Điên cuồng “săn” quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch

Giới siêu giàu có xu hướng tìm mua các suất nhập cư tại những quốc gia khác, để chạy trốn khỏi các thảm họa trong hiện tại và tương lai.

11:00 10/08/2020

Với đa số mọi người, Covid-19 nghĩa là các chuyến du lịch, di chuyển sẽ giảm đi. Nhưng với giới thượng lưu thì khác. Tại Mỹ, những gia đình siêu giàu đang sử dụng tiền để vượt qua biên giới, tới các nước an toàn hơn và đang không cho phép người Mỹ được nhập cảnh.

Nghe thì lạ, nhưng đó lại là điều bình thường với thế giới tinh hoa, nơi người giàu đầu tư vào các thương vụ nhập cư. Lúc này, tờ hộ chiếu sẽ không dựa vào quốc tịch, mà tùy theo sự giàu có và mong muốn được chuyển tới đâu.

Đây là câu chuyện nằm trong chương trình CIP (nhập tịch bằng đầu tư), hiện đang là một ngành công nghiệp rất phát triển. Nó là cách những người siêu giàu đa dạng hóa danh mục đầu tư, không chỉ bằng cách chuyển tiền đến 1 quốc gia khác, mà còn để hưởng các quyền công dân ở đó nữa.

Điên cuồng săn quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch - Ảnh 1.

Trong 5 – 10 năm gần đây, mục đích chính của những người tham gia CIP (thường có khối tài sản từ 2 triệu đô đến trên 50 triệu) chủ yếu là để di chuyển dễ dàng hơn, hưởng lợi từ thuế và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên trong đại dịch Covid-19, nhiều nhà siêu giàu lại hướng đến dịch vụ y tế cùng phản ứng của đất nước sở tại với đại dịch. Nói cách khác, họ tìm một nơi an toàn hơn, để có sự đảm bảo cho tương lai.

“Kế hoạch B” của giới siêu giàu

“Họ muốn có một chính sách đảm bảo từ việc sở hữu quốc tịch thứ 2 – một kế hoạch dự phòng,” – Dominic Volek, Giám đốc khu vực Châu Á của công ty kinh doanh quốc tịch Henley & Partners chia sẻ.

“Họ quan tâm đến y tế và khả năng ứng phó với dịch bệnh, bởi dĩ nhiên là chẳng ai đảm bảo đây là đại dịch duy nhất họ gặp trong đời. Về sự giàu sang và sung túc, giới thượng lưu thường không lên kế hoạch cho 5 – 10 năm, mà là cả trăm năm.”

Các báo cáo của Helen & Partners cho nhận định rằng số đơn tham gia CIP gia tăng thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến Covid-19, lo ngại về y tế, thậm chí còn về khả năng xảy ra… tận thế. Từ tháng 1- 6/2020, công ty ghi nhận số đơn gia tăng đến 49%, và so với quý cuối cùng năm 2019 thì tăng 42%.

Điên cuồng săn quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch - Ảnh 2.

Danh sách các nước phổ biến trong các chương trình CIP, xếp theo mức giá đầu tư

Trong quý đầu năm 2020, Montenegro và đảo Cyprus (đảo Síp – đảo quốc tại Địa Trung Hải) là hai điểm đến phổ biến nhất, với số đơn nhập cư gia tăng lần lượt là 142% và 75% so với quý 4 năm 2019. Malta (một đảo quốc khác ở Địa Trung Hải) cũng duy trì vị thế là điểm đến được ưa chuộng.

“Rất nhiều người thuộc giới siêu giàu có hứng thú với Cyprus và Malta, bởi cả hai đều cho công dân thoải mái di chuyển, cũng như tự do định cư trong Liên minh châu Âu (EU),” – Volek cho biết. “Không chỉ vậy, hệ thống giáo dục và y tế cũng rất tốt.”

Bên cạnh đó, Úc và New Zealand cũng là 2 điểm đến có nhu cầu cao, nhưng mục đích thì hơi khác: để kiểm soát khủng hoảng!

“New Zealand đang nằm trong top đầu các nước đối phó tốt với đại dịch, so với Mỹ và Anh. Vậy nên chúng tôi đang thấy sự tăng trưởng mạnh trong số đơn nhập cư tới Úc và New Zealand.”

Điên cuồng săn quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch - Ảnh 3.

Chỉ những người có khối tài sản rất lớn mới có thể tham gia vào chương trình đầu tư nhập cư. Như tại Úc, khoản tiền cần chi ra sẽ rơi vào khoảng 1 – 3,5 triệu USD, trong khi con số ở New Zealand rơi vào khoảng 1,9 – 6,5 triệu.

“Chương trình nhập cư của New Zealand khá dễ dãi về các hạng mục có thể đầu tư, miễn là không phải dành cho mục đích cá nhân,” – Volek giải thích.

“Nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu đô để tạo ra một trang trại tự cung tự cấp, nằm ngoài thị trường. Nhờ vậy, họ có một nơi để lui tới và trú ẩn trong những khoảng thời gian như lúc này.” 

Giới nhà giàu đầu tư vào CIP cũng đang thay đổi. Trong 9 tháng qua, các đơn từ Mỹ, Ấn Độ, Nigeria và Lebanon đang là cao nhất. Trong đó, các đơn từ Mỹ tăng tới 700% tại quý 1 năm 2020 – so với quý 4 2019. Ngoài ra, dòng đầu tư cũng chậm rãi chuyển dịch sang giới siêu giàu Trung Quốc và Trung Đông.

Bến bờ không dịch bệnh

Một số người thuộc giới siêu giàu muốn có thêm quốc tịch đơn giản chỉ là để có một nơi an toàn, tách biệt, để cả gia đình cùng trú ẩn khi dịch bệnh xảy ra. Kể cả khi chưa có biến cố, thì đó vẫn là sự chuẩn bị cho các dịch bệnh trong tương lai.

“Ý tưởng là các nước nhỏ hơn có khả năng kiểm soát dịch bệnh dễ hơn,” – theo Nuri Katz, nhà sáng lập Apex Capital Partners nhận định. “Giống như ở Mỹ, mọi thứ đang không thể kiểm soát, trong khi các nước nhỏ hơn thì không bị ảnh hưởng như thế. Chẳng hạn như Dominica, Antigua, Barbuda…tất cả đều có rất ít ca nhiễm Covid-19.

Thêm vào đó, các đảo quốc nhỏ tại Caribbean có mức đầu tư CIP thấp hơn rất nhiều, trong khi vẫn đảm bảo được khả năng tự do đi lại cho công dân. “Nếu bạn có tầm 1 triệu, hoặc 5 – 10 triệu đô, Caribbean sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Nếu đầu tư khoảng 100.000 đô cho chính phủ Antigua hoặc Barbuda kèm theo một chút phí nữa, một gia đình 4 người sẽ có thêm hộ chiếu thứ 2, với thời hạn khoảng 4 – 6 tháng.”

Điên cuồng săn quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch - Ảnh 4.

Cũng theo Katz, một lý do khác khiến nhiều người chọn đầu tư vào nhập cư là để lách luật hạn chế di chuyển trong tương lai. Như hiện tại, người Mỹ phần lớn không thể tới châu Âu, và ngược lại cũng vậy. Tuy nhiên, người sở hữu hộ chiếu đảo Cyprus lại có thể di chuyển tới mọi quốc gia trong EU, chỉ cần biên giới mở cửa.

“Họ sẽ nghĩ, nếu tình hình cứ như hiện tại, làm sao để thay đổi tài sản, làm sao để tận hưởng cuộc sống? Những người muốn di chuyển thoải mái trong châu Âu, họ sẽ bắt đầu nghĩ đến một quốc tịch mới.” – Katz chia sẻ.

Hệ lụy tiêu cực

Những người đề xuất CIP cho rằng các chương trình như vậy tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi. Nhà đầu tư để có quốc tịch sẽ phải rót tiền vào các quốc gia đang phát triển, qua đó cấp vốn cho chính phủ giải quyết thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng công nghiệp, dịch bệnh, hoặc đơn giản chỉ là thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo chiều ngược lại, họ sẽ có nhiều tài sản hơn, tận hưởng sự tự do trong di chuyển hơn, và có một nơi an toàn để vượt qua các thảm họa trong tương lai.

Điên cuồng săn quốc tịch: Giới siêu giàu Mỹ đổ tiền mua hộ chiếu nước khác để tìm cách chạy trốn đại dịch - Ảnh 5.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng câu chuyện không đơn giản như vậy. Năm 2018, Transparency International – một tổ chức chống tham nhũng toàn cầu – đã đứng ra chỉ trích các chương trình nhập cư tại Malta, Cyprus, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Theo đó, các nước này đang bán suất nhập cư cho người nước ngoài mà thiếu đi sự giám sát và tính minh bạch.

Theo Kate Hooper, nhà phân tích chính sách thuộc Chương trình di cư Quốc tế tại Washington DC, các chương trình CIP thường gây ra nghi ngờ, bởi chính phủ không minh bạch quá trình thẩm định của họ.

“Rất nhiều báo cáo đã đề cập đến sự lo ngại về tính hiệu quả trong việc sàng lọc con người và hạn chế rửa tiền,” – Hooper chia sẻ với CNN vào năm 2017.

“Những năm qua, có rất nhiều trường hợp được cấp quyền công dân mà không được sàng lọc kỹ lưỡng.”

Nguồn: CNN

Tags:
Trường ở Mỹ cấm học sinh mặc quần ngủ, đi dép lê khi học online

Trường ở Mỹ cấm học sinh mặc quần ngủ, đi dép lê khi học online

Quy định về học online còn bao gồm cấm học sinh nằm trên giường và mặc quần áo rộng thùng thình, có các chữ viết, ký hiệu mang tính xúc phạm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất