Điều gì xảy ra khi người di cư đến biên giới Hoa Kỳ?

Điều gì sẽ xảy ra ?

20:30 03/07/2019

Bức ảnh đau thương về hình ảnh hai cha con đang vai kề vai chết đuối dọc bờ sông Rio Grande, vùng biên giới Mỹ và Mexico làm rung động thế giới những ngày qua, đã minh họa cho những rủi ro mà người di cư sẵn sàng chấp nhận để có thể đặt chân lên đất Hoa Kỳ, theo AP. 

Đối với những người di cư thì vấn đề của họ khi đến biên giới nước Mỹ là chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi hàng tháng trời trước khi được chấp nhận đi vào lãnh thổ Mỹ – trừ khi họ bất chấp tất cả để vượt biên theo những con đường “tiểu ngạch”, một việc làm có thể nguy hiểm đến tính mạng khi phải băng qua những bãi cát rực lửa hay bơi qua con sông Rio Grande cuộn sóng quanh năm. 

Hai ngả đường

Mấy tháng gần đây, có hàng trăm nghìn người đã đặt chân đến biên giới nước Mỹ, nhiều gia đình trong số họ muốn chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói vùng Trung Mỹ. Khi họ đến đây, họ có 2 lựa chọn chính để có thể đặt chân vào lãnh thổ Hoa Kỳ. 

Một cách là bằng con đường chính ngạch, đó là họ đăng ký thông tin tại cơ quan biên phòng Hoa Kỳ, hay còn được gọi là cảng nhập cảnh và yêu cầu tị nạn. Điều đó mở đầu một quá trình pháp lý thường kéo dài hàng năm, trong đó họ phải chứng minh về lý do họ muốn xin tị nạn, như là nghèo đói, dịch bệnh, cưỡng bức, v.v.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện chính sách an toàn biên giới và giới hạn số lượng đơn xin tị nạn nhằm ngăn chặn đoàn người di cư đang đổ xô tới nước Mỹ. Một ước tính gần đây cho biết tổng số người chờ đợi được xem xét nhập cảnh vào Mỹ là khoảng 18.000 người. 

Nhiều người cảm thấy chán nản vì phải chờ đợi lâu. Vì vậy, họ có một cách tiếp cận khác thông qua con đường “tiểu ngạch”. Họ băng qua biên giới – một cách bí mật hoặc công khai – sau đó thì chờ bị bắt giam bởi cơ quan biên phòng Hoa Kỳ.

Như trong trường hợp hai cha con người di cư El Salvador chết trong bức ảnh đang gây sốt thời gian qua, anh Óscar Alberto Martínez Ramírez và con gái Valeria. Gia đình họ đã quyết định băng qua sông Rio Grande sau khi chờ đợi ở Mexico trong hai tháng để xin tị nạn.

Hai cha con người Salvador bị chết đuối khi đang cố băng qua biên giới Mexico – Mỹ (Ảnh: AP)

Bị bắt giữ nơi biên giới

Khi những người di cư vượt biên sang Hoa Kỳ, họ sẽ chờ đợi bị bắt giữ. Các nhân viên Biên phòng Hoa Kỳ sẽ đưa họ đến các cơ sở để tiến hành quy trình xử lý, gồm kiểm tra sức khỏe và kiểm tra lý lịch hình sự.

Những người di cư được cho là sẽ được thả trong vòng 72 giờ, tuy nhiên thậm chí thời gian bị giam giữ còn lâu hơn.

Các trẻ em di cư được phân thành hai loại và được đối xử khác nhau: Trẻ không có người đi kèm – nghĩa là chúng đến mà không có người lớn – và có những trẻ đến cùng cha mẹ. Trẻ em đi cùng họ hàng nhưng không phải cha mẹ thường bị tách khỏi người đó và được coi là trẻ không có người đi cùng.

Trẻ em không có người đi cùng được chuyển đến Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ, nơi có nhiều công ty và tổ chức phi lợi nhuận khác điều hành các nhà tạm trú. Các trẻ em có thể ở lại đó cho đến khi nhân viên phụ trách tìm thấy người thân hoặc cha mẹ phù hợp ở Hoa Kỳ để thả họ ra.

Đối với các gia đình có trẻ em, họ sẽ được chính quyền xem xét trong nhiều tuần, sau đó họ được thả tự do ở Hoa Kỳ để chờ đợi các quyết định về yêu cầu tị nạn của họ. Thông thường họ được thả ở các nơi tập trung cư trú tị nạn hoặc các tổ chức phi lợi nhuận ở các thành phố biên giới. Một số nhóm thiện nguyện và các tổ chức khác tham gia hỗ trợ những người chờ được tị nạn. Ví dụ, tại Phoenix, nhân viên cứu trợ xuất hiện tại các trạm xe buýt, thu xếp vé xe buýt hoặc đưa người di cư đến nơi trú thân.

Sau khi được thả

Nhiều gia đình được thả tự do ở Hoa Kỳ sẽ đến sống với người thân hoặc bạn bè. Họ được yêu cầu phải thông báo cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan biết họ sẽ ở đâu và trường hợp nhập cư của họ được chuyển đến tòa án nào gần nhất.

Các gia đình dự kiến ​​sẽ phải đến tòa án khi họ có được một phiên điều trần. Số liệu cho thấy hầu hết trong số họ làm như vậy, nhưng hệ thống tòa án bị tồn đọng đến mức phải mất nhiều năm để người nhập cư được giải quyết trường hợp xin tị nạn của họ.

Minh Thiện

Tags:
Trump muốn phô diễn tiêm kích, xe tăng mừng quốc khánh Mỹ

Trump muốn phô diễn tiêm kích, xe tăng mừng quốc khánh Mỹ

Tổng thống Mỹ đề xuất kế hoạch phô trương sức mạnh quân sự trong lễ kỷ niệm ngày 4/7, khác biệt với những người tiền nhiệm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất