Cô sinh viên sống ở Mỹ chỉ với 100 đôla

Ở một đất nước giàu có, đắt đỏ mà chỉ với ngần ấy tiền quả là chuyện lạ có thật. Lạ hơn, sau khi thành công, trở thành nhân viên xuất sắc nhất của Ngân hàng Bank of America, cô sinh viên đã bỏ tất cả cơ hội thăng tiến, trở về Việt Nam sống bằng nghề bán… yogurt, một loại thức uống từ sữa.

03:30 30/09/2019

Cảm giác đầu tiên

Khác với sự hình dung ban đầu rằng, kỳ nhân trên phải “mạnh mẽ hùng dũng”, Trương Thanh Thủy nhỏ nhắn và có nụ cười luôn cười rất tươi với  chiếc răng khểnh. Thủy nói mình không thuộc kiểu “ra đi và trở về” như rất nhiều du học sinh khác vẫn thường được nhắc đến trên báo chí. Chuyến trở về của Thủy, đơn giản chỉ để được sống theo ý thích.

Cô cựu học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cùng gia đình xuất cảnh đến Mỹ năm 17 tuổi. “Nước Mỹ 8 năm trước trong mắt tôi là sự hào nhoáng và cực kỳ hiện đại ngay từ cánh cửa ở sân bay Los Angeles. Nhưng ngay khi đặt chân đến, tôi như được mách bảo nơi đây không dành cho mình. Không có sự phù hợp nào với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên” – Thủy kể.

Hồi còn ở Việt Nam, cô gái người gốc Đồng Nai tốt nghiệp phổ thông sớm một tuổi. Đến Mỹ, theo luật ở đây, Thủy phải học lại một năm phổ thông cho đủ tuổi mới được học tiếp lên cao. Một năm sau, Thủy vào học ngành Kỹ sư vi tính tại Pasadena City College. Hai năm sau, Thủy được học bổng của Chính phủ Mỹ học liên thông lên ĐH và trở thành sinh viên của USC (University of Southern California). Sống và học tập ở Mỹ, Thủy và mẹ rất an lành bên những người họ hàng bà con của mình.

Nhưng như người ta vẫn nói, sống trong bình an lâu quá, con người dễ trở nên yếu ớt. Sau một chuyến trở về thăm quê hương, một sự xáo trộn trong gia đình đã khiến hai mẹ con Thủy rơi vào cảnh bơ vơ khi vừa trở lại Mỹ. Đó là lúc câu chuyện “sống tại Mỹ với 100 đô la” bắt đầu.

Sống sót và thành công

“Lúc đó tôi không sợ hãi, không khóc nhưng cảm giác bất an thì không tránh khỏi khi đột nhiên hai mẹ con phải tự lập. Nước Mỹ không phải như ở quê nhà, mọi thứ đều có quy tắc và không thể sống ngoài các quy tắc ấy” – Thủy kể. Không chỗ ở, không tiền, chỉ còn lại sự bất an… Vay  được 700 đô la từ người bạn, Thủy dắt mẹ đi thuê một căn phòng nhỏ với giá 300 đô la/tháng, thêm 300 đô la tiền cọc bắt buộc. Sẽ làm gì trong những ngày tới với 100 đô la còn lại? Một may mắn nhỏ nhoi là khi trở lại Mỹ, hai mẹ con kịp mang theo 2 thùng mì gói, 1 hộp cá cơm sấy khô. Thủy ra siêu thị mua một bao gạo nhỏ hết 17 đô la từ số tiền còn lại. Suốt một tháng trời, hai mẹ con “trường kỳ” dè sẻn số lương thực ít ỏi.

Nhưng để tiếp tục theo học thì số tiền ấy là không tưởng. Thủy nghĩ đến việc bỏ học để tìm bất cứ công việc nào có thể kiếm ra tiền. Nhưng rất may, điều xấu nhất đã không xảy ra. Ngoài giờ học, cô xin làm thêm đủ mọi nghề, từ thu ngân trong siêu thị đến lao công, bưng bê…

Những món tiền ít ỏi “cứu” hai mẹ con qua khỏi cơn bĩ cực. Thủy xin làm thêm tại Ngân hàng Bank of America. Làm việc ở một chi nhánh đa phần khách hàng là người Hoa, Thủy gặp rất nhiều khó khăn nơi “hậu trường công sở”. Nhưng sau 2 năm làm việc, có khi một quý mở được hơn 300 tài khoản mới, Thủy đã trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc nhất trong toàn hệ thống Bank of America khiến ai cũng phải kinh ngạc. Với thu nhập lúc đó, Thủy tự mua cho mình một chiếc xe ô tô mới và quyết định chuyển sang làm việc cho hãng bảo hiểm Western Reserve Life.

Vì tôi là người Việt

“Sáu năm ở Mỹ chưa ngày nào tôi ngủ hơn 6 tiếng. Mở mắt ra là đối diện với áp lực tài chính để duy trì cuộc sống và tiếp tục theo học. Nước Mỹ cho tôi rất nhiều thứ: Học bổng đến trường, cơ hội và kinh nghiệm làm việc, biết cách đối diện với áp lực.

Nhưng Mỹ là đất nước của sự vội vã, sòng phẳng đến cứng nhắc, lấy đi của tôi nhiều thứ thuộc về tinh thần. Câu chuyện sống sót từ 100 đô la ít ỏi là bài học lớn cho tôi về bản chất cuộc sống và hạnh phúc. Tôi mua được ý nghĩa cuộc sống với giá hời đấy chứ?” – Thủy nói hài hước.

Lúc học năm cuối tại USC, Thủy bắt đầu nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam. Cô bày tỏ: “Chỉ có ở Việt Nam, tôi mới có được những thứ thuộc về văn hóa, con người và suy nghĩ của mình, cho dù với kinh nghiệm làm việc và bằng cấp tôi dư sức có cuộc sống tốt ở Mỹ. Tôi sợ sự khô cứng ở Mỹ, đôi khi thèm được “bao” bạn bè một bữa như ở Việt Nam chứ không phải cái gì cũng “share” như ở đây”.

Không phải sự tiện nghi, hiện đại, cơ hội thăng tiến mới tạo được sức hấp dẫn. Trương Thanh Thủy đã từ chối tất cả và trở về Việt Nam, để được sống trong không gian văn hóa đã lỡ “ăn sâu”. Thủy tự hồ nghi rằng, biết đâu đấy, những hương vị rất Việt của mì gói, cá cơm và gạo trắng mà hai mẹ con ăn trường kỳ lúc khó khăn, hình như đã níu giữ “chất Việt” trong con người mình. Và Thủy về Việt Nam thật, sau khi tốt nghiệp năm 2009.

Học về kỹ thuật, đi làm và kiếm sống toàn liên quan đến tài chính nhưng sự khởi đầu của Thủy khi về quê hương lại là kinh doanh. Cơ hội để trở về bắt đầu từ món yogurt. Thủy cho biết: “Năm 2008, ở California bỗng dưng có phong trào đua nhau mở mô hình cửa hàng “frozen yogurt”. Thức uống này không lạ nhưng để kinh doanh bài bản thì chưa có”. Thủy và người bạn bắt đầu tìm hiểu phương thức và mô hình kinh doanh.

Giữa năm 2009, cả hai quyết định mở cửa hàng đầu tiên tại Biên Hòa, lấy tên Parallel. Đến nay, chuỗi cửa hàng Parallel đã có thêm chi nhánh tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1) và Now Zone (Q.5). Thủy còn cộng tác sản xuất các phần mềm cho điện thoại di động với một công ty của người bạn tại Mỹ.

Trở về Việt Nam, điều khiến cô gái nhỏ nhắn này thích nhất là được tham gia các hoạt động xã hội, làm từ thiện, tham gia CLB Du học sinh Việt Nam (OVS). Cửa hàng Parallel có hẳn một quỹ từ thiện trích ra từ nguồn thu để hỗ trợ cho trẻ em nghèo tại các tỉnh. Thủy cho rằng: “Những hoạt động như vậy tôi có thể tham gia ở bất cứ nơi đâu, nhưng được làm điều đó ở Việt Nam tôi mới có cảm giác hạnh phúc, thấy được mình thật sự là mình và cuộc sống của mình…”.

Hóa ra là vậy, một thứ hạnh phúc rất đơn giản. Thủy bảo: “Tôi đã có lại quốc tịch Việt Nam rồi. Tôi sẽ ở đây không đi đâu hết. Ở Việt Nam, tôi có cơ hội cho riêng mình. Nếu có ai đó hỏi về Việt Nam, tôi sẽ khuyên thật đơn giản: ông bà hãy đến đất nước của tôi và cảm nhận!”.

Tags:
Một trường đại học Canada cấm Hội sinh viên Trung Quốc

Một trường đại học Canada cấm Hội sinh viên Trung Quốc

Hội sinh viên Đại học McMaster tại Canada mới đây đã cấm một câu lạc bộ sinh viên có liên quan tới chính quyền Bắc Kinh. Trường đại học này 6 năm trước cũng đã đóng cửa Viện Khổng Tử, Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất