Câu thần chú “tôi là người Việt Nam” của Việt kiều Mỹ và cuộc đàm phán mua vắc xin chưa từng có tiền lệ ở Mỹ

Gần 3 tháng với hơn 10 cuộc đàm phán và hàng trăm email, thư từ qua lại đã giúp Tổ hợp luật sư Sama Legal đặt mua thành công 50.000 lọ vắc xin Moderna (tương đương 500.000 liều) để tặng cho TP.HCM.

09:00 12/08/2021

Ông Võ Đức Duy (Việt kiều Mỹ, đại diện Tổ hợp luật sư Sama Legal) đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch và Bí Thư TP.HCM , đề nghị tiếp nhận lô vắc xin do nhóm tình nguyện gửi tặng. Nếu việc tiếp nhận này diễn ra thành công, nhóm tình nguyện sẽ trở thành đơn vị tư nhân nước ngoài đầu tiên ở Mỹ tặng vắc xin cho Việt Nam.

Ngày 11/8, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đức Duy để làm rõ quá trình đàm phán mua 50.000 lọ (tương đương 500.000 liều vắc xin) và những nghĩa cử cao đẹp của Việt kiều Mỹ dành cho người dân TP. HCM.

"THẦN CHÚ" TRONG TẤT CẢ CUỘC ĐÀM PHÁN MUA VẮC XIN

Câu thần chú “tôi là người ” của  Mỹ và cuộc đàm phán mua vắc xin chưa từng có tiền lệ ở Mỹ - Ảnh 1.

Nhóm Luật sư Việt kiều trong một lần làm từ thiện ở Việt Nam.

- Không cần phải nói thêm, chắc chắn ai cũng biết vắc xin ngừa Covid-19 quan trọng, quý giá như thế nào. Trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều khan hiếm và thiếu vắc xin, làm thế nào các anh đàm phán mua được số lượng lớn lên tới 500.000 liều vắc xin Moderna để dành tặng cho đồng bào TP.HCM?

LS Võ Đức Duy: Chúng tôi phải trải qua quá trình đàm phán dài 3 tháng, khá căng thẳng. Vắc xin tuy là dược phẩm, nhưng lại không mang tính thương mại. Đến bây giờ, đây vẫn là vấn đề mà các Chính phủ phải trực tiếp đàm phán với nhau.

So với các đơn vị khác ở Việt Nam, chúng tôi có lợi thế là một tổ chức của Mỹ. Khi chúng tôi là công dân nước họ, có những đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế Mỹ thì tiếng nói cũng có trọng lượng hơn.

Mặc dù việc một tổ chức đứng ra mua vắc xin để tặng cho nước ngoài là điều chưa có tiền lệ ở Mỹ, nhưng chúng tôi cũng nỗ lực thuyết phục họ rằng, mục đích đưa vắc xin về Việt Nam là vì cộng đồng, chứ cũng không phải vì cá nhân nào cả. Trên hết, lý do quan trọng là người Mỹ luôn muốn giúp đỡ Việt Nam xuất phát từ tình cảm nhân đạo giữa con người với nhau. Và họ cũng rất coi trọng Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy.

Người Việt đang sống ở Việt Nam sẽ không thấy việc nhấn mạnh mình là người Việt Nam quan trọng. Nhưng nếu đang sống ở Mỹ thì điều đó lại cực kỳ quan trọng”.

LS Võ Đức Duy

- Quá trình đàm phán mà anh nói là rất dài và căng thẳng, cụ thể đã diễn ra như thế nào?

LS Võ Đức Duy: Ở Mỹ, người dân có quyền yêu cầu Thượng nghị sĩ, hoặc Hạ nghị sĩ ở bang mình sinh sống đi cùng với luật sư để đàm phán những việc mà họ cần. Các vị nghị sĩ sẽ góp thêm tiếng nói trọng lượng, và giúp mọi thứ được minh bạch, rõ ràng.

Cách đây khoảng 3 tháng, khi nhận thấy tình hình dịch bệnh ở TP.HCM ngày càng khó kiểm soát, ý định đàm phán mua vắc xin của chúng tôi càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn. Vì thế, chúng tôi bắt đầu gửi thư đến các nghị sĩ, nhờ họ cùng vào cuộc.

Trong thư, chúng tôi trình bày với họ về hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vắc xin ở TP.HCM, kèm theo cả bằng chứng (số liệu, hình ảnh, clip)… Chúng tôi cũng nói với họ, chiến tranh đã qua lâu lắm rồi, bây giờ là 2021 - năm mà dịch bệnh đang hoành hành khắp toàn cầu. Việt Nam đang rất cần sự giúp đỡ về vắc xin từ Mỹ.

Khi đọc thư, các vị nghị sĩ rất đồng cảm. Sự thật là thông qua phương tiện truyền thông, họ cũng đã biết rồi. Nhưng khi chúng tôi góp thêm tiếng nói bằng nghiệp vụ thuyết phục của luật sư, họ càng thông cảm hơn. Rất nhanh sau đó, chúng tôi sắp xếp được lịch hẹn gặp trực tiếp với các nghị sĩ.

Chúng tôi có hàng chục cuộc đàm phán 3 bên (công ty Moderna, các nghị sĩ và Tổ hợp luật sư Sama Legal). Trước mỗi cuộc gặp mặt, đàm phán qua online, chúng tôi đều gửi công văn trước. Có một sự thật là trong tất cả công văn, chúng tôi luôn phải nhấn mạnh mình là người Việt Nam. Khi gặp mặt, điều đầu tiên tôi nói sẽ là: "Xin lỗi phải nhấn mạnh điều này, chúng tôi không có ý phân biệt. Nhưng chúng tôi rất mong quý vị hiểu, chúng tôi là người gốc Việt. Mặc dù sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về quê hương, đau chung nỗi đau với đồng bào. Chúng tôi có mặt ở đây bởi vì những điều chúng tôi đã trình bày qua thư gửi tới quý vị…".

Các cuộc đàm phán luôn bắt đầu như vậy. Thực sự, việc nhấn mạnh mình là người Việt Nam giống như cầu thần chú của chúng tôi trong tất cả cuộc đàm phán.

- Vì sao lại như vậy. Chuyện các anh là người gốc Việt có ý nghĩa đặc biệt với người Mỹ đến thế sao?

LS Võ Đức Duy: Người Mỹ không phân biệt được người Việt với người các nước châu Á khác. Do đó, chúng tôi luôn phải nhấn mạnh mình là công dân Mỹ gốc Việt. Điều đó có ý nghĩa lớn lắm.

So với các nước khác, người Mỹ dành cho Việt Nam tình cảm rất đặc biệt. Với các nghị sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp… là những người tiến bộ. Họ rất hiểu Việt – Mỹ là đối tác tin cậy.

Các nghị sĩ Mỹ cũng rất ấn tượng vì Việt Nam đã từng chống dịch rất thành công. Năm nay, mặc dù đối mặt với biến thể Delta nguy hiểm, nhưng Việt Nam vẫn kiên cường. Cộng đồng người Việt ở Mỹ chỉ chưa tới 10 triệu người. Con số này khá nhỏ so với 330 triệu người Mỹ. Nhưng chúng ta cũng có sự đóng góp lớn vào nền kinh tế Mỹ, có tài năng ở tất cả lĩnh vực. Họ cũng đánh giá rất cao tinh thần đoàn kết, khi người Việt luôn có tấm lòng hướng về quê hương.

Câu thần chú “tôi là người ” của  Mỹ và cuộc đàm phán mua vắc xin chưa từng có tiền lệ ở Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: Việt Hùng, thiết kế: Trang Đinh

ĐIỀU CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ Ở CẢ MỸ VÀ VIỆT NAM

- Trong năm nay, Mỹ đã nhiều lần viện trợ vắc xin cho Việt Nam thông qua chương trình COVAX Facility. Điều này sẽ là thuận lợi, hay là rào cản cho các anh trong quá trình đàm phán mua vắc xin về Việt Nam?

LS Võ Đức Duy: Câu đầu tiên người Mỹ luôn nói với chúng tôi là: "Chính phủ Mỹ vẫn đang viện trợ vắc xin cho Việt Nam mà? Đây là vấn đề của Chính phủ hai nước chứ. Tại sao một tổ chức tư nhân như các ông lại phải đứng ra mua vắc xin?".

Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều nghi ngờ. Các nghị sĩ và công ty Mỹ đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc chúng tôi là ai, mua vắc xin với mục đích gì? Nói thật với bạn, nếu không có tấm lòng hướng về quê hương, chúng tôi không thể nào kiên trì vượt qua được.

Suốt 3 tháng, chúng tôi liên tục đàm phán, email qua lại. Có nhiều khi, anh em trong Tổ hợp luật sư phải tạm gác lại công việc vì lo tới tính mạng đồng bào.

Chúng tôi không có gì khác để thuyết phục người Mỹ ngoài tấm lòng chân thành như thế. Chúng tôi đã làm hết sức, kiên trì hết mức có thể để đưa bằng được vắc xin về Việt Nam.

Tôi thực lòng mong rằng, đây là lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất một Tổ hợp luật sư ở nước ngoài phải đứng ra mua vắc xin như vậy. Vì dịch bệnh là điều không ai mong muốn.

- Không chỉ ở phía Mỹ mà ngay cả ở Việt Nam, trong suốt 2 năm chống "giặc" Covid-19 đã qua, đây cũng là lần đầu tiên nước ta nhận được sự đề nghị viện trợ vắc xin từ một tổ chức ở nước ngoài?

LS Võ Đức Duy: Đúng vậy! Chúng tôi đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Ủy ban đã thay mặt chúng tôi, gửi công văn về TP.HCM. Chủ tịch và Bí thư TP.HCM đã có phản hồi. Tuy nhiên theo quy định, TP.HCM chỉ tiếp nhận vắc xin khi có chỉ đạo của Bộ Y tế.

Nếu đồng ý tiếp nhận, Chính phủ Việt Nam sẽ lo việc vận chuyển và các thủ tục thuế nhập khẩu theo diện hàng viện trợ và tối đa chỉ mất 2 tuần, vắc xin sẽ về tới Việt Nam.

Trước đây, chúng tôi đã mất 3 tháng kiên trì hoàn tất mọi thủ tục ở phía Mỹ thì bây giờ, chúng tôi cũng sẵn sàng và dốc sức để đưa vắc xin về đến Sài Gòn. Mặc dù ngay ở Việt Nam cũng có những nghi ngờ, nhưng tôi biết, mỗi một liều vắc xin đều quý và đang rất được người dân TP.HCM trông đợi.

- Những rào cản đó có ảnh hưởng đến chủng loại, hay số lượng vắc xin các anh mua được?

LS Võ Đức Duy: Lúc đầu chúng tôi muốn mua vắc xin Pfizer. Nhưng loại này chủ yếu được cung cấp cho Chính phủ Mỹ. Rất may Moderna là công ty đã lắng nghe và thông cảm với nguyện vọng của chúng tôi.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, người Mỹ không hề phân biệt Pfizer, Moderna hay Johnson & Johnson. Với họ, đó đều là 3 loại vắc xin rất có uy tín.

Câu thần chú “tôi là người ” của  Mỹ và cuộc đàm phán mua vắc xin chưa từng có tiền lệ ở Mỹ - Ảnh 3.

Bác sĩ tiêm vắc-xin cho công nhân tại TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí Tp HCM

LOẠI VẮC XIN TỐT NHẤT KHÔNG CẦN MUA BẰNG TIỀN

Tôi nghe nói, trước đó đã nhiều năm, các anh vẫn luôn âm thầm làm từ thiện, từ Mỹ hướng về TP.HCM?

LS Võ Đức Duy: Nói thật với bạn, chúng tôi chỉ coi đó là chút việc nhỏ, nên vẫn thường làm trong lặng lẽ. Nếu lần này không phải vì vắc xin là món hàng quá đặc biệt, cần sự tiếp nhận từ chính quyền, chúng tôi cũng sẽ không lên tiếng.

Với tôi, Sài Gòn có ý nghĩa đặc biệt lắm. Mặc dù rời quê hương từ năm 16 tuổi, theo ba mẹ sang Mỹ định cư, bây giờ cũng không còn người thân nào ở đây…., nhưng tôi vẫn thường xuyên đi đi về về. Ở Sài Gòn, tôi có bạn bè, đồng nghiệp, có học trò, vì các trường ĐH trong đó thường mời tôi về giảng dạy.

Năm 2020, chúng tôi đã gửi rất nhiều suất quà về cho bà con, hỗ trợ cả tiền mặt… Nhưng năm nay, biến thể Delta hoành hành đã hạ gục một số người bạn của tôi, trong đó có cả những người bạn nối khố từ thời niên thiếu. Có một vài người bạn mất đi người thân. Khi họ báo tin, tôi đã rất xót xa. Và tôi thấy, hơn tất cả mọi thứ, vắc xin là món quà quý giá nhất lúc này.

Có vài người đặt câu hỏi về cái giá chúng tôi đã đưa ra để đàm phán mua vắc xin. Thực lòng, chúng tôi rất không muốn nói đến điều đó. Chúng tôi chỉ mong bà con hãy yên tâm, thoải mái tiếp nhận lô vắc xin. Mong mọi người đừng quá phải bận lòng, hoặc nhớ tên chúng tôi.

Dốc sức hỗ trợ quê nhà như thế, cuộc sống, công việc của các anh ở Mỹ có gặp khó khăn gì hay không?

LS Võ Đức Duy: Khó khăn với chúng tôi chủ yếu vì dịch bệnh thôi. Năm 2020, có một khoảng thời gian mà chính tôi cũng cảm thấy việc phải đeo khẩu trang, không thể bắt tay, ôm chào mọi người, hay giãn cách xã hội… thật là tù túng.

Nhưng đại dịch đã buộc tôi phải thay đổi, thích nghi với cái gọi là bình thường mới. Vì chính tôi từng có trải nghiệm rất giống với người nhiễm Covid-19, mặc dù khi xét nghiệm vẫn âm tính. Sau trận ốm đó, tôi càng nhận ra rõ hơn rằng, thứ quan trọng hàng đầu với chúng ta là sức khỏe.

Người Mỹ cũng giống như tôi vậy. Ai đó có thể vẫn nghĩ Mỹ là một nước tự do hàng đầu, khó kiểm soát. Nhưng sự thật, khi dịch bệnh bùng lên, lệnh giới nghiệm hay giãn cách xã hội được thực hiện rất chặt. Chỉ cần lái xe ra đường không lý do, trong vòng 15 giây, bạn sẽ nhận ngay một trát phạt 250 USD.

Suốt một khoảng thời gian, tôi đã không thể đi thăm mẹ hay anh, chị em dù họ đang bị ốm. Quãng thời gian đó thật khó khăn. Sau khi tiêm vắc xin, nước Mỹ dần mở cửa lại. Nhưng trước biến thể mới đáng sợ, từ 10/8, giới chức các bang đang họp bàn và kịch bản đóng cửa rất có thể sẽ quay lại.

Nói thật, ai sống trong cảnh bị giới hạn về tự do đều sẽ thấy bức bối. Nhưng chúng ta, dù người Việt, hay người Mỹ đều phải vui vẻ chấp nhận thôi. Bởi chính quyền dù có kiểm soát tài ba đến đâu, nhưng người dân không ý thức thì dịch bệnh vẫn sẽ tồn tại.

Tôi nghĩ có một thứ vắc xin không cần tốn tiền mua, nhưng rất quý, đó là ý thức của mọi người. Là một Việt kiều, tôi vẫn rất lo lắng cho Việt Nam, cả về vấn đề y tế và kinh tế. Từ nơi xa, tôi chỉ có thể góp một chút sức nhỏ bé. Phần còn lại vẫn là hy vọng vào ý thức của mọi người, mong đất nước sẽ mạnh mẽ vượt qua được đại dịch!

Câu thần chú “tôi là người ” của  Mỹ và cuộc đàm phán mua vắc xin chưa từng có tiền lệ ở Mỹ - Ảnh 4.

Tags:
Việt Kiều rút ruột chia sẻ: Đừng đi Mỹ một quốc gia “lạc hậu”, than ôi những gì tôi chứng kiến ở Hoa Kỳ rất đáng thất vọng!

Việt Kiều rút ruột chia sẻ: Đừng đi Mỹ một quốc gia “lạc hậu”, than ôi những gì tôi chứng kiến ở Hoa Kỳ rất đáng thất vọng!

Dưới đây là câu chuyện về một du học sinh Trung Quốc sau khi sang Mỹ du học, sự thật về nước Mỹ làm cậu bàng hoàng..

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất