Đại dịch dần tới hồi kết ở Mỹ nhưng nỗi đau tồi tệ nhất mới bắt đầu

Mối đe dọa từ đại dịch đang lùi dần ở Mỹ. Tuy nhiên, với những gia đình mất người thân ở nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19, nỗi đau đớn và cô đơn chưa bao giờ nguôi ngoai.

12:00 06/06/2021

Sau hơn một năm thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch, nước Mỹ có số ca mắc và số ca tử vong giảm mạnh. Người dân cảm thấy dịch bệnh đang dần qua đi, nhất là sau khi được tiêm vaccine Covid-19. Họ từ bỏ thói quen đeo khẩu trang và vội vã lên kế hoạch cho mùa hè.

Thế nhưng, với những người như bà Michele Preissler, 60 tuổi, điều tồi tệ nhất mới chỉ bắt đầu. Hồi cuối tháng 5, chồng của bà Preissler qua đời vì mắc Covid-19, theo New York Times. Đây cũng là lúc Mỹ dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế, cho phép người dân quay lại nhịp sống bình thường.

gia dinh co benh nhan Covid-19 tu vong anh 1

Góc tưởng niệm trong đám tang của ông Darryl Preissler, 63 tuổi. Ảnh: New York Times.

Tuần trước, khi đi mua sắm tại siêu thị Walmart, bà Preissler không thấy mọi người đeo khẩu trang nữa. Bà chia sẻ: “Mọi người đều nói: ‘Không sao đâu’. Ước rằng họ biết được những gì tôi phải trải qua”.

Chồng bà là ông Darryl Preissler, 63 tuổi. Ông thích săn bắn và cắm trại cùng cháu trai. Ông Preissler chưa kịp tiêm vaccine, ông đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một đám cưới hồi đầu tháng 4.

Đau buồn và hạnh phúc

Khi một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine, số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm mạnh. Ngay cả những quan chức y tế thận trọng nhất cũng nhìn thấy dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch.

Giờ đây, những người được tiêm phòng hoặc những người ít nguy cơ lây nhiễm có thể cởi bỏ khẩu trang và trở lại nhịp sống bình thường. Các nhà khoa học hàng đầu cũng ủng hộ điều này.

Dù tình hình khả quan hơn, mỗi ngày nước Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 450 ca tử vong vì Covid-19. Đối với hàng trăm gia đình có bệnh nhân tử vong, những nỗi đau đang còn ở phía trước.

gia dinh co benh nhan Covid-19 tu vong anh 2

Bà Michele Preissler, 60 tuổi, trong đám tang của chồng. Ảnh: New York Times.

Ở giai đoạn đầu của đại dịch, hầu hết người Mỹ đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Song giờ đây, những gia đình có bệnh nhân tử vong phải đơn độc đối diện với nỗi buồn, khi nhiều người xung quanh ăn mừng vì sự tự do.

Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các ca tử vong đều không được tiêm vaccine. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Liệu Mỹ có hoàn thành chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đủ nhanh hay không?

Nhiều người tử vong cũng là do họ chần chừ, không chịu tiêm vaccine Covid-19. Điều này nhấn mạnh thách thức dành cho các quan y tế là thuyết phục người dân về việc tiêm vaccine an toàn và hiệu quả.

Tiến sĩ Toni P. Miles, một nhà dịch tễ học tại Đại học Georgia, đang nghiên cứu tâm lý đau buồn của những người ở lại. Ông Miles cho biết: “Việc này giống như một người lính bị bắn hạ ngay trước hiệp định đình chiến. Trong khi bạn đau buồn thì nhiều người lại hạnh phúc”.

Sự nuối tiếc mang tên vaccine

Giáo sư Camille Wortman tại Đại học Stony Brook, New York, cho biết gia đình của các bệnh nhân tử vong có thể trải qua nhiều cảm giác, bao gồm tức giận, hối lỗi và nuối tiếc. Bà Wortman nhận định: “Tác động của vaccine thực sự rất lớn và nỗi đau của những người sống sót sẽ dữ dội hơn”.

Bà Yvonne Santos, 30 tuổi, đang sống ở thành phố Houston. Mỗi khi ở một mình, bà Santos thường tự hỏi liệu bà có thể ngăn cái chết đến với chồng hay không.

Bà Santos từng lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, khiến người chồng Angel trì hoãn tiêm chủng và tử vong khi mắc Covid-19. “Tôi không chia sẻ điều này nhưng tôi thực sự cảm thấy tồi tệ. Chồng tôi không do dự nhiều bằng tôi”, bà Santos kể lại.

Người chồng Angel xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi cuối tháng 4. Ông phải điều trị nhiều tuần trong viện và hối tiếc vì đã không tiêm vaccine. Ngày 19/5, ông Angel Santos qua đời, hưởng dương 35 tuổi.

Giờ đây, bà Santos đang lên kế hoạch để tiêm vaccine. Bà luôn thắc mắc liệu việc tiêm chủng có thể cứu sống chồng mình hay không. Bà bày tỏ cảm nghĩ: “Ít nhất chúng tôi có thể biết mình đã làm mọi thứ”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) gần đây thông báo rằng những người đã tiêm vaccine không cần đeo khẩu trang. Nhiều người Mỹ vui mừng trước tuyên bố này và coi nó là dấu chấm hết cho đại dịch.

Trong khi đó, ông Kole Riley, 33 tuổi, đang ở bên giường bệnh của mẹ để nói lời từ biệt. Người mẹ Peggy Riley, 60 tuổi, trở bệnh nặng chỉ vài tuần sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Gia đình Riley cho biết bà Peggy chưa tiêm vaccine vì nghĩ mình có sẵn kháng thể. Năm ngoái, cả gia đình này đều được chẩn đoán mắc Covid-19.

Sau khi giã từ người mẹ, ông Kole Riley bước ra khỏi phòng bệnh và nhìn thấy rất ít người đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ông nghĩ về cái chết của mẹ và chia sẻ: “Tức giận là cách tốt nhất và lịch sự nhất mà tôi có thể nói”.

Lúc này, ông Kole đang đấu tranh, cố sống chung với nỗi đau của bản thân và niềm vui của đất nước. “Tôi không nghĩ mình có thể đối mặt được với điều này, khi mọi việc quay trở về trạng thái bình thường”, ông Kole cho biết.

Ở thời điểm nghiêm trọng nhất, mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận hơn 3.000 ca tử vong vì Covid-19. Số liệu này đã giảm khoảng 85%. Tại các khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề, từ California đến Florida, các số liệu dịch tễ đều giảm mạnh.

Tính đến ngày 4/6, Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới - có tổng cộng 34,17 triệu ca mắc và 611.543 ca tử vong vì Covid-19, dẫn thông tin từ Worldometers.

Tags:
Tranh cãi nguồn gốc Covid-19 khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung

Tranh cãi nguồn gốc Covid-19 khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung

Giả thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm và lời kêu gọi điều tra của Washington càng tăng sóng gió cho quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất