FBI hoạt động như thế nào?

FBI là cơ quan an ninh Mỹ với vai trò trọng tâm là chống khủng bố và tham nhũng, có tiêu chuẩn tuyển dụng rất khắt khe.

19:30 14/05/2017

Trụ sở FBI. Ảnh: FBI

Cục Điều tra Liên bang (FBI) là cơ quan an ninh và tình báo nội địa Mỹ, đồng thời đóng vai trò như cơ quan thực thi pháp luật liên bang của quốc gia. FBI trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, báo cáo cho cả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và Giám đốc Tình báo Quốc gia. Với tư cách là cơ quan chống khủng bố, phản gián, và điều tra hình sự hàng đầu của Mỹ, FBI có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hơn 200 danh mục về tội ác liên bang.

FBI là cơ quan chủ yếu hoạt động trong nước, có trụ sở tại Tòa nhà J. Edgar Hoover, Washinton, với 56 văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và hơn 400 cơ quan thường trú tại các thành phố nhỏ hơn và các khu vực trên toàn quốc.

FBI cũng duy trì một dấu chân quốc tế quan trọng, vận hành hơn 60 văn phòng tùy viên pháp lý và hơn một chục văn phòng nhỏ trên toàn cầu. Những văn phòng ở nước ngoài tồn tại chủ yếu với mục đích phối hợp với cơ quan an ninh nước ngoài của Mỹ và thường không tiến hành hoạt động đơn phương ở nước sở tại.

FBI được thành lập vào năm 1908 với tên gọi Cục Điều tra và được đổi tên thành Cục điều tra Liên bang năm 1935. Giám đốc FBI đầu tiên là J. Edgar Hoover, phục vụ 48 năm từ năm 1924 đến 1972 (tính cả quãng thời gian từ khi FBI còn có tên gọi là Cục Điều tra). Sau khi ông qua đời, quốc hội Mỹ thông qua luật giới hạn nhiệm kỳ giám đốc FBI là 10 năm.

FBI được tổ chức thành Văn phòng Giám đốc (bao gồm nhiều văn phòng hành chính đi kèm) và các nhánh dựa vào chức năng. Đứng đầu mỗi nhánh là trợ lý điều hành. Một số nhánh báo cáo lên phó giám đốc FBI trong khi các nhánh còn lại báo cáo lên trợ lý phó giám đốc.

Sơ đồ tổ chức FBI năm 2014. Đồ họa: FBI (Click vào hình để xem kích cỡ đầy đủ)

Nhiệm vụ chính của FBI là chống khủng bố, phản gián, bảo vệ quyền công dân, điều tra tấn công mạng, tham nhũng, tội phạm cổ cồn trắng, tội phạm có tổ chức, tội phạm bạo lực.

Ngoài ra, FBI còn phòng chống, đối phó và điều tra các vụ việc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, FBI hợp tác, hỗ trợ các cơ quan hành pháp khác, chẳng hạn như nhận dạng dấu vân tay, kiểm tra trong phòng thí nghiệm và đào tạo. Họ cũng tập hợp, chia sẻ và phân tích thông tin tình báo, để hỗ trợ việc điều tra của mình và đối tác nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh Mỹ phải đối mặt.

FBI có hơn 30.000 đặc vụ, chuyên gia và các nhân viên khác. Người ứng tuyển vào FBI phải ở độ tuổi 23 đến 37, cựu quân nhân có thể được ưu tiên ứng tuyển sau 37 tuổi. Họ phải là công dân Mỹ, có lý lịch tốt và có bằng cử nhân hệ 4 năm.

Tất cả nhân viên FBI đều được yêu cầu kiểm tra an ninh tối mật (kiểm tra lý lịch, các chuyến đi nước ngoài, tài sản, tính cách...). Ứng viên đặc vụ phải vượt qua bài kiểm tra thể chất bao gồm chạy 300 m, 1 phút làm động tác đứng lên ngồi xuống, hít đất hết sức và chạy 2.4 km. Ngoài ra ứng viên phải vượt qua đợt kiểm tra tim mạch với các câu hỏi về tiền sử sử dụng ma túy.

Hoạt động đào tạo nhân viên của FBI

Giám đốc FBI được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ và phải được Thượng viện Mỹ thông qua. Giám đốc FBI chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày tại FBI. Cùng với phó giám đốc, giám đốc đảm bảo các vụ việc và các hoạt động được xử lý một cách chính xác, đồng thời đảm bảo các văn phòng đại diện của FBI được lãnh đạo bởi người đủ trình độ. 

Kể từ khi J. Edgar Hoover trở thành giám đốc FBI đầu tiên vào năm 1924, ông đã khẳng định đây là cơ quan phi đảng phái và chỉ đơn giản là có trách nhiệm tìm hiểu sự thật.

Theo NYTimes, giám đốc FBI phải là người trung lập về mặt chính trị, không thể hiện lòng trung thành hay nghiêng về bất kỳ đảng nào. Điều này giải thích vì sao quốc hội Mỹ thông qua luật quy định thời gian làm việc của giám đốc FBI là 10 năm, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ tổng thống nào.

Tuy hoạt động như một phần của Bộ Tư pháp Mỹ, FBI được biết đến là một trong những cơ quan độc lập nhất trong nhánh hành pháp.  Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, tổ chức phi chính phủ chuyên về giải thích hiến pháp Mỹ, gọi vị trí giám đốc FBI là "một trong những quan chức độc lập nhất trong chính quyền liên bang". 

Giám đốc FBI gần đây nhất là James B. Comey, người được bổ nhiệm vào năm 2013 bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông bị sa thải bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/5 với lý do làm việc không hiệu quả.

Trump nói về quyết định sa thải Comey

Ông Comey đã gây tranh cãi với cách xử lý bê bối email cá nhân của Hillary Clinton. Comey tổ chức một cuộc họp báo vào tháng 7/2016 để tuyên bố rằng ông và các đặc vụ đã khuyến nghị Bộ Tư pháp không đưa ra cáo buộc chống lại Clinton hoặc phụ tá của bà, dù chỉ trích rằng hành động của bà là rất bất cẩn.

Hành động này đã được nhiều người đảng Dân chủ hoan nghênh. Điều đáng chú ý là Comey đã không bàn bạc với Bộ Tư pháp Mỹ mà tự thông báo. Đây được cho là lần đầu tiên FBI tiết lộ công khai khuyến nghị của mình với Bộ Tư pháp Mỹ.

Tháng 10/2016, Comey gửi thư lên quốc hội thông báo rằng FBI đang xem xét những email mới được phát hiện trên máy tính của phụ tá Clinton, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử. Clinton và các nghị sĩ chủ chốt của đảng Dân chủ cho rằng động thái này đã góp phần dẫn đến thất bại của bà.

Hành động của Comey trong việc tổ chức họp báo và gửi thư có thể bị coi vi phạm nguyên tắc cấm tiết lộ thông tin về điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, đặc biệt là những thông tin có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, theo Washington Post.

Trong thư đề nghị sa thải Comey gửi lên Tổng thống Trump, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein cho rằng các hành động của Comey là sai vì giám đốc FBI không có chức năng đưa ra tuyên bố như vậy.

FBI có nghĩa vụ điều tra và Bộ Tư pháp có nghĩa vụ quyết định có buộc tội hay không, Rosenstein giải thích. Thay vào đó, Comey "công bố kết luận riêng của mình về cuộc điều tra hình sự nhạy cảm nhất quốc gia, mà không được phép của lãnh đạo Bộ Tư pháp", ông viết.

Sa thải không cần lý do

Hồi tháng ba, ông Comey thông báo FBI đã mở cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, bao gồm điều tra bản chất của bất kỳ liên kết nào giữa cá nhân liên quan đến chiến dịch của Trump với chính phủ Nga. Hoạt động này nằm trong thẩm quyền của FBI vì đây là điều tra phản gián. Việc Comey bất ngờ bị sa thải làm dấy lên nghi vấn rằng ông Trump đang cố tình gây cản trở cho cuộc điều tra này.

Comey thông báo điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nằm trong tầm ngắm điều tra của FBI. Năm 1983, FBI từng điều tra cáo buộc đội ngũ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan xem trước tài liệu chuẩn bị của đối thủ Jimmy Carter (người tiền nhiệm của Reagan) trong cuộc tranh luận năm 1980. Chính quyền Bush cũng từng là đối tượng của một cuộc điều tra FBI về việc để lộ danh tính của đặc vụ Cục Tình báo Trung ương (CIA).  

Tổng thống Mỹ được quyền sa thải giám đốc FBI mà không cần nêu lý do, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội. Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng sa thải giám đốc FBI William Sessions sau khi Văn phòng Trách nhiệm Nghề nghiệp của Bộ Tư pháp Mỹ kết luận ông này có hoạt động trái với đạo đức công vụ, theo Newsweek.

Scott Bomboy, từ Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, giải thích rằng hiến pháp Mỹ quy định tổng thống Mỹ có thẩm quyền chỉ định nhân lực cho nhánh hành pháp với sự chấp thuận của quốc hội. "Một khi người đó được chấp thuận, thì tổng thống, tức người đứng đầu nhánh hành pháp của Mỹ, có toàn quyền định đoạt tình trạng việc làm của họ", ông nói.

Phương Vũ

FBI điều tra hành vi kỳ thị tại American University

FBI điều tra hành vi kỳ thị tại American University

Văn phòng Điều Tra Liên Bang FBI đang giúp trường đại học American University ở Washington, DC điều tra về việc những quả chuối bị treo dây thòng lọng ở khuôn viên trường trong tuần này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất