Đậu xe trước nhà và những ‘cuộc chiến’ giữa hàng xóm láng giềng

Đậu xe trên đường phía trước nhà người khác những tưởng là một việc thường tình, nhưng trong nhiều trường hợp đã tạo ra những tranh chấp dai dẳng khó giải quyết giữa hàng xóm với nhau.

08:04 07/08/2017

Một buổi sáng cách đây không lâu, bà Liên Hoàng ra khỏi nhà người em ở thành phố Fountain Valley, bước đến xe của mình đậu bên kia đường thì thấy một mảnh giấy dán trên kính, với hàng chữ: “Làm ơn đừng đậu xe ở trước nhà tôi nữa, chỗ đậu cần được dành cho dân cư ngụ ở đây.”

(Hình: www.CBC.ca)

Nghĩ thầm là người hàng xóm này vớ vẩn, vì lòng đường là tài sản công cộng, bà Liên vứt mảnh giấy đi không suy nghĩ gì nhiều.

Nhưng vài tuần sau, khi lại nhận được một mảnh giấy với nội dung tương tự, bà Liên bực mình quay vào nhà càm ràm với em: “Ủa, cái này là sao? Ngoài đường ai muốn đậu đâu thì đậu chứ? Đây là lần thứ hai chị nhận được giấy của cái bà Kathy này rồi đó.”

Ông em bà liếc qua mảnh giấy ôn tồn giải thích: “Ồ, bà Kathy ở trước nhà. Bả hơi bị tật ở chân. Chắc bả đi làm về trễ tìm hoài không có chỗ đậu, phải đi bộ hơi xa nên bị… căng. Để em nói chuyện với bả. Bả cũng đậu xe trước cửa nhà em hoài đó mà.”

“Chắc hai bên nói chuyện sao đó. Giờ thỉnh thoảng ở qua đêm, lúc cần, tôi vẫn đậu xe trước cửa nhà bà Kathy đó, nhưng không thấy than phiền nữa.” Bà Liên nói với phóng viên báo Người Việt.

* ‘Bực mình triền miên’

Ông Thuấn Nguyễn, nhà ở Westminster, cho biết cũng “bực mình triền miên” vì “xe ở đâu đâu” cứ đến đậu trước cửa nhà mình.

Ông tâm sự: “Nhà tôi không có driveway (đường lái xe vào nhà). Vợ tôi đậu trong garage, khúc đường trước cửa nhà lớn đủ cho hai chiếc xe, tôi chỉ cần một chỗ đậu thôi, vậy mà lần nào đi làm về cũng kiếm đỏ mắt mới có chỗ, nhiều khi rất xa nhà, thật bực mình.”

“Vẫn biết là mặt đường ai cũng có quyền đậu.” Ông Thuấn nói thêm, “nhưng tức là nhiều người đậu cái xe chình ình vào giữa, chiếm luôn hai chỗ, không chừa chỗ cho ai cả…”

Không riêng gì bà Kathy ở Fountain Valley hay ông Thuấn ở Westminster, nhiều chủ nhà khắp nơi thường có tâm lý là chỗ đậu xe trước cửa nhà họ thuộc quyền sở hữu của (riêng) mình, và tỏ sự bực bội, đôi khi thái quá, khi người khác mang xe đến đậu. Ngược lại, nhiều người, vì nghĩ ai cũng có quyền đậu xe ở bất cứ lề đường nào trống, cứ đậu xe thoải mái mà không quan tâm đến nhu cầu cũng cần chỗ đậu xe của người hàng xóm. Sự tranh chấp quyền lợi của hai bên tạo ra xung đột khó giải quyết.

* Đường phố là của chung

Trong trường hợp chính mình cũng cần chỗ đậu xe, mà khúc đường trước cửa nhà mình lúc nào bị xe lạ “xâm lăng” thì chủ nhà có thể làm gì?

Về mặt luật pháp, câu trả lời (tiếc thay) là không làm gì được cả!

Phó Thị Trưởng thành phố Westminster, ông Diệp Miên Trường giải thích:

“Ở Westminster [cũng giống như nhiều thành phố khác ở California – NV] chủ nhà không làm chủ con đường trước nhà. Theo luật, đường phố (trừ những nơi bị cấm) thuộc về công chúng, vì thế hễ cứ có chỗ trống thì ai muốn đậu xe thì đậu. Yêu cầu duy nhất của thành phố là không xe nào được đậu ở yên một chỗ quá ba ngày.”

Về tình trạng đôi co giữa hàng xóm về việc đậu xe trước của nhà, ông Diệp Miên Trường góp ý:

“Vì đường phố là của chung, tuy mọi người có quyền đậu xe trước cửa nhà người khác, nhưng cũng cần lịch sự với nhau để tránh xích mích tranh cãi.”

* Từ những cuộc chiến âm thầm’

Tại Long Beach, thành phố lớn thứ nhì của Los Angeles County, với gần nửa triệu dân, xích mích và tranh cãi trong việc tìm chỗ đậu xe là điều không thể tránh được, và có vẻ căng thẳng hơn nhiều.

Forum của trang mạng xã hội (nextdoor.com) của từng khu phố cho thấy chuyện đậu xe trước cửa nhà là đề tài được nhiều người tham dự, và những xích mích khó giải quyết này, trong nhiều trường hợp biến hàng xóm láng giềng thành hai phe của một cuộc chiến.

Trong Bixby Knolls, một khu thuộc thành phố Long Beach, chủ nhà ký tên Susan F. than: “Tôi ở khu này đã gần bốn năm và đậu xe là việc luôn luôn khiến tôi phải bận tâm. Không bận tâm sao được khi tối nào đi làm về cũng lo là về đến nhà không biết có chỗ đậu xe không. Hôm nào phải ghé chợ thì thật khổ vì có khi phải xách giỏ đồ ăn cả quãng đường.”

Chủ nhà ký tên Fred S. phụ họa: “Đường nhà tôi ở chung quanh có nhiều chung cư chỉ cung cấp cho người thuê một chỗ đậu xe, muốn đậu thêm xe phải trả thêm tiền, nhưng nhiều người thay vì đóng tiền tràn ra đường tìm chỗ đậu. Dĩ nhiên họ có quyền cứ thấy chỗ trống là đậu, nhưng điều đó làm cho những người có nhà ở đây không còn chỗ đậu xe. Nhiều khi biết mình có việc phải về trễ, tôi phải nhờ vợ hay con trai mang xe từ garage ra đậu trước nhà để ‘xí’ chỗ. Đậu xe thành một cuộc chiến âm thầm nhưng dai dẳng. Đương nhiên ai cũng phải tranh đấu cho quyền lợi của mình.”

Chủ nhà ký tên Marianne W. kể: “Bên cạnh nhà tôi là một gia đình người Việt Nam. Người chồng luôn luôn chạy ra cửa bất cứ khi nào có người loay hoay đậu xe ở phía trước nhà họ. Ông này nói với người lái xe rằng vợ ông lái xe rất tệ, e rằng sẽ đụng hay quẹt vào xe nếu họ đậu ở đó. Cách này cũng có vẻ hữu hiệu. Tôi ít thấy trước nhà họ có xe lạ. Tôi thì không quan tâm ai đậu trước nhà mình vì vợ chồng tôi đậu xe trong garage, nhưng thấy buồn cười.”

Chủ nhà Michael H. ta thán: “Nhà hàng xóm của tôi có sáu chiếc xe và nhà tôi chỉ có hai. Thật khó hiểu vì sao họ không bao giờ chịu đậu xe trên driveway nhà họ, mà luôn chiếm hết tất cả các chỗ đậu xe trên khúc đường tôi ở. Thật là khó chịu, nhưng tôi không thể làm gì.”

Ông kể thêm: “Chịu không nổi, có lần tôi qua nhà họ yêu cầu là nên đậu xe vào driveway để nhường chỗ cho hàng xóm nhưng họ chỉ nhún vai nói ‘it’s public parking’ rồi đâu vẫn hoàn đấy.”

Ông Michael viết những lời ta thán này cách đây hơn một tháng. Khi tiếp xúc với nhật báo Người Việt qua, ông cập nhật tình hình: “Tức quá, một lần thấy cả nhà họ kéo nhau đi đâu, có chỗ trống, tôi năn nỉ nhờ hai người bạn ở gần mang chiếc xe đến đậu chình ình trước nhà họ luôn một lúc ba ngày, rồi đổi chỗ cho nhau (để khỏi bị phạt), kéo dài như vậy hơn một tuần, thì họ qua nhà tôi nói chuyện. Chúng tôi làm hòa và thỏa thuận là sẽ cố gắng không đậu xe trước cửa nhà nhau, trừ trường hợp bất đắc dĩ.”

Không phải tranh cãi nào cũng đạt được kết quả “có hậu” như vậy. Nhiều người kể là cuộc chiến trở nên quyết liệt khi hai bên hàng xóm rình rập ném những thứ bẩn vào xe nhau đến nỗi một trong hai bên phải gọi cảnh sát đến can thiệp.

* Đến việc gọi cảnh sát

Cũng có người kể đã bị hàng xóm “trả thù” bằng cách gọi cảnh sát bất cứ khi nào nhà họ có tiệc, than phiền là quá ồn ào.

Ông Robert S. than là từng bị người ở đâu đến đậu xe ẩu, chắn ngang driveway nhà ông, khiến ông không thể lấy xe ra để đi làm, và “sau khi chờ cả tiếng không thấy người chủ đâu, phải gọi cảnh sát đến để tow xe đi.”

“Cảnh sát cũng tử tế lắm. Họ gõ cửa mấy nhà hàng xóm, cố tìm người chủ để tránh cho họ sự tốn kém trước khi gọi xe tow đến.” Ông Robert kể.

“Tôi là tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định tow những xe đậu ẩu. Chính bản thân tôi cũng đã bị tow xe một lần khi tôi ngu ngốc (và hơi say) đậu xe chắn hết hơn một nửa driveway của người cùng phố. Tôi không hận người đã kéo xe của mình, nhưng đó là bài học nhớ đời.” Một người bình phẩm.

Người khác phát giác ra là hàng xóm của họ đã bất thình lình mua sơn đỏ về sơn lề đường trước nhà màu đỏ để dọa những người ở khu chung cư gần quanh không đến đó đậu xe nữa, viết: “Thành phố mới có quyền sơn lề đường chứ mình đâu được làm. Nhưng thấy biện pháp này có vẻ hữu hiệu, tôi cũng định làm theo, nhưng bà xã tôi bả can, nói là nếu việc giả mạo này bị khám phá tụi tôi sẽ bị phạt rất nặng.”

Tại California, lề đường màu đỏ (red curb) là nơi tuyệt đối không ai được dừng xe hay đậu xe. Và người đậu xe tại lề đỏ chắc chắn sẽ bị cảnh sát cho ăn ticket gần như ngay lập tức.

Thoạt nghe, người ta có thể nghĩ sơn lề đường đỏ một cách bất hợp pháp là một biện pháp khá cực đoan, nhưng theo một phóng sự điều tra của đài NBC 7, tại San Diego, thành phố lớn thứ nhì (dân số hơn 3 triệu) của miền Nam California, tự tạo ra lề đường đỏ là việc “khá thông dụng.”

Vẫn theo phóng sự điều tra nói trên, việc sơn lề đỏ ở San Diego thông dụng đến độ nhân viên của tiệm bán vật dụng cơ khí (hardware store) trong vùng biết chính xác người ta phải mua loại sơn nào mới giống màu đỏ mà thành phố sử dụng để sơn những lề đỏ, và khuyên “phải sơn nhiều lớp cho thật đậm…” Tuy nhiên, nhiều người sơn lề đỏ “lậu” ở San Diego đang từ từ tìm cách xóa dấu tích phạm pháp của mình đi, vì theo phòng Tư Pháp của thành phố, những người tự sơn lề đỏ, nếu bị khám phá sẽ phải nộp phạt $1,000 và trong một số trường hợp có thể phải ngồi tù.

Nếu luật pháp không thể giúp bạn trong trường hợp cứ có người đậu xe trước cửa nhà mình, vậy phải làm sao?

“Chống lại kẻ sách nhiễu mình, có thể là phản xạ tự nhiên, nhưng là điều không nên làm, vì chỉ có tác dụng làm cho tranh chấp leo thang, đưa đến tình trạng ăn thua đủ, và không ai biết khi điên tiết lên người ta có thể hành xử như thế nào.” Ông William J., tự nhận là một cảnh sát ở vùng Bixby Knolls, góp ý trên mạng xã hội nextdoor.com.

“Còn muốn thực sự không phải quan tâm đến chỗ đậu xe, hãy dọn sạch nhà xe đi, và đậu xe vào đó thay vì dùng nó làm kho chứa.” Ông viết thêm.

Một lời khuyên đơn giản nhưng không dễ áp dụng.

Tags:
[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất