‘FBI giả’ lừa tiền du học sinh: Nạn nhân lên tiếng

Ông ta nói có một vài giấy tờ của em bị trục trặc với Sở Di Trú do nộp trễ, và FBI đang trong quá trình hoàn tất thủ tục truy tố, có thể hủy bỏ mọi kết quả học tập, trục xuất em về nước, trừ khi em phải đóng tiền phạt phí trả muộn cho họ.”

21:36 10/02/2017

WESTMINSTER (NV) – “Một người đàn ông gọi vào điện thoại di động của em, xưng là ‘Agent Johnson’ của FBI. Ông ta nói có một vài giấy tờ của em bị trục trặc với Sở Di Trú do nộp trễ, và FBI đang trong quá trình hoàn tất thủ tục truy tố, có thể hủy bỏ mọi kết quả học tập, trục xuất em về nước, trừ khi em phải đóng tiền phạt phí trả muộn cho họ.”

Q., một sinh viên du học vừa tốt nghiệp Cal State Fullerton, đã nhận được một cú được thoại như thế vào sáng ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng vừa qua, để rồi sau đó, dù đã dặn lòng “coi chừng đây là vụ giả mạo” nhưng em cũng trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo với số tiền bị mất ngót nghét $7,000.

“Sau khi sự việc xảy ra, em thấy mình quả là ngớ ngẩn, nhưng em muốn kể lại câu chuyện này để hy vọng giúp nhiều người khác không bị rơi vào trường hợp giống như em,” người sinh viên không muốn nêu đầy đủ tên thật của mình, nói với báo Người Việt.

Từ lời “hăm dọa” trục xuất về nước

Q. nhớ lại, “Hôm đó khoảng gần 9 giờ rưỡi sáng, em nhận được một cuộc gọi đến, mà số máy bên kia chỉ hiện lên có ba số là 276. Người gọi đến xưng là ‘Agent Johnson’ của FBI.”

Theo lời của Q., người xưng là điều tra viên từ FBI (Cảnh sát điều tra liên bang) “thông báo” cho Q. biết rằng “Em là du học sinh, em đã không nộp mẫu đơn 8863 đúng thời hạn, tức hạn chót phải nộp là Tháng Ba, 2016. Và vì sự chậm trễ này nên họ làm đang tiến hành làm hồ sơ truy tố em, em có thể bị hủy hết kết quả học tập và trục xuất về nước.”

“Khi đó em không hề biết mẫu đơn 8863 mà người đàn ông đó đang đề cập đến là gì, nhưng nghe kết quả học tập bị hủy bỏ và có thể bị trục xuất về nước thì em thực sự lo lắng,” Q. nói.

Q. cho biết thêm, “Họ không có hỏi thêm thông tin về em, bởi vì họ tỏ ra biết tất cả mọi thứ có liên quan đến em, trường em học, địa chỉ em ở…”

“Lo lắng, nhưng em vẫn cảm thấy có điều nghi ngờ nên hỏi lại là liệu đây có phải là sự giả mạo không, thì ông ta bảo đây không phải là giả mạo mà là cuộc gọi chính thức từ FBI, nói xong ông ta cúp phone, rồi ngay sau đó ông ta gọi lại bằng số điện thoại 510-808-2600 và nói đây là số từ FBI tại Oakland, California, kêu em lên Google xác minh.” Q. kể tiếp.

Vừa tiếp tục cuộc điện đàm với “Agent Johnson,” Q. vừa vào tìm kiếm trên máy tính thì thấy trên Google có hiện lên “Federal Bureau-investigation in Oakland, CA – 510-808-2600.” Q. cho rằng đồng thời cùng lúc đó em nghe có những tiếng ồn ào từ phía bên kia vọng lại như “Đây là cơ quan điều tra liên bang ở Oakland, California… Trong trường hợp khẩn cấp quý vị hãy gọi 9-1-1…”

“Những điều đó khiến em tin rằng đây không phải là giả,” chàng sinh viên vừa tốt nghiệp thừa nhận.

Theo lời Q., viên thanh tra từ FBI tiếp tục cung cấp cho em biết số hồ sơ của em là gì, tên người phụ trách trường hợp của em là ai để liên lạc khi cần, và “ông ta yêu cầu em phải đóng một số tiền để họ hủy bỏ lệnh truy tố.”

Để tiếp tục “củng cố” thêm mức độ “nguy hiểm” mà Q. đang gặp phải, người xưng là “Agent Johnson” đó tiếp tục chuyển Q. qua nhiều đường dây điện thoại để nói chuyện thêm với một số người khác nữa.

“Có người xưng là ở Bộ Nội An (United States Department of Homeland Security), có người thì nói ở Sở Thuế IRS, người thì ở Văn phòng Điều Tra Liên Bang. Tất cả họ đều nói chuyện với em cùng nội dung như ‘Agent Johnson’ nói, là em có thể bị truy tố vì nộp trễ mẫu đơn 8863, yêu cầu em phải nộp ngay một khoản lệ phí là $6,900 và đến cuối ngày em đến văn phòng của họ ở Long Beach thì họ sẽ hoàn trả lại cho em $6,400, tức là em chỉ còn phải đóng phạt $500 mà thôi,” Q. nhớ lại.

Cách thức “nộp tiền phạt”

Q. cho biết, người xưng là điều tra viên FBI kia đã buộc em phải giữ cuộc điện đàm liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ, “những khi điện thoại vừa tắt vì một lý do nào đó, là ông ta gọi lại ngay lập tức.”

Q. kể tiếp, “Ông ta bảo em vì ca này mang tính Liên Bang chứ không phải của riêng tiểu bang California nên hình thức chi trả khoản phí ấy, đối với em, là không thể dùng thẻ tín dụng thông thường, mà phải mua những thẻ quà tặng ‘gift cards’ từ Walmart hay Target, bởi vì những nơi ấy là tập đoàn đa quốc gia thì khoản tiền ấy mới có giá trị chính thống khi nộp lên Liên Bang.”

Theo yêu cầu của người xưng từ FBI, Q. đã đến hai tiệm Target khác nhau để mua bốn thẻ quà tặng, trong đó hai thẻ có mệnh giá $2,000 mỗi thẻ, một thẻ $1,950 và một thẻ $950.

“Tại sao phải mua thẻ với các mệnh giá đó em cũng không biết, em chỉ làm theo lệnh của ông ấy,” Q. nói.

'FBI giả' lừa tiền du học sinh: Nạn nhân lên tiếng
Yêu cầu nạn nhân mua thẻ quà tặng rồi đọc mã số thẻ qua điện thoại là một trong những hình thức lừa gạt của kẻ bất lương (Hình minh họa: Getty Images)

Q. nhớ lại, “Khi em nói cho ông ta biết em mua xong, thì ông ta bảo muốn kiểm tra xem những tấm thẻ đó có thật hay không bằng cách em đọc cho ông ta những mã số có trên thẻ. Sau đó, ‘Agent Johnson’ cho em địa chỉ kêu em đến văn phòng ở Long Beach để nhận lại tiền, và vẫn giữ phone liên lạc.”

“Tuy nhiên, khi đi được nửa đường, em nhận ra phía bên kia máy hình như không còn người nghe. Khi đó đã là 2 giờ 30 chiều. Em tắt phone, rồi gọi lại. Bên kia là giọng một phụ nữ nói ‘đây là văn phòng FBI, anh cần trình báo điều gì?’ Em nói cần gặp lại ‘Agent Johnson từ Okland, California.’ Cô kia kiểm tra một lúc trả lời không có ai là ‘Agent Johnson’ hết,” Q. kể.

Người phụ nữ trên điện thoại nói với Q. rằng “có thể đây là một vụ lừa đảo, hãy đi trình báo cho cảnh sát.” (Nếu đây đã là văn phòng cảnh sát điều tra liên bang, và có kẻ giả mạo FBI, thì tại sao lại còn yêu cầu nạn nhân đi trình báo cảnh sát?)

Ngay khi nghe như vậy, Q. đã hiểu liền cớ sự. “Em quay trở lại những tiệm đã mua thẻ quà tặng với hy vọng có thể trả lại, nhưng họ nói tiệm không có quy định cho việc trả lại ‘gift cards’. Em nhờ họ kiểm tra lại số tiền trong thẻ thì tất cả đều đã là 0.”

Dĩ nhiên, sau đó Q. đến trình báo tại văn phòng cảnh sát ở Fullerton. “Cảnh sát Fullerton nói việc nhóm người kia biết nhiều thông tin về em, biết em là sinh viên du học là điều rất đáng lo ngại,” Q. cho biết thêm.

Đồng thời, Q. cũng liên lạc với trường Cal State Fullerton để hỏi thì được biết “mẫu đơn 8863 mà nhóm người kia đề cập là có thật, nhưng em không phải làm gì với mẫu đơn đó, em không có gặp trục trặc gì về hồ sơ giấy tờ hết.”

Q. giãi bày, “Ngay khi biết mình bị lừa, em cảm thấy khá là buồn cười cho bản thân em. Bởi vì bình tĩnh suy nghĩ lại thì thấy chuyện này khá là ngớ ngẩn, nhưng có thể do em vừa tốt nghiệp, mà họ lại bảo việc này có thể dẫn đến hủy bỏ kết quả học của em nên khiến em lo sợ và không còn sáng suốt nữa.”

Quả thật, khi công nghệ phát triển thì càng lúc các kiểu lường gạt càng trở nên tinh vi hơn. Đôi khi bản thân nạn nhân vẫn tự nhắc mình “coi chừng bị lừa” mà vẫn trở thành con mồi của những kẻ bất lương.

Nổ nhà máy ở Mỹ, hàng chục người thương vong

Nổ nhà máy ở Mỹ, hàng chục người thương vong

Một vụ nổ lớn vừa xảy ra tại nhà máy thuộc Tập đoàn Đóng gói Mỹ ở Beauregard Parish, bang Louisiana, Mỹ khiến 3 người thiệt mạng, 7 người bị thương.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất