Cuộc đoàn tụ xúc động sau 44 năm của người mẹ Việt và con gái Babylift

Trong nhiều thập kỷ, Bà Nguyễn Thị Đẹp vẫn luôn day dứt nhớ thương đứa con gái “con lai” mà bà đã chia cách từ năm con 3 tuổi vào tháng 4 năm 1975, người phụ nữ ngoài 70 tuổi đã may mắn tìm lại được “giọt máu” của mình sau 44 năm tìm kiếm, kể từ khi chiến dịch không vận Babylift đưa con gái bà từ Việt Nam sang Mỹ.

12:00 02/11/2021

Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam vào năm 1975, nhiều người lo lắng về những gì chờ đợi họ phía trước, đặc biệt là thân phận của những đứa con lai. Đã có hơn 3.000 trẻ em mồ côi, con lai được đưa đến các gia đình mới ở nước ngoài, trong chiến dịch không vận gọi là ‘Chiến dịch Babylift’.

Trong số những đứa trẻ đó, có Leigh Boughton Small – con gái của một phụ nữ Việt Nam và một quân nhân Mỹ. Cô bé Leigh sau đó đã có cuộc sống mới khi được nhận nuôi vào một gia đình trung lưu ở New England.

Leigh và người mẹ ruột Việt Nam của cô đã dành phần lớn cuộc đời để trăn trở về nhau. Leigh tên là Nguyễn Thị Phương Mai khi chào đời vào ngày 5/1/1972, là kết quả của mối tình giữa bà Đẹp và sĩ quan Mỹ Joe O’Neal.

Vào tháng 4/1975, bà Đẹp đã đưa con gái của mình vào một trại mồ côi do hoàn cảnh đặc biệt.

Suốt 44 năm qua, người mẹ này vẫn kiên trì tìm kiếm con gái mình. Sau nhiều năm cố gắng tìm kiếm nhau, cô Leigh – ở tuổi 47 tuổi – đã gặp lại mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị Đẹp vào ngày 17/11/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đoàn tụ xúc động

Bắt đầu với những cái ôm rụt rè, vụng về, bà Đẹp – đã ở tuổi 70 tuổi – sợ rằng con gái giận dữ và thất vọng về mình, bà vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai về việc mình đã bỏ rơi con gái, dù đó là trong hoàn cảnh đặc biệt, vì bà lo sợ rằng xuất thân “con lai” sẽ mang đến nguy hiểm cho con. 

Image
Nguồn ảnh: ntdvn

Trước cuộc hội ngộ, bà lo rằng mình giờ đã là “một người phụ nữ già nua và xám xịt, xấu xí, gầy gò”, trông không giống bất kỳ ai trong gia đình con gái, bà cho biết.

Trong cuộc hội ngộ với mẹ ruột, cô Leigh đi cùng với chồng là anh Jeff, và ba đứa con. Tất cả họ đều rất háo hức để gặp và trấn an bà Đẹp, rằng Leigh không hề oán giận hay căm ghét bà về việc đã bỏ rơi cô.

Leigh đã tặng bà Đẹp một dây chuyền mặt trái tim lồng ảnh và một cuốn album về thời thơ ấu của cô. Bà Đẹp lì xì cho các cháu những chiếc phong bì màu đỏ mừng tuổi. Họ ôm nhau, khóc và cười.

Điều khiến Leigh xúc động nhất là khi cô nhận ra rằng, cô không chỉ thất lạc một người mẹ yêu thương mình, mà còn có cả một gia đình Việt Nam; “và ở đó có tình yêu thương… có những người cô, người chú… điều đó chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi”.

Nỗi lòng người mẹ

Cô cũng thấu hiểu được rằng bà Đẹp đã phải dằn vặt thế nào khi quyết định vội vàng gửi con gái ra nước ngoài với một số phận vô định.

Bà Đẹp từng làm phụ việc, sau đó là nhân viên trực điện thoại tại một doanh trại quân đội Hoa Kỳ ở Sài Gòn, nơi bà gặp cha của Leigh – ông Joe O’Neal. Bà đã mất liên lạc với ông O’Neal sau khi ông về nước từ khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào tháng 1/1973. Cô con gái được bà đặt tên là Nguyễn Thị Phương Mai, khi đó mới gần một tuổi.

Những người bạn Mỹ và Việt Nam của bà khi đó đã nói với bà rằng, hãy để con gái lên chuyến bay trong Chiến dịch Babylift, vì tương lai cô bé có thể gặp nguy hiểm.

“Tôi hoảng sợ và quyết định để bé Mai đi”, bà Đẹp nói.

Nhiều trẻ em mồ côi đã được đưa đến các gia đình mới trong Chiến dịch Babylift. Những trẻ em này được gửi ra nước ngoài với hy vọng họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn – hoặc có thể được đoàn tụ lại với cha mẹ ruột của mình sau sự hỗn loạn của chiến tranh.

Lần cuối cùng bà Đẹp gặp con gái mình là tại trại trẻ mồ côi – nơi cô con gái đang chờ để lên chuyến bay, bà nói với con rằng mẹ phải “đi rửa mặt”, bà định rời đi bằng cửa sau. “Nhưng rồi bản năng mách bảo con điều gì đó, và con bé hét lên ‘Mẹ đừng bỏ đi’. Thành thật mà nói, ngay lúc đó tất cả những gì tôi muốn là quay lại và đưa con về nhà”, bà Đẹp nói.

Bà đã nghĩ về những gì mình đã làm “cho đến khi cảm giác như não tôi vỡ nát”. Người mẹ này đã khóc “hàng đêm trong nhiều tháng”, và vẫn luôn trăn trở hàng thập kỷ khi nhớ về con gái.

Nhưng bà Đẹp không bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy con. Bà đã liên hệ với nhiều bên trung gian khác nhau trong nhiều năm; và thậm chí còn viết một lá thư cho Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người chủ trì phiên điều trần của tiểu ban Thượng viện về Chiến dịch Babylift năm 1975. Nhưng bà chưa bao giờ nhận được hồi âm.

Sau 15 năm tìm kiếm con gái trong vô vọng, bà quyết định viết một bức thư dài cho ông O’Neal, hy vọng ông sẽ giúp bà tìm lại đứa con thất lạc. Nhưng bức thư đã bị trả lại do không đúng địa chỉ. Sau này bà mới biết ông đã kết hôn và có một gia đình ở Nam Carolina.

Một cuộc sống tốt đẹp

Về phần cô Leigh, ngay từ khi còn nhỏ cô đã biết mình là con nuôi và mang dòng máu lai Việt, nhưng cô không ai biết cha mẹ ruột của mình là ai. Những đứa trẻ của Chiến dịch Babylift có rất ít hoặc không có tài liệu đi kèm.

Leigh đã tận hưởng cuộc sống tốt đẹp trong một gia đình trung lưu hạnh phúc ở New England, với một người chị và một người em trai, cũng là con nuôi.

“Tôi có một ngôi nhà và cuộc sống gia đình tuyệt vời, vì vậy tôi chỉ phải đối mặt với những thứ bình thường trong lứa tuổi thanh thiếu niên, tôi không thực sự quan tâm đến quốc tịch của mình”, cô nói.

Mặc dù thỉnh thoảng cô vẫn trăn trở về người mẹ ruột. Khi Leigh 27 tuổi vào năm 2000, cô mới nghĩ đến việc tìm kiếm mẹ. Cô vừa mới kết hôn và đang mong chờ có con.

Leigh và mẹ nuôi của cô, bà Mary Beth Boughton, đã đến Việt Nam để bắt đầu cuộc tìm kiếm. Manh mối duy nhất của họ là cái tên tiếng Việt của cô: Phương Mai; thị trấn cô sinh ra và trại trẻ mồ côi mà cô ở trước Chiến dịch Babylift.

Nhưng cuốn sổ cái liệt kê tất cả những người đã ở lại trại trẻ mồ côi ở Thủ Đức chỉ bắt đầu vào tháng 5 năm 1975, một tháng sau Chiến dịch Babylift. “Vì vậy, chúng tôi kết luận rằng mọi thứ đã bị phá hủy hoặc bị đốt cháy”, cô Leigh nói.

Cô đã từ bỏ nỗ lực tìm kiếm mẹ ruột. Sau đó, các trang web DNA thương mại có sẵn phát triển, giúp mọi người tìm lại nguồn gốc của họ và các liên kết gia đình. Khoảng 7 năm trước, Leigh đã gửi một mẫu DNA cho một trang web.

Sau đó, vào tháng 9/2019, Leigh nhận được một email gửi đến có nội dung: “Em nghĩ chị là chị gái của em. Người mẹ Việt Nam của chị đang tìm kiếm chị”.

Trong một cuộc trao đổi tin nhắn với người phụ nữ tên Bonnie Ludlow, Leigh biết được họ là chị em “cùng cha khác mẹ” – có chung một người cha đã qua đời vào năm 2011.

Về phần bà Đẹp, bà đã nhờ cậy anh Vũ Lê giúp bà tìm kiếm con gái thất lạc của mình.

Vũ Lê, một người Việt khoảng 30 tuổi, sống ở TP HCM, từng đọc được bài viết về cuộc tìm con của bà Đẹp, đã quyết định giúp đỡ bà. Khi tìm hiểu cáo phó của ông Joe O’Neal, anh thấy tên của cô Bonnie và lần tìm ra cô, rồi kể cho cô về Mai, người chị mà cô chưa bao giờ gặp mặt.

Nhờ đó, Bonnie đã liên lạc với Leigh và kết nối thông tin về người mẹ ruột Việt Nam của cô.

Tìm lại cội nguồn

Trong vòng 24 giờ sau tin nhắn đầu tiên xác nhận thông tin, Leigh và mẹ ruột đã nói chuyện với nhau qua điện thoại.

“Điều đầu tiên mẹ hỏi tôi là ‘Cuộc sống của con có tốt không?’. Tôi trả lời là ‘Có, cuộc sống của con rất tuyệt vời’ ”, cô Leigh nhớ lại.

“Đó là con gái tôi. Tôi yêu con bé. Tôi chỉ muốn biết con gái tôi còn sống và có cuộc sống hạnh phúc”, bà Đẹp nói với phóng viên của hãng tin WMTW News 8.

Đối với bà Đẹp, Leigh luôn là một đứa trẻ 3 tuổi. “Nhìn thấy con là một người phụ nữ trưởng thành với một gia đình, cũng xúc động như khi tôi xem những bức ảnh của con khi còn nhỏ”, bà nói.

Cuộc hội ngộ đã giúp bà nhẹ nhõm hơn khi biết về cuộc sống của con gái mình ở Mỹ.

“Tôi thương con rất nhiều và cảm thấy yên tâm vì Mai đã lớn, có gia đình riêng, có thể tự lo cho bản thân, trái ngược với trước đây tôi luôn lo là con tôi còn sống hay không, nếu có thì con có gặp khó khăn gì không”, bà nói.

Cô Leigh đã nghĩ đến việc đưa mẹ ruột của mình trở lại Mỹ, nhưng bà Đẹp thích cuộc sống giản dị của bà ở Thủ Đức hơn.

Với công nghệ ngày nay, cô Leigh tin rằng họ có thể giữ liên lạc.

“Tôi muốn mẹ vẫn có thể sống cùng chúng tôi qua các video và những khoảnh khắc quan trọng mà lũ trẻ, tôi và Jeff sẽ có trong đời.

“Vì vậy, tôi hy vọng rằng mẹ có thể sử dụng iPhone”, Leigh cười cho biết.

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: ntdvn

Tags:
6 công việc được trả lương trên 100.000 USD/năm tại Mỹ

6 công việc được trả lương trên 100.000 USD/năm tại Mỹ

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, có 6 công việc triển vọng phát triển nhanh trong 10 năm tới với mức lương trên 100.000 USD/năm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất