Dạ tiệc cuối cấp ở Mỹ - nơi tôn vinh những giá trị ngoài sách vở

Dạ tiệc (prom) được xem là buổi hẹn hò chính thức của học sinh cuối cấp, khi các trường trung học Mỹ dạy học sinh cách đối xử với người khác giới một cách lịch thiệp.

09:09 07/05/2017

Không khí trong đêm prom ở trường trung học Marshall, Mỹ. Nguồn: Youtube.

Thời điểm vàng của dạ tiệc ở trường trung học Mỹ là khoảng tháng 5, khi các cô gái mặc những bộ váy dài rực rỡ và các chàng trai mặc bộ đồ tuxedo, lúng túng đứng cạnh nhau, chụp ảnh ghi lại dấu ấn một thời đẹp đẽ. Đó là buổi đêm, những chiếc Limousine dạo quanh với những người trẻ đầy nhiệt huyết ngồi bên trong.

Lịch sử prom

Theo Time, prom được viết tắt từ promenade, có nghĩa là cuộc dạo chơi. Khách dự tiệc sẽ đi một vòng trong trang phục lộng lẫy và giới thiệu, chào hỏi nhau. Prom có thể bắt nguồn từ bữa tiệc đơn giản các trường đại học Mỹ thế kỷ 19 tổ chức cho khóa tốt nghiệp hàng năm. Sinh viên chọn trang phục cuối tuần đẹp nhất, ăn mừng bằng cách uống trà, chuyện trò và khiêu vũ.

Những buổi lễ đó chứng kiến nhiều “lần đầu tiên” của một người bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, lần đầu tiên lấy xe của gia đình lái đi vào lúc trời tối, lần đầu tiên ăn mặc lịch thiệp như người lớn… Prom cũng là sự kiện chụp ảnh, tương tự lễ cưới, trong đó những người tham gia đang bước tới một giai đoạn mới trong cuộc đời và muốn lưu lại khoảnh khắc đó.

Văn hóa thanh thiếu niên ngày càng phát triển, prom được “trẻ hóa” và điệu nhảy trẻ trung thường được biểu diễn trong đêm tiệc đã bắt đầu từ những năm 1940. Nền kinh tế hậu chiến sau năm 1950 phát triển mạnh mẽ, cho phép trường học tổ chức prom ở khách sạn hoặc câu lạc bộ lớn thay vì sử dụng phòng tập thể dục truyền thống. Năm 1975, Susan Ford - con gái tổng thống Gerald Ford - tổ chức tiệc prom cuối cấp trung học tại một địa điểm đáng mơ ước - Nhà Trắng.

Trang phục prom từ sau giai đoạn này được chuẩn bị cầu kỳ hơn. Những chiếc váy dạ hội đắt tiền và bộ cánh sang trọng của nam giới trở thành tiêu chuẩn. Đôi khi, giá trị thực sự của buổi tiệc là tụ tập học sinh cuối khóa trở nên lu mờ, thay vào đó là cơ hội thể hiện bản thân để được ngưỡng mộ, theo Commdiginews.

Phân đoạn về đêm prom trong bộ phim Carrie (2013) của Mỹ.

Vào những năm 1980, rất nhiều bộ phim và cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của prom trong thế giới của thanh thiếu niên Mỹ. Kể từ đó, prom được biến tấu phong phú hơn bao giờ hết, bao gồm thuê xe Limousine sang trọng, đi làm tóc, móng tay, trang điểm kỹ lưỡng, tìm mua trang phục kết hợp ăn ý với người bạn đi cùng. Trung bình, một bộ đôi dự prom chi tiêu hàng trăm đôla vào đêm đặc biệt này. Có hẳn một bộ phận đông đảo kiếm tiền dựa trên văn hóa prom, từ việc cho thuê xe đến may đo trang phục dự tiệc.

Đó là một chặng đường dài từ việc mặc những bộ đồ cuối tuần yêu thích nhất đến việc hóa thân thành hoàng tử, công chúa thời hiện đại trong những chiếc xe hơi đắt tiền.

Phong tục văn hóa ngày càng thay đổi, prom cũng ảnh hưởng ít nhiều. Năm 1979, hai chàng trai ở bang South Dakota trở thành bộ đôi prom cùng giới đầu tiên được biết đến, tuy nhiên một số trường vẫn có lệnh cấm các cặp gay. Vì lẽ đó, một số cô gái nhất quyết không tham dự prom khi không được đưa bạn gái đi cùng. Năm 1994, một hiệu trưởng ở Alabama đã bị kiện vì đe dọa hủy prom nếu có sự tham gia của các đôi người da đen. 

Thời khắc chuyển giao từ trẻ con sang người lớn

Với nhiều người Mỹ, đêm prom như một phép màu khi nhìn thấy bản thân và bạn bè bước từ giai đoạn thanh thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Phép màu chỉ xảy ra vào giai đoạn đó, do vậy không ai bỏ lỡ đêm prom ở trường trung học.

Năm 2014, một nam sinh ở bang Ohio dẫn bà (89 tuổi) tới prom, được truyền thông chú ý.

Theo truyền thống, mỗi học sinh sẽ tự chọn người đi cùng mình trong đêm tiệc. Nam sinh thường chủ động mở lời với cô gái mình yêu quý, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngược lại. Đi dự prom một mình cũng không phải là điều hiếm khi xảy ra. Vinh dự lớn nhất trong đời đi học của một người là có thể trở thành vua hoặc hoàng hậu (king hoặc queen) của đêm prom cuối cấp.

Trên website hỏi đáp Quora, nhiều người Mỹ tin rằng các trường trung học ở đất nước họ không chỉ dạy những kiến thức cơ bản mà còn chuẩn bị cho học sinh cách hành xử lịch thiệp khi bước ra ngoài xã hội như một người trưởng thành. Một phần trong nguyên tắc hành xử đó là cách tương tác với người khác giới (hoặc chính xác hơn là với đối tượng bạn bị thu hút) một cách lịch sự, đầy tôn trọng. Buổi hẹn hò chính thức được đưa vào văn hóa prom với ý nghĩa đó.

ly-do-truong-trung-hoc-my-to-chuc-da-tiec-cuoi-nam

Học sinh trung học Mỹ đang bước vào mùa prom 2017. Ảnh: Facebook

Prom là sự kiện lớn đến nỗi học sinh, giáo viên và phụ huynh nhắc đến nó suốt cả năm trời. Prom cuối cấp thậm chí được nhắc từ vài năm trước đó. Hầu hết học sinh yêu thích những bữa tiệc bởi mọi người có lý do để vui mừng. Nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi không tham gia prom thời trung học, giống như việc cảm thấy mình chưa thực sự đến Paris nếu không ghé thăm tháp Eiffel. Về mặt này, prom được hình dung như một cột mốc mà ai cũng đặt mục tiêu phải bước qua.

Nghi thức này tạo ra một chủ đề giúp kết nối mọi người trên khắp nước Mỹ. Một người đàn ông 50 tuổi ở Texas có thể chuyện trò không dứt về prom với một chàng trai 23 tuổi đến từ Connecticut. Prom đã trở thành một phần của ngôn ngữ Mỹ theo cách đó. 

Tags:
Dự tiệc trường, nữ sinh Mỹ mặc váy của mẹ 22 năm trước

Dự tiệc trường, nữ sinh Mỹ mặc váy của mẹ 22 năm trước

Ally Johnson mặc chiếc váy đen mẹ từng mặc 22 năm trước và chụp những kiểu ảnh tương tự, nhận được nhiều chú ý sau khi đăng lên mạng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất