Điểm yếu của những 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc

Việc được chính phủ bảo hộ quá nhiều sẽ khiến các công ty công nghệ Trung Quốc bị thui chột sáng tạo và khó cạnh tranh trên toàn cầu.

21:30 09/06/2019

Tham vọng trở thành siêu cường công nghệ mà Trung Quốc ấp ủ từ lâu đã khiến những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Huawei rơi vào tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Bắc Kinh thậm chí sẽ còn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn trong dài hạn.

Nếu Trung Quốc có thể xây dựng những công ty có đủ khả năng dẫn đầu toàn cầu như tập đoàn viễn thông Huawei, nước này sẽ có cơ hội lớn để duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh hiện nay, bất chấp việc lực lượng lao động đang già đi sẽ làm tăng chi phí và gánh nặng ngân sách. Trái lại, nếu không thể làm như vậy, thập kỷ tiếp theo có thể chứng kiến cảnh Trung Quốc bước vào một giai đoạn kinh tế giảm tốc mạnh.

Tòa nhà chính của Huawei tại khu sản xuất gần thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tòa nhà chính của Huawei tại khu sản xuất gần thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

và các đồng minh cho rằng thành công của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei hay ZTE chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ hào phóng từ chính phủ và trong một số trường hợp là nhờ hoạt động gián điệp công nghệ. Một số ý kiến lại cho rằng giống như Apple, các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc thành công nhờ sự yêu chuộng của khách hàng. Song trên thực tế, thành công của các tập đoàn này chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp hơn.

Trung Quốc thực sự có ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và ngày càng thành công hơn trong những lĩnh vực đầy thách thức như trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, họ vẫn chưa sản sinh ra nhiều ông lớn công nghệ toàn cầu ngoài các tập đoàn viễn thông như Huawei và ZTE.

Thị trường trong nước khổng lồ và được bảo vệ chặt chẽ có thể nuôi dưỡng những công ty lớn, nhưng cũng có thể "chiều chuộng" chúng quá mức dẫn tới lãng phí, đặc biệt nếu như không có một hệ thống tài chính hiệu quả để bảo đảm rằng các doanh nghiệp tốt nhất nhận được những cơ hội công bằng.

Trung Quốc gây ấn tượng với ngân sách khổng lồ phân bổ cho ngành công nghệ. Bắc Kinh đã lên kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ USD vào ngành sản xuất chip trong nước. Hiện nay, ngân sách hàng năm mà Trung Quốc dành cho nghiên cứu và phát triển đã tăng lên mức hơn 2% GDP so với mức 1,4% GDP vào năm 2006 và cao hơn nhiều nước phát triển như Anh. Nếu xét về sức mua ngang giá (PPP), Trung Quốc đang chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cao hơn Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Nỗ lực phát triển công nghệ do chính phủ Trung Quốc dẫn dắt đã mang lại một số thành công đáng chú ý, chẳng hạn như mạng lưới đường sắt cao tốc. Bị hấp dẫn bởi thị trường khổng lồ của Trung Quốc, các công ty Đức và Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho đối tác Trung Quốc, giúp họ xây dựng mạng lưới rộng khắp ở trong nước và thực hiện nhiều dự án ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các hoạt động như vậy đang gây tranh cãi khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng. Bắc Kinh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong một số ngành công nghiệp có tính tập trung cao như sản xuất chip hay hàng không, những lĩnh vực mà Trung Quốc khó khiêu khích các đối thủ cạnh tranh với nhau để hưởng lợi bằng cách đòi hỏi chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.

Cách tiếp cận dựa vào sức mạnh kim tiền và sự định hướng của nhà nước để nuôi dưỡng sáng tạo có những nhược điểm rõ ràng. Các công ty địa phương đổ tiền vào những lĩnh vực được nhà nước trợ cấp như robot, xe điện hay năng lượng sạch, đổi lại, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực để bảo vệ các công ty này trước sự cạnh tranh từ bên ngoài. Kết quả thường là dẫn đến công suất dư thừa lớn, làm teo tóp biên lợi nhuận của các công ty, gây khó khăn hơn cho các nỗ lực sáng tạo.

Tham vọng của Trung Quốc thống lĩnh thị trường pin năng lượng mặt trời toàn cầu là một ví dụ điển hình. Hoạt động trợ cấp ồ ạt của nhà nước trong lĩnh vực này dẫn đến cuộc chạy đua đầu tư của các công ty, để rồi tạo ra các khoản nợ khổng lồ và mức sinh lợi nghèo nàn cho nhà đầu tư. Một số nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới của Trung Quốc như Suntech và LDK Solar đã nộp đơn xin phá sản.

Trên thế giới, chính sách nhồi tiền trợ cấp của nhà nước từng phát huy tác dụng, chẳng hạn như Samsung Electronics của Hàn Quốc, song các công ty như vậy cuối cùng vẫn phải bị đặt trực tiếp vào tính kỷ luật của thị trường xuất khẩu toàn cầu khi thị trường trong nước không đủ lớn để "chăm bẵm" họ nữa. Các hãng smartphone Trung Quốc như Huawei và Xiaomi giờ đây nắm giữ tổng cộng khoảng 40% thị phần toàn cầu nhờ thiết kế những mẫu smartphone mà người tiêu dùng thực sự muốn mua.

Trái lại, những "ông lớn" công nghệ và Internet khác của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và Baidu lớn lên nhờ thị trường khổng lồ trong nước, vốn được bảo vệ kỹ càng trước các đối thủ nước ngoài, nhưng họ thực sự không phải "ông lớn" bên ngoài Trung Quốc. Thực tế trên cho thấy "sáng tạo bản địa", nếu chỉ dựa vào thị trường trong nước của Trung Quốc để sản sinh ra những công ty công nghệ dẫn đầu toàn cầu, là một chiến lược rủi ro cao.

Việc thực thi luật bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cũng là một điểm yếu của Trung Quốc. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành một số thay đổi lớn trong các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy thực thi những quy định này nhưng vẫn không thể tạo ra biến chuyển đáng kể trong các khía cạnh như chuyển giao công nghệ hay cấp phép kinh doanh.

Năm ngoái, Phòng Thương mại Mỹ vẫn xếp Trung Quốc ở vị trí 25 trong bảng xếp hạng mức độ bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ gồm 50 nước, đứng sau cả các quốc gia như Malaysia và Morocco, dù điểm số của Trung Quốc cải thiện đều đặn từ năm 2012, thời điểm bảng xếp hạng lần đầu tiên được công bố.

Chuyên gia nhận định sẽ là sai lầm nếu và các đồng minh giả định rằng Trung Quốc sẽ không thể sáng tạo nếu không ăn cắp công nghệ nước ngoài. Các công ty Mỹ đang bắt đầu thâu tóm những công ty khởi nghiệp phần mềm Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nắm giữ các nguồn lực dồi dào, cả về nhân lực lẫn tài chính. Song, trên một số phương diện nào đó, Trung Quốc dường như đang hướng nội một lần nữa, trở về với tư tưởng "tự lực cánh sinh" trước đây của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu như Trung Quốc không sở hữu một thị trường nội địa có đầy đủ tính cạnh tranh để nuôi dưỡng sáng tạo.

Các công ty Trung Quốc có thể sẽ là thế hệ đấu thủ công nghệ "nặng ký" tiếp theo trên toàn cầu. Tuy nhiên, một Trung Quốc thu mình, mà không thúc đẩy cải cách pháp lý và tài chính, rốt cục có thể sản sinh ra những "gã khổng lồ thừa cân" hơn là những đấu thủ "nặng ký".

Hồng Vân (Theo Wall Street Journal)

Tags:
Trung Quốc lùi bước, Donald Trump thế thượng phong, toàn cầu sôi sục

Trung Quốc lùi bước, Donald Trump thế thượng phong, toàn cầu sôi sục

Thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại. Chứng khoán và vàng tăng mạnh trở lại trong khi đồng USD lao dốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất