Diễn văn: Mỹ đang xây một trật tự thế giới mới của Ngoại trưởng Mike Pompeo

Brussels Bỉ, 4/12/2018. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

21:30 28/10/2019

….

Những người đã xây dựng lại văn minh phương Tây sau Thế chiến II, giống như người tiền nhiệm của tôi, Ngoại trưởng Marshall, biết rằng chỉ có một sự lãnh đạo mạnh mẽ của nước Mỹ, hòa đồng với bằng hữu và đồng minh, mới có thể đoàn kết các quốc gia chủ quyền trên toàn thế giới.

Vì thế chúng ta đã ký lập các thể chế mới để khôi phục Châu Âu và Nhật Bản, để ổn định tiền tệ và thúc đẩy thương mại. Tất cả chúng ta đã đồng sáng lập NATO để bảo đảm an ninh cho bản thân và đồng minh. Chúng ta bước vào các hiệp ước nhằm hệ thống hóa các giá trị phương Tây là tự do và nhân quyền.

Chúng ta đã tập hợp cùng nhau tạo ra các tổ chức đa phương để cổ súy hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia. Chúng ta đã làm việc chăm chỉ – thực sự là vậy, một cách không mệt mỏi – để duy trì lý tưởng Phương Tây bởi, như Tổng thống Trump đã nói rõ trong bài phát biểu tại Warsaw, mỗi một lý tưởng này đều xứng đáng được tồn tại.

Sự lãnh đạo của Mỹ cho phép chúng ta hưởng thụ sự phát triển tốt nhất của con người trong lịch sử hiện đại. Chúng ta chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh. Chúng ta có được hòa bình. Với nỗ lực không nhỏ của Tổng thống George HW Bush, chúng ta thống nhất nước Đức. Đây là kiểu lãnh đạo mà Tổng Thống Trump đang dũng cảm khôi phục.

Nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, chúng ta đã để cho trật tự tự do này bị xói mòn. Chủ nghĩa đa phương quá thường xuyên được xem là kết thúc của bản thân nó. Càng ký nhiều hiệp ước, chúng ta sẽ càng an toàn. Càng nhiều quan chức, công việc càng được làm tốt hơn. Điều đó có bao giờ đúng không? Câu hỏi trung tâm mà chúng ta đối mặt là liệu cái hệ thống đang được cơ cấu như nó tồn tại hôm nay có hiệu quả hay không? Nó có phục vụ tất cả người dân thế giới hay không?

Ngoai trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Shutter Stock)

Hôm nay tại Liên Hiệp Quốc, các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình kéo dài đến hàng thế kỷ nhưng không tiến thêm được bước nào tới hòa bình. Các hiệp ước khí hậu của LHQ được một số nước coi là phương tiện nhằm tái phân phối của cải. Sự thiên vị chống Israel đã được thể chế hóa. Các nước lớn trong khu vực thông đồng với nhau để bỏ phiếu cho những nước như Cuba và Venezuela vào hội đồng nhân quyền. LHQ được thành lập như một tổ chức chào đón các quốc gia yêu hòa bình. Tôi hỏi quý vị: Hôm nay, nó có còn thủy chung tiếp tục phục vụ sứ mệnh này hay không?

Ở phía Tây bán cầu, Tổ chức Các nước Châu Mỹ đã làm được gì để thúc đẩy 4 trụ cột của nó là dân chủ, nhân quyền, an ninh và phát triển kinh tế, trong một vùng có những quốc gia như Cuba, Venezuela và Nicaragua?

Tại Châu Phi, Liên minh Châu Phi có thúc đẩy lợi ích chung của các nước thành viên hay không?

Đối với cộng đồng kinh doanh, nơi mà từ đó tôi đến, hãy cân nhắc điều này: Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế được giao sứ mệnh giúp tái xây dựng các khu vực bị chiến tranh tàn phá và thúc đẩy đầu tư, phát triển. Hôm nay, những tổ chức này thường xuyên giúp đỡ các quốc gia quản lý kinh tế sai lệch, khắt khe và ngăn cấm sự phát triển, nở rộ của lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Tại đây, Brussels, Liên minh Châu Âu và những người tiền nhiệm của nó đã mang tới sự thịnh vượng to lớn cho toàn bộ châu lục. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, và chúng tôi thu lợi ích to lớn từ thành công của các bạn. Nhưng Brexit là gì nếu không phải một tiếng gọi thức tỉnh. EU có đang bảo đảm lợi ích của các thành viên và công dân của họ có được đặt lên trên những quan chức quan liêu ở Brussels hay không?

Đây là những câu hỏi hợp lý. Điều này dẫn tới ý kiến tiếp theo của tôi: Các nhân tố xấu đã lợi dụng sự thiếu vắng lãnh đạo của chúng tôi để trục lợi. Đây là quả độc do sự rút lui của Mỹ gây nên. Tổng thống Trump quyết tâm đảo ngược nó.

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn tới một sự tôn trọng nền dân chủ và ổn định trong khu vực; nó dẫn đến đàn áp chính trị nhiều hơn và kích động khu vực gia tăng. Chúng ta đã chào đón Trung Quốc bước vào trật tự tự do, nhưng chưa bao giờ giám sát hành động của họ.

Trung Quốc đã thường xuyên lợi dụng các lỗ hổng của tổ chức Thương mại Thế giới, áp đặt các giới hạn thị trường, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ. Họ biết rằng ý kiến của thế giới là vô hiệu để ngăn sự vi phạm nhân quyền kiểu Orwellian của họ.

Iran không bước vào cộng đồng các quốc gia thế giới sau khi ký hiệp ước hạt nhân; họ đã trải rộng những khoản tiền mới có được cho khủng bố và độc tài.

Tehran đã giam cầm nhiều con tin người Mỹ, và Bob Levinson đã mất tích ở đó 11 năm. Iran đã trắng trợn bất kể đến nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nói dối trước thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử về chương trình hạt nhân của mình, và né tránh chế tài của LHQ. Trong tuần qua, Iran đã thử bắn một tên lửa đạn đạo, vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An LHQ.

Đầu năm nay, Tehran sử dụng Hiệp ước Hữu nghị Mỹ-Iran để đưa ra các cáo buộc vô căn cứ chống lại Mỹ trước Tòa Công lý Quốc tế.

Nga. Nga không tôn trọng các giá trị phương tây như tự do và hợp tác quốc tế. Thay vào đó, họ đàn áp các tiếng nói đối lập và xâm phạm các quốc gia có chủ quyền là Georgia và Ukraine.

Moscow cũng đã triển khai chất độc thần kinh quân sự tại nước ngoài, ngay ở đây trên đất Châu Âu, vi phạm Công ước Vũ khí hóa học mà họ là một thành viên. Và như tôi sẽ nói chi tiết sau trong ngày hôm nay, Nga đã vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung trong nhiều năm.

Danh sách này còn tiếp tục dài. Chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với trật tự thế giới hôm nay để vẽ con đường tương lai. Đó là cái mà Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ gọi là “chủ nghĩa thực tế có nguyên tắc.” Tôi thì muốn nói tới nó là “lẽ thường”.  

Mỗi quốc gia phải thực sự công nhận trách nhiệm của mình đối với người dân và đặt câu hỏi liệu trật tự quốc tế hiện nay có phục vụ lợi ích của nhân dân nhiều như nó có thể. Và nếu không, chúng ta phải làm cho đúng lại như thế nào?

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng tôi không từ bỏ vị thế lãnh đạo hoặc bỏ rơi bằng hữu trong hệ thống quốc tế. Thực ra là ngược lại. Hãy nhìn vào một ví dụ là con số các quốc gia đã hiệp lực cùng chúng tôi trong chiến dịch gia tăng áp lực lên Bắc Hàn. Không một quốc gia nào khác có thể tập hợp hàng chục nước từ mọi ngóc ngách của trái đất như thế, để áp đặt chế tài lên chế độ Bình Nhưỡng.

Các cơ quan quốc tế phải trợ giúp củng cố sự hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh và các giá trị của thế giới tự do, hoặc họ phải bị cải tổ hoặc tiêu diệt.

Khi một hiệp ước bị phá vỡ, kẻ phá luật phải bị trừng phạt, hiệp ước đó phải được sửa đổi hoặc xóa bỏ. Nói suông là vô nghĩa.

Do đó chính quyền chúng tôi luôn rút khỏi hoặc tái đàm phán các hiệp ước, thỏa thuận thương mại lỗi thời, có hại một cách đúng luật, hoặc các thỏa thuận quốc tế mà không phục vụ lợi ích quốc gia, hoặc lợi ích của đồng minh.

Chúng tôi đã thông báo ý định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, bởi không có điều khoản tốt hơn cho Hoa Kỳ. Thỏa thuận hiện tại sẽ chỉ rút tiền của người nộp thuế Mỹ và làm giàu cho những kẻ gây ô nhiễm như Trung Quốc.

Ở Mỹ, chúng tôi tìm ra một giải pháp tốt hơn, chúng tôi nghĩ đó là một lời giải tốt hơn cho thế giới. Chúng tôi đã cởi trói cho các công ty năng lượng để họ tự do sáng tạo và cạnh tranh, nhờ đó phát thải carbon của chúng tôi đã giảm đáng kể.

Chúng tôi đã rút khỏi thỏa thuận Iran, bởi vì, ngoài nhiều thứ khác, các hành động bạo lực và làm bất ổn của Tehran đã phá hoại tinh thần của thỏa thuận và đặt an toàn của người Mỹ và đồng minh vào rủi ro. Theo đó, chúng tôi đang dẫn dắt đồng minh kiềm chế tham vọng cách mạng của Iran và chấm dứt chiến dịch khủng bố toàn cầu của Iran. Và chúng ta không cần một thể chế quan chức mới để làm điều đó. Chúng ta cần tiếp tục phát triển một liên minh để đạt được mục tiêu là bảo vệ người dân tại Trung Đông, Châu Âu và toàn thế giới an toàn khỏi mối đe dọa Iran.

Mỹ cũng đã đàm phán lại hiệp ước NAFTA để thúc đẩy lợi ích của người lao động Mỹ. Tổng thống Trump tự hào ký Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada tại G20 tuần trước tại Buenos Aires, và vào Thứ Sáu sẽ đệ trình lên Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm trước người dân Mỹ.

Hiệp ước mới cũng bao hàm các điều khoản tái đàm phán, bởi vì không có hiệp ước nào là phù hợp mãi mãi.

Chúng tôi cũng khuyến khích các đối tác G20 cải tổ WTO và họ đã có bước đi đầu tiên tốt đẹp tại Buenos Aires tuần trước.

Lúc trước, tôi đã nói về World Bank và IMF. Chính quyền Trump đang làm việc để tái tập trung vào các thể chế này, vào các chính sách thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, ngừng cho vay tới các quốc gia vốn đã có thể tự tiếp cận với thị trường vốn quốc tế như Trung Quốc và gây áp lực giảm việc trao tặng tiền bạc của người nộp thuế cho các ngân hàng phát triển vốn đã hoàn toàn có thể tự gọi vốn tư nhân.

Chúng tôi cũng có hành động lãnh đạo thực sự để ngăn chặn các phiên tòa quốc tế không tốt, giống như Tòa án Hình sự Quốc tế, trong việc phá hoại chủ quyền của chúng tôi cũng như chủ quyền của các bạn và tự do. Văn phòng công tố của tòa án này đã cố gắng mở cuộc điều tra vào giới chức Mỹ có liên hệ với cuộc chiến Afghanistan. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để bảo vệ công dân, các đồng minh trong NATO đã kề vai chiến đấu với chúng tôi tại Afghanistan chống lại việc bị truy tố bất công. Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu điều đó có thể xảy ra với công dân của chúng tôi, nó có thể với công dân của các bạn. Câu này có xứng được hỏi hay không: Liệu tòa Hình sự Quốc tế tiếp tục phụng sự mục đích ban đầu mà nó được tạo ra hay không?

2 năm đầu của Chính quyền Trump đã thể hiện rằng Tổng thống Trump sẽ không làm suy yếu các tổ chức này, ông cũng không từ bỏ vị thế lãnh đạo của Mỹ. Trái lại. Trong truyền thống tốt đẹp nhất của nền dân chủ vĩ đại của chúng tôi, Mỹ đang tập hợp các quốc gia cao quý trên thế giới để xây dựng một trật tự tự do mới nhằm ngăn cản chiến tranh và đạt được thịnh vượng cho tất cả.

Chúng tôi ủng hộ các tổ chức mà chúng tôi tin có thể được cải thiện; các tổ chức hoạt động vì lợi ích Mỹ – và các tổ chức của các bạn – phục vụ lợi ích chung của chúng ta.

Chẳng hạn tại đây, Bỉ năm 1973, ngân hàng từ 15 quốc gia đã thành lập SWIFT để phát triển tiêu chuẩn chung nhằm thanh toán qua biên giới, và hiện giờ nó là một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu.

SWIFT gần đây đã loại các ngân hàng Iran bị chế tài ra khỏi nền tảng của mình bởi những rủi ro không thể chấp nhận mà họ gây ra cho toàn bộ hệ thống. Đây là một ví dụ hoàn hảo cho sự lãnh đạo của Mỹ, phối hợp cùng với một tổ chức quốc tế trong một hành động có trách nhiệm.

Một ví dụ khác: Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, do 11 quốc gia ký dưới sự dẫn dắt của chính quyền Bush nhằm ngăn chặn buôn lậu vũ khí. Sáng kiến này đã phát triển lên 105 quốc gia chính thức và không nghi ngờ gì nó đã làm thế giới an toàn hơn.

Và tôi không thể quên, đứng ở đây là một trong những tổ chức quốc tế quan trọng nhất – tổ chức sẽ tiếp tục phát triển với sự lãnh đạo Mỹ. Trong chuyến công du đầu tiên của tôi, vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng, tôi đã tới đây để thăm các đồng minh NATO. Tôi sẽ lặp lại điều vừa nói sáng nay rằng NATO là một tổ chức không thể thay thế. Tổng thống Trump muốn tất cả mọi người chi trả công bằng để chúng ta có thể ngăn cản kẻ thù và bảo vệ người dân của tất cả chúng ta.

Để làm được điều đó, tất cả đồng minh NATO phải làm việc để làm mạnh hơn lực lượng đã là liên minh quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Chưa từng có một liên minh mạnh mẽ, hòa bình như thế này, và lịch sử chúng ta phải tiếp tục.

Để làm được thế, tôi vui mừng thông báo rằng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp các đồng nghiệp ngoại trưởng tại Washington vào tháng 4 sang năm, nơi chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO.

Khi bài phát biểu này sắp kết thúc, tôi muốn lặp lại điều mà George Marshall đã nói với Đại hội đồng LHQ vào lúc nó thành lập năm 1948. Ông nói “các tổ chức quốc tế không thể chen ngang vào nỗ lực cá nhân hoặc quốc gia hoặc của những ước mơ của địa phương hoặc riêng lẻ; một hành động quốc tế không thể thay thế cho sự tự giúp mình.”

Đôi khi, không dễ để bỏ qua cái gọi là nguyên trạng, để gọi mặt chỉ tên cái mà chúng ta đều thấy nhưng từ chối nói về chúng. Nhưng một cách thẳng thắn, nếu không làm vậy, quá nhiều thứ có thể bị mất đối với tất cả chúng ta trong khán phòng này. Đây là thực tế mà Tổng thống Trump rất hiểu.

Giống như thế hệ của George Marshall đã hy sinh mạng sống cho một ước vọng về một thế giới tự do và an toàn, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy trang bị sự dũng cảm như thế. Lời kêu gọi này là đặc biệt cấp bách – đặc biệt là trong hoàn cảnh những mối đe dọa chúng ta phải đối mặt từ những quốc gia hùng mạnh và các nhân tốt xấu, những người sở hữu tham vọng tái tạo trật tự thế giới theo hình ảnh phi tự do của họ.

Hãy làm việc cùng nhau để bảo vệ thế giới tự do, để nó tiếp tục phục vụ lợi ích của nhân dân, nơi mà mỗi chúng ta đều chịu trách nhiệm.

Hãy cùng tạo ra những tổ chức quốc tế nhanh gọn, tôn trọng chủ quyền quốc gia, thực hiện sứ mệnh như chúng được tạo ra và tạo ra giá trị cho trật tự tự do của thế giới.

Tổng thống Trump hiểu một cách sâu sắc rằng khi Mỹ dẫn đầu, tự do và thịnh vượng gần như chắc chắn sẽ theo sau.

Ông biết nếu Mỹ và đồng minh Châu Âu không dẫn dắt, những người khác sẽ làm điều này.

Nước Mỹ sẽ, như nó luôn là, tiếp tục nỗ lực cùng đồng minh trên thế giới, vì một trật tự tự do mà mỗi công dân của thế giới đều xứng đáng sống trong đó.

Cảm ơn các bạn vì đã tham gia cùng tôi hôm nay. Cầu Chúa phù hộ tất cả các bạn. Cảm ơn.

Trọng Đức biên dịch

Tags:
TT Trump sẽ đưa ra 'tuyên bố quan trọng' trước toàn nước Mỹ

TT Trump sẽ đưa ra 'tuyên bố quan trọng' trước toàn nước Mỹ

Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ đưa ra một tuyên bố quan trọng vào sáng Chủ nhật (giờ địa phương), trong bối cảnh tổng thống Mỹ đang "tứ bề thọ địch".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất