Cơn ác mộng của học sinh bị nhốt trong 'phòng thư giãn' tại trường Mỹ

Mẹ của Juliana cho biết sau khi con bà bị nhốt trong "phòng thư giãn" của trường, em bị mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn và thường xuyên gặp ác mộng.

03:18 16/12/2017

Mọi chuyện bắt đầu khi Ashley Martinez, mẹ của một học sinh lớp 1 ở trường Arlington Community Day (Mỹ), chia sẻ bức ảnh chụp một trong những căn phòng của trường lên Facebook. Kèm theo bức ảnh là dòng chữ: "Hãy đóng cửa căn phòng này".

Martinez đã chụp ảnh "phòng thoải mái", chia sẻ trên mạng và kêu gọi mọi người kiến nghị với chính quyền. Ảnh: Facebook.

Martinez cho biết Lawrence PublicSchools (một khu học chánh công dành cho cộng đồng) gọi đấy là "phòng thư giãn". Theo bà, những căn phòng thiếu an toàn này không phù hợp những đứa trẻ.

Quan điểm của Martinez đã nhận về nhiều sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng.

Chris Hall, người sáng lập tổ chức Braintree (cung cấp máy tính cho trẻ tự kỷ), nêu quan điểm: "Nó nhìn như một phòng tù trong một trường học".

Người đàn ông này cho biết anh từng phải đến một căn phòng tương tự khi còn là học sinh tại trường Trung học John Kennedy tại thành phố Randolph, bang Massachusetts. 

"Thực sự buồn khi các trường vẫn làm điều này. Họ đang cố khiến lũ trẻ sợ hãi", Hall nói.

'Con không muốn đến trường'

Juliana, con gái của Martinez, mới 7 tuổi. Từ khi học mẫu giáo tới nay, cô bé phải vào "phòng thư giãn" khoảng 10 lần. Mỗi lần vào đó, cánh cửa phòng luôn đóng kín. Em phải ở đó một mình cho đến khi được thả ra. Lần gần đây nhất là hôm 8/12.

"Căn phòng làm Juliana căng thẳng và sợ hãi. Nơi đó rất bẩn. Con bé sợ phải ở một mình. Tôi đã nhiều lần yêu cầu nhà trường dừng hành động này lại. Tôi không muốn con phải vào phòng này. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục", Martinez kể.

Người mẹ cho hay nhà trường không hề thông báo cho bà khi họ đưa Juliana vào "phòng thư giãn". Bà chỉ biết chuyện khi cô bé về nhà và kể cho mẹ nghe. 

Theo Martinez, Juliana còn mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Mỗi lần bị đe dọa phải vào căn phòng đó, cô bé phản ứng rất mạnh. Thậm chí, em có thể tấn công giáo viên hoặc chạy trốn khỏi lớp.

Nỗi sợ này không dừng lại. Nó đeo đuổi Juliana về tận nhà, vào cả trong những giấc mơ của em.

"Con bé liên tục nói: 'Con không muốn đến trường. Con sợ căn phòng đó'", mẹ của cô bé thông tin.

Martinez cho biết trước đó, nữ sinh 7 tuổi bị tổn thương tinh thần vì người cha bạo lực. Tuy nhiên, khi ở nhà, cô bé vẫn rất ngoan.

“Tại sao Juliana lại phải đến căn phòng đó? Con bé là một đứa trẻ tuyệt vời khi ở nhà. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra”, bà nhấn mạnh.

Theo lời kể của Juliana, em luôn bị nhốt một trong "phòng thư giãn". Ảnh minh họa: Daily Mail.

Nhà trường tuân thủ đúng chính sách?

Theo Eagle Tribune, sau khi vụ việc xảy ra, phóng viên đã liên hệ với Chris Markuns, người phát ngôn của Jeff Riley (quản lý trường Arlington Community Day). Tuy nhiên, Markuns cho hay Riley không hề biết có một căn phòng như vậy tại trường cho đến cuối tuần trước.

Người đại diện cũng không thể thông tin việc học sinh phải vào phòng đó như thế nào, các quy định đối với việc sử dụng "phòng thư giãn" hay có những căn phòng tương tự khác tồn tại trong những trường học khác hay không.

Sau đó, Jacqueline Reis, phát ngôn viên của Ban Giáo dục Tiểu học và Trung học, cho biết Riley thông tin với bộ phận này về căn phòng cũng như những tranh cãi xung quanh nó. Trên thực tế, trường Arlington Community Day có nhiều hơn một "phòng thư giãn".

Reis cho hay ban này “sẽ làm việc với Lawrence Public Schools để chắc chắn việc sử dụng những căn phòng đó tuân theo các thủ tục thích hợp” nhưng không giải thích chi tiết về thủ tục đó.

Trong lần trả lời phỏng vấn thứ hai, Markuns thông tin trường chỉ đưa học sinh đến "phòng thư giãn" khi các em có những dấu hiệu làm hại người khác hoặc bản thân. Bên cạnh đó, phòng này cũng chỉ được dùng khi không còn nơi nào khác phù hợp hơn.

Ngoài ra, một hoặc hai người lớn sẽ đi cùng học sinh vào căn phòng, ở bên các em mọi lúc và cánh cửa luôn mở. Hơn nữa, không học sinh nào phải ở đó quá 30 phút.

Ông cho biết nội trang trí nội thất của từng phòng có thể thay đổi dựa theo hoàn cảnh nhưng thường tối giản để tránh gây tổn thương cho học sinh hoặc các nhân viên trong trường.

Trong khi đó, Pavel Payano, thành viên của Ủy ban Trường Lawrence, thông tin "phòng thư giãn" dành cho trẻ gặp vấn đề về cảm xúc là một khái niệm giáo dục đặc biệt được sử dụng trong các trường trên khắp bang Massachusetts.

Trong bối cảnh quan ngại leo thang, khu học chánh địa phương đã yêu cầu trường đóng các "phòng thư giãn" cho đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh đó, Riley cũng tiến hành một cuộc điều tra về việc sử dụng căn phòng này tại Trường Arlington Community Day. Kết quả sơ bộ cho thấy nhà trường không vi phạm chính sách của bang, khu học chánh và trường học. Song, người đàn ông này cho rằng việc thay đổi là cần thiết.

Martinez cho biết bà cảm thấy vui vì khu học chánh đang hành động và hy vọng những biện pháp an toàn sẽ được nâng cao.

Tags:
Top 12 đại học tốt nhất thế giới 2018: 2 trường Anh, 10 trường Mỹ

Top 12 đại học tốt nhất thế giới 2018: 2 trường Anh, 10 trường Mỹ

Mỗi năm thế giới có hàng triệu sinh viên đại học và cao học ra nước ngoài để du học.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất