'Chuyến bay dài nhất cuộc đời' của chàng trai Việt về từ Vũ Hán

Khi nhìn thấy dòng chữ "Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn", Quang Duy biết rằng chuyến bay "dài nhất cuộc đời" từ Vũ Hán về Việt Nam đã kết thúc.

22:30 14/02/2020

"Lúc đó cảm xúc trong tôi trào dâng. Tôi chỉ muốn lao ngay ra ngoài, ôm chầm lấy mọi người", Đỗ Quang Duy, một trong 30 công dân Việt Nam được đưa từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, về nước, chia sẻ với VnExpress

Chàng trai 32 tuổi sang Vũ Hán để học tiếng Trung và theo đuổi tấm bằng thạc sĩ kinh tế môi trường tại đại học Địa chất Trung Quốc cách đây 4 năm. Năm nay, Duy quyết định ở lại Vũ Hán đón Tết vì có vợ và con gái nhỏ vừa từ Việt Nam sang. Nhưng không ngờ dịch viêm phổi virus corona (Covid-19) bùng phát. Mỗi ngày, khi số ca tử vong và lây nhiễm tăng lên, Duy lại thêm bất an và càng mong được trở về Việt Nam.

Đêm 9/2, đường cao tốc dẫn vào sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán đã bị phong tỏa. Chỉ một số phương tiện có giấy phép thông hành mới được đi qua đây. Duy cùng vợ con và hơn 20 du học sinh, khách du lịch, doanh nhân người Việt khác bước lên chiếc ôtô lớn do chính phủ Việt Nam chuẩn bị. Tất cả đều đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân.

Những  ở Vũ Hán trên chuyến bay về nước sáng 10/2. Ảnh: Vietnam Airlines
Những ở Vũ Hán trên chuyến bay về nước sáng 10/2. Ảnh: Vietnam Airlines

Cô con gái mới 9 tháng tuổi của Duy bắt đầu òa khóc. 20 ngày qua, bé chỉ ở trong căn phòng của ký túc xá của trường Đại học Địa chất Trung Quốc cùng bố mẹ, vì thành phố Vũ Hán áp lệnh phong tỏa. Trừ vài lần ra ngoài đi siêu thị để bổ sung thực phẩm và đồ dùng, Duy cũng hầu như ở trong phòng, hạn chế giao tiếp và báo cáo thân nhiệt của gia đình hàng ngày cho ban quản lý trường cũng như người phụ trách hội lưu học sinh Việt Nam của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.

"Vừa lên ôtô, nhìn xung quanh ai cũng lạ lẫm và kín mít như các phi hành gia, con gái tôi sợ hãi òa khóc. Tôi và mọi người đã dỗ dành bằng mọi cách nhưng cháu vẫn không nín", anh Duy kể. "Có lẽ nhìn cảnh tượng này, người bình thường cũng cảm thấy tâm lý bị ảnh hưởng, chứ không riêng gì trẻ con".

Sân bay Thiên Hà Vũ Hán tĩnh lặng khi chuyến xe chở 30 người Việt đến lúc gần nửa đêm. Cảng hàng không lớn nhất miền trung Trung Quốc, nơi phục vụ hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, nay không một bóng người, ngoại trừ đoàn Việt Nam.

Tất cả tuân thủ quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt, được kiểm tra thân nhiệt, thay đồ bảo hộ và mọi nơi họ đi qua đều được sát trùng. Chỉ có một trường hợp đặc biệt là con gái của vợ chồng anh Duy không chịu đeo khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ.

1h sáng ngày 10/2 (giờ địa phương), chuyến bay HVN68 của Vietnam Airlines hạ cánh. Sau khi dỡ số trang thiết bị y tế trị giá 500.000 USD của chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ cho Trung Quốc, máy bay đón 30 hành khách đã làm thủ tục xuất cảnh về nước. Tất cả hành khách và phi hành đoàn được kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay.

Ngoài phi hành đoàn, trên chuyến bay còn có 3 cán bộ y tế. Họ đều mặc đồ bảo hộ y tế đặc chủng, gồm quần áo bảo hộ hai lớp, khẩu trang và găng tay. Toàn bộ ghế ngồi bọc nylon để hạn chế sự lây lan của virus. Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc vật dụng dùng nhiều lần, Vietnam Airlines cũng không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay này.

"Suốt 2 tiếng, không ai nói chuyện gì. Chỉ có tiếng con gái tôi khóc. Bé khóc rất to, khóc liên tục đến gần hết chuyến bay, khản giọng rồi ngủ lịm đi", anh Duy kể.

5h04 ngày 10/2, khi nhìn thấy dòng chữ "Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn" hiện ra trước mắt, anh cũng như mọi người vỡ òa xúc động. 

"Tôi muốn chạy ra ngoài hét thật lớn 'cảm ơn mọi người' nhưng không thể. Nhiều người không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc", anh kể. "Khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, tôi vẫn thấy nghẹn ngào. Đó là niềm tự hào được là một công dân "

Đi cùng chuyến với Duy là một người bạn có vợ đang mang bầu 36 tuần. Đôi vợ chồng đã rất lo lắng bởi nếu chuyển dạ vào thời điểm này ở Vũ Hán sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Họ may mắn kịp trở về Việt Nam trước khi em bé chào đời.

Vietnam Airlines đã bố trí một bác sĩ sản khoa đi cùng tổ bay và tất cả tiếp viên phải chuẩn bị tinh thần tham gia đỡ đẻ. Khi máy bay hạ cánh ở Vân Đồn, họ thở phào khi được các bác sĩ thông báo tất cả hành khách đều khỏe mạnh và tình huống phải đỡ đẻ trên máy bay không xảy ra.

Anh Duy cùng mọi người làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan với hành lý xách tay và hành lý ký gửi, sau đó được đưa tới khu cách ly để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Đỗ Quang Duy gọi điện cho gia đình thông báo mình và vợ con vẫn khỏe, khi đang cách ly trong Bệnh viện Nhiệt đới TW, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đỗ Quang Duy gọi điện cho gia đình thông báo mình và vợ con vẫn khỏe khi đang ở khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Đêm qua, mình đã có một giấc ngủ ngon sau 20 ngày sống trong lo âu, mất ngủ hoặc ngủ với những cơn ác mộng", anh Duy nói một ngày sau khi nhập viện.

Anh và những người trở về từ Vũ Hán được bố trí cách ly trong những căn phòng sạch sẽ, hiện đại, có tivi và Wifi. Gia đình anh được các y bác sĩ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ vì có con nhỏ. 

"Tôi đã có một chuyến đi dài nhất cuộc đời, một trải nghiệm mà tôi tin rằng bản thân và mọi người sẽ không bao giờ quên", Duy nói. Anh muốn gửi lời cảm ơn đến chính phủ Việt Nam, các ban ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã quan tâm, lo lắng, đưa gia đình anh và mọi người rời khỏi tâm dịch Covid-19 trở về an toàn. 

"Mọi thứ hôm nay đã khác! Thật tốt biết bao! Trời nắng, không khí ấm áp hơn, không còn những ngày lạnh giá, u ám", anh nói. "Dù cuộc sống phía còn nhiều khó khăn, tôi tin rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp".

Link nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/chuyen-bay-dai-nhat-cuoc-doi-cua-chang-trai-viet-ve-tu-vu-han-4055004.html

Tags:
Thủ tục xin thẻ xanh ở lại Mỹ bạn biết càng sớm càng tốt

Thủ tục xin thẻ xanh ở lại Mỹ bạn biết càng sớm càng tốt

Xin thẻ xanh ở lại Mỹ là một thủ tục cho phép công dân nước ngoài hiện đang ở Mỹ theo diện không di dân (du lịch, du học, làm việc…) nộp hồ sơ thay đổi tình trạng qua tình trạng thường trú nhân (xin thẻ xanh).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất