"Gấp 40 lần": Đặt cược lớn, Trung Quốc "soán ngôi" Mỹ tại vùng đất đặc biệt giàu tiềm năng

Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã để mắt tới châu Phi và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài.

12:30 29/09/2019

Đầu tư Trung Quốc tại châu Phi

Sau khi thực hiện chiến lược này, năm 2009, Trung Quốc đã "soán ngôi" Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Bắc Kinh hiện tại là chủ nợ lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia châu Phi. Trong vòng hơn 2 thập kỉ, Trung Quốc đã đầu tư khoản tiền trị giá 143 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng, đường sắt, sân bay, đường cao tốc và đập thủy điện - theo dữ liệu được tổng hợp bởi tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Trung-Phi tại Đại học Johns Hopkins, Washington.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chịu nhiều "tiếng xấu" trong quá trình đầu tư vào châu Phi.

Hiện tại, ngày càng có nhiều lời chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang khiến các nước châu Phi chịu gánh nặng nợ nần thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường - siêu dự án trị giá hàng trăm tỉ USD với mục tiêu nối liền giao thương của Trung Quốc với châu Âu, châu Phi nhờ vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách khống chế các nước châu Phi. Các công ty Trung Quốc đưa người Trung Quốc tới để làm những công việc mà người bản địa có thể làm. Bên cạnh đó, châu Phi cũng là nơi phải tiêu thụ hàng loạt mặt hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không đảm bảo chất lượng.

SCMP cho rằng, những lời cáo buộc này có thể không đúng hoàn toàn, nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia đã hình thành định kiến rằng Trung Quốc đang có những hành vi không đúng đắn tại châu Phi.

Gấp 40 lần: Đặt cược lớn, Trung Quốc soán ngôi Mỹ tại vùng đất đặc biệt giàu tiềm năng - Ảnh 1.

Một lớp học tại châu Phi. Ảnh: EPA

Vì vậy, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thay đổi hình ảnh tiêu cực thông qua một loạt các chương trình mới, bao gồm thành lập một loạt các Viện Khổng Tử. Được đặt tại các trường đại học trên khắp châu Phi, Viện Khổng Tử dạy tiếng và văn hóa Trung Quốc. Các viện này cũng có liên kết với các tổ chức như Alliance Francaise của Pháp và British Council của Anh.

Ngoài ra, tờ China Daily - báo tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc - cũng xuất bản một ấn phẩm hàng tuần tại châu Phi nhằm đề cao vai trò của Trung Quốc ở lục địa đen. Tân Hoa Xã, mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc cũng tham gia hoạt động ở châu Phi.

Các chuyên gia nhận định, nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông nói trên là xóa bỏ những "tiếng xấu" của Trung Quốc ở các khu vực trên thế giới.

Nỗ lực của Trung Quốc

Tuy nhiên, sáng kiến thể hiện sức mạnh mềm rõ rệt nhất của Trung Quốc ở châu Phi là chương trình học bổng giúp đưa hàng nghìn sinh viên châu Phi tới Trung Quốc, ở các cấp học đại học và sau đại học.

Năm ngoái, tại diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi tại Bắc Kinh, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ cấp 50.000 suất học bổng và 50.000 cơ hội đào tạo cho công dân châu Phi trong 3 năm tới - nhiều hơn 66% so với khoản cam kết hồi năm 2015.

Con số này cũng vượt xa các chương trình mà các quốc gia khác - bao gồm Anh và Mỹ - cấp cho châu Phi. Theo thông báo của các đại sứ quán Trung Quốc tại châu Phi, các khoản học bổng sẽ giúp chi trả học phí, viện phí và thậm chí cả chi phí sinh hoạt.

Cuối tháng 8 vừa qua, hàng nghìn học sinh châu Phi đã bắt đầu đi học tại các trường đại học Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cho biết số lượng học sinh châu Phi theo học tại các viện giáo dục của Trung Quốc trong năm nay đã đạt mức cao kỉ lục.

"Đây là quyền lực mềm mà Trung Quốc đang áp lên thế hệ tiếp theo," một chuyên gia nói. "Trung Quốc muốn những du học sinh châu Phi trong tương lai sẽ trở thành người tiêu dùng mới cho các sản phẩm Trung Quốc."

Trong vòng 15 năm, số du học sinh quốc tế tới học tại Trung Quốc đã tăng 6 lần, từ 77.715 sinh viên trong năm 2003 tới 492.185 sinh viên vào năm 2018 - theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Cũng trong giai đoạn này, số lượng sinh viên châu Phi tới học tại Trung Quốc đã tăng tới tận 40 lần, từ 1.793 trong năm 2003 tới 81.562 trong năm ngoái. Châu Á là khu vực có nhiều sinh viên tới học tại Trung Quốc nhất, với gần 300 nghìn sinh viên trong năm ngoái.

Tags:
Sống ở Mỹ không dễ như mọi người vẫn nghĩ

Sống ở Mỹ không dễ như mọi người vẫn nghĩ

Trở về thăm quê sau những ngày sống ở Mỹ, cựu người mẫu – diễn viên Bằng Lăng đã có cuộc nói chuyện với phóng viên Báo Gia đình Việt Nam để độc giả có thể hiểu hơn về cuộc sống của cô tại Mỹ trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, Bằng Lăng cũng chia sẻ nhiều hơn về những ý định muốn thực hiện của cô trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất