Cư dân ‘xóm lều’ ở Fountain Valley không thích ngủ nhà

Khu vực “xóm lều” ven bờ sông Santa Ana ở góc đường Harbor và đường Edinger thuộc Fountain Valley nằm trong kế hoạch sẽ được giải tỏa.

04:31 12/11/2017

Theo thông báo treo trước cổng vào khu vực này, bắt đầu từ ngày 10 Tháng Mười Một, mọi người phải sử dụng cổng “East Leevee.”

Bà Mermaid Morgan, một “cư dân xóm lều”, nói: “Nói thật, tôi và tất cả những người ở đây, không ai biết cổng ‘East Leeve’ là ở đâu cả. Không biết thì làm sao mà theo lệnh?”

Ngoài ra, thông báo cũng cho biết từ 6 giờ chiều đến 7 giờ sáng, không ai được ở trong khu vực này, bất tuân sẽ bị phạt.

Bà Morgan thắc mắc: “Phạt gì? Tiền? Hay thức ăn?”

Về chỗ ở buổi tối cho những người vô gia cư này, giới hữu trách đã chuẩn bị dùng kho đạn của Vệ Binh Quốc Gia ở Santa Ana làm nơi tạm trú cho họ. Riêng kho đạn ở Fullerton sẽ mở cửa chiều ngày 16 Tháng Mười Một.

“Mấy hôm nay, tôi vẫn ở đây. Tôi không đi đâu cả vì tôi không quen sống trong sự gò bó, giới hạn giờ giấc. Nếu họ làm quá thì tôi sẽ không ở đây. Nhưng rồi tôi sẽ tìm chỗ khác để cắm lều. Sống ngoài đường, ngủ lều là một sự tự do và thoải mái đối với tôi,” bà Morgan chia sẻ.

Cũng cùng sở thích với bà Morgan, ông Harold Walker vừa nói vừa cười thân thiện: “Tôi là người nghiện ngập. Tôi phải chích hàng ngày và ‘shelter’ không cho phép tôi chích. Tôi đã cai thuốc trên 12 lần rồi mà không thành công. Bởi vậy tôi chọn lối sống không nhà như thế này từ 10 năm trước.”

“Xóm lều” Fountain Valley vẫn còn đó. (Hình: Đằng-Giao/)

Ông thêm: “Tôi từng dựng lều ở nhiều nơi và đã nhiều lần họ dọa giải tỏa khu vực tôi ở mà chưa bao giờ họ làm được. Làm sao dẹp hết được nạn vô gia cư trên nước Mỹ?”

Còn những người khác cũng có lý do để không vào nơi trú ngụ.

Ông Lou Gonnila, một “cư dân” khác góp chuyện: “Tôi thích gần thiên nhiên. Bây giờ Fountain Valley muốn làm đẹp thành phố nên muốn đưa chúng tôi đi nơi khác, nhưng không ai có thể giải quyết được tình trạng vô gia cư của chúng tôi cả. Cho dù Orange County có quyết tâm dẹp tất cả mọi ‘xóm lều’ ở đây thì chúng tôi lên Los Angeles hay Riverside.”

Cả ba người cùng có chung suy nghĩ là trừ khi tận diệt nạn vô gia cư là một chính sách lâu dài của liên bang, còn không thì nạn vô gia cư sẽ vẫn là một “chuyện dài không kết thúc” của nước Mỹ.

Ông Gonnila tiếp: “Tôi bị bệnh nghiện rượu từ lâu, tôi cũng đã nhiều lần cai rượu, nhưng chỉ được ít lâu rồi tôi lại uống nữa. Với đà này, ai muốn đưa tôi đi đâu cũng được, nhưng rồi tôi sẽ gặp lại những người ‘bạn đường’ ngủ lều này thôi. Vì tôi là người bất trị.”

Bà Morgan khoe cái “dream catcher” cách điệu mà bà đang làm. “Tôi vừa làm những cái này rồi đi gởi bán ở các tiệm dọc bờ biển Huntington Beach, vừa lượm vỏ chai kiếm tiền xài vặt. Mười năm trước, tôi từng bán thân nuôi miệng nhưng sau khi ý thức rằng công việc này hạ nhân phẩm con người, tôi bỏ ngay.”

“Tôi thích sống ‘bụi đời’ kiểu ‘bohemian’ nên tôi nghĩ tôi sẽ ra đường sống nữa. Tôi thích nằm trong lều khi mưa to gió lớn hay giữa những đêm Đông lạnh lẽo,” bà cho hay. “Như vậy rất lý thú.”

Ông Walker góp chuyện: “Từ năm 17 tuổi đến giờ, tôi không thèm nhận bất cứ trợ cấp nào của chính phủ, không ‘welfare’, không ‘mediCal’. Tôi nghĩ thà ngủ lều mà lương thiện hơn rất nhiều người có nhà cao, cửa rộng.”

“Cần tiền hay thức ăn thì tôi ngửa tay xin người khác, nhưng tôi không muốn dính dấp đến chính phủ. Tôi không tin chính phủ,” ông nói. “Tôi thích cuộc sống tự do mà phải sống ngoài đường mới có.”

“Sống trong nhà như sống trong một cái hộp, tôi thấy rất tù túng. Bởi vậy tôi sẽ không vô kho đạn ngủ. Tôi sẽ tìm nơi chưa ai cấm,” ông nói dứt khoát.

Ông cho biết một số đông người trong “xóm lều” của ông sẽ không vào kho đạn trú ngụ vì họ có chó và mèo nên cảm thấy không thoải mái.

“Họ cũng cần những riêng tư mà chỉ ngủ lều mới có,” ông thêm.

Ba người cùng thích “sống lều”. (Hình: Thiện Lê/)

Bà Morgan cười: “Cứ chuẩn bị tranh cử là người ta tìm cách ‘giấu’ chúng tôi vào một nơi, qua mùa (bầu cử) là đâu lại vào đấy thôi.”

“Đừng thương hại cho tôi, tôi đang sống theo sự lựa chọn riêng của mình,” bà kết. “Ở Mỹ, cái nhà dễ mất nhưng cái lều thì rất khó diệt.”

Tags:
Thị trấn có 99,9% cư dân tàng hình tại Mỹ

Thị trấn có 99,9% cư dân tàng hình tại Mỹ

Thị trấn Colma có khoảng 1.800 cư dân sinh sống và hơn 1,5 triệu người khác đang ẩn mình dưới lòng đất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất