California thất thủ trước Covid-19 ra sao?

Là bang đầu tiên ở Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 nhưng giờ đây, California lại lâm vào tình trạng khủng hoảng do bất đồng từ người dân.

22:30 13/12/2020

Khi Covid-19 mới bùng phát ở Mỹ, tiểu bang California được tôn vinh như ngọn hải đăng giữa một quốc gia đang trên bờ vực vì đại dịch.

Trong khi Tổng thống Donald Trump từ chối đeo khẩu trang và nói với người dân rằng Covid-19 "một ngày nào đó sẽ biến mất giống như phép màu", California là bang đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa cho người dân.

Trong nhiều tháng, bang này dường như ngăn chặn được cuộc khủng hoảng đại dịch diễn ra tại New York và Louisiana. Dù là bang đông dân nhất của Mỹ và có đường bay thẳng tới Vũ Hán, điểm khởi phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở California vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, đến đầu mùa hè, chính quyền bang đứng trước áp lực phải mở cửa trở lại. Phong tỏa và giãn cách xã hội quá lâu khiến người dân mệt mỏi. Dù các quy định có chặt chẽ đến đâu, các trường hợp mắc Covid-19 vẫn xuất hiện, theo Guardian.

 phong toa anh 1
Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm Covid-19 ở Los Angeles vào ngày 8/12. Ảnh: AFP.

Giai đoạn thách thức nhất

Hiện nay, phần lớn bang California bắt đầu bị phong tỏa trở lại trong bối cảnh số ca bệnh ngày càng tăng cao và liên tiếp lập kỷ lục.

Bang này hiện ghi nhận hơn 1,3 triệu trường hợp mắc Covid-19. Tuần trước, kỷ lục mới được xác nhận với hơn 25.000 ca bệnh mới được ghi nhận trong một ngày.

Tại hạt Los Angeles, khoảng 10.000 ca bệnh được ghi nhận trong ngày vào tuần trước, khiến số trường hợp phải nhập viện cũng tăng theo. Theo các quan chức tại đây, cứ sau 20 phút lại có một người chết vì Covid-19.

“Đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi đại dịch này xuất hiện. Nhiều người sẽ chết nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp chưa từng có", Gavin Newsom, Thống đốc bang California, nói.

Các bệnh viện trên toàn tiểu bang đã quá tải. Ở miền Nam California, số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) giảm xuống còn 10%. Tại hạt Santa Clara ở Vùng Vịnh, bệnh viện chỉ còn 31 giường ICU cho 2 triệu cư dân. San Francisco được dự báo ​​hết giường ICU vào ngày 27/12.

Đội ngũ y tế ở tuyến đầu đang kiệt quệ sau nhiều tháng chiến đấu với đại dịch.

 phong toa anh 2
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở , Mỹ. Ảnh: Reuters.

Marcia Santini, y tá tại khoa cấp cứu của trung tâm y tế Đại học California, cho biết: “Virus đang xâm nhập vào tất cả chúng ta. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ chính mình và bảo vệ bệnh nhân. Vài tháng tới sẽ thực sự đáng sợ".

Santini nói cô cảm thấy thất vọng khi người dân không còn coi trọng các quy định ngăn chặn Covid-19 nữa.

"Mỗi ngày đi làm, chúng tôi đang đặt mạng sống của mình và của cả gia đình vào vòng nguy hiểm", cô nói thêm.

Tuyệt vọng vì lệnh phong tỏa mới

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, tuần trước, California áp đặt lệnh phong tỏa trong bối cảnh số giường ICU ở một số khu vực như miền Nam California, Thung lũng Trung tâm và vùng Sacramento chỉ còn dưới 15%.

"Chúng tôi làm như vậy không chỉ vì chúng tôi muốn. Lệnh phong tỏa là vì mạng sống của mọi người", London Breed, Thị trưởng San Francisco, nói.

Tiến sĩ Grant Colfax, Giám đốc Sở Y tế San Francisco, cho biết: "Hiện tại, virus có ở khắp mọi nơi trong thành phố của chúng tôi, thậm chí ca bệnh xuất hiện ở rất nhiều khu vực lân cận mà trước đây chưa từng được ghi nhận".

Tuy nhiên, người dân California lại có phản ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài qua Giáng sinh này rất phức tạp và có vẻ mâu thuẫn với nhau.

Tại sao cư dân nên giảm thiểu tiếp xúc với các hộ gia đình khác, nhưng hoạt động mua sắm bán lẻ vẫn có thể tiếp tục? Tại sao ban đầu chính quyền bang ra lệnh đóng cửa các sân chơi nhưng vẫn cho phép các trung tâm thương mại mở cửa?

Và tại sao người dân California cần hạn chế tiếp xúc xã hội, trong khi thống đốc và thị trưởng San Francisco vẫn tham dự lễ kỷ niệm tại một nhà hàng hạng sang?

 phong toa anh 3
Một số nhà hàng ở phải cho thực khách ngồi ở ngoài trời để tuân thủ quy định ngăn chặn Covid-19. Ảnh: AFP.

Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại San Francisco, cho biết giống như người Mỹ ở các bang khác, người dân California đang phải đối mặt với tâm trạng "mệt mỏi vì đại dịch". Điều này có nghĩa là họ sẽ không tuân thủ chặt chẽ các quy định phong tỏa.

Thực tế là ở các quận ngoại ô, người dân ngày càng phản đối mạnh mẽ quy định chống dịch.

Ngành công nghiệp nhà hàng, vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng đang gặp khó khăn trước những quy định phong tỏa mới. Một số nhà hàng đã đầu tư hàng nghìn USD vào cơ sở hạ tầng để tạo ra các khu vực ngoài trời cho khách hàng, nhằm duy trì kinh doanh trong đại dịch. Tuy nhiên, lần này họ cũng bị yêu cầu đóng cửa hoàn toàn.

Trích dẫn nghiên cứu của Hiệp hội Nhà hàng California, Sharokina Shams, phát ngôn viên của hiệp hội, cho biết 43% chủ nhà hàng lo ngại không thể trụ được trong 6 tháng tới.

"Nếu như lúc trước họ thất vọng, thì nay họ đang cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng", phát ngôn viên Shams nói.

Khoét sâu ranh giới bất bình đẳng

Tỷ lệ thất nghiệp ở California hiện đạt mức kỷ lục và vô số doanh nghiệp phải đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghệ, vẫn tăng doanh thu.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng sau đại dịch, California có thể chứng kiến tình trạng "phục hồi hình chữ K", có nghĩa là thu nhập của nhóm người giàu vẫn tăng còn người nghèo lại tiếp tục nghèo đi.

Nhóm cư dân gốc Mỹ Latin ở Los Angeles, vốn làm những công việc tay chân, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn gấp đôi so với người da trắng.

Tỷ lệ cư dân thuộc tầng lớp lao động tử vong vì Covid-19 đặc biệt cao ở các nhóm không có giấy tờ tùy thân và không thể tiếp cận viện trợ.

 phong toa anh 4
Nhóm cư dân thuộc tầng lớp lao động gốc Mỹ Latin ở có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn so với người da trắng. Ảnh: Getty.

"Đây là tình trạng thực sự thảm khốc đối với người dân của chúng tôi. Họ có quyền được trả lương vào những ngày ốm đau, nhưng quyền đó không được tôn trọng", Marissa Nuncio, người ủng hộ các công nhân may mặc ở Los Angeles, nói.

Marta Induni, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng phi lợi nhuận có trụ sở tại Oakland, cho biết các biện pháp phong tỏa mới được áp đặt không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng đó vì thiếu chính sách hỗ trợ cho người lao động.

"Đặc biệt là ở California, rất nhiều người không có giấy tờ tùy thân. Họ bị chính phủ liên bang truy quét và là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương", chuyên gia Induni nói.

Các nhà hoạt động xã hội hy vọng chính quyền bang California sẽ cân nhắc đến tình trạng bất bình đẳng đó khi phát triển kế hoạch phân phối vaccine Covid-19.

Theo dự kiến, tiểu bang này sẽ nhận được 327.000 liều vaccine trong đợt phân phối đầu tiên đến các bệnh viện trong những ngày tới. Chính quyền California đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 2,16 triệu người vào cuối năm nay, bắt đầu từ các nhân viên y tế.

Các quan chức bang này cũng cam kết phân phối vaccine một cách công bằng cho cư dân mọi chủng tộc. Tuy nhiên, Guardian nhận định chính quyền California vẫn phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng niềm tin cho người dân và tiếp cận các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Tags:
Tranh cãi quanh việc Tổng thống Trump “thua ông Biden lần hai”

Tranh cãi quanh việc Tổng thống Trump “thua ông Biden lần hai”

Tạp chí Time đã vinh danh ông Joe Biden và bà Kamala Harris là “Nhân vật của năm”, đánh bại Tổng thống Donald Trump và bác sĩ Anthony Fauci khiến dấy lên nhiều tranh cãi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất