Cuộc gặp lịch sử nhưng ít thành tựu giữa Trump và Kim

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tạo ra bầu không khí lạc quan rất lớn, nhưng chưa giải quyết thực chất những bất đồng giữa hai nước.

01:00 13/06/2018

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố chung tại Singapore. Ảnh: StraitsTimes.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố chung tại Singapore. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng nay tạo nên lịch sử khi bắt tay, hội đàm và họp thượng đỉnh tại Singapore. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống đương nhiệm Mỹ tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên, thắp lên những kỳ vọng lớn lao về hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Đông Bắc Á cũng như toàn thế giới.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, Trump đã dự đoán rằng ông và lãnh đạo Triều Tiên có thể đi tới một thỏa thuận hạt nhân hoặc một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Không khí lạc quan bao trùm khách sạn Capella trên đảo Sentosa, khi Trump tuyên bố trước khi vào hội đàm riêng với Kim rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ "thành công vang dội".

Các phóng viên có mặt tại sự kiện đã rất bất ngờ khi nghe Trump thông báo sẽ có một "lễ ký kết" sau khi ông và Kim hội đàm riêng. Dù Tổng thống Mỹ không nói rõ văn kiện gì sẽ được ký, nhiều người đã đồn đoán về một "thỏa thuận lớn", thậm chí là tuyên bố chung về tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố chung được công bố sau đó và Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận "rất toàn diện". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nội dung tuyên bố chung 4 điểm này hoàn toàn không giống với kỳ vọng của nhiều người, theo Guardian.

Tuyên bố chung nói rằng Mỹ - Triều cùng nỗ lực để xây dựng một nền hòa bình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, nhưng không đề cập đến một hiệp ước hòa bình có thể chính thức chấm dứt cuộc chiến tại đây. Trump chỉ đưa ra những đảm bảo an ninh "không cụ thể" cho Triều Tiên, tương tự cam kết phi hạt nhân hóa mơ hồ của Bình Nhưỡng.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Trump nói rằng ông "hy vọng cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt", nhưng không nói rõ khi nào hiệp ước hòa bình sẽ được ký.

Tuyên bố chung có điều khoản rằng lãnh đạo hai nước tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điều khoản này không đáp ứng mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược mà Mỹ đặt ra từ lâu.

Theo bình luận viên Jonah Shepp của tạp chí NYMag, tuyên bố chung rất được trông đợi này về cơ bản chỉ là lời hứa hẹn hướng tới quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" trong thỏa thuận không khác so với những gì Kim Jong-un đưa ra trong Tuyên bố Panmunjom ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4.

Chuyên gia phân tích David Nakamura của Washington Post cho rằng ngoài những cái bắt tay và những bức ảnh chụp chung, Kim và Trump không thu được thành tựu nào thật cụ thể và rõ ràng sau hội nghị thượng đỉnh. Những bất đồng giữa hai bên về các vấn đề trọng yếu như định nghĩa và kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã không được đề cập tới.

Tuyên bố chung của hai lãnh đạo không cho thấy Triều Tiên có đồng ý với hoạt động thanh sát quốc tế thường xuyên, theo khuôn khổ thời gian cụ thể đối với chương trình hạt nhân của mình hay không. Thỏa thuận không nói rõ Mỹ sẽ có những nhượng bộ hay hỗ trợ gì với Triều Tiên để xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn.

Trump giơ bản thỏa thuận chung được ký với Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Trump giơ bản thỏa thuận chung được ký với Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Theo Nakamura, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là vấn đề vô cùng phức tạp, phải mất nhiều năm để tiến hành, nên khó có thể được giải quyết chỉ bằng một cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức một cách gấp gáp như vậy. Một số nguồn tin Nhà Trắng cho biết khi Trump và Kim đặt chân tới Singapore, phái đoàn hai nước vẫn đang gấp rút thảo luận để có thể đi đến một tuyên bố chung cuối cùng.

Trump cũng thừa nhận rằng thứ đảm bảo duy nhất đối với cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa của Triều Tiên chính là niềm tin của bản thân ông vào Kim Jong-un. "Ông ấy rất chắc chắn rằng muốn thực hiện điều đó. Tôi nghĩ ông ấy còn muốn thực hiện cam kết hơn cả tôi. Họ nhìn thấy tương lai tươi sáng cho Triều Tiên", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo.

Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. "Điều đó chỉ được thực hiện khi vũ khí hạt nhân không còn là vấn đề gây lo ngại", ông nói. Giới quan sát nhận định đây là bằng chứng cho thấy Tổng thống Mỹ vẫn chưa thực sự chắc chắn về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược của Triều Tiên.

Shepp cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chắc chắn sẽ là một sự kiện đi vào lịch sử, nhưng người giành được thắng lợi lớn hơn chính là Kim Jong-un chứ không phải Trump. Tại sự kiện này, Kim Jong-un được chào đón và đối xử ngang hàng với lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, điều mà không phải nguyên thủ nào trên thế giới cũng làm được.

Thành công lớn nhất mà Trump thu được từ hội nghị thượng đỉnh này chỉ là một cơ hội để chính quyền của ông có thể thực hiện được "kỳ tích ngoại giao" mà tất cả những người tiền nhiệm không thể làm được.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng những đột phá ngoại giao thường không phải là phép màu diễn ra trong ngày một ngày hai, mà là kết quả của cả quá trình thực hiện cam kết đầy gian nan và ít công khai hơn. Điều này đòi hỏi những nỗ lực phi thường từ cả hai phía, với nhiều bất trắc có thể xảy ra mà không ai có thể đảm bảo là có thể vượt qua thuận lợi.

Tổng thống Trump đã xác nhận rằng những cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được tổ chức trong tuần sau, nhằm làm rõ những bước cần tiến hành để thực thi thỏa thuận được ký với lãnh đạo Triều Tiên.

Với Tổng thống Trump, việc ông xuất hiện cùng Kim Jong-un dày đặc trên các tờ báo thế giới hôm nay cùng cảm giác đầy lạc quan sau hội nghị không tạo nên thành công mang tính thực chất trong quan hệ Mỹ - Triều. Kỳ vọng lớn có thể thúc đẩy giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng cũng có thể che mờ những nguy cơ, trở ngại tiềm ẩn trong chặng đường phía trước, Shepp nhận định.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Bản sao Trump - Kim gây náo loạn ở Singapore

Bản sao Trump - Kim gây náo loạn ở Singapore

Hai người đóng giả Donald Trump và Kim Jong-un khiến đám đông trên đường phố Singapore hào hứng vây quanh và xin chụp ảnh cùng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất