Đường chông gai lấy 2 bằng đại học Mỹ của cậu bé bị đẻ rơi vì tai nạn

Chánh Quân từng bó hai chân để tập cho tay gõ được máy tính, leo hơn 1.000 bậc núi chứng minh có sức khỏe đi thi.

10:04 05/07/2017

Giữa tháng 5 vừa qua, Đại học Georgia Gwinnett tổ chức lễ tốt nghiệp niên khóa 2013-2017. Cái tên Trần Mạnh Chánh Quân vang lên. Một chàng trai đẩy xe lăn tiến vào. Những tiếng vỗ tay từ xa dội gần, theo vòng lăn bánh xe, rồi giòn giã vào khoảnh khắc Chánh Quân được trao hai bằng về IT và toán.

Trước đó vào tháng 4, chàng du học sinh Việt còn được trường vinh danh "Unsung Hero" (Người hùng thầm lặng) vì tấm gương truyền cảm hứng và lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh. 

Nhưng trước khi có vị thế như bây giờ, chàng trai quê Châu Đức (Vũng Tàu) không có xuất phát điểm như bao người, mà lùi phía sau với căn bệnh bại não. Quân đã từng họa về mình:

Cho ta chân mà không trụ nổi mình

Cho ta mắt mà không cho nhìn thẳng

Cho cái đầu treo lúc lắc mà kinh...

Tháng 7/1992, khi chạy xe qua con đường gập ghềnh ở thị trấn Ngãi Giao (Châu Đức), chị Vinh Sơn bị ngã khi đang mang bầu 7 tháng. Cậu bé Chánh Quân ra đời sau tai nạn đó và mắc bệnh bại não, không thể cử động các cơ như bình thường.

Đến 3 tuổi Quân vẫn không thể ngồi. Chị Sơn cùng chồng kiên trì tập vật lý trị liệu cho con. Từng chút một, đôi bàn tay vốn luôn bẻ quặt ra phía sau dần được kéo ra phía trước, bàn tay mềm hơn và có phản ứng với đồ vật, dù chỉ thành công với tay trái.

duong-chong-gai-lay-2-bang-dai-hoc-my-cua-cau-be-bi-de-roi-vi-tai-nan

Quân tập vận động cơ tay năm 2 tuổi. Ảnh: NVCC.

Từ năm 4 tuổi, Quân có thể đứng. Để tập đi, bố mẹ đã nẹp hai chân cậu bé lại rồi xốc nách dắt đi. Mỗi bước đi là đau con, xót mẹ. Nhưng suốt 7 năm liền, ngày nào hai mẹ con cũng phải đi quãng đường 1,5 km.

"Nhiều lúc con đau đớn, van xin mẹ tha cho nhưng tôi kiên quyết bắt con phải tập. Có lúc con tập đi bị ngã, vết thương mới chồng vết thương cũ, tôi không kìm được khóc tu tu. Mỗi lúc vậy, thằng bé lại động viên: 'Con không sao cả. Có ngã thì con mới đi được'", người mẹ hiền, sụt sùi nhớ lại.

Ban đầu vợ chồng chị không muốn cho Quân tới trường, nhưng ngay từ ngày nhỏ Quân đã bộc lộ tính cầu tiến và hòa nhập. "Năm 7 tuổi tôi xin cho con học lớp 1, song cháu bảo đã học rồi không học lại mà muốn vào luôn lớp 2", chị Sơn kể.

Lúc bấy giờ, một chữ Quân viết chiếm cả trang giấy. Sau một thời gian cậu học được cách dùng chân giữ vở, tay trái viết mà vẫn không khá hơn. Các bạn chỉ dùng một cuốn vở thì Quân phải dùng tới 3.

Cuối lớp 5, cậu được sắm cho một chiếc máy vi tính. Để có thể gõ chữ, Quân nhờ bố mẹ cột hai chân lại, ép buộc các ngón tay phải hoạt động. Vài tháng trời như vậy, cậu đã thành thạo dùng 3 ngón tay trái gõ bàn phím, thay vì ngón chân như ban đầu.

duong-chong-gai-lay-2-bang-dai-hoc-my-cua-cau-be-bi-de-roi-vi-tai-nan-1

Chị Sơn bên con trong lễ tốt nghiệp vừa qua. Ảnh: NVCC.

Năm cuối cấp hai, gia đình lại hoảng hốt nữa khi Quân nói muốn thi vào trường chuyên và học xa nhà. Biết tình trạng của con, chị Sơn không muốn con học nhiều, chỉ cần biết chữ đọc sách báo là đủ, còn lại rèn luyện sức khỏe. Song, trước sự kiên định của con, người mẹ này lại bị thuyết phục.

"Tôi dẫn cháu đến gặp hiệu trưởng và nhờ thầy khuyên thằng bé. Nhưng Quân nói với thầy 'Con không thấy ở ngoài đề bảng cấm người khuyết tật thi'. Lần này thầy hiệu trưởng đồng ý", chị Vinh Sơn nhớ lại.

Một tháng hè năm 2007, chị đồng hành cùng con lên thành phố ôn luyện. Được học với thầy cô giỏi, Quân như "cá gặp nước". Kỳ thi vào trường chuyên năm đó cậu đạt điểm 9,5 điểm môn chuyên.

Dù thế vẫn có thời điểm gia đình, nhà trường lo ngại sức khỏe của Quân nên không cho cậu tham gia thi cử. Trong cuộc thi Olympic quốc gia năm lớp 11, Quân đã trốn gia đình ra chân núi Tao Phùng (sau TP Vũng Tàu) nhích từng chút một, ngã rồi lại đứng lên, vượt qua 1.000 bậc thềm. Lên tới đỉnh, cậu lấy ngay điện thoại ra nhắn tin cho thầy giáo và cha mẹ:

"Em đã chinh phục được đỉnh núi. Em đã vượt qua chính mình. Em hoàn toàn có đủ sức khỏe để đi thi..."

Khi chị Sơn chạy đến, con trai chị người đầy vết xước. Thầy giáo của Quân cũng ứa nước mắt thương em học trò. Song, lần này sự "cứng đầu" của Quân vẫn không thuyết phục được mọi người cho tham gia. Sau đó không lâu, dù có đạt giải nhất cấp tỉnh nhưng Quân vẫn xem như mình đã thất bại.

"Mỗi lúc như vậy, tôi bảo con đừng buồn. Chiến thắng cũng như tia chớp, chợt sáng rồi chợt tắt. Quan trọng con biết mình đã cố hết sức là được rồi", chị nói.

Vì dành mọi thời gian để học hành, tập luyện nên Quân không có thời gian chơi đùa như bạn bè. Trước cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12, Quân đã nói với gia đình: "Con muốn một không gian yên tĩnh, con không muốn ăn Tết, con không cần chơi Tết, con không muốn bị ai làm phiền". Thế là cậu đóng cửa ôn luyện. Năm đó, Quân đạt giải khuyến khích Tin học quốc gia.

duong-chong-gai-lay-2-bang-dai-hoc-my-cua-cau-be-bi-de-roi-vi-tai-nan-2

Chánh Quân được trao danh hiệu "Anh hùng thầm lặng" vì nghị lực sống tuyệt vời và lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh. Ảnh: NVCC.

Tốt nghiệp cấp 3, Quân được trường Utica college ở New York (Mỹ) bảo lãnh sang học. Hai mùa đông học ở đây, chàng trai đã trải qua muôn vàn khó khăn khi phải tự lo ăn uống, giặt giũ. Khó khăn nhất là mùa đông quá khắc nghiệt, xe lăn thường xuyên bị mắc kẹt trong tuyết.

"Ở Mỹ chỉ những người có nghiệp vụ mới được giúp người khuyết tật, nên nếu chẳng may mắc kẹt chờ được người tới giúp thì Quân cũng đã đông cứng mất rồi", chị Sơn xót lòng mỗi lúc biết con trải qua khổ cực.

Năm 2013, Quân thôi học ở Utica college, chuyển sang học trường Georgia Gwinnett - nơi có thời tiết dễ chịu hơn và gần với họ hàng. Tại đây, cậu đã nổi tiếng cả trường vì thành tích học tập và nghị lực sống truyền cảm hứng.

Có đợt mưa gió ở đây kéo dài triền miên. Nhiều lần Quân phải một tay giữ ô, một tay điều khiển xe với lực nhanh nhất đến được nơi trú ngụ. "Có khi sức mình không đấu được sức gió nên vứt cả ô luôn. Lạnh, ướt không sao mà chỉ sợ laptop hỏng, mất đi dữ liệu", chàng trai nói.

Chàng trai bại não cũng từng được Google phỏng vấn tuyển dụng, dù chưa có kết quả, song đây được coi như là một sự kiện chấn động. Quân cũng tham gia nhiều các cuộc thi về lập trình và gây được tiếng vang.

Tháng 7 này, Chánh Quân sẽ về nước nghỉ một thời gian, sau đó tiếp tục sang Mỹ hoàn thành các dự án còn dang dở. Chàng trai trẻ dự định sẽ về nước làm việc một khi cậu có đủ sức mạnh đứng được trên đôi chân của mình.

Tags:
Giấu xác vợ trong tủ đá 8 năm để lãnh tiền an sinh xã hội

Giấu xác vợ trong tủ đá 8 năm để lãnh tiền an sinh xã hội

Một người đàn ông ở tiểu bang Florida đã giấu thi thể của vợ mình trong ngăn đá 8 năm trời nhằm lấy tiền an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất