Cuộc chiến chống Covid-19 của ông Trump: Từ C+ đến A

Sau giai đoạn khởi động đầy lúng túng với những quyết định tồi tệ, chính phủ Mỹ đã tiến hành một chiến dịch chống virus corona mạnh mẽ và toàn diện nhất có thể.

01:30 19/03/2020

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã tấn công vào nước Mỹ từ 51 ngày trước đây khi phát hiện trường hợp đầu tiên. Như vậy là đã đủ thời gian để đưa ra đánh giá sơ bộ về công tác xử lý khủng hoảng của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho đến thời điểm này.

Khi đánh giá chấm điểm cho những nỗ lực của ông Trump trong cuộc chiến này, chúng ta cần nhớ rằng virus đã bùng nổ đúng lúc các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để chọn ra người đấu với ông Trump vào tháng 11 tới đang diễn ra dồn dập. Virus xuất hiện đúng thời điểm ông Trump vừa chiến thắng phe Dân chủ sau khi phe này tìm mọi cách kết tội ông mà không thành, vì khi đó nước Mỹ đang tràn ngập những tin tức tốt lành về các thành tựu kinh tế ở mức kỷ lục, còn các đối thủ của ông bên phe Dân chủ thì đang rối tung trong mớ bòng bong.

Thế nhưng, trong vài ngày qua, sự phấn khởi của ông chủ Nhà Trắng đã tiêu tan: phe Dân chủ dường như đang trỗi dậy trở lại với các thắng lợi sơ bộ của ông Joe Biden, nền kinh tế trượt dốc không phanh khi thị trường chứng khoán mất 4.000 tỷ USD trong một tuần, và đảng Dân chủ vẫn không từ bỏ ý định tiếp tục luận tội tổng thống.

Thêm vào đó, việc ứng phó với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã quá chậm chạp.

Chậm chạp ở những khâu nòa?

Chính quyền của Tổng thống Trump đã chậm trễ trong việc nhận ra mức độ nghiêm trọng của đại dịch và bố trí các nguồn lực chống dịch.

Sau khi ông Trump nhận ra nguy cơ, ông đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona, gồm lãnh đạo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Chương trình bảo hiểm y tế Medicare và Medicaid, Cục Quản lý Dược Liên bang, Viện Y tế Quốc gia, Văn phòng Tổng Y sỹ Hoa Kỳ (Y tế công cộng), và Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Mike Pence.

Ưu điểm của cách tiếp cận này là các thành viên của lực lượng báo cáo trực tiếp với Tổng thống Trump thông qua Phó Tổng thống Pence và tất cả thành viên đều là những người có quyền ra quyết định về các hoạt động của cơ quan mình. Chính quyền của ông Trump gọi đây là mô hình “ứng phó toàn chính phủ”, gợi cho chúng ta nhớ đến những nỗ lực khác: đó là ứng phó toàn cầu của nước Mỹ trong cứu trợ HIV-AIDS do Tổng thống George W. Bush thực hiện – một mô hình thực sự phù hợp để chống virus corona.

Kể từ ngày ngày 31/01, Tổng thống Trump đã cấm việc đi lại từ Trung Quốc để bảo vệ nước Mỹ khỏi đại dịch. Đây là khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm và đã được thực hiện. Chỉ riêng động thái này có lẽ đã giúp trì hoãn sự xâm nhập của virus vào Mỹ để ông Trump có thêm thời gian khắc phục sự rối ren trong ứng phó ban đầu của chính phủ. Ngày 11/03, ông ban hành lệnh cấm người châu Âu nhập cảnh vào Mỹ. Ngày 15/03, Vương quốc Anh và Ireland được bổ sung vào danh sách này.

Cũng trong ngày 11/3, Tổng thống đã có bài phát biểu với người dân Mỹ từ phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Ông Trump mới chỉ làm như vậy một lần trước đây. Bài phát biểu nhận được nhiều phản ứng trái ngược nhau. Có thể thấy là ông chủ Nhà Trắng đã thiếu sự chuẩn bị trước và đưa ra một số phát ngôn sai lầm nghiêm trọng. Bài nói đã không đạt được mục đích làm dịu tinh thần người dân Mỹ trong cơn khủng hoảng.

Tổng thống Trump phải đối mặt với một vấn đề nan giải trong quá trình giải quyết khủng hoảng. Khi dịch mới bắt đầu ông đã chọn cách làm nhẹ mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, kêu gọi người dân tiếp tục sống và làm việc bình thường. Trong quá trình diễn ra dịch, ông đã đưa ra nhận định sai lầm khi so sánh virus corona với cúm mùa và các dịch bệnh khác. Thêm vào đó là một số ý kiến cụ thể về loại virus này mà sau đó hóa ra đều không chuẩn xác.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 2.

Nhìn lại, những gì mà lẽ ra ông Trump nên làm – dù chỉ để nhìn lại - là thể hiện sự quan ngại lớn hơn và kìm chế không đưa ra những nhận định thiếu cơ sở khoa học về virus. Tuy nhiên, đến giờ ông đã có thể trông cậy nhiều hơn vào các chuyên gia trong Lực lượng đặc nhiệm, những người giúp ông đưa ra các tuyên bố có căn cứ thực tiễn, khoa học và đáng tin cậy về dịch bệnh.

Báo chí và phe Dân chủ đã tìm mọi cách quy kết cho phản ứng chậm chạp của chính quyền Mỹ là do Tổng thống đã cắt giảm ngân sách của Chương trình An ninh Toàn cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông Trump tuyên bố không biết gì về việc cắt giảm chương trình này. Một số người khác nghĩ rằng Lực lượng đặc nhiệm là một mô hình tốt hơn nhiều. Do vậy, lời chỉ trích này đã không thu hút được nhiều sự chú ý.

Đầu tiên, Lực lượng đặc nhiệm tuyên bố rằng các bộ kit sẽ có sẵn cho tất cả mọi người ở Mỹ cần xét nghiệm. Thật không may việc triển khai xét nghiệm đã bị trì hoãn ở quy mô lớn. Lực lượng đặc nhiệm đã từ chối không sử dụng các bộ kit có sẵn của WHO, mà muốn tự đưa ra bộ kit của mình thông qua CDC. Xét nghiệm thử của CDC cho thấy bộ kit đã bị lỗi và trong khi sự cố được khắc phục thì nước Mỹ đã để mất đi một số ngày quý giá trong cuộc chiến chống dịch. Lực lượng đặc nhiệm đã phạm một sai lầm lớn: Thay bằng việc phải làm được nhiều hơn những gì đã hứa hẹn thì họ đã làm ngược lại.

Tại sao việc phải nhanh chóng đưa ra các bộ kit xét nghiệm lại quan trọng như vậy? Bởi đây là cách duy nhất để xác định mức độ lan rộng và diễn tiến của virus. Thậm chí đến giờ, vì sự chậm trễ đó, các chuyên gia chưa thể xác định được mức độ của đại dịch đến đâu.

Điều tốt lành là các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp tư nhân hiện đã hợp lý hóa quy trình xét nghiệm vốn lỗi thời, cồng kềnh để khiến quy trình này hiệu quả hơn nhiều. Để làm được như vậy, hệ thống quản lý y tế và các dịch vụ cấp cứu đã được lồng ghép vào quy trình này. Các xét nghiệm hiện đang được triển khai.

Những người chuyên phản đối không có ích gì trong hoàn cảnh này

Xét một cách công bằng với ông Trump, các phương tiện truyền thông đại chúng chính là vấn đề rắc rối. Thông tin chủ yếu chúng ta thấy trên báo chí và truyền thông xã hội đều mang tính tiêu cực và không ủng hộ ông Trump, thậm chí họ không nề hà đăng cả tin tức giả. Việc đưa tin và bình luận về tình hình virus không phải là ngoại lệ. Một ví dụ rõ nét là chính truyền thông Mỹ đã thổi phồng nỗi sợ hãi và hoảng loạn về mức độ của đại dịch và về phản ứng chậm chạp ban đầu của chính quyền.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 4.

Chẳng hạn báo chí và phe Dân chủ đã loan tin rằng Tổng thống Trump đã cắt giảm chương trình chống đại dịch của CDC với tên gọi Chương trình An ninh Y tế toàn cầu từ 40 quốc gia được hỗ trợ xuống chỉ còn 10. Nhưng FactCheck.org và CDC báo cáo rằng điều này là sai sự thật. Thực tế, ông Trump đã tăng ngân sách cho chương trình từ 58 triệu USD lên 108 triệu USD trong năm 2018 và 2019.

Hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ để chọn ra một ứng viên cuối cùng đấu với ông Trump tháng 11 tới là ông Joe Biden và ông Bernie Sanders đã không ngừng công kích việc ứng phó xử lý dịch bệnh của đương kim Tổng thống.

Ông Sanders đã tổ chức hai cuộc họp báo chỉ trích ông Trump và đề xuất các chính sách thay thế. Quan điểm chính của ông là ông sẽ dựa vào các nhà khoa học để xây dựng các chính sách thay vì dựa vào “các chiêu trò chính trị”. Ông này quên một điều rằng Lực lượng đặc nhiệm của ông Trump có các thành viên là các chuyên gia hàng đầu thế giới về đại dịch, bao gồm cả những người đã được Tổng thống Obama điều động trong chiến dịch chống dịch bệnh SARS, MERS, Ebola và Zika. Ông Sanders đưa ra một đề xuất chính sách lớn là thiết lập một hệ thống chăm sóc y tế duy nhất do chính phủ bao cấp. Ngay cả trong trường hợp có thể làm như vậy thì nước Mỹ sẽ cần rất nhiều năm để xây dựng và thực hiện hệ thống này.

Ông Biden thì đưa ra đề xuất xử lý virus y hệt cách mà ông Trump đang làm. Điều này chỉ cho thấy là ông không theo dõi các cuộc họp báo hàng ngày của Lực lượng đặc nhiệm.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 5.

Sẽ rất thú vị để xem tư duy đảng phái của những người có máu mặt trong phe Dân chủ có chiếm được cảm tình của người dân Mỹ trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh hay không.

Cả hai ông Sanders và Biden cũng như giới truyền thông đều cáo buộc ông Trump không minh bạch thông tin. Một điều đáng lưu ý là trong hai tuần qua, các thành viên Lực lượng đặc nhiệm đã tổ chức cuộc họp báo hàng ngày để cập nhật cho người dân và báo chí về tình hình đại dịch. Phó Tổng thống Pence chưa bao giờ vắng mặt tại các cuộc họp, và Tổng thống Trump đã tham dự hầu hết. Ngoài ra, cá nhân các thành viên Lực lượng đặc nhiệm cũng xuất hiện thường xuyên trong chương trình thời sự của các kênh truyền hình quốc gia và địa phương để phổ biến thông tin.

Đảng Dân chủ, dĩ nhiên không ai khác, đã chất vấn về sự đa dạng của các thành viên Lực lượng đặc nhiệm. Họ cho rằng đó là một nhóm toàn những người đàn ông da trắng đã lớn tuổi. Điều này đơn giản là Sai hoàn toàn. Tổng Y sỹ Hoa Kỳ và Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị đều là các bác sỹ người Mỹ gốc Phi, Giám đốc Chương trình Bảo hiểm y tế công cộng Medicare là một phụ nữ người Mỹ bản địa, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là một người Mỹ gốc Lebanon đồng thời cũng là một chuyên gia hàng đầu về đại dịch và là một phụ nữ.

Đảng Dân chủ đang lợi dụng triệt để các cơ hội chính trị trong khủng hoảng để tiếp tục tìm cách hất ông Trump ra khỏi chiếc ghế Tổng thống hoặc khiến ông bại trận trong kỳ bầu cử tới. Mặc dù không làm được gì trong cả 5 lần luận tội Tổng thống, những nghị sỹ Dân chủ vẫn đang xem xét đưa ra các cáo buộc mới chống lại ông và cố gắng thay chiều những thất bại cũ. Họ không che giấu những nỗ lực để làm mất mặt ông Trump trong cuộc khủng hoảng quốc gia này.

Cũng có những khi chính ông Trump là người khiêu khích tư duy đảng phái. Chẳng hạn, đó là khi ông lên tiếng chỉ trích nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc giải quyết đại dịch cúm heo (H1N1) năm 2009. Các chuyên gia đã bác bỏ những lời chỉ trích vô căn cứ này của ông Trump. Bằng việc tiếp tục chỉ trích ông Obama, ông Trump đã khiến các cựu quan chức phụ trách y tế trong chính quyền của ông Obama tức giận và chống lại ông.

Các chính trị gia bắt tay hành động

Mặc dù tình trạng đảng phái và cạnh tranh giữa đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump vẫn diễn ra lúc này lúc khác, các phe phái chính trị đang cùng phối hợp một cách bất đắc dĩ theo mô hình ứng phó đa phương diện.

Y tế

Ngày 6/3, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp 8,3 tỷ USD để tài trợ thử nghiệm miễn phí cho tất cả người dân Mỹ, phát triển vắc-xin, phát triển thuốc điều trị, sản xuất hàng loạt khẩu trang phẫu thuật và quần áo bảo hộ, thiết bị phòng thí nghiệm, phục vụ hoạt động của các cơ quan y tế địa phương, trung tâm y tế cộng đồng (cho những người đang không có bảo hiểm), và giám sát sức khỏe cộng đồng.

Ngày 13/3, Tổng thống Trump công bố “tình huống khẩn cấp quốc gia” và theo quy định của pháp luật Mỹ, khoản ngân sách bổ sung trị giá 50 tỷ USD lập tức được “mở khóa” để giải quyết hậu quả của đại dịch. Việc này cũng cho phép ông Trump kích hoạt Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang và điều động quân đội gia tăng hỗ trợ. Ông Trump cũng ban lệnh miễn trừ các quy định liên bang gây cản trở bác sỹ và bệnh viện trong việc đều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.

Người lao động

Ngày 16/3, Quốc hội thông qua Đạo luật gia đình hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch: chế độ nghỉ ốm được hưởng nguyên lương, trợ cấp thất nghiệp, chương trình hỗ trợ lương thực. Chi phí cho các chương trình này đến nay vẫn chưa tính được.

Đạo luật này không phải là không có tranh cãi: Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã tìm cách lồng ghép vào đạo luật này khoản ngân sách liên bang tài trợ nạo phá thai – nạo phá thai hiện được coi là vi phạm pháp luật tại Mỹ, chế độ nghỉ phép hưởng nguyên lương từ ngân sách liên bang cho nạn nhân của bạo lực gia đình, và nhiều nữa… Điều thú vị là các nghị sỹ lại không được đọc nội dung đạo luật trước khi họ bỏ phiếu thông qua.

Kinh tế

Tổng thống Trump tuyên bố miễn trả lãi cho các khoản vay của sinh viên trị giá 1,5 nghìn tỷ USD khi các trường đại học tạm thời đóng cửa.

Ông chỉ đạo Bộ Năng lượng mua hàng triệu thùng dầu để bổ sung Dự trữ Dầu khí Chiến lược vì giá dầu giảm. Động thái này chính là một hình thức đưa dòng tiền tiếp sức cho các các tập đoàn dầu khí.

Ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã hạ lãi suất xuống gần bằng 0 trong nỗ lực bơm tiền cho nền kinh tế để ngăn chặn suy thoái. Việc cắt giảm lãi suất này tương tự như động thái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này đã được thực hiện với sự phối hợp của Liên minh châu Âu và các ngân hàng trung ương khác. Ngân hàng cũng đưa ra chương trình “Nới lỏng định lượng” trị giá 700 tỷ USD để kích thích nền kinh tế.

Trước đó, ngày 3/3, lãi suất đã được cắt giảm, nhưng điều đó không mang lại tác động gì - thị trường chứng khoán vẫn mất 20% giá trị. Có lẽ hành động này được đưa ra quá sớm.

Trước mắt, Tổng thống Trump và Quốc hội sẽ phải quyết định làm thế nào để giúp các hãng hàng không và ngành du lịch tàu biển đang đứng trước nguy cơ phá sản. Họ cũng sẽ xem xét trợ cấp cho những người dân không có khả năng trả các khoản thế chấp và xóa khoản thuế quỹ lương liên bang 6,2%.

Dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Pence, việc quản lý dịch bệnh ở cấp liên bang chưa bao giờ hiệu quả hơn bây giờ. Các chính quyền tiểu bang và địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên bang, và doanh nghiệp tư nhân đang giữ một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống virus corona.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 7.

Tinh thần Liên bang vượt trên tất cả

Rất may mắn là các chính quyền tiểu bang và địa phương đang tiếp sức và hỗ trợ chính quyền Liên bang đối phó với đại dịch.

Nước Mỹ có một hệ thống quản trị liên bang: Chính quyền Liên bang ban hành một số chính sách quốc gia, kèm theo hướng dẫn và thông tin, cung cấp tài chính cho các tiểu bang để đạt được các mục tiêu quốc gia. Các tiểu bang có quyền tự quyết rất lớn để theo đuổi các chính sách và sáng kiến ​​riêng.

Trong đại dịch lần này, các chính quyền tiểu bang đã không ngồi yên chờ đợi để xem chính phủ Liên bang sẽ ứng phó với đại dịch như thế nào. Thay vào đó, họ đã chủ động, độc lập sắp xếp các nguồn lực của mình để đảm bảo rằng các nhu cầu và lo ngại của người dân được giải quyết.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 9.

Tại Florida, một tiểu bang có nhiều người cao tuổi, chính quyền bang đã không đợi đến khi họ nhận được bộ dụng cụ xét nghiệm CDC cung cấp. Thay vào đó, họ đã chủ động mua 500.000 bộ bằng ngân sách tiểu bang.

Một tàu du lịch, Grand Princess, đã cập cảng Oakland, California, với 3.500 hành khách, một số người đã nhiễm virus. Chính quyền Liên bang, tiểu bang và địa phương đã cùng phối hợp để giải phóng hành khách và chuyển họ về nhà ở khắp nước Mỹ để được điều trị và cách ly tại các căn cứ quân sự. Các chức sắc tiểu bang thậm chí còn chuyển hàng trăm người Anh và người Canada về nước để điều trị.

50 chính quyền tiểu bang và các thành phố trực thuộc đóng vai trò là “phòng thí nghiệm dân chủ”, có nghĩa là họ có quyền tự do đổi mới và thử nghiệm các chính sách và chương trình. Sau đó, họ chia sẻ các bài học rút ra với các tiểu bang khác. Ở Mỹ, các chính sách và chương trình thường bắt nguồn từ cấp cơ sở và sau đó trở thành chính sách quốc gia. Hệ thống này thể hiện rất rõ trong hoạt động chống Covid-19.

Hợp tác công-tư giữ vai trò mấu chốt

Trong khi chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương là những tác nhân chính xử lý đại dịch thì chính các chương trình hợp tác công-tư do ông Trump phát động đã giúp đảo ngược tình trạng ứng phó ban đầu không thỏa đáng của chính quyền liên bang. Kể từ Thế chiến II, khu vực tư nhân đã được huy động trên phạm vi toàn quốc.

Các phòng thí nghiệm tư nhân của Tập đoàn Quest và Labcorp đã hợp tác để sản xuất ở quy mô lớn các bộ dụng cụ xét nghiệm đang cần. Tập đoàn 3M đã đồng ý tăng cường sản xuất khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ cần thiết cho việc xử lý virus corona.

Cuộc chiến chống Covid-19 của : Từ C+ đến A - Ảnh 11.

Các công ty bảo hiểm y tế, Chương trình bảo hiểm y tế công cộng Medicare và Medicaid đã đồng ý trả phí xét nghiệm và điều trị bệnh.

Các tập đoàn bán lẻ lớn bao gồm Walmart, CVS, Walgreen có các bộ phận chuyên về dược phẩm, đã đồng ý thiết lập các trạm cho phép người dân có nhu cầu được lái xe vào làn đường dành riêng để thực hiện kiểm tra ngay trên xe. Lực lượng đặc nhiệm đã nhân rộng mô hình của Hàn Quốc.

Ông Trump đã ký thỏa thuận với các nhà bán lẻ thực phẩm lớn đảm bảo duy trì mở cửa các siêu thị và hiệu thuốc đồng thời vận hành thông suốt các chuỗi cung cấp. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng người dân đổ xô mua sắm dự phòng và tích trữ nhu yếu phẩm.

Hệ thống của Mỹ là nền kinh tế thị trường tự do. Phản ứng của các công ty lớn trong việc từ bỏ cạnh tranh, và có lẽ từ bỏ cả một phần lợi nhuận đã cho thấy rằng nước Mỹ không phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ khi xảy ra khủng hoảng, mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò quyết định.

Đánh giá

Với giai đoạn đầu đầy lúng túng của chính phủ tôi cho rằng đánh giá chỉ đạt ở mức C+ trong thang điểm A-B-C-D. Ngoại trừ lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc, quá trình đưa ra quyết định của chính quyền ở mức tồi tệ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát với con mắt khách quan sẽ phải thừa nhận rằng sau phần khởi động chậm, nước Mỹ đã tiến hành một chiến dịch chống virus mạnh mẽ và toàn diện nhất có thể với nhiều bước đi tiếp sắp tới. Trình trạng đảng phái khiến hệ thống đóng băng đã không xảy ra, thay vào đó là sự hợp tác rộng rãi. Lực lượng đặc nhiệm hoạt động hiệu quả cao độ. Tinh thần liên bang, hợp tác công-tư, một lần nữa, thể hiện tính hiệu quả. Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence đã chứng tỏ được vai trò lãnh đạo hiệu quả trong khủng hoảng.

Mức điểm A là đánh giá xứng đáng cho giai đoạn ứng phó này của chính quyền Mỹ.

Link nguồn: https://soha.vn/cuoc-chien-chong-coronavirus-nuoc-my-khoi-dong-cham-nhung-dang-di-dung-duong-20200318102640859.htm

Tags:
Một giáo sư tuyên bố đã tìm ra thuốc 'chữa khỏi' Covid-19

Một giáo sư tuyên bố đã tìm ra thuốc "chữa khỏi" Covid-19

Giáo sư Paterson cho biết mình không thổi phồng khi nói hai loại thuốc này chính là phương pháp "chữa khỏi" Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất