Chiến lược an ninh mới của Mỹ : An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia

Ngày 18-12, tròn 1 năm sau khi lên cầm quyền Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới.

08:30 19/12/2017

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô phát triển tại Mỹ 

Đây được xem như kim chỉ nam trong việc định hình các chính sách tương lai của nước Mỹ, cũng là cách cụ thể hóa chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông.

Chỉ đích danh Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh

Theo truyền thông Mỹ, trong chiến lược mới, Tổng thống Donald Trump sẽ chú trọng 4 ưu tiên bảo vệ lãnh thổ Mỹ, gồm: thông qua siết chặt các quy định nhập cư; thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng của nước Mỹ bằng cách gây sức ép, đòi thương mại công bằng với Trung Quốc, Nga và các nước khác; duy trì hòa bình thông qua sức mạnh quân sự và tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Trung Quốc và Nga là các đối thủ đang tìm cách thách thức quyền lực của Washington, cũng như làm suy yếu an ninh và sự thịnh vượng của nước này. Việc lựa chọn Trung Quốc và Nga là các “cường quốc xét lại”, tức là các cường quốc muốn thay đổi trật tự hiện hữu, trong bản chiến lược phản ánh thái độ cảnh giác của chính quyền Tổng thống Donald Trump với hai nước này, bất chấp các nỗ lực riêng của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Riêng với Trung Quốc, các nhà quan sát lo ngại nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hậu quả sẽ khiến cả nền kinh tế toàn cầu gánh chịu.

Ông Michael Allen, một cựu quan chức thời Tổng thống George W.Bush, nhận định: “Chiến lược an ninh quốc gia là phát súng khởi động một loạt biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc”.

Trái ngược với quan điểm “cùng và lan tỏa các giá trị kinh tế Mỹ” của Tổng thống Barack Obama, “bảo vệ lợi ích kinh tế của nước Mỹ” sẽ là trọng tâm trong chiến lược mới. Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster cho biết, chiến lược này phản ánh mong muốn của Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh gắn kết với các nước khác trong khuôn khổ “hợp tác có đi có lại”, phù hợp với tầm nhìn “nước Mỹ trước tiên”. Nước Mỹ sẽ không cho không điều gì, kể cả đối với các đồng minh. Đó sẽ là mối quan hệ hai chiều, với việc cùng gánh nặng chi phí và đừng bao giờ cũng lệ thuộc vào Mỹ, kêu gọi Mỹ làm phần việc nặng nhất.

Tăng cường sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng

Từng tuyên bố “an ninh quốc gia chính là an ninh kinh tế” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 tổ chức tại Đà Nẵng – Việt Nam cách đây 1 tháng, Tổng thống Donald Trump cho rằng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với sức mạnh của nước Mỹ.

Mặc dù chiến lược an ninh quốc gia mới có vẻ tập trung nhiều hơn về các phạm trù kinh tế, nhưng bên cạnh việc tổ chức lại các mối quan hệ thương mại giúp Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn, Tổng thống Donald Trump đã đặt ra ưu tiên “Nước Mỹ trước tiên”, bao gồm bảo vệ quê nhà và biên giới của Mỹ, tái xây dựng quân đội Mỹ, tăng cường sức mạnh ở nước ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Washington. Bản chiến lược cũng sẽ đưa ra cam kết bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng. Ngoài ra, văn bản này sẽ liệt Triều Tiên, Iran và các nhóm phiến quân Hồi giáo là những mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ, đồng thời liệt Triều Tiên là quốc gia tìm cách khơi mào cuộc chiến sinh học.

Theo số liệu vừa được công bố trên mạng tin Sputniknews của Nga ngày 17-12, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lập kỷ lục trong năm 2017 khi triển khai các đội đặc nhiệm tại 149 quốc gia trong năm nay, tăng 150% so với thời chính quyền của Tổng thống George W.Bush. Trong 6 tháng đầu tiên cầm quyền của ông Donald Trump, Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOCOM) đã triển khai các nhiệm vụ tác chiến cao gấp 5 lần so với 6 tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngoài ra, chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump cũng loại bỏ một số nội dung từ người tiền nhiệm, bao gồm việc coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Theo SGGP

Tags:
California: Gió đẩy lửa cháy rừng xuống bờ biển, hàng trăm gia đình phải di tản

California: Gió đẩy lửa cháy rừng xuống bờ biển, hàng trăm gia đình phải di tản

Các lệnh di tản mới được ban hành cho hàng trăm gia đình ở quận Santa Barbara County vào sáng ngày Thứ Bảy khi đám cháy rừng, có tên Thomas Fire, kéo tới vùng đồi tại Montecito, với sự trợ giúp của sức gió lên tới 65 dặm/giờ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất