diện.

Trong một lần lang thang vô định ở Thành phố Philadelphia (cũng là thành phố mà tôi đang sống), cô gặp dượng. Dượng là một người kinh doanh nhỏ trong khu phố của người Việt. Nỗi đau của cô đã chạm vào máu và tim người đàn ông ấy. Hai người quyết đinh đến với nhau trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi, nhưng may mắn cho cô là dượng quyết đấu tranh, bảo vệ và cưu mang đời cô từ khi đó.

Cô bảo với tôi là cô đã tốn rất nhiều tiền để được hợp pháp ở lại đây, để được ân xá và trắng án, để được ở lại bên cạnh người đàn ông yêu cô hết lòng hết dạ. Cô đã thành công trên con đường đi tìm tự do, công lý. Hạnh phúc hôm nay cô có được phải trả giá bằng cuộc đời đau khổ của hơn 10 năm về trước. Cô đã có thẻ xanh 10 năm. Cô nói nếu như cô gặp lại tôi sớm hơn có lẽ cô đã không phải rơi vào những tình huống bi thương như thế. Tôi thì nghĩ khác, nếu người ta không đủ thật thì không thể thắng được số phận của mình. Tôi cũng chỉ có thể cho cô những lời khuyên và cô phải tự đi cho đúng hướng, ngược lại cô cũng phải trả giá bằng rất nhiều tiền để mua sự tự do của chính mình. Mỹ cho phép người ta dùng tiền để mua sự tự do và sự hợp pháp của họ.

Chia tay cô ra xe thì trời đã về chiều. Đường Freeway 476 South từ Philadelphia về Souderton rộng thênh thang mà chật nghẹt xe, thằng em lái xe cứ chép miệng than kẹt xe nên phải đi chậm, chậm của nó thôi chứ nhìn cảnh vật vẫn trôi vùn vụt qua kính xe. Chặng đường cuối cùng trước khi đến nhà....Dù chậm, dù muộn, nhưng cuối cùng cô cũng đến nơi.

Tags:
Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Nhờ việc tiêm Vắc-Xin đang diễn biến cực nhanh và các ca bệnh trước đây tự tạo ra kháng thể chống lại COVID-19, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên hình thành miễn dịch cộng đồng và kiểm soát hoàn toàn được đại dịch.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất