Chia rẽ Trump - Biden cản trở Mỹ 'xây' niềm tin vaccine

Trump muốn nhận công vaccine nhưng biết Biden sẽ không trao cho ông điều đó. Biden mong người Mỹ giảm hoài nghi về vaccine nhưng không muốn nhờ Trump giúp.

09:30 17/12/2020

Về phần mình, nhóm của Joe Biden biết rằng để có thể khuyến khích người Mỹ tiêm vaccine Covid-19, trở ngại lớn nhất của họ là phải thuyết phục các nhóm ủng hộ Tổng thống Donald Trump, những người luôn do dự về vaccine. Tuy nhiên, họ vẫn chưa lựa chọn được ai sẽ là "sứ giả" mang thông điệp vaccine tới nhóm này, theo nguồn tin thân cận với Biden.

Một cố vấn về chính sách y tế trong nhóm chuyển giao của Biden cho biết một số cái tên đang được nhắm cho vị trí này gồm người dẫn chương trình của Fox News Sean Hannity hoặc Thượng nghị sĩ Rand Paul.

Trong khi đó, Trump và đồng minh của ông tiếp tục đưa ra các thông điệp thiếu nhất quán về nCoV, đánh giá thấp các hướng dẫn y tế cơ bản và thúc đẩy các thông tin sai lệch về phương pháp điều trị, khiến họ trở thành đối tác "khó ưa" trong chiến dịch truyền tải thông điệp tới cộng đồng.

Các trợ lý của Trump nói rằng Tổng thống sẽ không muốn giúp đỡ Biden. Theo họ, Biden cố tình phớt lờ các thành tựu về vaccine của Trump và chỉ đơn thuần đang chơi trò chính trị đảng phái. Họ nói Biden nên ca ngợi Trump vì thúc đẩy những gì họ gọi là "vaccine Trump" trong thời gian ngắn kỷ lục.

"Lăng kính đảng phải của Biden là điều bất lợi đối với quốc gia vào thời điểm khó khăn này", Bryan Lanza, người từng làm việc trong chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 và vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Nhà Trắng, nói.

Joe Biden (phải) và Tổng thống Donald Trump tại buổi tranh luận cuối cùng hôm 22/10 ở Nashville, bang Tennessee. Ảnh: AP.
Joe Biden (phải) và Tổng thống Donald Trump tại buổi tranh luận cuối cùng hôm 22/10 ở Nashville, bang Tennessee. Ảnh: AP.

Đây chỉ là các dấu hiệu mới nhất cho thấy sự chia rẽ đảng phái đang cản trở khả năng của Mỹ trong cuộc chiến chống lại đại dịch, ngay cả khi các lãnh đạo chính trị hầu như thống nhất về mục tiêu cần đạt được. Và rủi ro mà Mỹ phải đối mặt có thể rất lớn, khi quốc gia này cần tới 70-80% người dân tiêm vaccine thì mới có đủ khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.

"Cách tốt nhất để Trump nhận công về vaccine là bản thân ông phải ủng hộ các nhà khoa học và các tiến trình khoa học, qua đó giúp mọi người có niềm tin vào vaccine", Georges Benjamin, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Cộng đồng Mỹ, nói.

Tới ngày 20/1, Biden sẽ tiếp quản nỗ lực tiêm vaccine của Mỹ, một nhiệm vụ được xem đầy thách thức với chính quyền mới. Ông phải tiến hành một chiến dịch thuyết phục người dân Mỹ rằng vaccine không có hại và đây là cơ hội tốt nhất để đẩy lùi đại dịch.

Và nhóm cần thuyết phục nhiều nhất có lẽ là những người Cộng hòa. Khảo sát mới nhất do tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation công bố ngày 15/12 chỉ ra người Cộng hòa là nhóm chần chừ về vaccine nhất, khi nói rằng sẽ không tiêm vaccine dù miễn phí và an toàn.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định phải cần tới các "chiến lược mới lạ" để thuyết phục những người này đồng ý tham gia vào nỗ lực tiêm chủng ở Mỹ. Một trong số đó là tận dụng sức ảnh hưởng của Trump. Dù khảo sát chỉ ra Trump là tiếng nói ít tin cậy nhất về vaccine đối với công chúng Mỹ, ông vẫn được xem là nguồn tin đáng tin cậy thứ hai đối với các thành viên Cộng hòa, vượt xa nhiều quan chức bang, sở y tế địa phương hay Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).

Tuy nhiên, nhóm của Biden đến nay chưa thảo luận về việc yêu cầu Trump tham gia vào nỗ lực tiêm chủng vaccine, bởi đây được xem là ván cược có phần thưởng hấp dẫn nhưng rủi ro rất cao, theo nguồn tin thân cận với Biden.

"Không chỉ bởi ông ấy rất khó đoán, mà liệu bạn có nên để một người từng đối đầu với y tế cộng đồng nhất trở thành sứ giả cho vaccine?", nguồn tin này cho biết.

Bên cạnh đó, một cố vấn về chính sách y tế trong nhóm chuyển giao của Biden thêm rằng để có thể phối hợp với Trump về vaccine, Biden cần sẵn sàng ghi công cho chính quyền Trump nhiều hơn. Ví dụ, với sự hỗ trợ từ dự án Operation Warp Speed của Trump, vaccine được phát triển với tốc độ kỷ lục.

Y tá Sandra Lindsay (trái), người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ tại Trung tâm Y tế Long Island Jewish hôm 14/12. Ảnh: NYTimes.
Y tá Sandra Lindsay (trái), người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ tại Trung tâm Y tế Long Island Jewish hôm 14/12. Ảnh: NYTimes.

Tuy nhiên, nhóm của Trump tin rằng Biden sẽ không dành cho tổng thống sắp mãn nhiệm sự tôn trọng kiểu này. "Thật xấu hổ khi phải chứng kiến việc một người từ đảng khác đắc cử như Biden cố tình né tránh thừa nhận những thành tựu lịch sử của ", Lanza nói.

Thậm chí một trợ lý chiến dịch tranh cử cấp cao của Trump nói rằng loại vaccine mới nên được gọi là "vaccine Trump". Những đồng minh của Trump còn kỳ vọng Tổng thống sẽ biến nỗ lực phát triển vaccine của ông trở thành "con át chủ bài" cho cuộc tranh cử vào năm 2024.

"Tại sao lại không chứ? Các loại vaccine khác phải mất vài năm. Chúng tôi chỉ làm điều đó trong một năm. Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ", Lanza nói.

Marc Lotter, một trợ lý cấp cao của chiến dịch Trump, cho rằng người Mỹ sẽ nhớ những cống hiến của Trump về vaccine trong nhiều năm sau khi đại dịch thuyên giảm.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định khi giữa nhóm Trump và Biden là hố sâu của hoài nghi và chia rẽ đảng phái như hiện nay, dường như không có khả năng hai bên sẽ bắt tay hợp tác để cùng thực hiện chiến dịch xây dựng niềm tin vaccine cho người Mỹ, dù quốc gia này đã bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine đầu tiên.

Kết quả là dù cả hai người đứng đầu đất nước đều tuyên bố muốn thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine để xóa sổ đại dịch, chia rẽ giữa họ khiến kỳ vọng về một nỗ lực chung trở nên xa vời.

Thanh Tâm (Theo Politico)

Tags:
Việt Hương bức xúc người mạo danh vợ Chí Tài đi lừa đảo 5.000 USD

Việt Hương bức xúc người mạo danh vợ Chí Tài đi lừa đảo 5.000 USD

Trên trang cá nhân, Việt Hương livestream bày tỏ sự bức xúc khi có người giả mạo thân nhân nghệ sĩ Chí Tài để lừa đảo 5.000 USD. Sự việc khiến cô phải lên tiếng đính chính.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất