Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden sẽ ‘cứng rắn’ hơn Tổng thống Trump?

Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng chính sách đối ngoại của ông Joe Biden sẽ cứng rắn hơn cả Tổng thống Donald Trump.

23:30 04/07/2020

Chính sách đối ngoại của ông Biden được dự báo có thể thậm chí còn cứng rắn hơn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. (Nguồn: NY Post)

Hệ tư tưởng Bernie Sanders

Từ khi ông Joe Biden trở thành ứng cử viên nhiều khả năng sẽ đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống, những người ủng hộ ứng cử viên Bernie Sanders đã liên tục nói rằng, dù Thượng nghị sỹ này thất bại trong cuộc đua giành đề cử của đảng, song hệ tư tưởng của ông đã trở thành nền tảng chủ đạo.

Tổng biên tập tờ Current Affairs, Nathaniel Robinson viết: “Dù nhiều người miêu tả việc Sanders từ bỏ là bằng chứng cho thấy thất bại của phe cánh tả, song những gì đang diễn ra cho thấy rõ ràng chúng ta (lực lượng tiến bộ) đã chiếm ưu thế, nhất là khi so sánh với vị thế trước đây”.

Thậm chí, Giáo sư Stephen Walt, chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Trường John F. Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) còn cho rằng “người chiến thắng vào tháng 11 tới sẽ là Bernie Sanders”. Theo ông, “chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ đi theo định hướng của Bernie, dù ai là người trở thành Tổng thống vào năm 2021 đi chăng nữa”.

Về cơ bản, chính trường Mỹ được chia làm hai phe tả – hữu (trái – phải). Đảng Dân chủ thường được coi là cánh tả (hay tả khuynh, left wing). Tư tưởng chính của phía cánh tả là mở rộng qui mô chính quyền, nâng cao vai trò của nhà nước, thành lập thêm các cơ quan quản lí, ban hành thêm các đạo luật giám sát… Nói cách khác, cánh tả muốn Chính phủ thu nhiều và chi nhiều, can thiệp sâu và giữ vị thế quan trọng trong nền kinh tế.

Ngược lại, những người theo đảng Cộng hòa thường được coi là có tư tưởng hữu khuynh (right wing) hướng đến giảm thiểu qui mô của Chính phủ, gỡ bỏ bớt qui định giám sát kinh tế, giải tán hoặc làm suy yếu các cơ quan quản lí, cổ súy thị trường tự do…Vậy nên, các chính trị gia cánh hữu thường hạ thuế suất và cắt giảm chi tiêu công, Chính phủ hạn chế can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế.

Quan điểm của ông Bernie Sanders mang tính tả khuynh cực đoan (extreme left). Trên thang đo hệ tư tưởng, đảng Cộng hòa ở bên phải, đảng Dân chủ ở bên trái còn Bernie Sanders thậm chí còn ở bên trái của đảng Dân chủ.

Khi tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ hồi tháng 4, Thượng nghị sỹ bang Vermont nói: “Rất ít người có thể phủ nhận rằng trong suốt 5 năm qua, phong trào của chúng ta đã chiến thắng cuộc đấu tranh tư tưởng”.

Nhiều người ủng hộ ông Sanders trên thực tế có thể viện dẫn sự hình thành của hàng loạt “lực lượng đặc nhiệm thống nhất” Biden-Sanders như bằng chứng cho thấy cựu Phó Tổng thống Mỹ đang ngày càng có xu hướng “thiên tả” trong 6 lĩnh vực chính sách mà giới tiến bộ xem là cực kỳ quan trọng, cụ thể là biến đổi khí hậu, cải cách tư pháp hình sự, kinh tế, giáo dục, chăm sóc y tế và nhập cư. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự vắng bóng của lĩnh vực chính sách đối ngoại.

Ông Biden sẽ “rắn” hơn với Trung Quốc?

Trên thực tế, đội ngũ tranh cử của ông Biden gần đây đã có những hành động khiến lực lượng tiến bộ và các thành viên đảng Dân chủ khó có thể lạc quan. Nhiều cố vấn chính sách đối ngoại tiếng tăm của ông Biden đều là những quan chức cấp cao trong giới hoạch định chính sách.

Không ít bình luận gần đây của một số thành viên có tiếng trong đội ngũ này đã phản ánh các tư tưởng thiếu tiến bộ và thậm chí là tỏ ra khá hăng hái với các cuộc chiến nhằm thay đổi chế độ, các đòn trừng phạt và cả vũ khí hạt nhân.

Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Biden, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken tỏ ra hối tiếc khi Chính quyền Obama không đủ quyết đoán trong việc tìm cách lật đổ chế độ Assad tại Syria.

Trong cuộc thảo luận do Hội đồng Do Thái Mỹ (AJC) chủ trì, ông Blinken còn hứa hẹn rằng chính quyền Biden sẽ duy trì “toàn bộ” các đòn trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với Iran, kể cả những biện pháp mà chính quyền ông Trump ban hành, để trả đũa việc nước này vi phạm thỏa thuận ký năm 2015.

Mọi chuyện còn tồi tệ hơn, như những gì nhà bình luận Peter Beinart viết trên tờ The Atlantic: “Thay vì thách thức khoản ngân sách ‘cao ngất trời’ của Lầu Năm Góc, những đột phá chính sách đối ngoại đáng chú ý nhất của ông Biden từ khi tiến sát hơn tới đề cử của đảng Dân chủ là tìm cách cứng rắn hơn cả ông Donald Trump trong vấn đề Trung Quốc”.

Nói một cách công bằng, trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cũng đã nhiều lần có những quan điểm thể hiện tư tưởng tiến bộ và chống chủ nghĩa can thiệp, chẳng hạn như phản đối việc tăng quân tại Afghanistan năm 2009, hay không đồng tình với chiến dịch can thiệp tại Libya, thừa nhận vai trò của giới cầm quyền vùng Vịnh trong việc hậu thuẫn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vì vậy, có lý do để lực lượng tiến bộ cho rằng họ nên thúc đẩy cuộc đấu tranh gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của ứng cử viên này.

Sự hiện diện của hàng chục nhóm tiến bộ và phản chiến đã có tác động mạnh mẽ khiến ông Joe Biden phải thúc đẩy một chính sách đối ngoại thực tế và kiềm chế hơn.

Nhóm Demand Progresscũng vừa công bố một bức thư với chữ ký của đại diện 50 tổ chức kêu gọi ông Biden nên loại bỏ chủ nghĩa quân phiệt vốn đã ăn sâu bám rễ trong chính quyền và theo đuổi “một chính sách đối ngoại cân bằng, tiến bộ hơn”.

(theo The American Conservative)

Tags:
Tháng 6 'ác mộng' của Trump ở Nhà Trắng

Tháng 6 'ác mộng' của Trump ở Nhà Trắng

Tháng 6 vừa qua tiếp tục là khoảng thời gian khủng hoảng nhất trong nhiệm kỳ của Trump, khiến con đường tái đắc cử vào tháng 11 tới thêm khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất