Chuyên gia Biển Đông cảnh báo hành vi bắt nạt của Trung Quốc

Hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ biến một tính toán sai lầm nhỏ thành xung đột lớn, chuyên gia nhận định.

05:00 13/09/2019

Manila tháng trước tuyên bố sẽ trao công hàm ngoại giao lên án việc hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, cách bờ biển phía đông nước này khoảng 80 hải lý. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, mỗi lần các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Pháp thực hiện khảo sát ở Biển Đông, họ đều thông báo trước và cho phép các nhà khoa học Philippines tiếp cận tàu khảo sát để nắm rõ hoạt động nhưng Trung Quốc thì không.

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia từ ngày 10 đến 27/5 tại cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã được cấp phép thăm dò, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc trong hoạt động năm 2018. Ảnh: Schottel.

Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc trong hoạt động năm 2018. Ảnh: Schottel.

Việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS, phớt lờ phán quyết từ Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, trong vụ kiện của Philippines, cải tạo, xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa trái phép ở quần đảo Trường Sa, ra lệnh cấm đánh bắt tại những vùng biển tranh chấp và phá hủy tràn lan hệ sinh thái tại các bãi san hô đã làm bật lên thực tế rằng Bắc Kinh đang đe dọa an ninh toàn cầu, James Borton, chuyên gia tại Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts, Mỹ, nhận xét.

Việc làm của Trung Quốc "không khác gì hành vi bắt nạt", Rudroneel Ghosh, bình luận viên từ India Times, cho hay. "Chúng là hành động khiêu khích nhằm cho khu vực và thế giới thấy rằng Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ chịu hậu quả tại Biển Đông".

Theo Ghosh, Bắc Kinh coi Biển Đông là một yếu tố mấu chốt ảnh hưởng tới động lực phát triển và muốn thống trị nó. Tuy nhiên, có một lỗ hổng trong suy nghĩ này của người Trung Quốc. Các tình thế đối đầu ở châu Âu trong thế kỷ trước đã dẫn tới hai cuộc Chiến tranh thế giới tàn khốc. Nếu một cuộc xung đột vũ trang quy mô nổ ra ở Đông Á, nó sẽ thảm khốc hơn trước đây rất nhiều bởi sự phát triển vượt bậc của vũ khí ngày nay. Trung Quốc có lẽ nghĩ rằng mối lo sợ về nguy cơ chiến tranh cùng nguy cơ rạn nứt mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các nước ở khu vực sẽ khiến họ không dám đẩy căng thẳng lên cao. Trong kịch bản đó, Bắc Kinh nghĩ họ có thể từ từ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông mà không thực sự gây ra xung đột.

Tuy nhiên, mọi hành động đều sẽ nhận được phản ứng tương ứng và rất ít khả năng các nước ở Đông Nam Á sẽ chỉ ngồi nhìn, Ghosh đánh giá. Thực tế, Bắc Kinh đang thúc đẩy một cuộc đua chống lại chính mình và không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Hải quân Mỹ cùng 10 nước ASEAN từ 2 - 6/9 vừa có cuộc diễn tập hàng hải chung ở Vịnh Thái Lan và trên Biển Đông với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn 1.000 binh sĩ.

Tại Maldives, Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 4 diễn ra từ 3 - 4/9 do Quỹ Ấn Độ hợp tác cùng chính phủ Maldives và Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore tổ chức, quy tụ các học giả hàng đầu về chính sách, đã thảo luận sâu rộng về an ninh hàng hải, tự do hàng hải, thực thi UNCLOS và phát triển các cơ chế khu vực hiệu quả để hiện thực hóa những quy tắc quốc tế.

Khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Việt Nam từ 26 - 28/8, hai bên đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại khu vực. Hai bên cũng thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đề cao tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, không quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế. Trung Quốc vi phạm tất cả những điều trên. Họ đã xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, quân sự hóa chúng và từ chối thực hiện phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, vốn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông. 

Theo India Times, các hành động của Trung Quốc làm suy yếu ổn định và hòa bình trong khu vực, làm gia tăng chi phí kinh tế đối với các nước Đông Nam Á thông qua việc ngăn chặn quyền truy cập của họ với nguồn tài nguyên hydrocarbon chưa được khai thác trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.

Tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV.

Tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV.

Mặt khác, nhà nghiên cứu Lucio Blanco Pitlo III từ tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, trụ sở ở Philippines, nhận định  những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng phá hoại các hoạt động kinh tế hàng hải hợp pháp do các quốc gia khác thực hiện, đồng thời không ngại tham gia vào các hoạt động khảo sát bất hợp pháp tại thềm lục địa những nước láng giềng.

Trong khi các nước phải chịu đựng những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc thường tìm cách đối thoại để xoa dịu căng thẳng, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng nhiều khả năng sẽ dẫn tới những động thái phản kháng mạnh mẽ hơn, từ cả ASEAN và bên ngoài khu vực, Lucio nói.

Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada cùng một số nước khác cũng đã chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi thiết lập một trật tự dưa trên các quy tắc.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) trong khi đó công khai chỉ trích hành động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía nam Biển Đông. "Hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như đã nêu trong UNCLOS 1982", IADL khẳng định.

Mỹ đã lên án Trung Quốc vì những hành động đơn phương mang tính khiêu khích. "Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa trái phép các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông, bao gồm sử dụng dân quân biển để đe dọa và cưỡng chế các quốc gia khác, đang phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Deann Ortagus hồi đầu tháng tuyên bố.

Nếu Bắc Kinh tiếp tục những hành vi gây hấn của mình ở Biển Đông, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, Ghosh nhấn mạnh. Khi đó, một tính toán sai lầm nhỏ có thể dẫn tới xung đột lớn.

"Ngay cả nếu xung đột không xảy ra, những căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của các nước trong khu vực. Chi phí cơ hội là rất lớn và Trung Quốc thực sự không nhận ra những nguy cơ tiềm năng khi chọn chủ nghĩa đơn phương thay vì phương pháp tham vấn", Ghosh nói.

Ảnh chụp từ vệ tinh các công trình Trung Quốc cải tạo trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của  tháng 3/2018. Ảnh: Reuters.

Ảnh chụp từ vệ tinh các công trình Trung Quốc cải tạo trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 3/2018. Ảnh: Reuters.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Anh muốn đưa tàu sân bay đến biển Đông, Trung Quốc lên tiếng

Anh muốn đưa tàu sân bay đến biển Đông, Trung Quốc lên tiếng

Bắc Kinh cảnh báo Anh nên bỏ mọi ý định thực hiện những hành động "thù địch" trên biển Đông trước khi nước này buộc phải đáp trả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất