Đảo chính ở Myanmar: Vì sao là phép thử cho ông Biden?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hôm 1/2, gọi đây là "một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi dân chủ của quốc gia Đông Nam Á".

22:30 02/02/2021

Tờ Washington Post hôm 2/2 đưa tin, ông Biden dọa sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar liên quan tới việc quân đội nước này loại bỏ chính phủ dân sự và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ cấp cao khác. 

"Trong một nền dân chủ, bạo lực không bao giờ vượt qua được ý chí của người dân hoặc có thể xóa bỏ được kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy", ông Biden nói trong tuyên bố kêu gọi phản ứng quốc tế. 

Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đã "vô hiệu" một chính phủ dân sự mong manh ở quốc gia Đông Nam Á và đặt ra phép thử cho chính quyền mới của ông Biden. Các nhà phê bình cảnh báo rằng, những tuyên bố lặp đi lặp lại, thiếu căn cứ của cựu Tổng thống Donald Trump về gian lận bầu cử ở Mỹ, với đỉnh điểm là vụ bạo loạn ở Điện Capitol cách đây gần một tháng, có thể bị lợi dụng để làm suy yếu vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. 

Ông Biden đã cam kết đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu. 

"Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ với nền dân chủ ở đây. Nhưng việc đảo ngược tiến trình dân chủ của quân đội nước này đòi hỏi Mỹ phải xem xét ngay các biện pháp trừng phạt", Tổng thống Mỹ nói. 

Các tướng lĩnh quân đội dẫn đầu cuộc đảo chính ở Myanmar, sau khi bắt giữ nhà lãnh đạo Suu Kyi, đã nêu lý do dẫn đến đảo chính là vì có "gian lận" trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Theo Washington Post, đây cũng chính là cáo buộc mà cựu Tổng thống Trump sử dụng khi nói về cuộc bầu cử Mỹ tháng 11/2020. 

Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, kêu gọi quân đội Myanmar "lập tức thả" các lãnh đạo dân sự bị bắt giữ và nói rằng, Washington nên "áp đặt trừng phạt" với những người cản đường dân chủ. 

"Các thông tin cho thấy quân đội Myanmar đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự của đất nước, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên chủ chốt của chính phủ. Đây thực sự là tin kinh hoàng, hoàn toàn không thể chấp nhận được và rõ ràng là một bước lùi đáng tiếc cho quá trình chuyển giao dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á", ông McConnell nói. 

Sau cuộc bầu cử Mỹ tháng 11/2020, đảng Dân chủ đã chỉ trích ông McConnell vì không phản bác các tuyên bố gian lận bầu cử của ông Trump một cách quyết liệt và nhanh chóng. 

Mỹ có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Myanmar, vốn được gỡ bỏ trong thập kỷ qua và thúc đẩy việc loại Myanmar khỏi các cơ quan quốc tế. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington sát cánh với người dân Myanmar trong "khát vọng về dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển". 

Một câu hỏi đặt ra cho chính quyền của ông Biden là liệu có nên chính thức coi động thái của quân đội Myanmar là một cuộc đảo chính quân sự hay không. Nếu chính thức dùng từ "đảo chính", đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chấm dứt hỗ trợ kinh tế, viện trợ cho Myanmar, theo luật liên bang và bị hạn chế hành động can thiệp nhằm vào các tướng lĩnh dẫn đầu đảo chính.

Theo Derek Mitchell, cựu đặc phái viên Mỹ tại Myanmar và hiện là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận National Democratic Institute (Mỹ), chính quyền của ông Biden sẽ vừa cố gắng lên án hành vi của quân đội Myanmar nhưng cũng để lại cho họ "đường lui". 

"Dân chủ là một trong những 'trụ cột' quan trọng trong chương trình nghị sự thuộc chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden. Họ nhận ra rằng phải giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ phải làm gì", ông Mitchell nói.

Tags:
Điều tra lòng dân, phóng viên cánh tả nhận ra sự ủng hộ quá lớn với ông Trump

Điều tra lòng dân, phóng viên cánh tả nhận ra sự ủng hộ quá lớn với ông Trump

Phóng viên của tờ báo thiên tả Politico, cô Tara Palmeri đã đến tiểu bang Wyoming để tìm hiểu xem ai đã ủng hộ lá phiếu của Dân biểu Liz Cheney nhằm luận tội cựu Tổng thống Donald Trump.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất