Câu chuyện cảm động về người thầy dạy trẻ bằng cả trái tim

Căn phòng 56 thuộc một trường công ở Los Angeles, Mỹ là nơi học tập của học sinh lớp 5 nhập cư, nghèo khó. Thế nhưng, các em biết chơi nhạc Vivaldi, diễn kịch Shakespeare, trở thành SV các trường ĐH tốp đầu nước Mỹ. Tất cả là nhờ thầy giáo Rafe Esquith.

02:03 26/11/2017

Thay đổi nhờ sự cố “tóc tôi đang cháy”

Rafe là một thầy giáo dạy ở một trường tiểu học công lập bình thường giữa thành phố Los Angeles. Giáo dục nước Mỹ thời điểm đó gặp phải nhiều khó khăn có phần giống Việt Nam hiện nay: Bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục và thi cử, dạy chay các môn khoa học và học sinh thì thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội…

Chứng kiến nhiều ngang trái, tiêu cực trong ngành giáo dục và xã hội Mỹ thời điểm đó, thầy giáo này đã rất nản lòng và từng muốn bỏ cuộc khỏi nghề giáo viên. Gần như thầy cảm thấy bất lực khi không thể làm gì để thay đổi tình thế bởi tất cả những điều đó làm nản lòng cả những giáo viên tâm huyết nhất.

24085253_10214522142592433_2110727185_o.jpg
Thầy giáo Rafe Esquith và học trò nhỏ ở phòng học số 56. Ảnh chụp bìa cuốn sách "Dạy trẻ bằng cả trái tim"

“May mắn thay, tôi đã trải qua thời khắc quan trọng ở một lớp học, nơi đã thắp sáng ngọn lửa dẫn đường đưa tôi ra khỏi bóng tối theo đúng nghĩa đen. Nhiều năm trước, lúc mệt mỏi và thất vọng, tôi đã xin nghỉ vài tuần cho thư thái tâm hồn. Tôi tự hỏi liệu tôi có nên tiếp tục theo đuổi công việc dạy học nữa không. Nhưng vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy thật có lỗi vì đã suy nghĩ tiêu cực như vậy”- thầy Rafe Esquith viết trong cuốn sách của mình.

Mọi thứ thật sự đánh thức bản năng dạy học của người thầy giàu lòng nhân ái này, khi xảy ra một sự cố trong giờ thí nghiệm hóa học. Sau khi quan sát một học sinh nữ loay hoay khi không theo kịp bạn trong buổi thực hành. Điều gì đó thôi thúc thầy hỗ trợ cô bé trong giây phút cô bé tuyệt vọng nhất.

Sau khi giúp cô bé hoàn thành việc khêu sợi bấc để ngọn đèn cháy sáng, vô tình ngọn lửa bén vào tóc của thầy. Tóc thầy đang cháy, trong tiếng thét sợ hãi của học trò. Nhưng chính sự cố này đã giúp thầy nhận ra một chân lý tuyệt vời, khiến thầy từ bỏ hoàn toàn ý định “nghỉ chơi” với nghề giáo.

“Tôi thầm nghĩ nếu mình có thể quan tâm việc dạy  học nhiều đến mức không hề nhận thấy tóc mình đang cháy, thì tôi đã đi đúng hướng rồi! Từ thời điểm đó, tôi quyết tâm rằng mình sẽ phải luôn dạy học với tâm thế “tóc tôi đang cháy”.

Nguyên lý dạy học bằng trái tim

Trong cuốn sách “Dạy trẻ bằng cả trái tim” - cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, tác giả và cũng là thầy giáo “tóc cháy” Rafe Esquith đã viết về hành trình dạy trẻ trong lớp học số 56 của mình. Mỗi phần của sách là một câu chuyện cảm động về lòng quyết tâm thay đổi thực tế dạy và học tại trường công, về những điều tốt đẹp mà phụ huynh và thầy cô giáo có thể tác động và làm thay đổi tâm hồn, suy nghĩ và tương lai của trẻ.

Với tâm huyết của một người thầy, một người cha, Rafe Esquith đã biến căn phòng trở thành “thiên đường an toàn, che chở lũ trẻ trước bão giông”, nơi không chất chứa sự sợ hãi mà đầy ắp niềm vui, sự hào hứng mỗi khi tới lớp.

“Công cụ” thầy Rafe sử dụng chính là các phương pháp tạo sự tin tưởng, khơi dậy niềm đam mê học tập và giúp các em xây dựng sự tự tin ở chính bản thân. Bạn đọc sẽ dễ dàng bắt gặp những câu chuyện ấm áp về tình thầy trò, về người với người giữa đô thị đầy biến động. Từ căn phòng 56, nơi những đứa trẻ nghèo học tập, dưới sự dạy dỗ của thầy Rafe đều đã lớn lên và trở thành những con người mạnh mẽ, đầy tự tin và có ích cho xã hội đúng như mong ước của thầy.

Thầy Rafe nói: "Tôi muốn học sinh của mình phải là người tốt và học tập chăm chỉ. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải là người tốt nhất và làm việc chăm chỉ nhất mà bọn trẻ từng gặp". Thầy đã làm được như vậy trong suốt hơn 3 thập kỷ giảng dạy.

anh.jpg
Cuốn sách là món quà ý nghĩa dành cho các bậc phụ huynh và giáo viên

Trong cuốn sách của mình, tác giả giới thiệu với bạn đọc về “6 cấp độ phát triển tư duy của trẻ” đó là:

  1. Học để không bị phạt

  2. Học để được thưởng

  3. Học để ai đó (bố mẹ, thầy cô) hài lòng

  4. Học để biết tuân thủ đúng quy định/nội quy

  5. Học để biết cảm thông và cư xử đúng đắn

  6. Học vì chính mình và được là chính mình. Học và hình thành cho bản thân có quan điểm riêng một cách đúng đắn và nhất định sẽ thực hiện khi đã đề ra mục tiêu.

Với phương pháp và niềm tin của mình, thầy Rafe đã biến lớp học thành một nơi mà mọi thầy cô giáo và phụ huynh đều mơ ước. Thầy đã luôn tuân thủ bài học về sự tin tưởng, và “bí kíp” có được niềm tin của học sinh chính là: Trở thành người đáng tin cậy cho các em (1) luôn giữ lời hứa; (2) luôn kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của các em; (3) Các biện pháp kỷ luật phải hợp lý và luôn là tấm gương tốt cho các em.

Điều tác giả khẳng định thông qua cách dạy học của mình là, các em học giỏi vì các em thực sự muốn và thích học, các em đọc sách vì các em thực sự thích và muốn đọc sách. Đó chính là mục tiêu mà tất cả các phụ huynh, giáo viên chúng ta đang muốn con em mình đạt tới.

Cuốn sách tiếp nghị lực sống

Không chỉ mang giá trị giáo dục to lớn, cuốn sách “Dạy trẻ bằng cả trái tim” còn là lời động viên, tiếp thêm nghị lực trong cuộc sống cho mỗi cá nhân. Trong một thế giới phức tạp như hiện nay, nơi nhiều giá trị đạo đức bị coi thường, con người thường hoang mang và dễ dàng gục ngã trước những cám dỗ của cuộc sống.

Những câu chuyện của thầy Rafe ở phòng 56 chắc chắn sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp bạn vững bước tiếp tục với niềm tin và hi vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.

“Thử thách lớn nhất mà tôi phải đối mặt đó là dạy học sinh của mình sống ngay thẳng trong một thế giới chẳng mấy tốt đẹp. Tôi muốn các em trở thành người tốt cho dù phải lớn lên trong một môi trường không tử tế, nơi mà ngay cả phương tiện truyền thông cũng cổ xúy cho những thói hư tật xấu” - trích lời thầy Rafe Esquith.

Với văn phong gần gũi, tự nhiên, nghiêm túc và pha chút hóm hỉnh, chắc chắn “Dạy trẻ bằng cả trái tim” sẽ mang đến nụ cười ấm áp và niềm tin về giá trị của trái tim và tấm lòng.

Cảm động trên từng trang sách, và trên hết, cuốn sách chắc chắn sẽ làm chúng ta tin tưởng vào những giá trị thực sự của con người, và qua đó điều chỉnh phương pháp nuôi dạy con cái phù hợp.

Cuốn sách được ông Nguyễn Mạnh Hào - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Ames, sau khi đọc bản tiếng Anh, đã thôi thúc ý định đưa bản quyền về Việt Nam. Mong muốn của ông là cuốn sách sẽ truyền cảm hứng cho các phụ huynh, giáo viên trong hành trình dạy con không ít gian nan. 

Sau 6 tháng nỗ lực, ông sở hữu bản quyền tiếng Việt của cuốn sách và giới thiệu nó với rộng rãi bạn đọc. Một điều khá ý nghĩa là với mong muốn được chia sẻ với các hoàn cảnh trẻ em nghèo khó khăn, 12.900 đồng cho mỗi cuốn sách được đóng góp cho Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao - Chương trình “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi lập. 

Tags:
Đừng vội chê trách người thân bên Mỹ

Đừng vội chê trách người thân bên Mỹ

Khi qua Mỹ rồi có được nhiều người giúp đỡ hay không, vì họ cảm thấy cuộc sống bên Mỹ, tình cảm giữa người thân không có được khăng khít hay yêu thương đùm bọc nhau như ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất