Cuộc sống hai mặt của người trẻ thành đạt nghiện ma túy ở Mỹ

Họ có việc làm ổn định, luôn đóng thuế đầy đủ, nhưng luôn cố che giấu thực tế rằng mình là con nghiện ma túy lâu năm.

10:30 01/03/2018

Todd, 26 tuổi, đang làm quản lý doanh nghiệp đã nghiện thuốc phiện hơn 11 năm. Ảnh minh họa: CNN.

Todd, 26 tuổi, đang làm quản lý doanh nghiệp, đã nghiện thuốc phiện hơn 11 năm. Ảnh minh họa: CNN.

Sinh trưởng trong sự yêu thương của cha mẹ, học ở những trường tốt và trải qua tuổi thơ êm đềm ở miền trung tây nước Mỹ, Todd không thể nêu ra đích xác điều gì đã đẩy anh vào con đường nghiện ngập. Năm 15 tuổi, cậu thiếu niên Todd tò mò cắn thử viên thuốc giảm đau mà mẹ để vương vãi trong ngăn kéo sau một ca phẫu thuật. 

"Suy nghĩ lúc đó hiện lên trong đầu tôi là 'Tôi muốn cái cảm giác này suốt quãng đời còn lại'. Nó là thứ thuốc hoàn hảo dành cho tôi", Todd nói với CNN.

Chàng thanh niên 26 tuổi đã tốt nghiệp đại học và đang thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp với vị trí quản lý một doanh nghiệp. Trong suốt 11 năm qua, kể từ lần đầu tiên biết đến mùi ma túy, Todd thử dùng nhiều chất kích thích từ heroin cho đến các loại thuốc tổng hợp. Nhờ mức thu nhập tốt, hiện Todd có thể chi 350-600 USD mỗi tuần để thỏa mãn cơn nghiện. Todd cho biết anh chỉ dùng một lượng vừa đủ để không bị "vật thuốc" và không tìm kiếm cảm giác "phê pha".

"Tôi không biết miêu tả cái cảm giác vật vã vì thiếu thuốc như thế nào nữa. Nó giống như một trận cảm cúm tồi tệ nhất trong đời với cảm giác khó chịu nhân lên 1.000 lần", Todd chia sẻ. "Và sự ngứa ngáy bên trong não. Anh sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thoát khỏi cảm giác đó".

Để che giấu bí mật của mình, Todd sống hai cuộc đời khác nhau. Ở chỗ làm, anh là một người thân thiện, vui vẻ và luôn miệng nói cười. Khả năng ứng biến tình huống nhanh giúp Todd qua mắt được đồng nghiệp. Những lần Todd nói ra ngoài ăn McDonald thực ra là những lần anh đi mua thuốc.

Nếu đồng nghiệp hỏi về vết kim tiêm trên cánh tay, Todd nói anh bị tiểu đường và phải tiêm insulin. Tại tiệm thuốc tây, Todd nói với dược sĩ anh là giáo viên dạy khoa học cần mua xi-lanh cho bài giảng. Thậm chí Todd còn bịa chuyện gia đình có người thân qua đời để xin nghỉ làm trong những lần thiếu thuốc. 

"Tôi luôn muốn nhìn ngắm thế giới ngoài kia", Todd nói. "Tôi chưa bao giờ đặt chân ra ngoài . Tôi bị mắc kẹt ở đây rồi. Không khác gì một tù nhân". Todd khát khao tìm được tình yêu và kết hôn nhưng "đấy sẽ là sự dối trá và tôi không muốn làm tổn thương bất kỳ ai". 

Bác sĩ Stuart Gitlow, cựu chủ tịch hiệp hội nghiên cứu về thuốc gây nghiện ở Mỹ, cho biết Todd là một trong số 10-15% dân Mỹ mắc chứng bệnh nghiện thuốc. Theo các chuyên gia, chính cơ chế hoạt động của bộ não chứ không phải thuốc khiến những người như Todd nghiện ngập. Khoảng 85% mọi người dùng thuốc giảm đau nhưng không có cảm giác thèm uống lại thứ thuốc đó lần nữa.

Bác sĩ Gitlow cảnh báo có thể hiện nay Todd vẫn sống bình thường nhưng liều lượng cũng như khả năng chịu đựng của cơ thể sẽ thay đổi nhanh chóng. Những biến cố trong cuộc đời hoặc căng thẳng trong sinh hoạt hàng ngày có thể làm cho cơn nghiện trầm trọng hơn.  

"Ban đầu họ đều sống một cuộc sống bình thường", bác sĩ nói. "Những người nghiện heroine cũng vậy. Chỉ khi đến giai đoạn cuối, họ mới trôi dạt vào những con ngõ tối tăm và nhiều khả năng chết vì sốc thuốc". 

Lisa bắt đầu dùng thuốc từ năm 12 tuổi khi cô có những dấu hiệu trầm cảm. Lúc đó để tự giải thoát bản thân khỏi không khí ngột ngạt và những tiếng la hét trong gia đình, Lisa vô thức dùng dao tự rạch cánh tay giúp tăng cảm giác hưng phấn trong não bộ. Năm nay 23 tuổi, Lisa đã tìm ra cách giải khuây khác: dùng heroin. "Ít ra giờ đây tôi không còn làm đau bản thân nữa", Lisa nói.

Bề ngoài, khó có thể nhận biết Lisa là một người nghiện. Cô luôn học hành và làm việc chăm chỉ. Thậm chí, cô từng đạt được thành tích xuất sắc ở bậc dự bị đại học và được đánh giá là một học sinh "tài năng". Hiện cô đang làm quản lý cửa hàng và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đồng nghiệp không ai biết Lisa luôn bắt đầu ngày mới bằng một cuộc gọi cho tay môi giới.

Lisa sống ở Texas, gần biên giới với Mexico, nơi có giá bán lẻ heroin ở mức thấp nhất nước Mỹ. Mỗi tép có thể tốn khoảng 50 USD và Lisa chỉ cần dùng nửa gram mỗi ngày, tương đương với tầm 20 USD. Theo Lisa, cùng lượng như vậy, giá ở các bang khác sẽ đắt hơn khoảng 5 lần. 

Chồng cô không nghiện chất kích thích và cũng hiếm khi uống thức uống có cồn. Dù biết Lisa nghiện, anh hứa sẽ luôn ở bên cạnh cô. Trong nhà, hai vợ chồng dự trữ sẵn thuốc phòng trường hợp Lisa dùng quá liều. "Anh ấy yêu thương tôi đến mức sẵn sàng chung sống gắn bó với tôi. Đó là điều duy nhất neo giữ tôi không rơi xuống đáy", Lisa tâm sự.

Gia đình biết Lisa dùng chất kích thích nhưng với quan niệm thông thoáng, mọi người đều cho rằng cô không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Lisa sợ một ngày sự thật bị phơi bày. "Nếu nghiện rượu, anh sẽ không bị đánh giá này kia. Nhưng nếu anh hít heroin, anh trở thành kẻ cặn bã, người ta sẽ tống khứ anh ra khỏi cuộc đời họ". 

Miễn là tôi không hết thuốc và không ốm đau, tôi cảm giác như mình là siêu nhân vậy, Rebecca, một con nghiện hơn 30 năm, nói. Ảnh minh họa: CNN.

"Miễn là tôi không hết thuốc và không ốm đau, tôi cảm giác như mình là siêu nhân vậy", Rebecca, một con nghiện hơn 30 năm, nói. Ảnh minh họa: CNN.

Rebecca đã nghiện hơn 30 năm, nhiều hơn thời gian của Todd và Lisa gộp lại.  Rebecca vẫn hiểu tại sao cô có thể sống sót đến tận bây giờ. 

Lớn lên trong một gia đình trung lưu khá giá ở ngoại ô miền nam , Rebecca sống với cô trông trẻ nhiều hơn với cha mẹ. "Tôi hoàn toàn không bị kiểm soát", người phụ nữ 59 tuổi nói. "Lúc đó tôi có thể làm bất cứ thứ gì tôi muốn. Đấy thực sự là công thức cho một tương lai thảm họa". 

Nghiện ngập từ năm 12 tuổi, đến năm 15 tuổi, Rebecca yêu chính tay bán thuốc cho cô. Sau khi kết hôn và sinh một đứa con gái, cuộc hôn nhân của cô kết thúc chóng vánh. Hai cuộc hôn nhân kế tiếp cũng không có hậu và Rebecca lại rơi vào vòng tròn nghiện ngập luẩn quẩn. Dù vậy, Rebecca vẫn có công việc ổn định ở những tập đoàn lớn. 

"Miễn là tôi không hết thuốc và không ốm đau, tôi cảm giác như mình là siêu nhân vậy", Rebecca nói về thành tích trong công việc. "Giả dụ tôi tới văn phòng và tuyên bố với đồng nghiệp tôi là một kẻ nghiện ma túy, mọi người sẽ phá lên cười vì nghĩ tôi đang nói đùa". 

Thế nhưng chuỗi ngày vắng mặt ở văn phòng để đi cai nghiện ngày một dài hơn. Để che giấu bí mật của mình, Rebecca liên tục nhảy việc. Và sau một lần làm thất thoát 30.000 USD của công ty, cô thất nghiệp. Lần cuối cùng đi cai nghiện, Rebecca tự nhủ "Tôi không thể tiếp tục sống như thế này được nữa". Và đã ba năm qua, cô không dùng đến thuốc.

"Nếu hối tiếc, tôi hối tiếc nhất là những năm tháng đã bỏ lỡ", Rebecca nói. "Tôi từng chỉ lo liệu mình có sống qua nổi ngày mai hay không và chưa bao giờ nghĩ về tuổi già". 

An Hồng

Tags:
Đến nhà bạn chơi, chó sủa, rút súng bắn vào mặt chó

Đến nhà bạn chơi, chó sủa, rút súng bắn vào mặt chó

Cảnh sát cho hay một người đàn ông ở Pennsylvania bắn vào mặt con chó vì giận dữ khi con chó của bạn mình cứ sủa khi ông ta đến nhà chơi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất