Cô gái người Hoa: “Bố mẹ ơi, đây là lý do mà con không muốn về nước”

Gần đây, có một cô gái người Hoa sống ở nước ngoài nhiều năm đã đăng tải một bài viết rất dài đầy cảm xúc có tựa đề “Bố mẹ ơi, đây chính là lý do mà con không muốn về nước”, và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người Hoa.

13:00 24/05/2021

Dưới đây là trích đoạn nội dung bài viết:

“Mẹ nhiều lần khuyên tôi về nước, nhưng tôi lại có lý do để không về”

Hôm nay tôi có gọi video call với mẹ, mẹ lại khuyên tôi về nước, đây đã là lần thứ 56 rồi. Vẫn là một bộ lý do cũ: “Con gái về nước tốt biết bao, tìm lấy một công việc, không thoải mái hơn khi con một mình ở bên ngoài kia sao. Một mình con ở nước ngoài vất vả quá.”

Mẹ ơi, những gì mẹ nói con đều biết. Nhưng sao con lại phải ngốc như vậy, không chịu sống những ngày “thoải mái”, cứ phải chịu khổ ở cái xứ cách nhà những 8.000 km như thế này, phấn đấu vì một tờ PR chứ? Thật ra thì mỗi khi tôi hỏi bạn bè vì sao muốn di cư, họ cũng không nói rõ được lý do, mà chỉ thuận miệng nói rằng: cảm thấy nơi đây rất tốt nên muốn ở lại.

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã lớn lên trong “khuôn khổ”, mọi người xung quanh đã sắp xếp sẵn cho chúng tôi khi nào nên làm gì rồi. Trường cấp 2, cấp 3 trọng điểm, 211/985, thi nghiên cứu sinh, ra nước ngoài, làm việc, mua nhà, kết hôn, sinh con, từng “bước” đều đã được sắp đặt sẵn những ai, khi nào và ở đâu rồi, không được trật bước nào cả, nếu không sẽ bị phê bình, sẽ bị so sánh với “con nhà người ta”.

Vậy thì thưa người thân và bằng hữu, hàng xóm, mọi người có từng hỏi chúng tôi hay chưa, rằng chúng tôi muốn sống như thế nào? Chúng tôi có để ý đến việc ai đó bao nhiêu tuổi kết hôn, mua nhà khi nào, vào lúc nào thì mang thai long phụng hay không? Cuộc sống của chúng tôi không nên do tự bản thân chúng tôi quyết định ư?

(Ảnh: Pixabay)

Khi ở nước ngoài, chẳng có ai chỉ trỏ cuộc đời của bạn cả, bạn cũng cần phải tự chịu trách nhiệm. Bạn sẽ được làm những gì mình muốn. Bạn có thể lựa chọn thử thách những điều mới mẻ và tiếp xúc với những người khác nhau, sống một cách vui vẻ, cũng như chỉ việc sống một cuộc đời đơn giản thẳng tắp một đường từ trường học về nhà rồi đến siêu thị, chỉ cần vui vẻ là được.

Tôi từng thấy có những nghệ sĩ bậc thầy violin chơi đàn trên đường, cũng từng nhìn thấy một tiến sĩ độc thân 35 tuổi làm blogger trang điểm, chẳng có ai đánh giá cuộc sống của bạn cả, bởi vì bạn tự do. Không phải là mọi người lạnh lùng, chỉ là họ đều tôn trọng sự lựa chọn của nhau mà thôi.

Không biết là có bao nhiêu người đã được người nhà khuyên phải thi vào công chức, rằng ngồi uống trà đọc báo là công việc lý tưởng, có thật là tốt vậy không? Tôi có một người bạn thi 2 năm mới vào được công chức, có một lần chúng tôi trò chuyện với nhau, tôi than thở thi cử áp lực quá, còn cô ấy thì oán trách quan hệ trong công sở quá phức tạp.

“Ở trong văn phòng, những người trốn tránh trách nhiệm, dùng mánh lới, làm ăn qua loa là nổi tiếng nhất.”

“Khi lãnh đạo đến thì làm việc, còn ngoài ra thì toàn làm chuyện vặt vãnh.”

“Bạn quá siêng năng sẽ khiến người ta ngứa mắt, rồi lại bắt tay với nhau để ức hiếp mình. Bạn lười biếng cùng mọi người thì họ sẽ xem bạn là người cùng hội cùng thuyền.”

“Không những vậy, mà còn cái gì cũng so sánh, từ nhà, xe cho đến chồng con. Tôi thật sự rất mệt, muốn thôi việc lắm.” – Đây là câu nói khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Mỗi lần mẹ khuyên tôi về nước, tôi luôn tự nhủ thầm: “Mẹ ơi, con cũng muốn cho con của con những gì tốt đẹp nhất giống như những điều mẹ muốn cho con vậy.”

Bố mẹ tôi vất vả cả cuộc đời để dành tiền cho tôi ra nước ngoài chẳng phải vì muốn tôi cảm nhận được bầu không khí học tập ở môi trường nước ngoài hay sao. Là do trường đại học trong nước không tốt ư? Thật ra thì không hẳn, chỉ là do có rất nhiều vấn đề mà chỉ khi học ở nước ngoài mới trải nghiệm được mà thôi.

Cô gái người Hoa: “Bố mẹ ơi, đây là lý do mà con không muốn về nước”
(Ảnh: Shutterstock)

“Nền giáo dục và cuộc sống mà tôi thấy ở nước ngoài”

Ở nước ngoài, cấp tiểu học là thoải mái nhất, trẻ em chơi đùa vui vẻ và không có áp lực học hành, mà học đọc và nói chuyện một cách hết sức tự nhiên. 6 năm cấp 2, nhà trường sẽ để học sinh tìm được niềm hứng thú của mình, mỗi em sẽ được học những môn khác nhau, từ thơ ca hát múa cho đến triết học, từ nấu ăn cho đến thiết kế trang phục, chỉ cần muốn học, nhà trường sẽ cố gắng hết sức để thỏa mãn cho học sinh. Tìm được điều khiến bản thân hứng thú mới là quan trọng nhất.

Ở đây, người ta không dùng việc thi cử để quyết định cuộc đời, nếu muốn thi đại học thì thi, kết quả thi cộng với điểm số trong quá trình học sẽ quyết định trường học của bạn. Nếu không muốn học đại học mà muốn học các kỹ năng, thì sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh có thể lựa chọn học thứ mình thích, không có ai xem thường nghề nghiệp của bạn cả. Dù sao thì ở đây những gì bạn bỏ ra sẽ tỷ lệ thuận với kết quả mà bạn nhận về được.

Nếu bạn là công nhân (ví dụ như công nhân điện, nước, xây dựng v.v…), lương của bạn sẽ rất cao, nhưng bạn cũng sẽ rất vất vả. Nếu bạn là bác sĩ, luật sư v.v…, lương của bạn cũng sẽ rất cao, nhưng bạn phải trải qua vô số những bài thi và quá trình làm việc thâu đêm. Không có nghề nghiệp nào là nhàn hạ cả, vì vậy mọi người đều bình đẳng.

Trẻ em ở nước ngoài được chơi đùa vui vẻ và không có áp lực học hành. (Ảnh: Shutterstock)

Nền giáo dục của Trung Quốc chỉ quan tâm đến thi cử mà lại bỏ qua cuộc sống của trẻ

Còn chúng tôi, các học sinh Trung Quốc có biết bao nhiêu người từ nhỏ đã phải lớn lên cùng những câu như “thi đại học quyết định vận mệnh” và “không chịu học hành đàng hoàng thì sẽ đi quét rác”. Nhưng công nhân vệ sinh là những người làm đẹp cho đường phố kia mà.

Những ai đã trải qua kỳ thi đại học biết rất rõ áp lực của khoảng thời gian đó, không chỉ là áp lực cá nhân, mà là áp lực của cả gia đình, có những người thậm chí còn mang trách nhiệm đổi đời cho cả đình trên vai. Các học sinh đi học ở Trung Quốc thật sự rất vất vả. Tôi đã vất vả đủ rồi, không muốn để các con của tôi cũng tiếp tục phải vất vả như tôi.

Chính vì điều này, tôi cũng không muốn con chỉ vì học mà đánh mất khả năng tự suy nghĩ và niềm vui cần có trong cuộc sống, vì vậy nên tôi muốn di cư. Để con được học tập ở đây, có một tuổi thơ vui vẻ thoải mái là món quà tốt nhất mà tôi muốn tặng cho con mình.

Hình ảnh học sinh cặm cụi ôn thi cùng những chồng sách, tài liệu cao hơn đầu trong các lớp học ở Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Lý do khiến những người Hoa ở nước ngoài về nước

Trên diễn đàn tiếng Hoa ở nước ngoài, tôi thường xuyên thấy có những người Hoa đắn đo không biết có nên về nước hay không. Có người từng tổng kết nguyên nhân khiến những người Hoa ở nước ngoài về nước như sau:

1. Sống ở nước ngoài gặp phải nhiều vấn đề hoặc không tìm thấy được hy vọng, so với việc cứ tiếp tục vô vọng hoặc khó mà tìm được chỗ đứng trong vòng vài năm, thì chi bằng về nước. Kiểu người này sau khi về nước thường sẽ quay lại nước ngoài khi không tìm được công việc ở trong nước.

2. Xem trọng tình cảm gia đình, mong ổn định cuộc sống, muốn về nước tìm vợ. Tuy cái giá phải trả là làm việc khá vất vả, cuộc sống khá khó khăn, nhưng thường thì đều tìm được công việc khá ổn trước khi về nước. Hơn nữa khi ở nước ngoài họ rất cô đơn, thế nên cắn răng về nước. Những người này trước khi về nước đã tìm được công việc kha khá với mức lương trong khoảng 150.000-30.000 tệ.

3. Có nền tảng gia đình, dù sao thì gia đình đều đã chuẩn bị sẵn rồi, cần gì phải khổ sở ở nước ngoài.

Dù vậy vẫn có các cư dân mạng người Hoa tổng kết rằng: Những ai di cư được thường sẽ không về nước, còn những ai về nước thì đa số đều đã hối hận….

Thanh Minh

Tags:
Mất bao lâu cho một hồ sơ bảo lãnh ở Mỹ ? Đặc biệt, đối với các cặp đôi yêu nhau hoặc những cặp vợ chồng đã kết hôn  muốn bảo lãnh sang Mỹ

Mất bao lâu cho một hồ sơ bảo lãnh ở Mỹ ? Đặc biệt, đối với các cặp đôi yêu nhau hoặc những cặp vợ chồng đã kết hôn muốn bảo lãnh sang Mỹ

Đây có lẽ là thắc mắc mà ai cũng từng băn khoăn khi có ý định đoàn tụ với thân nhân tại Mỹ.Trong quá trình nhiều năm tư vấn về di trú Mỹ, các chuyên viên nhận thấy thắc mắc về thời gian để hoàn tất một bộ hồ sơ từ lúc mở hồ sơ cho đến khi nhận được lịch phỏng vấn là bao lâu?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất