Chuyên gia Mỹ: Ca nCoV mới ở Việt Nam 'chưa phải làn sóng thứ hai'

Quy mô của ca nhiễm mới ở Việt Nam chưa phải là "làn sóng Covid-19 thứ hai" nhưng cần rà soát, truy vết quyết liệt để "dập các đám cháy nhỏ", theo các chuyên gia Mỹ.

22:30 31/07/2020

Hôm 25/7, Việt Nam xác nhận ca nhiễm nCoV mới đầu tiên tại Đà Nẵng, sau 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến sáng nay, số ca nhiễm mới tăng lên 93, đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Chính quyền các địa phương thông báo có khoảng 20.000 người trở về TP Hà Nội và hơn 18.000 người về TP HCM từ Đà Nẵng.

Đánh giá về diễn biến ở , William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm, Trường Y khoa, Đại học Vanderbilt, Nashville, Mỹ, cho biết tình hình trở nên thách thức hơn với nhưng ông không gọi đây là "làn sóng Covid-19 thứ hai", vì làn sóng sẽ có quy mô ca nhiễm lớn hơn, ông coi đây là tình trạng phát hiện các ca nhiễm mới.

Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Dennis Carroll, từng phụ trách xử lý đại dịch cúm và các nguy cơ mới nổi, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) trong 15 năm, cho rằng đang có sự xuất hiện lần hai của nCoV, do virus chưa thực sự biến mất trên phạm vi khu vực và thế giới.

"Sự tái xuất hiện của nCoV có thể xảy ra, do chúng đang lây lan bên ngoài . Các bạn không nên ngạc nhiên", Carroll nói.

Tuy nhiên, giáo sư Schaffner cho rằng việc Việt Nam chưa rõ nguồn lây nhiễm của ca mới ở Đà Nẵng là đáng lo ngại.

"Có thể có lây nhiễm cộng đồng nhiều hơn con số thống kê, dẫn tới có thêm ca nhiễm khi xét nghiệm thêm nhiều người", Schaffner nói.

Tiến sĩ Carroll cho rằng có thể nguồn lây nhiễm mới do người ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo virus. Họ có thể là người nhập trái phép hoặc người nhập cảnh hợp pháp và được đưa vào trung tâm cách ly, nhưng không tuân thủ quy định, tiếp xúc với người ở bên ngoài.

Từ giữa tháng 7 đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện hơn 100 người nhập cảnh trái phép vào một số tỉnh từ bắc vào nam. Hôm 27/7, Bộ Y tế Việt Nam công bố kết quả phân tích cho thấy nguồn gene nCoV từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng là chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam, xuất phát từ bên ngoài nhưng chưa khẳng định được từ nước nào. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận, nhưng chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Nhân viên an ninh sân bay Chu Lai, Quảng Nam, đo thân nhiệt cho khách lên máy bay sáng 28/7. Ảnh: Đắc Thành.
Nhân viên an ninh sân bay Chu Lai, Quảng Nam, đo thân nhiệt cho khách lên máy bay sáng 28/7. Ảnh: Đắc Thành.

Đưa ra khuyến cáo với Việt Nam, tiến sĩ Carroll cho hay chính quyền các địa phương cần tập trung theo dõi sát những người từng đến Đà Nẵng để ngăn nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội hoặc TP HCM. Nhà chức trách cũng cần cân nhắc các biện pháp hạn chế, đóng cửa phù hợp, tuỳ theo diễn biến dịch ở khu vực mình quản lý, để không khiến người dân cảm thấy khó tuân thủ. Carroll cho rằng sự hợp tác của người dân trong việc giúp chính phủ áp dụng các biện pháp phòng dịch là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên thúc đẩy điều tra nguồn gốc chủng virus mới ở Đà Nẵng, để củng cố hệ thống phòng dịch, nhằm bảo đảm nó không tái xuất. Carroll lưu ý Việt Nam cần duy trì sự cảnh giác vì các nước vẫn dễ bị tổn thương, khi nCoV vẫn lây lan ở nhiều nơi trên thế giới. Ông dự đoán Việt Nam có thể có đợt xuất hiện khác của nCoV sau đợt này, không phải do chính phủ xử lý kém mà vì Covid-19 chưa thể biến mất vào năm 2021.

Hà Nội đã yêu cầu những người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 và đã đến một số nơi liên quan đến các ca dương tính phải cách ly, khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Chính quyền đã khoanh vùng và khử trừng các địa điểm liên quan đến ca nghi nghiễm trở về từ Đà Nẵng, lên danh sách người tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm. Tại TP HCM, nhà chức trách cũng rà soát tất cả những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7, yêu cầu khai báo y tế trên các ứng dụng, phong tỏa khách sạn liên quan đến ca nhiễm và nghi nhiễm. Riêng tại Đà Nẵng, lệnh cách ly xã hội 14 ngày được áp dụng trên toàn thành phố từ ngày 28/7. Bộ Y tế Việt Nam cho biết sẽ xét nghiệm diện rộng để sàng lọc những người nghi nghiễm Covid-19 và tìm nguồn lây bệnh.

Gavin Yamey, giáo sư về y tế toàn cầu và chính sách công, Viện y tế toàn cầu Duke, Đại học Duke, Mỹ, đánh giá ca nhiễm mới ở Đà Nẵng cho thấy các nước nói chung cần tăng cường sự đề phòng với Covid-19. Đại dịch sẽ không chấm dứt đến khi thế giới đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số toàn cầu cần có vaccine hiệu quả.

"Đến khi đó, tất cả các nước cơ bản kiểm soát dịch thành công trong giai đoạn một, đều có nguy cơ có thêm các đợt bùng phát mới", Yamey nói. Ông cho rằng các nước cần tăng cường năng lực để có các hệ thống mạnh về nhận dạng, truy dấu, cách ly và xét nghiệm. Cùng với tăng cường khuyến cáo người dân giãn cách, sử dụng khẩu trang, nhà chức trách cần đóng nhà hàng, quán bar và các điểm công cộng khác nhằm "dập tắt những đám cháy nhỏ".

Giáo sư Schaffner khuyến cáo Việt Nam nên thực hiện quyết liệt các biện pháp xét nghiệm, cách ly và truy dấu. Nếu không quyết liệt, Việt Nam có thể có thêm các ca nhiễm mới.

Với quan sát từ Australia, quốc gia được đánh giá kiểm soát được Covid-19 ở giai đoạn đầu, phó giáo sư Hassan Vally, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Đại học La Trobe, Australia, cho biết dù nCoV bùng phát trong đợt đầu tiên hay thứ hai, các nước luôn gặp thách thức trong kiểm soát bệnh dịch, đặc biệt là khi chưa phát hiện được nguồn gốc virus. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực rất lớn để kiềm chế sự lây lan của dịch.

"Bài học từ Australia là nếu bạn buông lỏng quá, mọi điều sẽ thay đổi rất nhanh," Vally nói.

Link nguồn: https://vnexpress.net/chuyen-gia-my-ca-ncov-moi-o-viet-nam-chua-phai-lan-song-thu-hai-4137871.html

Tags:
Trump đột ngột rời họp báo Covid-19

Trump đột ngột rời họp báo Covid-19

Trump bất ngờ kết thúc họp báo hàng ngày về Covid-19 sau khi bị phóng viên chất vấn về thông tin ông đăng trên mạng xã hội Twitter.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất