Gánh nợ trăm nghìn đô đè nặng bác sĩ tương lai

Sinh viên y khoa Mỹ, Anh phải mang gánh nợ lên tới hàng trăm nghìn USD học phí, trong khi khoản này ở Đức và các nước châu Á tương đối “dễ thở”.

22:30 08/06/2020

Claire Rhee hiện là sinh viên năm ba tại Đại học Y khoa Stanford. Trước đó, cô gái 24 tuổi phải chi gần 9.000 USD cho kỳ thi MCAT (bài tuyển sinh ngành y toàn quốc), lệ phí nộp đơn tại 15 trường và các khoản tiền liên quan khác. Đến khi nhập học, cô bắt đầu vật lộn với vấn đề tài chính.

“Tôi đã tiết kiệm nhất có thể, nhưng vẫn cảm thấy cực kỳ căng thẳng”, cô nói.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động, trung bình, bác sĩ có thu nhập khoảng 208.000 USD một năm, tùy thuộc vào ngành học. Song con đường đến với công việc được trả lương cao không trải hoa hồng.

Từ lâu, những người tốt nghiệp ngành y ở Mỹ đã quen thuộc với các khoản nợ sinh viên, có khi lên đến hàng trăm nghìn USD. Rhee không phải trường hợp cá biệt.

Sinh viên tại Trường Y Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Harvard University

Sinh viên tại Trường Y Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Harvard University

Học phí ngành y tại nước này luôn ở mức cao nhất thế giới. Cách đây 10 năm, sinh viên đã phải chi trả từ 35.000 đến 50.000 USD để được đào tạo tại các đại học công lập. Đến nay, khoản nợ trung bình của họ có khi lên tới 200.000 USD.

Ví dụ, tiền học tại Đại học Y khoa Khối thịnh vượng chung ở Pennsylvania là khoảng 62.000 USD một năm. Trong khi đó, sinh viên Đại học Y Harvard tốn khoảng 54.000 USD trong năm nhất. Số tiền ban đầu có thể dao động, tùy thuộc vào các khoản hỗ trợ tài chính, học bổng, trợ cấp…

Bên cạnh đó là hàng trăm USD cho kỳ thi MCAT và các tài liệu ôn tập, hàng nghìn đô cho ứng dụng học tập, thiết bị y tế, chưa kể chi phí sinh hoạt, đi lại và ăn ở. Đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Tháng 12/2019, Tập đoàn Giáo dục Kaplan đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 349 sinh viên cả nước. Kết quả cho thấy 47% tin rằng đại học y khoa nên thực hiện miễn giảm học phí. 19% khác gợi ý các trường hỗ trợ nhữg người đến từ gia đình thu nhập thấp.

Santiago Bejarano Hernandez là sinh viên năm nhất Trường Y Đại học Bắc Carolina (UNC). Anh xuất thân từ một gia đình trung lưu, đã tốt nghiệp tại Đại học Duke năm 2016. Dù nhận được học bổng toàn phần, anh vẫn phải vay khoảng 20.000 USD để trang trải cho các chi phí sinh hoạt khác như ăn ở và bảo hiểm.

Sau khi Hiệp hội Các trường Cao đẳng Y tế Mỹ cung cấp gói Hỗ trợ Chi phí, giúp đỡ sinh viên giải quyết các rào cản tài chính, Hernandez vay thêm 1.000 USD trả tiền mua sách.

Là một sinh viên có điều kiện kinh tế thấp hơn bạn bè, các chi phí bổ sung trong quá trình học tập trở thành nỗi ám ảnh đối với anh.

“Những suy nghĩ ấy cứ bủa vây tâm trí tôi. Khi nhìn thấy một chiếc ống nghe tim phổi, tôi lập tức tự bảo với bản thân ‘Đó là khoản tiền rất lớn đấy'”, anh chia sẻ.

Học phí của UNC là 70.920 USD một năm cho sinh viên trong bang và 98.314 USD đối với những người ngoài bang.

Tình trạng tương tự xảy ra ở Anh. Học phí hàng năm tại đây là khoảng 11.300 USD. Hầu hết, sinh viên y khoa mất 5 năm để ra trường.

Theo một nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal), bác sĩ tốt nghiệp trường y không có khả năng hoàn trả các khoản nợ sinh viên, đôi khi lên tới hơn 80.000 USD với lãi suất 3% một năm.

Sinh viên Trường Y Đại học Oxford, Anh. Ảnh: University of Oxford

Sinh viên Trường Y Đại học Oxford, Anh. Ảnh: University of Oxford

“Giáo dục về y tế nên chú trọng vào việc đào tạo một bác sĩ tuyệt vời, chứ không phải khả năng chi trả. Các khoản phí nói trên sẽ tạo thành gánh nặng tài chính nghiêm trọng đối với gia đình thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhiều người có thể bị ảnh hưởng trong các cuộc suy thoái, hoặc sẵn sàng quay lưng với khát vọng của con cái”, Tim Crocker-Buqué, chủ tịch Ủy ban Sinh viên của Hiệp hội Y tế Anh, cho biết.

Mark Taylor, một thí sinh dự tuyển ngành y tại Anh, chia sẻ: “Tôi luôn muốn trở thành bác sĩ, nhưng chưa ai trong gia đình từng học đại học. Tôi lo rằng nếu mức học phí tăng, tôi sẽ phải tìm một công việc bán thời gian để trang trải, và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập”.

Trong khi đó ở Đức, mức học phí của ngành y lại tương đối “dễ thở”. Nhiều sinh viên chỉ phải bỏ ra vài nghìn đô la cho toàn bộ quá trình đào tạo và tốt nghiệp.

Theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia, trước đây, nhiều trường đại học thậm chí không thu bất kỳ khoản phí nào trong quá trình đào tạo. Số tiền cho các chương trình sau đại học cũng rất ít, ước tính khoảng 7.000 USD mỗi năm.

Tại Đông Âu, học phí ngành y, nha khoa hoặc thú y ở Armenia, Gruzia, Serbia, Ukraine, Rumania và Bulgaria là thấp nhất. Mỗi năm, sinh viên chỉ phải trả khoảng hơn 2.900 USD.

Chi phí học y tại châu Á nhìn chung thấp hơn đáng kể so với các nhóm trường ở phương Tây như Mỹ hoặc Anh. Người dân cũng không quen thuộc với khái niệm “nợ sinh viên”.

Ở Trung Quốc, lệ phí nộp đơn để thi đầu vào dao động từ 90 đến 150 USD, tùy ngành học, nhưng thường không vượt quá 200 USD. Số tiền cũng tùy thuộc vào mức độ phổ biến của trường. Mức học phí dao động từ 3.300 USD đến 9.900 USD một năm.

Tại Singapore, ước tính, sinh viên sẽ phải chi trả ít nhất 6.000 USD để theo học các đại học y chất lượng. Tuy nhiên, khoản tiền có thể tăng lên theo mức độ nổi tiếng của trường. Ví dụ, học phí tại Đại học Quốc gia Singapore là hơn 10.000 USD mỗi năm. Đây là ngôi trường xếp hạng 23 cả nước.

Sinh viên y khoa Hàn Quốc dường như cũng không phải “đau đầu” với nỗi lo tài chính. Các đại học công lập có học phí từ 1.700 đến 4.000 USD, xấp xỉ nhóm trường tư nhân. Mức trung bình hàng năm tại 16 trường xếp hạng quốc tế ở thủ đô Seoul là 6.800 USD.

Thục Linh (Theo CNBC, Daily Tar Heel, Guardian, Dress A Med)

Tags:
Nghị sĩ Mỹ 'tố' Trung Quốc phá hoại nỗ lực phát triển vắc xin Covid-19

Nghị sĩ Mỹ "tố" Trung Quốc phá hoại nỗ lực phát triển vắc xin Covid-19

Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách cản trở quá trình phát triển vắc xin Covid-19 tại Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất