Cuộc “tháo chạy” của người Mỹ

Thành phố New York không phải là nơi lý tưởng với những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu muốn sở hữu căn nhà có sân vườn vì chi phí quá đắt đỏ.

21:00 06/03/2018

Ngày càng có nhiều cư dân New York đến những khu vực khác có chi phí sinh sống rẻ hơn và nhiều cơ hội việc làm hơn Ảnh: Shutterstock. 

Số người rời khỏi khu vực New York đang cao hơn bất kỳ vùng đô thị lớn nào khác ở Mỹ. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ (USCB), hơn 1 triệu người đã rời khỏi khu vực này – gồm TP New York, thung lũng Hudson, đảo Long Island (thuộc bang New York), một số địa phương của các bang New Jersey và Connecticut – để đến những khu vực khác sinh sống kể từ năm 2010.

“Đáng báo động”

USCB theo dõi 2 loại người di cư ở Mỹ. Trước hết là “người di cư nội địa”, chuyển từ hạt này đến hạt khác; hai là “người di cư quốc tế”, chuyển từ một nước khác đến Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy số người rời khỏi vùng đô thị New York tăng từ 187.034 năm 2015 lên 223.423 năm 2016. Trong khi đó, số người nhập cư nước ngoài đến sinh sống ở khu vực trải dài 3 bang này lại giảm từ 181.551 xuống còn 160.324 trong cùng giai đoạn.

Tờ New York Post đã gọi tình trạng nêu trên là “đáng báo động”. Dù vậy, New York vẫn là vùng đô thị đông dân nhất nước với 23,7 triệu người. Con số này tăng 2,7% giai đoạn 2010-2016 nhờ người nhập cư nước ngoài và cư dân mới chào đời. Riêng dân số TP New York dự kiến tăng lên 8,6 triệu người vào năm 2020, so với mức 8,5 triệu người hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của dân số vùng đô thị New York đang chậm lại. Con số này tăng 0,5% từ tháng 7-2012 đến tháng 7-2013 nhưng chỉ “nhích” 0,1% từ tháng 7-2015 đến tháng 7-2016.

Trong khi đó, theo nghiên cứu về di cư trong nước được Công ty United Van Lines (Mỹ) tiến hành năm ngoái, nhiều cư dân New York cũng đang chuyển đến bang khác. Cụ thể, bang này đứng thứ 3 về số lượng cư dân rời đi (chỉ ít hơn 2 bang Illinois và New Jersey). Đây là năm thứ 7 liên tiếp New York nằm trong tốp 3. Riêng giai đoạn 2012-2015, vị trí của bang này là thứ hai.

Vậy người dân rời bang New York đi đâu? USCB cho biết điểm đến phổ biến nhất là Florida – gần 70.000 người rời New York đến bang này sinh sống trong năm 2015. Theo sau Florida là bang New Jersey (50.000 người), bang California (37.000 người).

Bốn lý do chính

Theo cuộc nghiên cứu trên, người dân rời bang New York vì 4 lý do chính. Cụ thể, 25% người nói họ ra đi sau khi nghỉ hưu, 5% dẫn lý do sức khỏe, 18% cho biết muốn thay đổi phong cách sống và gần 50% muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ở những nơi khác. 

Ông Edward F. Cox, Chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa ở bang New York, quy trách nhiệm về làn sóng di cư cho Thống đốc Andrew M. Cuomo, người thuộc Đảng Dân chủ. Theo ông Cox, các chính sách kinh tế của ông Cuomo khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng cường tuyển dụng nên người dân phải rời đi để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở những nơi khác.

Còn theo lý giải của giới chuyên gia, kinh tế nước Mỹ đang cải thiện và có nhiều việc làm hơn ở những nơi có mức sống rẻ hơn. Trong khi đó, những người đã về hưu có xu hướng chọn nơi khí hậu ấm áp hơn.

“Dữ liệu từ cuộc nghiên cứu phản ánh xu hướng di cư lâu dài đến các bang phía Tây và phía Nam, đặc biệt là những nơi có tiền nhà khá thấp, khí hậu ôn hòa hơn, tốc độ tăng trưởng việc làm bằng hoặc trên mức bình quân cả nước, bên cạnh những yếu tố khác” – ông Michael Stoll, chuyên gia kinh tế và giảng viên tại Trường ĐH California ở TP Los Angeles, cho biết.

Theo tạp chí The Atlantic, TP New York từng là điểm dừng chân đầu tiên cực kỳ phổ biến của dân nhập cư. Đây cũng là điểm đến ưa thích của những người thuộc thế hệ Millennial (sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000), tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu nhưng chưa lập gia đình hoặc chưa có con cái. Tuy nhiên, thành phố này không phải là nơi lý tưởng đối với những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu muốn sở hữu căn nhà có sân vườn vì chi phí quá đắt đỏ.

Vì thế, TP New York không khác gì mô hình thu nhỏ của nước Mỹ. Theo nhà kinh tế Jed Kolko, dân số tại các thành phố lớn của Mỹ đã giảm trong 5 năm liên tiếp. Trong khi những người Millennial có học thức và chưa lập gia đình tập trung về một số thành phố đắt đỏ như New York, phần còn lại của dân số Mỹ đang dần chuyển đến các vùng ngoại ô. Ngoài ra, theo tờ New York Post, ngày càng có nhiều người Mỹ rời miền Đông và vùng Vành đai Gỉ sắt (các bang thuộc vùng Tây Bắc, Trung Tây Mỹ) để đến những thành phố ở các bang Florida, Texas

Dân số ở những vùng đô thị đông người – như khu Manhattan ở TP New York hoặc TP San Francisco… – đã giảm liên tiếp kể từ năm 2010. Trong khi đó, những vùng ngoại ô thưa dân lại chứng kiến sự tăng trưởng dân số nhanh nhất. Trong số 10 thành phố lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất vào năm 2016, 7 thành phố thuộc các bang Nam Carolina, Bắc Calorina và Florida.

Theo Bizlive

Tags:
Vụ trộm làm thay đổi luật pháp nước Mỹ (Kỳ 1)

Vụ trộm làm thay đổi luật pháp nước Mỹ (Kỳ 1)

Quá nghèo để có thể thuê luật sư, một người đàn ông 51 tuổi đã tự bào chữa cho mình khi bị cáo buộc liên quan đến một vụ trộm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất