Con nuôi gốc Việt bật khóc khi gặp mẹ ruột

“Mẹ ơi!”, Amandine Durand gượng gạo cất tiếng gọi mẹ bằng tiếng Việt chưa rành trong buổi giao lưu chương trình “Cội nguồn con ở đâu?” chiều ngày 5-11.

10:00 07/11/2018

Amandine Durand và mẹ ruột, bà Đỗ Thị Chiểm, đoàn tụ tại buổi giao lưu “Cội nguồn con ở đâu?” ngày 5-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngồi xem những thước phim ghi lại hành trình tìm kiếm cha mẹ ruột của mình, cô con nuôi người Pháp gốc Việt Amandine Durand không cầm được nước mắt.

Đây là lần thứ hai cô tham gia chương trình Cội nguồn con ở đâu? do báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Kids Without Borders tổ chức, nhằm tiếp thêm động lực cho những người con nuôi Việt ở khắp nơi trên thế giới trên bước đường tìm kiếm cội nguồn nơi mình sinh ra.

Tháng 7-2018, ngay sau khi câu chuyện của cô được chia sẻ trong chương trình lần 1, cô gái người Pháp có cái tên Việt là Đỗ Thị NgọcChâu bật khóc trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong vòng tay của mẹ và chị ruột, trong tiếng nức nở khi biết cha ruột mình vừa qua đời chỉ vài tháng.

Bốn tháng sau, mẹ con bà lại đoàn tụ khi kết quả xét nghiệm ADN chính thức cho biết họ là máu mủ của nhau, nước mắt rơi thay cho tiếng lòng.

“Đứng bao giờ bỏ cuộc, việc tìm kiếm này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng hãy cứ tin tưởng”, Amandine nhắn nhủ đến những người con nuôi khác cũng tham gia chương trình.

Về phần mình, bà Chiểm chỉ nói được mấy câu ngắt quãng: “Thương con lắm… Gặp được con, mừng lắm”.

Chị Thúy, con gái lớn của bà Chiểm, cho biết, bà nôn nao được gặp con gái đến mức không ăn uống gì, chỉ đợi tới lúc bắt xe đò lên Sài Gòn gặp con.

 

Amandine Durand rơi nước mắt xem lại đoạn phóng sự về hành trình đi tìm cha mẹ ruột của mình tại buổi giao lưu “Cội nguồn con ở đâu?” ngày 5-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Những đứa con đi tìm cha mẹ

Cũng tham gia chương trình, cô gái Pháp gốc Việt nhỏ nhắn Hiền Munier vẫn đang trông chờ tin tức từ cha mẹ ruột.

“Tôi đang chờ câu trả lời về nguồn cội của mình. Tôi biết đây không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng tôi không lo lắng. Tôi chỉ muốn nói với những ai muốn tìm nguồn cội của mình, hãy cứ theo đuổi và đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ, bởi không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai”, Hiền bộc bạch.

“Những người con đang tìm mẹ, và cả những người mẹ đang tìm con hãy chuẩn bị tinh thần cho hành trình dài hơi này, hãy nâng niu sự kỳ vọng của mình như hạt giống, chăm bón nó bằng chính sự hy vọng của mình, rồi một ngày hạt giống đó sẽ đơm hoa kết trái”, cô nói tiếp.

 

Hiền Munier, con nuôi người Pháp gốc Việt, giao lưu tại chương trình “Cội nguồn con ở đâu?” ngày 5-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiền cũng là tình nguyện viên tích cực của tổ chức Kids Without Borders, thường xuyên hỗ trợ việc dịch thuật các tài liệu liên quan đến việc tìm kiếm gia đình, người thân của những người con gốc Việt ở nhiều nơi trên thế giới.

Trưởng thành rồi quay về Việt Nam sinh sống, trong lúc đi tìm cha mẹ ruột, Hiền Munier hay Aureline Giang, một chàng trai Pháp gốc Việt cũng được nhận nuôi, vẫn thường xuyên lui tới mái ấm nơi mình được chăm sóc khi còn nhỏ để làm tình nguyện giúp đỡ các em nhỏ ở đó.

Giang tâm sự, anh có một căn bệnh di truyền, và sau vài lần nghe bác sĩ hỏi trong gia đình mình có ai bệnh giống vậy không, anh khắc khoải muốn tìm câu trả lời rằng mình bị bệnh giống cha hay giống mẹ, hay giống anh chị em.

 

 

Các nhân vật con nuôi tham gia buổi giao lưu “Cội nguồn con ở đâu?” ngày 5-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, có cơ hội được về Việt Nam học sáu tháng, Adrien Rieu đã lập tức lên kế hoạch tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.

Dù luôn cảm thấy may mắn khi mình được một gia đình tốt ở Pháp nhận nuôi, Adrien vẫn không ngừng tò mò muốn biết về gốc gác. Anh cho biết việc tìm kiếm này giúp anh hiểu thêm được về con người Việt Nam.

 

Chàng trai người Pháp gốc Việt Adrien Rieu chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 5-11 – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Tôi thấy rất vinh dự khi được đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này. Ngoài kia còn có nhiều người con Việt đang muốn tìm về cội nguồn của mình. Thông qua chương trình này, tôi mong sẽ có nhiều người cùng đồng hành và mở ra nhiều cánh cửa cho họ,” ông Sơn Michael Phạm, chủ tịch Kids Without Borders phát biểu trên sân khấu.

“Tôi thấy ấm lòng khi thấy những đứa trẻ như Hiền, như Giang lớn lên, quay lại quê hương và giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi khác. Họ biết mình may mắn vì đã được nhận nuôi, nhưng vẫn luôn muốn tìm kiếm cội nguồn của mình. Câu chuyện của Amandine đã tiếp thêm động lực cho những người con nuôi trên khắp thế giới”, ông nói tiếp.

 

Ông Michael Sơn Phạm, Chủ tịch Kids Without Borders tại buổi giao lưu “Cội nguồn con ở đâu?” ngày 5-11. Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiếng lòng người mẹ

Buổi giao lưu chiều ngày 5-11 còn đong đầy những giọt nước mắt của những người mẹ thất lạc con cái và đang mòn mỏi đi tìm.

Cố gắng kềm cảm xúc, bà Nguyễn Thị Đẹp, nay đã gần 70, tâm sự mình đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để tìm con mà vẫn chưa gặp được.

“Không biết tôi có thể đợi được đến khi nào, chỉ hy vọng trước khi mất có thể tìm được con mình”, bà nói, xúc động đến lạc giọng.

“Tôi không muốn gặp con để bắt nuôi mình, mà chỉ muốn thấy nó như thế nào. Hình ảnh con trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ là một đứa bé 3 tuổi ngày tôi lạc nó. Giờ nó đã hơn 40 tuổi rồi. Tôi muốn biết con có chồng con chưa, muốn biết con sống ở đâu, muốn nói mẹ yêu con rất nhiều”, giọng bà run run.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nhung cung cấp những thông tin mình có được với hy vọng mọi người sẽ giúp chị chia sẻ và tìm được con.

“Nếu được gặp, tôi sẽ ôm con thật chặt để bù lại khoảng thời gian xa cách, vì tôi biết con cũng cần một cái ôm của mẹ ruột”, chị nghẹn ngào.

Bà Claude Coudert là một trong những người mẹ nước ngoài đã nhận nuôi con người Việt có mặt tại buổi giao lưu.

Kể từ khi nhận nuôi hơn 20 năm trước, bà đã nhiều lần dẫn con về Việt Nam để con biết được cội nguồn của mình. Bản thân bà cũng thường xuyên sang Việt Nam để giúp đỡ các em bé bị cha mẹ bỏ rơi.

“Khi nào con trai tôi muốn tìm kiếm cha mẹ ruột, tôi sẽ làm hết sức để con có thể đoàn tụ với gia đình ruột của mình”, bà nói.

Ngoài bà Claude Coudert, những người làm chương trình cũng nhận được thư liên hệ từ những người mẹ nước ngoài có con nuôi là người Việt, bày tỏ mong muốn tìm kiếm cha mẹ ruột cho con mình, để con có thể hiểu được bản thân mình mà trưởng thành hơn.

“Tôi nghĩ cuộc sống của Elijah sẽ phong phú, rộng mở hơn nữa nếu con tìm thấy cội nguồn Việt Nam. Cha mẹ ruột của con cũng sẽ rất hạnh phúc nếu được gặp chàng trai của chúng tôi hôm nay”, bà Kathy Ballinger, người Mỹ, tự hào nói về con trai trong một bức thư gửi đến Tuổi Trẻ.

Nguồn: tuoitre.vn

Tags:
Bác sĩ Mỹ cắt thận bệnh nhân vì tưởng là khối u

Bác sĩ Mỹ cắt thận bệnh nhân vì tưởng là khối u

Khi mổ lưng cho một phụ nữ bị chấn thương, bác sĩ Ramon Vazquez nhầm quả thận của bệnh nhân là khối u nên chỉ định cắt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất