Chuyên cơ chở Kim Jong-un - cuộc so găng ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc

Các cường quốc trên thế giới "so găng" để tranh giành ảnh hưởng quyền lực trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

00:00 12/06/2018

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến sân bay quốc tế Changi của Singapore chiều ngày 10/6. Ảnh: Kyodo. 

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến sân bay quốc tế Changi của Singapore chiều ngày 10/6. Ảnh: Kyodo

Khoảng 3h chiều ngày 10/6, lãnh đạo Kim Jong-un hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi của Singapore trên chiếc máy báy Boeing 747 của hãng không quốc gia Trung Quốc trong khi cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử, xem liệu hai lãnh đạo có đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa hay ký được hiệp định chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hay không.

Chiếc chuyên cơ và lộ trình từ Bình Nhưỡng tới Singapore của lãnh đạo Triều Tiên đặc biệt khiến giới quan sát chú ý. Một số nhà phân tích nhận định rằng việc Kim Jong-un sử dụng máy bay Trung Quốc phản ánh một cuộc so găng ngầm giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Nikkei Asia Review. 

Chiếc Boeing 747 của Air China, chuyên được sử dụng để chở các lãnh đạo Trung Quốc, hạ cánh trước xuống sân bay Changi trước, còn chiếc máy bay phản lực Ilyunshin-62M của Triều Tiên từng chở Kim Jong-un tới Đại Liên hồi đầu tháng 5, hạ cánh ngay sau đó trong vai trò như một phi cơ dự phòng.

Nikkei Asia Review nhận định Tập Cận Bình đã lo lắng về khả năng lãnh đạo Kim Jong-un sẽ "ngả theo" Tổng thống Mỹ và từ chối sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Nếu lo lắng của ông Tập biến thành hiện thực, đó sẽ là diễn biến làm cán cân quyền lực trên bán đảo Triều Tiên thay đổi và khiến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bị thu hẹp. 

Trong tuần vừa qua, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa ra các bình luận ám chỉ bất kỳ tuyên bố nào nhằm kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đều trở nên "vô nghĩa" nếu không có sự tán thành từ phía Bắc Kinh, quốc gia tích cực tham gia vào các nỗ lực ngoại giao dẫn tới cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều. Bắc Kinh càng tỏ ra lo ngại hơn khi hôm 7/6, khi được hỏi về khả năng ký hiệp định chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên với lãnh đạo Kim Jong-un, đã khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn có thể ký một thỏa thuận".

Để tránh bị gạt ra ngoài lề, Trung Quốc đứng ra lãnh trách nhiệm bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Triều Tiên trên đường tới Singapore. Chuyên cơ của Kim Jong-un, do Liên Xô chế tạo, dù đã hoàn thành xuất sắc việc chở lãnh đạo vượt 1.000 km từ Bình Nhưỡng tới Đại Liên hồi tháng trước, chặng đường tới đảo quốc Đông Nam Á dài gần 5.000 km làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của chuyến bay. Ngoài ra, chính quyền Triều Tiên cũng không đủ khả năng cử một chuyên cơ khác làm nhiệm vụ đánh lạc hướng cũng như giữ vai trò dự phòng.

Không chỉ cho mượn chuyên cơ, Bắc Kinh thậm chí còn điều tiêm kích hộ tống máy bay chở lãnh đạo Kim Jong-un qua không phận Trung Quốc. Bước đi này là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn nắm vai trò gây ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. 

Ngoài ra, theo giới quan sát, trên đường lãnh đạo Kim Jong-un trở về, chiếc chuyên cơ của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc có thể "tiện thể" dừng chân ở Bắc Kinh để lãnh đạo hai nước "thuận lợi" trao đổi về kết quả cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Trump. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tình huống Trump bỏ ngang hội nghị, như nhiều lần tổng thống 45 của Mỹ Trump đã đe dọa, chuyên cơ Bắc Kinh sẽ giúp lãnh đạo Triều Tiên về nước an toàn và nhanh chóng.

Dù "dùng nhờ" máy bay của Trung Quốc, lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra là một chính trị gia dạn dày trong việc quyết định lộ trình bay. Chuyên cơ chở Kim Jong-un bay men theo đường bờ biển phía nam của tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và khu vực Vịnh Bắc Bộ nhưng tránh bay vào vùng thuộc "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" trên Biển Đông, đường ranh giới mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và đã bị Tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ năm 2016. 

Lộ trình bay này cho thấy lãnh đạo Triều Tiên, dù dựa vào sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, vẫn đặc biệt lưu tâm tới mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam và Philippines. Đây là minh chứng cho thấy Kim Jong-un đang cân nhắc các lựa chọn cũng như cẩn thận cân bằng các mối quan hệ, tránh thiên lệch quá xa về phía bất kỳ quốc gia nào, trong khi đó khéo léo đấu tranh để giành những điều khoản có lợi nhất về cho Triều Tiên. Trong một động thái ngoại giao khôn khéo khác, tối ngày 10/6 Kim Jong-un dùng bữa với Thủ tướng Lý Hiển Long để cảm ơn chính phủ Singapore chi trả tiền khách sạn cho phái đoàn Triều Tiên. 

Khả năng Kim Jong-un từ chối nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc thực chất đã được tính đến. Nếu kịch bản đó xảy ra, Kim Jong-un hoàn toàn có thể yêu cầu chiến đấu cơ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc đảo Guam hộ tống chuyên cơ của mình. Bắc Kinh sẽ rơi vào tình thế khó xử và phức tạp hơn vì lúc đó máy bay của lãnh đạo Triều Tiên sẽ không bay qua đại lục nhưng sẽ bay qua khu vực Biển Đông nơi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Giới quan sát nhận xét sau khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử kết thúc, Triều Tiên sẽ tiếp tục thống trị các diễn đàn ngoại giao quốc tế. Lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ có mặt tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, tham dự Diễn đàn kinh tế Phương Đông do Nga chủ trì tại thành phố Vladivostok cùng các lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản. Và các cường quốc trên thế giới sẽ tiếp tục "so găng" để tranh giành ảnh hưởng quyền lực trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. 

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Khách Trung Quốc bị chủ nhà hàng Nhật đuổi vì mất vệ sinh

Khách Trung Quốc bị chủ nhà hàng Nhật đuổi vì mất vệ sinh

“Làm ơn đi khỏi!”, đó là lời yêu cầu của quản lý một nhà hàng ở thành phố Osaka sau khi chứng kiến cung cách ăn uống quá “kém sang” của hai phụ nữ trẻ đến từ Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất